Trung Quốc, Nga đang dẫn đầu sự thúc đẩy thay thế vị trí đồng dollar Mỹ như một đồng tiền dự trữ của thế giới
Thế giới đang thách thức sự thống trị của đồng dollar Mỹ?
Trong thập niên qua, một số quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, đã tăng cường nỗ lực để loại bỏ sự phụ thuộc của họ vào đồng tiền dự trữ quốc tế chính này. Từ việc giảm bớt sự phổ biến của các giao dịch không sử dụng đồng dollar đến giảm tỷ lệ nắm giữ dollar trong dự trữ ngoại hối, các quốc gia đang áp dụng các biện pháp nhằm làm giảm ảnh hưởng của đồng dollar trong thương mại toàn cầu.
Ông Jim O’Neill, cựu kinh tế gia trưởng tại Goldman Sachs, gợi ý rằng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) nên mở rộng sự hiện diện và tăng cường hoạt động của liên minh này nhằm đe dọa quyền bá chủ của đồng bạc xanh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Viết trong một bài báo đăng ngày 26/03 trên Tạp chí Chính sách Toàn cầu, ông O’Neill đã công khai ủng hộ việc bổ sung thêm các thành viên mới vào nhóm này để củng cố các mục tiêu của nhóm nếu các quốc gia này đáp ứng được các tiêu chí ban đầu là duy trì dân số đông và có nền kinh tế đầy triển vọng.
Ông O’Neill viết: “Đồng dollar Mỹ đóng một vai trò quá nổi trội trong nền tài chính toàn cầu. Bất cứ khi nào Cục Dự trữ Liên bang tiến hành các giai đoạn thắt chặt tiền tệ, hoặc ngược lại, nới lỏng, thì hậu quả đối với giá trị của đồng dollar và các tác động gián tiếp đều rất lớn.”
Ông nói thêm, nếu phát triển, thì hiệp ước BRICS có thể tạo thuận tiện cho sự xuất hiện của một hệ thống tài chính toàn cầu đa tiền tệ.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Babakov đã ủng hộ đề nghị hợp tác của BRICS về việc tạo ra đồng tiền riêng.
“Thành phần của đồng tiền này nên dựa trên việc tạo ra các mối liên kết tiền tệ mới được thiết lập trên một chiến lược không bảo vệ đồng dollar Hoa Kỳ hoặc đồng euro, mà là hình thành một loại tiền tệ mới có khả năng mang lại lợi ích cho các mục tiêu chung của chúng ta,” ông đã nói tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vừa qua ở New Delhi, Ấn Độ.
Nam Phi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên lần thứ 15 từ ngày 22 đến 24/08.
Năm ngoái (2022), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ trong một bài nói chuyện trước những người tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS rằng “việc tạo ra đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia mà chúng ta đang được xem xét.”
Ông Putin nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chiến lược của Nga không thay đổi: trong khi tăng cường tiềm lực kinh tế, công nghệ và khoa học, chúng tôi sẵn sàng làm việc cởi mở với tất cả các đối tác công bằng trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích của nhau, thượng tôn vô điều kiện pháp luật quốc tế, và sự bình đẳng giữa các quốc gia và các dân tộc.”
Trong khi đó, các thành viên BRICS không chờ đợi một rổ tiền tệ để cạnh tranh với đồng dollar. Trong năm qua, nhiều trường hợp đã xảy ra khi Trung Quốc, Nga, và các đối tác khác tham gia vào thương mại xuyên quốc gia được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, đồng rúp, và các loại tiền tệ quốc gia khác.
Tăng tốc sự phi dollar sau cuộc xâm lược Ukraine
Vào tháng 05/2014, Trung Quốc và Nga đã nổ phát súng mở đầu trong sáng kiến phi dollar hóa, ký kết Thỏa thuận Hợp tác nhằm hạ thấp vị thế ở trên đỉnh ngọn núi tiền tệ của đồng dollar.
Nhưng trong khi đây là một vấn đề đã kéo dài hàng thập niên, thì các nỗ lực phi dollar hóa đã tăng tốc kể từ khi Moscow xâm lược Ukraine.
