Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD sụp đổ?
Đó sẽ là cú nhử mồi vĩ đại nhất trong lịch sử
Trong vài tuần qua, nhiều nước lớn đã rời bỏ đồng USD, làm dấy lên ngờ vực về vai trò thống trị lâu năm của đồng USD trên thế giới. Tám tuần trước, chỉ các quốc gia bị bỏ rơi như Iran hay Nga cố gắng phi dollar hóa. Giờ thì đến cả Brazil, Pháp, và thậm chí là Saudi Arabia — trụ cột của thỏa thuận “USD dầu mỏ” kéo dài hàng thập niên — cũng làm như vậy.
Nếu đồng USD mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu, thì đó sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế Mỹ. Thảm họa đối với người dân Mỹ, những người mà nhờ có họ thì vị thế đồng tiền dự trữ này mới có thể được gây dựng nên trong 80 năm qua. Và điều đó sẽ khiến hàng tỷ người ngoại quốc, những người mà đối với họ đồng USD mang ý nghĩa là hàng thập niên bị bắt nạt, trở thành nạn nhân của vụ treo đầu dê bán thịt chó lớn nhất trong lịch sử.
Đồng USD trước bờ vực rủi ro
Hồi cuối tháng Ba, Saudi Arabia tuyên bố sẽ định giá dầu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ngay cả CNN cũng lo lắng, trong một lần hiếm hoi nhận thức được tình hình, đồng thời Fox đã sợ hãi về siêu lạm phát “Weimar.”
Đồng USD đã trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu mà không có đối thủ kể từ những năm 1940. Vị thế đồng tiền dự trữ trông có vẻ tuyệt vời: Quý vị có thể in các chồng giấy màu xanh lá cây và người ngoại quốc cung cấp cho quý vị những thứ thú vị như các lò nướng bánh, những chiếc xe hơi sang trọng, và các mỏ đồng. Vấn đề là ai được lợi — ai được hưởng lợi khi người ngoại quốc khao khát giấy xanh?
Thật không may, người thụ hưởng ở đây không phải là người dân Mỹ, mà là bất cứ ai đang in tiền: Cục Dự trữ Liên bang, tức là cái Bộ Ngân khố mà cục này chuyển lợi nhuận bất chính của mình sang cho, và — quý vị đoán đúng rồi đấy — các ngân hàng thương mại Wall Street.
Để hiểu tại sao, hãy tưởng tượng người ngoại quốc không muốn tiền dollar Mỹ nữa. Fed và các ngân hàng chỉ còn có thể in một ít tiền, vì in nhiều sẽ tạo ra lạm phát và cử tri sẽ [nổi đóa mà] ném họ ra ngoài.
Nhưng nếu người ngoại quốc muốn có nhiều tiền dollar Mỹ, thì Fed và các ngân hàng có thể in ra một lượng tiền tương ứng với nhu cầu đó. Tiền in ra giống như một dòng sông chảy vào nguồn cung tiền, tương ứng với một dòng sông chảy ra cho người ngoại quốc. Còn hồ chứa thì vẫn ổn định và cử tri không nổi loạn.
Nhưng hãy chú ý xem lợi nhuận đã đi về đâu. Dòng sông chảy ra cho người ngoại quốc không chảy về phía chúng ta, những người nắm giữ USD — chúng ta là hồ chứa, chúng ta không thay đổi. Lợi nhuận đã đi thẳng qua chúng ta đến nguồn của dòng sông: Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Wall Street.
Vì vậy, giống như phần còn lại của hệ thống tài chính thân hữu của chúng ta, đó là một dòng chảy hối hả. Người dân Mỹ nghĩ rằng họ đang được hưởng lợi từ vị thế dự trữ của đồng USD, nhưng lợi nhuận đã bị hút ra và trao cho những người thiết kế phi vụ trục lợi từ thể chế mà chúng ta quen gọi là hệ thống tài chính này.
Gia nhập Weimar
Giờ thì, đây là vấn đề: Nếu người ngoại quốc đột nhiên không muốn USD nữa thì sao?
Có thể Trung Quốc đang trả tiền cho họ để bán dầu bằng đồng nhân dân tệ, hoặc có thể Fed đã không còn kiểm soát được tình hình và đã tạo ra quá nhiều lạm phát.
Nhu cầu cạn kiệt, đồng USD bắt đầu mất giá, và người ngoại quốc bắt đầu lo lắng về số tiền tiết kiệm cả đời của họ còn ngân quỹ của doanh nghiệp thì đang tan chảy. Họ bán hết USD. Lúc đầu chỉ là một chút, sau đó khi quá trình này tăng tốc thì họ sẽ bán ngày càng nhiều hơn.
Giờ thì dòng sông chảy về phía người ngoại quốc đó bắt đầu đảo chiều: dòng tiền chảy ngược lại vào hồ chứa. Đồng USD sụp đổ. Bảy mươi năm in tiền của Fed và Wall Street ùa về như một cơn sóng thần trào qua một hẻm núi. Chúng ta đang nói về lạm phát ít nhất là hai con số, xảy ra trong nhiều năm.
Nếu họ làm hỏng chuyện lần này, thì vị thế đồng tiền dự trữ có thể trở thành một cái bẫy, một thảm họa tuyệt đối cho người dân Mỹ.
Quá trình phi dollar hóa có những giai đoạn nào?
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD sụp đổ?
Đầu tiên, người ngoại quốc sẽ không cần nhiều USD đến mức đó nữa. Nghĩa là không ai muốn có thêm USD. Điều này làm cho giá của đồng USD giảm xuống — và đồng USD trở nên yếu hơn.
