Pháp: Người biểu tình phản đối cải tổ lương hưu nhắm đến nhà hàng ưa thích của Tổng thống Macron
PARIS — Các cuộc đụng độ đã nổ ra ở Paris cạnh một nhà hàng thuộc vùng Tả Ngạn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ưa thích, trong bối cảnh người biểu tình đốt thùng rác và đập phá hai ngân hàng trong ngày thứ mười một của cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại việc cải tổ lương hưu.
Nhà hàng La Rotonde, nơi có mái hiên bị đốt cháy khi những người biểu tình ném chai lọ và sơn vào cảnh sát, là một địa điểm nổi tiếng ở Pháp vì từng tổ chức một bữa tiệc tối ăn mừng bị chỉ trích rất nhiều cho ông Macron khi ông dẫn đầu vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
Các cuộc biểu tình phản đối chính sách cải tổ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron, nâng tuổi về hưu thêm hai năm lên 64 tuổi, đã bắt đầu hồi giữa tháng Một và đã phát triển thành một làn sóng phản đối kịch liệt đối với vị tổng thống này.
Tối hôm thứ Năm (06/04), các nghiệp đoàn lao động đã kêu gọi một ngày biểu tình trên toàn quốc vào ngày 13/04.
“Hãy đình công, phong tỏa, ông Macron hãy cút đi!” những người biểu tình hô vang ở thành phố phía tây Rennes, nơi cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình đang ném đá vào họ và đốt các thùng rác.
Các cuộc biểu tình trên đường phố ngày càng trở nên bạo lực kể từ khi chính phủ Pháp thúc đẩy luật lương hưu thông qua nghị viện mà không có một cuộc bỏ phiếu cuối cùng nào do thiếu sự ủng hộ của các nhà lập pháp.
Nhưng các ước tính của cảnh sát cho thấy số người tham gia có thể sẽ giảm dần.
Hôm thứ Năm, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ trong trang phục màu đen kín mít đã đập vỡ cửa sổ của hai ngân hàng và giao chiến với cảnh sát chống bạo động trong các cuộc giao tranh gay cấn dọc theo tuyến đường biểu tình.
Một cảnh sát đã bất tỉnh trong thời gian ngắn sau khi bị một hòn đá đập trúng mũ bảo hộ.
Cảnh sát cho biết tổng cộng có 77 thành viên trong lực lượng cảnh sát đã bị thương và 31 người biểu tình đã bị bắt tính đến 18 giờ 20 phút theo giờ GMT tại Paris.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri phản đối luật cải tổ lương hưu. Nhưng một nguồn tin thân cận với ông Macron nói rằng đó không phải là điều quan trọng.
“Nếu vai trò của một tổng thống nước cộng hòa là đưa ra quyết định dựa theo ý kiến của công chúng, thì không cần phải tổ chức các cuộc bầu cử,” nguồn tin này cho biết. “Trở thành tổng thống là đảm đương những lựa chọn có thể sẽ không được ưa chuộng tại một thời điểm nhất định.”
‘Rút lại cải tổ này’
Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn và những người biểu tình cho biết cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng là dỡ bỏ luật này, một lựa chọn mà chính phủ đã nhiều lần bác bỏ.
“Không có giải pháp nào khác ngoài việc rút lại cải tổ này,” lãnh đạo mới của nghiệp đoàn CGT theo đường lối cứng rắn, bà Sophie Binet, cho biết vào thời điểm bắt đầu cuộc biểu tình ở Paris.
Số người đình công trong trường học và tình trạng gián đoạn giao thông xe lửa đã giảm hôm thứ Năm so với một tuần trước đó. Trên các con đường, nghiệp đoàn CGT theo đường lối cứng rắn cho biết khoảng 400,000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở Paris, giảm so với số lượng 450,000 người hồi tuần trước (03/04-09/04). Bộ Nội vụ Pháp cho biết có 57,000 người đã tham gia biểu tình ở Paris, giảm mạnh so với con số 93,000 người được báo cáo một tuần trước đó (27/03-02/04).
Trên toàn quốc, có đến 570,000 người tuần hành phản đối cải tổ này vào hôm thứ Năm, giảm so với 740,000 người vào một tuần trước đó.
Những con số kể trên có thể mang lại một chút hy vọng cho các quan chức, những người nói rằng họ tin là các cuộc biểu tình có thể đang dần mất đi động lực.
Ông Laurent Berger, lãnh đạo của nghiệp đoàn CFDT ôn hòa, nói với kênh truyền hình France 5 rằng những con số này là quá lớn cho ngày biểu tình thứ mười một.
“Vấn đề thực sự là đang có sự phẫn nộ và tức giận lan rộng trong xã hội,” ông Berger nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông lên án bạo lực.
Một ngày quan trọng đối với vấn đề này là hôm 14/04, khi Hội đồng Bảo hiến của Pháp đưa ra phán quyết về dự luật lương hưu này. Các chuyên gia Hiến Pháp nói rằng hội đồng ít có khả năng sẽ bãi bỏ luật này, điều có thể giúp làm suy yếu các cuộc biểu tình.
Bà Binet đến từ CGT cho biết, “Việc điều động sẽ tiếp tục, bằng cách này hay cách khác … Đó là một cuộc đua đường dài.”
Tại cuộc biểu tình ở Paris, y tá Soraya Bouadouia nói: “Tôi sẽ ở đây cho đến khi cải tổ lương hưu được rút lại, đây là một cải tổ hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Do Antony Paone, Sarah Meyssonnier, và Ingrid Melander của Reuters thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times