Trước hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột quân sự ở Đông Âu, chính phủ Hoa Kỳ cũng đóng băng dự trữ dollar của Nga, tiết lộ rằng Hoa Thịnh Đốn có thể đe dọa việc nắm giữ dollar của những người ngoại quốc nếu các quan chức không tán thành các hành động của một chính phủ khác. Một phản ứng ban đầu khác là chặn quyền truy cập của Nga vào Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Khoảng 300 ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga đã sử dụng nền tảng viễn thông ngân hàng này.
Tổng giám đốc Jamie Dimon của JPMorgan Chase đã cảnh báo rằng, việc chặn quyền truy cập của Nga vào SWIFT sẽ gây ra “những hậu quả không lường trước được,” trong khi Goldman Sachs cho rằng điều đó sẽ khuếch đại nỗ lực phi dollar hóa.
Ngân hàng cho biết: “Tuy nhiên, việc lạm dụng các quyền lực này có thể buộc các tác nhân khác cố gắng thay thế các giao dịch bằng dollar, như Nga đã làm ở một mức độ nào đó sau các lệnh trừng phạt trước đó.”
Sau khi phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt và hạn chế do phương Tây dẫn đầu vào năm 2014 trong bối cảnh sáp nhập Crimea, Điện Kremlin đã đầu tư vào một giải pháp thay thế SWIFT có tên là SPFS (Hệ thống Chuyển Thông điệp Tài chính).
Trung Quốc cũng đã bổ sung một giải pháp thay thế SWIFT khác có tên là Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS), đang phát triển đều đặn kể từ năm 2020. Tính đến tháng 02/2023, CIPS có gần 1,400 thành viên tham gia, giải quyết khoảng 13 ngàn tỷ USD.
Hôm 29/03, Brazil và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận quan trọng nhằm loại bỏ đồng USD và giải quyết các giao dịch tài chính và thương mại bằng đồng nhân dân tệ và đồng real để “thúc đẩy thương mại song phương lớn hơn nữa và tạo thuận lợi cho đầu tư.”
Thỏa thuận này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc hoàn tất giao dịch mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ. Giao dịch này được thực hiện giữa Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Total Energies của Pháp liên quan đến 65,000 tấn LNG có nguồn gốc từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố trong một chuyến công du đến Saudi Arabia hồi tháng 12/2022 rằng nước này sẽ tận dụng Sàn giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên Thượng Hải (SHPGX) để giải quyết thêm các giao dịch dầu khí bằng đồng nhân dân tệ.
Trong cuộc gặp với ông Tập, ông Putin xác nhận rằng Moscow sẽ ủng hộ việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các khoản thanh toán giữa Nga và các nước Phi Châu, Á Châu, và Mỹ Latinh. Ông Putin cũng khuyến khích thương mại song phương bằng đồng nhân dân tệ nhiều hơn.
Trước khi chiến tranh nổ ra, một lượng lớn giao dịch đồng rúp-nhân dân tệ không hề tồn tại. Tuy nhiên, kể từ đó, lượng thương mại song phương giữa đồng rúp và nhân dân tệ đã tăng vọt, chạm mức cao nhất là 200 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Cambodia và Iraq đã xác nhận rằng họ dự trù thực hiện nhiều giao dịch hơn bằng đồng nhân dân tệ.
Nói chuyện trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Một với hãng thông tấn Bloomberg TV ở Davos, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan thừa nhận rằng vương quốc này sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng bạc xanh.
“Không có vấn đề gì khi thảo luận về cách chúng tôi giải quyết các thỏa thuận thương mại của mình, cho dù đó là bằng USD, cho dù đó là đồng euro, cho dù đó là đồng riyal của Saudi,” ông nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang bác bỏ hoặc loại bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào sẽ giúp cải thiện thương mại trên toàn thế giới.”
Ông Al-Jadaan nói thêm, “Chúng tôi có được một mối bang giao chiến lược với Trung Quốc, và chúng tôi cũng có được mối bang giao chiến lược tương tự như vậy với các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, và chúng tôi muốn phát triển mối bang giao đó với châu Âu và các quốc gia khác có thiện chí và có thể hợp tác với chúng tôi.”
Nhiều người đã suy đoán rằng các quốc gia khác có thể tham gia chiến dịch này sau khi Saudi Arabia khôi phục bang giao với Iran và Syria.