Thường là mức độ yếu đi của đồng tiền lúc đầu thì chậm, sau đó sẽ tăng tốc nếu quá trình này tiếp diễn, rồi dần dần tiến triển thành một cuộc chạy đua bán tháo. Diễn biến này là vì những người bán đầu tiên chỉ lỗ một chút, nhưng nếu họ đợi càng lâu, thì họ sẽ càng lỗ nhiều hơn.
Còn ai vào đây là những người phải hứng chịu hậu quả khi đồng USD ngày càng trở nên vô giá trị? Dễ thấy thôi: Người dân Mỹ. Những người duy nhất trên trái đất thực sự buộc phải sử dụng đồng USD theo một đạo luật khó hiểu được thông qua vào năm 1862 do một tình trạng khẩn cấp thời chiến, nhưng vẫn xoay xở để tồn tại được 151 năm.
Vì vậy, người Mỹ không có lựa chọn nào khác: trừ phi quý vị đổi USD của mình lấy vàng, Bitcoin, hoặc dê, nếu không thì quý vị sẽ chết chìm cùng con tàu.
Chuyện gì sẽ xảy ra với những người Mỹ đó? Đồng USD giảm làm tăng giá của mọi mặt hàng đến Mỹ. Nhưng sự mất giá của đồng USD cũng làm tăng giá của bất cứ mặt hàng nào được giao dịch trên thị trường thế giới. Có nghĩa là nguyên liệu thô và linh kiện nhập cảng thúc đẩy các nhà máy Mỹ và duy trì người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ tăng giá.
Những mặt hàng đầu tiên có giá tăng vọt sẽ là xăng, nhiên liệu sưởi ấm, và thực phẩm — đó đều là những mặt hàng của thị trường thế giới. Cùng với các loại thuốc theo toa, vì Trung Quốc ngày càng siết chặt quyền kiểm soát nhờ hành động ngu xuẩn là đặt ra quá nhiều quy định của chúng ta — thật vậy, thực tế này ít nhiều đúng với mọi sản phẩm tiêu dùng mà Trung Quốc thống trị: chúng ta đã tự bắn vào chân mình, và giờ đây hậu quả đang quay lại cắn chúng ta.
Tiếp theo, những mặt hàng đắt đỏ đó cùng với giá các nguyên liệu đầu vào truyền ra thông qua chuỗi cung ứng. Đẩy giá lên trong hết ngành này đến ngành khác — xe hơi, vật liệu xây dựng như thép hoặc bê tông, quần áo, đồ nội thất, TV, máy tính, thiết bị y tế.
Đã qua rồi thời của những thứ xa xỉ có giá phải chăng — giờ đây quý vị phải nỗ lực để có được những thứ ấy.
Sự kiện chính: Các dòng vốn chảy ra
Và đó là lúc sự kiện chính bắt đầu: các dòng vốn chảy ra.
Nếu người ngoại quốc cảm thấy lo lắng, thì họ sẽ không chỉ bán USD thôi đâu, mà còn bán cả các tài sản bằng USD. Bắt đầu với tài sản có thanh khoản cao nhất: cổ phiếu, trái phiếu, công khố phiếu. Những thứ này rất dễ giao dịch — cổ phiếu IBM dễ bán hơn so với một nhà máy của Đài Loan ở Wisconsin — vì vậy những thứ này được bán trước.
Khoảng 40% cổ phiếu và khoảng ⅓ trái phiếu doanh nghiệp Mỹ thuộc sở hữu của người ngoại quốc. Nếu người ngoại quốc bắt đầu tháo chạy, thì cả hai loại tài sản này sẽ rớt giá. Sự tháo chạy này có thể khiến quý vị mất gần một nửa số tiền 401(k) của mình và có thể đẩy chi phí đi vay lên mức không tưởng đối với các công ty. Đến lượt mình, sự thất thoát giá trị tài sản này sẽ dẫn đến các vụ phá sản hàng loạt bên cạnh làn sóng phá sản mà Fed đã thiết kế để cố gắng ngăn chặn lạm phát mà chính họ khởi lên.
Không dừng lại ở đó: ⅓ số công khố phiếu Hoa Kỳ — tức hơn 8 ngàn tỷ USD trái phiếu — là thuộc sở hữu của người ngoại quốc. Nếu người ngoại quốc bắt đầu bán phá giá những trái phiếu này, thì sẽ khiến việc trả nợ của chính phủ Hoa Kỳ tăng vọt hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Hoặc, nhiều khả năng hơn, việc bán phá giá sẽ buộc Fed phải can thiệp và mua hết số nhu cầu [bán ra] đó của người ngoại quốc, và đổ thêm hàng ngàn tỷ USD vào nền kinh tế.
Diễn biến này sẽ đẩy lạm phát quay trở lại mức hai con số chỉ qua một đêm.
Kết luận
Có nhiều cách để ngăn chặn điều này. Nhưng với trò hề tăng mức trần nợ một lần nữa của Hoa Thịnh Đốn, cùng với nỗi ám ảnh của chính phủ này về các biện pháp trừng phạt khiến các quốc gia ngoại quốc sợ hãi tháo chạy khỏi đồng USD, thì Hoa Thịnh Đốn còn rất cách xa việc có suy nghĩ chín chắn về việc điều chỉnh tốt lại con tàu này.
Mất đi vị thế đồng tiền dự trữ sẽ tàn phá nền kinh tế Mỹ và tàn phá người dân Mỹ. Không quốc gia nào cần vị thế đồng tiền tệ dự trữ — xét cho cùng, điều đó không mang lại lợi ích cho người dân. Nhưng, giống như khi leo vách đá mà không có dụng cụ, một khi đã leo lên được nửa đường, thì tốt hơn hết là quý vị không nên buông tay ra.
Bài viết này được phát hành lần đầu trên Substack.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times