Tổng thống Pháp nói châu Âu nên giảm phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ sau khi gặp ông Tập Cận Bình
Trong bối cảnh có các bài báo cho rằng một số quốc gia đang “phi dollar hóa,” Tổng thống (TT) Pháp Emanuel Macron đã gợi ý trong một cuộc phỏng vấn mới rằng châu Âu nên giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Có một “nguy cơ lớn” là châu Âu “đang bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta, ngăn châu Âu xây dựng quyền tự chủ chiến lược của mình,” ông nói với Politico hồi cuối tuần này (03/04-09/04) khi đang bay trên một phi cơ từ Bắc Kinh đến Quảng Châu ở Trung Quốc sau cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ủng hộ khái niệm “quyền tự chủ chiến lược” của ông Macron vì các quan chức ĐCSTQ thường đề cập đến khái niệm này khi gặp gỡ các quan chức Âu Châu khác.
Ông nói, “Nghịch lý là, vượt qua sự hoảng loạn, chúng tôi tin rằng chúng tôi chỉ là những người đi theo sau Mỹ quốc,” ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn này. “Câu hỏi mà người Âu Châu cần trả lời là … việc thúc đẩy [một khủng hoảng] ở Đài Loan có nằm trong lợi ích của chúng ta hay không? Không. Điều tồi tệ hơn là người Âu Châu chúng ta phải trở thành những người đi theo sau chủ đề này và làm theo nghị trình của Hoa Kỳ cũng như phản ứng thái quá của Trung Quốc.”
Hôm thứ Bảy (08/04), Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tập trận quanh Đài Loan trong sự tức giận sau khi tổng thống của đảo quốc này, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) hôm thứ Tư (05/04). Trung Quốc xem Đài Loan được cai quản một cách dân chủ là lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của mình, trong khi chính phủ Đài Loan phản đối mạnh mẽ các yêu sách của Trung Quốc.
Ông Macron cũng cho rằng châu Âu phải tài trợ tốt hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ để hạn chế sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Ông Macron đã tới Trung Quốc cùng với một phái đoàn hùng hậu gồm 50 doanh nghiệp trong đó có Airbus và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF, những công ty đã ký kết các thỏa thuận trong chuyến thăm này.
Tuy nhiên, các quan chức Âu Châu khác có thể không nhất thiết phải có cùng quan điểm với ông Macron. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã tháp tùng tổng thống Pháp trong chuyến thăm của ông.
“Sự ổn định ở Eo biển Đài Loan là điều tối quan trọng,” bà cho biết rằng bà đã nói với ông Tập trong cuộc gặp ở Bắc Kinh hồi tuần trước. “Lời đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được.”
Theo Politico, ông Macron đã tỏ ra không đồng ý. “Người Âu Châu không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine; vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nói một cách đáng tin cậy về Đài Loan, ‘hãy xem chừng, nếu quý vị làm điều gì sai trái, chúng tôi sẽ ở đó’? Nếu quý vị thực sự muốn gia tăng căng thẳng thì đó là cách để làm điều đó,” ông nói với hãng thông tấn này.
Trong khi đó, ở Đài Loan, ông McCarthy đã kêu gọi “một tiếng nói” chống lại sự xâm lược của ĐCSTQ và nói rằng ông muốn chuyển vũ khí nhanh hơn đến quốc đảo này. “Đừng thả một khinh khí cầu trên không phận của chúng tôi. Đừng sử dụng các chiến thuật bắt nạt độc đoán,” ông cảnh báo chế độ này. “Điều đó sẽ không đi xa được đâu.”
Ông McCarthy cũng cho biết, “Sáu bảo đảm của Tổng thống Reagan đóng vai trò như là xương sống trong mối bang giao của chúng tôi với người dân Đài Loan. Các thành viên ở đây ngày hôm nay đều nói rõ rằng chúng tôi rất xem trọng sự ủng hộ của mình đối với người dân Đài Loan và quyết tâm nói cùng một tiếng nói.”
Các vấn đề về đồng dollar?
Ông Macron cũng gợi ý rằng các quốc gia Âu Châu nên giảm bớt sự phụ thuộc vào “đặc quyền ngoại giao của đồng dollar Mỹ,” điều mà cả Bắc Kinh và Moscow đều ủng hộ mạnh mẽ. “Nếu căng thẳng giữa hai siêu cường này nóng lên … thì chúng ta sẽ không có thời gian cũng như nguồn lực để tài trợ cho quyền tự chủ chiến lược của mình và chúng ta sẽ trở thành các nước chư hầu,” ông nói.
Đã có suy đoán cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Brazil, Iran, và thậm chí cả Pháp có thể sẽ chấm dứt vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới đối với đồng dollar Mỹ, một vị thế mà đồng tiền này đã nắm giữ kể từ sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Saudi Arabia cũng được cho là đang đàm phán tích cực với Bắc Kinh để định giá một số doanh số bán dầu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng dollar.
Trong một tuyên bố từ chính phủ Brazil hồi tháng trước, Brazil và Trung Quốc đã đồng ý giao dịch bằng đồng tiền riêng của họ và sẽ không sử dụng đồng dollar làm trung gian. Thay vào đó, họ sẽ trao đổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc với đồng reais của Brazil thay vì chuyển đổi sang đồng dollar.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times