Hồi tháng Một, Moscow và Tehran đã ký một thỏa thuận kết nối hệ thống viễn thông liên ngân hàng địa phương của Iran (SEPAM) với SPFS của Nga. Diễn biến này xảy ra vài tháng sau khi Sàn giao dịch Tiền tệ Iran (ICE) niêm yết cặp giao dịch đồng rúp-riyal, cho phép hai thị trường này giải quyết các khoản thanh toán thương mại bằng các loại tiền tệ này.
Bà Zongyuan Zoe Liu, một thành viên về kinh tế chính trị quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), cho rằng Ấn Độ có thể trở thành một đồng minh lớn trong trục chống lại đồng dollar này.
Bà nhận xét vào tháng 03/2022 rằng: “Mặc dù Ấn Độ đã không phải là một bên ủng hộ nhiệt tình cho quan hệ đối tác phi dollar hóa như vậy, nhưng họ đã phát triển các cách để giao dịch với Nga trong khi bỏ qua các lệnh trừng phạt.”
Chính phủ Ấn Độ đã xem xét một thỏa thuận thương mại bằng đồng rupee lâu dài hơn với Nga sau khi chứng kiến hàng nhập cảng tăng gần 400% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian từ tháng 04 đến tháng 12/2022. Hai bên đã thiết lập một cuộc trao đổi giữa đồng rupee và rúp để hoàn tất thương vụ mua bán vũ khí của Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Vàng và CBDC
Vàng và các loại tiền điện toán của các ngân hàng trung ương (CBDC) có thể đóng một vai trò nào đó trong quá trình phi dollar hóa một cách chớp nhoáng không?
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), vào năm 2022, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương lên cao kỷ lục, với việc các tổ chức này mua hơn 1,100 tấn vàng trị giá khoảng 70 tỷ USD. Đây là một sự thay đổi đột ngột, vì trong 30 năm qua các ngân hàng trung ương đa phần là những nhà bán ròng.
Trung Quốc đã mua 62 tấn vàng, lần đầu tiên nâng tổng lượng vàng lên hơn 2,000 tấn. Những nhà mua vàng là các ngân hàng trung ương thuộc những quốc gia gồm Thổ Nhĩ Kỳ (148 tấn), Ai Cập (47 tấn), Qatar (35 tấn), Iraq (34 tấn), Ấn Độ (33 tấn), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (25 tấn), và Oman (2 tấn).
Thông thường, các ngân hàng trung ương mua vàng để cân bằng dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa danh mục đầu tư, và phòng ngừa rủi ro đối với các loại tiền tệ pháp định.
“Cuộc khảo sát về vàng của ngân hàng trung ương thường niên mới đây nhất của chúng tôi nêu bật hai động lực chính khiến các ngân hàng trung ương quyết định nắm giữ vàng: hiệu suất của vàng trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của vàng như một kho lưu trữ giá trị dài hạn,” WGC cho biết trong báo cáo của mình. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một năm bị ảnh hưởng bởi bất ổn địa chính trị và lạm phát tràn lan, các ngân hàng trung ương đã chọn tiếp tục bổ sung vàng vào két của họ với một tốc độ nhanh hơn.”
Trong nhiều tháng qua, đã có nhiều đồn đoán rằng Nga và các đồng minh của họ đang chuẩn bị xây dựng một loại tiền ổn định được hỗ trợ bằng vàng cho hoạt động ngoại thương.
Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia khẳng định rằng những tin tức này có thể đã bị cường điệu hóa, thì khái niệm CBDC được sử dụng như một công cụ trong cuộc chiến chống dollar hóa rộng lớn hơn có thể trở thành hiện thực.
Trung Quốc đã dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy CBDC toàn cầu, thúc đẩy các chính phủ và ngân hàng trung ương khác tăng tốc nỗ lực số hóa tiền tệ của họ. Do đó, đồng nhân dân tệ điện toán đã được sử dụng ở một số thành phố lớn, với hơn 261 triệu ví điện tử nhân dân tệ. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã gặp phải một loạt trở ngại, trong đó có tỷ lệ sử dụng và áp dụng CBDC khá mờ nhạt.
Mặc dù có nhiều ví điện tử nhân dân tệ nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng số dư trung bình cho các ví cá nhân thực tế là không có gì.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết mối quan tâm còn lại là số lượng sử dụng ít ỏi ở ngoại quốc.
