Ông Macron nói rằng ông biết người dân Pháp phẫn nộ, nhưng vẫn bảo vệ luật hưu trí
PARIS — Hôm thứ Hai (17/04), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay ông biết người dân phẫn nộ về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó là cần thiết để duy trì hệ thống hưu trí khi dân số già đi.
Ở nhiều thành phố, những người phản đối luật hưu trí này đã xuống đường gõ xoong chảo trong lúc ông Macron đang thực hiện bài diễn văn được phát hình. Họ hô vang: “Ông Macron không lắng nghe chúng tôi ư? Chúng tôi sẽ không nghe lời ông ấy!”
Tại Paris, những cuộc tụ tập này nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tự phát ở một số khu phố, với một số người đốt thùng rác trong lúc cảnh sát cố gắng giải tán đám đông. Ở các thành phố phía tây Rennes và Nantes, hàng trăm người cũng bắt đầu tuần hành.
Ở nhiều nơi khác trên khắp nước Pháp, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra một cách ôn hòa, với những người hô vang và nhảy múa trước các tòa thị chính trong âm thanh của những chiếc xoong chảo được sử dụng làm trống. Nhiều người phản đối những thay đổi này, xem chúng là không công bằng, lập luận rằng chính phủ có thể tăng thuế đối với những người giàu có hoặc các chủ doanh nghiệp.
Trong bài diễn văn của mình, ông Macron cho biết “những thay đổi này là cần thiết để bảo đảm chế độ hưu trí của mọi người,” sau khi ông ban hành luật này hôm thứ Bảy (15/04). “Những thay đổi đó đại diện cho một nỗ lực, đó là sự thật.”
Ông nói thêm: “Dần dần làm việc nhiều hơn cũng có nghĩa là tạo ra nhiều của cải hơn cho toàn bộ đất nước chúng ta.”
Ông Macron đã nhấn mạnh rằng không có sự đồng thuận giữa các nghiệp đoàn và các đảng phái chính trị khác. Ông thừa nhận: “Đợt cải tổ này đã được chấp nhận chưa? Rõ ràng là chưa.”
Bài diễn văn buổi tối này mở màn cho một trận chiến cam go có thể xảy ra đối với vị tổng thống Pháp này. Ông đang cố gắng khắc phục những thiệt hại đã xảy ra đối với hình ảnh trước công chúng và chính trị của mình khi buộc Quốc hội thông qua kế hoạch hưu trí hồi tháng trước.
Ông Macron thừa nhận “sự phẫn nộ” về các vấn đề giá cả tăng cao và việc làm không “cho phép quá nhiều người Pháp có cuộc sống sung túc.”
Ca ngợi “phong thái bình tĩnh và tôn trọng” mà hầu hết mọi người đã thể hiện, ông nói “không ai, đặc biệt là tôi, có thể làm ngơ trước yêu cầu đòi công bằng xã hội và đổi mới đời sống dân chủ của chúng ta.”
Ông cho biết ông vẫn sẵn lòng đón tiếp các nghiệp đoàn, vốn đã từ chối lời mời gặp ông hôm thứ Ba.
Ông tuyên bố các cuộc đàm phán trong những tháng tới về “các vấn đề chính” như cải thiện thu nhập của nhân viên, thúc đẩy sự nghiệp chuyên nghiệp, phân chia của cải tốt hơn và cải thiện các điều kiện làm việc, kể cả đối với những người lao động lớn tuổi hơn.
Ông Macron hy vọng những đề nghị của mình sẽ giúp đất nước này thoát khỏi giai đoạn biểu tình và đình công về tuổi nghỉ hưu vốn đe dọa những tham vọng về bốn năm cầm quyền còn lại của ông.
Các cuộc tụ tập của những người phản đối đã bị các nhà chức trách ở hai thành phố Dijon và Marseille cấm, và các quận địa phương cho rằng có nguy cơ gây “mất trật tự công cộng.”
Trước đó tại Marseille, cảnh sát đã bắt giữ 13 người sau khi các đồng hồ đo gas và điện bị ném xuống bên ngoài một tòa nhà chính phủ trong một cuộc biểu tình bất thường của nghiệp đoàn nhằm phản đối sự các thay đổi hưu trí. Cảnh sát cho biết có một tiếng nổ lớn khi các đồng hồ đo bị ném xuống và một viên cảnh sát đang canh gác đã bị các mảnh vỡ bay trúng.
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Elisabeth Borne cho biết rằng chính phủ sẽ tiến hành nhiều cải tổ hơn khi luật hưu trí này đã được ban hành. “Trong những tuần và tháng tới… chúng tôi quyết tâm tăng tốc,” bà nói với hội đồng quốc gia thuộc Đảng Phục Hưng của ông Macron.
Ông Macron đặc biệt cam kết đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống khoảng 5%. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp gần đây đạt 7.2%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Bị suy yếu trong Quốc hội, nơi liên minh của ông đã mất khối đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử lập pháp năm ngoái, chính phủ của ông Macron cần nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp từ các lực lượng chính trị đa dạng để thúc đẩy chương trình của mình. Đó có thể là một nhiệm vụ khó khăn trong bầu không khí phản đối náo động do những thay đổi về chính sách hưu trí của ông ảnh hưởng đến mạng lưới an sinh xã hội được yêu mến của Pháp.
Bà Borne cho biết hôm thứ Bảy rằng bà “tin chắc” rằng vẫn “có thể” thông qua các dự luật tại Quốc hội bằng cách đàm phán với các nhà lập pháp từ cánh tả và cánh hữu trong từng trường hợp cụ thể.
Các nghiệp đoàn đi đầu trong các cuộc biểu tình, điều động hàng triệu người tuần hành trong 12 ngày biểu tình và đình công trên toàn quốc kể từ tháng Một, đang cam kết sẽ tiếp tục tranh đấu. Họ đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn khác vào ngày 01/05 — Ngày Quốc tế Lao động.
Những thay đổi về hưu trí này đã được ban hành thành luật hôm thứ Bảy, một ngày sau khi cơ quan theo hiến định của đất nước này đã bác bỏ một số phần của dự luật nhưng vẫn chấp thuận tuổi về hưu tối thiểu cao hơn.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times