“Dường như việc không tìm được một vị trí nào trong lòng người tiêu dùng ngoại quốc đã cho thấy việc sử dụng cả đồng nhân dân tệ điện toán và đồng nhân dân tệ thông thường bên ngoài Trung Quốc là tương đối ít ỏi,” ông Theodore Benzmiller thuộc trung tâm CSIS viết. “Và trừ phi Trung Quốc có thể tăng cường niềm tin quốc tế vào hệ thống chính trị và các thể chế của họ, nếu không thì tình trạng đó sẽ vẫn như vậy.”
Ông Jonathan Dharmapalan, người sáng lập eCurrency Mint Limited và là cựu đối tác cao cấp tại bộ phận tư vấn của Deloitte, cho biết khi Bắc Kinh cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình giữa các loại tiền tệ trên thế giới, thì về mặt lý thuyết, CBDC có thể trợ giúp cho sáng kiến này.
Ông nói với The Epoch Times, “Từ lâu, Trung Quốc đã muốn trở thành quốc gia sở hữu đồng tiền thế giới hoặc đồng tiền dự trữ. CBDC sẽ giúp ích với điều đó không? Về tính thanh khoản, chúng ta sẽ phải xem ý định của Trung Quốc trong việc đưa CBDC lên một mức độ khác tạo thuận tiện cho các giao dịch. Không có gì bí mật khi họ nói rằng đó là điều họ muốn làm.”
Ông Dharmapalan nói thêm, CBDC cũng có thể có hiệu quả trong việc phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây, mặc dù “cần phải thực hiện các bước bổ sung.”
Các nhà quan sát địa chính trị khẳng định rằng mục tiêu do Trung Quốc dẫn đầu này dường như là phi dollar hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới trong nội bộ Á Châu, vốn đang nhận được sự ủng hộ trong khu vực.
Ông Robert Greene, một học giả không thường trú tại Chương trình Công nghệ và Quan hệ Quốc tế của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, lưu ý: “Năm ngoái được đánh dấu bằng một loạt hoạt động của các ngân hàng trung ương Á Châu nhằm khám phá cách thức mà cái gọi là CBDC bán sỉ có thể được tận dụng để thúc đẩy lợi ích quốc gia tương ứng của các quốc gia họ bằng cách cải thiện hiệu quả của dòng tài chính trong nước và nội khu vực.”
Các quan chức ngân hàng trung ương của Cambodia cho rằng CBDC có thể tăng cường phi dollar hóa và thúc đẩy đồng nội tệ.
Ngân hàng Quốc gia Cambodia (NBC) nêu trong một bạch thư, “Cambodia vẫn được xem là một nền kinh tế dollar hóa cao trong khi hầu hết các giao dịch vẫn dựa trên tiền mặt. Tình trạng này có thể cản trở việc thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ cũng như phát triển hệ thống thanh toán.”
Trong khi đó, ước tính có hơn 100 quốc gia đang trong giai đoạn làm việc với CBDC.
Ủy ban Âu Châu đã tuyên bố họ sắp ra mắt một đồng euro điện toán sẽ bổ sung cho tiền giấy và tiền xu euro. Cho đến nay, Canada mới chỉ đưa ra một quy trình tham vấn cộng đồng. Indonesia dự định sản xuất đồng rupiah điện toán theo cách tiếp cận ba giai đoạn. Brazil dự trù phát hành CBDC vào năm 2024. Nga và Nhật Bản sẽ thử nghiệm đồng rúp điện toán và đồng yên điện toán vào tháng Tư.
Nhìn chung, hai phần ba ngân hàng trung ương được Diễn đàn Tổ chức Tài chính và Tiền tệ Chính thức (OMFIF) khảo sát cho biết họ sẽ phát hành CBDC trong thập niên tới.
Đồng dollar bị mất vị thế?
Sau Đệ nhất Thế chiến, đồng dollar Hoa Kỳ bắt đầu thay thế đồng bảng Anh với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế. Sau Đệ nhị Thế chiến, cộng đồng quốc tế đã thành lập Hệ thống Bretton Woods, nâng vị thế đồng dollar Hoa Kỳ lên đồng tiền dự trữ của thế giới. Vào thời điểm đó, đồng dollar này được vàng hậu thuẫn. Năm 1971, Tổng thống đương thời Richard Nixon đã bãi bỏ khả năng chuyển đổi đồng dollar thành vàng. Tuy vậy, điều này không ảnh hưởng được đến sức hấp dẫn của đồng bạc xanh này, vì nó đã là một loại tài sản trú ẩn an toàn cho các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư toàn cầu trong nhiều thập niên.
Chỉ số Dollar Mỹ (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, cũng đã tăng mạnh vào năm ngoái nhờ chính sách thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang. Điều này làm cho việc nhập cảng hàng hóa của Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng hóa tính bằng đồng dollar, trở nên đắt đỏ hơn ở các thị trường ngoại quốc.
Theo Thành phần Tiền tệ của Dự trữ Ngoại hối Chính thức (COFER ) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng dollar Hoa Kỳ vẫn chiếm khoảng 58% dự trữ thế giới vào năm 2022, không thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với 72% vào đầu thế kỷ này.
Đồng thời, Trung Quốc có thể đang cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Mỹ khi nước này giảm nắm giữ công khố phiếu của Mỹ. Dữ liệu của Bộ Ngân khố cho thấy, hồi tháng Một, khoản nợ của Mỹ mà Bắc Kinh nắm giữ đã giảm khoảng 17% so với cùng thời kỳ năm ngoái xuống còn 859 tỷ USD, giảm từ mức 1,033 ngàn tỷ USD.
Mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia sẵn sàng chấp nhận đồng nhân dân tệ, bà Irina Tsukerman, một nhà phân tích địa chính trị và là chủ tịch của Scarab Rising, cho rằng “đồng dollar sẽ vẫn là đồng tiền được lựa chọn trong tương lai gần.”
“Các quốc gia Á Châu và Phi Châu quan tâm đến sự ổn định; đặc biệt, châu Phi không đủ khả năng chi trả cho các dự án đầu cơ,” bà nói với The Epoch Times. “Trải nghiệm với đồng nhân dân tệ tương đối mới lạ và được coi là rủi ro; đặc biệt, tất cả các bên liên quan đều lo ngại về lịch sử thao túng giá trị tiền tệ và định giá quá cao của Trung Quốc.”
Nhiều hệ thống và định chế kinh tế, chẳng hạn như IMF và Ngân hàng Thế giới, vẫn phụ thuộc vào đồng dollar, bà Tsukerman nói thêm.
Điều đó nói rằng, nếu Mỹ mất vị thế có đồng tiền dự trữ, thì “điều đó có nghĩa là đồng dollar Hoa Kỳ sẽ hết giá trị,” ông Monica Crowley, cựu Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề công của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, cảnh báo.
“Thật khó để phóng đại chính xác mức độ thảm khốc của việc từ bỏ đồng dollar Hoa Kỳ như là đồng tiền dự trữ toàn cầu của thế giới,” ông Crowley cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 25/03, và nói thêm rằng Hoa Kỳ đã “lạm dụng đặc quyền này thông qua chính sách tiền tệ và tài khoá liều lĩnh trong bao nhiêu năm.”
“Nếu quý vị nghĩ rằng tình trạng lạm phát hiện tại là rất xấu, thì hãy chờ đợi xem,” ông Crowley nói thêm. “Nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ mất đi sự thống trị về kinh tế, và chúng ta sẽ mất đi vị thế siêu cường của mình.”
Ông EJ Antoni, một nhà nghiên cứu về Kinh tế Khu vực tại Quỹ Di sản, tin rằng nhu cầu dollar ở ngoại quốc đã “cho phép Hoa Kỳ xuất cảng lạm phát, chi tiêu vượt quá khả năng của chúng ta và khiến người ngoại quốc phải hứng chịu thêm.” Nếu đồng dollar này vốn đã có mặt khắp thị trường quốc tế quay trở về quê nhà, thì đồng tiền sẽ cạnh tranh với hàng ngàn tỷ dollar đã có trong nước.
Ông đặt câu hỏi, “Nếu quá trình phi dollar hóa tiến triển, thì điều gì sẽ xảy ra với hàng ngàn tỷ dollar được tích lũy trên khắp thế giới kể từ năm 1944?”
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times