BRICS cân nhắc phát hành đồng tiền được bảo đảm bằng vàng để thách thức đồng USD
Người ta nói rằng tất cả những gì lấp lánh không phải là vàng. Thế nhưng, đối với một số quốc gia, vàng thể hiện một bước hướng tới việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ.
Một khối thương mại mới nổi gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi — thường được gọi là BRICS — đã làm dấy lên những đồn đoán trên toàn cầu về việc họ có thể sẽ công bố một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng tại hội nghị thượng đỉnh thường niên vào năm nay.
Được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22 đến ngày 24/08, hội nghị BRICS sẽ đề cập đến các tiêu chí cho các quốc gia ghi danh trở thành thành viên mới và một nghị trình mở rộng.
Hiện đã có 22 quốc gia nộp đơn xin gia nhập khối thương mại này.
Ông Anil Sooklal, đại sứ BRICS của Nam Phi, nói với các phóng viên hồi tháng Bảy, “22 quốc gia đã chính thức tiếp cận các quốc gia BRICS để trở thành thành viên toàn diện. Có một số lượng tương đương các quốc gia đã yêu cầu một cách không chính thức về việc trở thành thành viên BRICS.”
Theo ông Sooklal, trong số đó, các nước có triển vọng làm thành viên mới là Iran, Saudi Arabia, Argentina, và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất trong nghị trình của hội nghị thượng đỉnh này là cuộc thảo luận được cho là về một đồng tiền chung. Những bình luận từ các quan chức Nga đã gây xôn xao dư luận quốc tế trong thời gian chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Lúc đầu, RT News đưa tin hôm 05/07, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Kenya tuyên bố: “Các nước BRICS đang dự định giới thiệu một loại tiền tệ giao dịch mới, sẽ được bảo đảm bằng vàng.”
Theo đó, sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi hồi tháng Bảy, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Aleksandr Babakov đã nhắc lại quan điểm này và cho biết BRICS và các quốc gia Phi Châu khác đang phát triển một đồng tiền chung để thách thức đồng dollar Mỹ.
Ông Babakov nói: “Đây không phải là nhân dân tệ, cũng không phải đồng rúp. Đã có những công thức nhất định. Cái tên không quan trọng, nhưng đó phải là một dạng tương tự như đồng dollar.”
“Xét cho cùng, xét về tiềm năng ngày nay, BRICS lớn hơn G7. Tức là, tiềm năng của thị trường mà loại tiền này có thể hoạt động là rất rộng. Không có lý do gì để bị ràng buộc với đồng dollar [Mỹ].”
Một số chuyên gia về hàng hóa và các nhà kinh tế cho rằng một loại tiền tệ chung cho khối thương mại này — đặc biệt là loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng — có thể đe dọa sự thống trị của đồng dollar Mỹ. Tuy nhiên, có những rào cản đáng kể mà các quốc gia BRICS đầy tham vọng cần phải giải quyết trước tiên.
Con dao hai lưỡi
Ông Michael Barton nói với The Epoch Times, “Một đồng tiền chung cho BRICS là một ý tưởng vừa hấp dẫn vừa phức tạp. Một bữa trưa bàn công việc với đại diện ngân hàng trung ương BRICS nhiều năm trước đã khiến tôi suy nghĩ về những thách thức thực sự trong việc biến điều đó thành hiện thực.”
Ông Barton là một cố vấn tài chính và là cộng tác viên cao cấp cho Wallet Savvy. Ông lưu ý rằng kết cấu kinh tế đa dạng của các quốc gia BRICS, cùng với tỷ lệ lạm phát khác nhau và các hành động cân bằng thương mại tinh tế, tạo ra những rào cản đáng kể đối với giấc mơ về một đồng tiền chung.
Tuy vậy, ông nghĩ rằng khả năng tự cung tự cấp và sức mạnh đàm phán gia tăng có thể mang lại sức hấp dẫn để thúc đẩy các nước cố gắng hướng đến vàng.
Ông Barton nói: “Một loại tiền tệ chung sẽ phải vượt qua các rào cản quản trị và khả năng chống đối từ các đồng minh kinh tế riêng lẻ. Sức mạnh của BRICS thực sự nằm ở sự đa dạng của họ, nhưng khi chúng ta nói về một loại tiền tệ thống nhất, thì sức mạnh này trở thành một thách thức nhiều mặt. Sự đa dạng có thể mang đến các kết quả đối lập.”
Và trong khối đã xuất hiện sự phản đối một loại tiền tệ chung.
Cùng trong tuần mà Đại sứ quán Nga đã gây xôn xao với những bình luận của mình, thì Ngoại trưởng Ấn Độ, ông S. Jaishankar, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng đất nước của ông không có ý định ủng hộ cho đồng tiền BRICS.
Thay vào đó, ông Jaishankar cho biết Ấn Độ đang ưu tiên củng cố đồng rupee.
Khi được hỏi về danh sách các chủ đề cho hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông trả lời: “Về những gì chúng tôi sẽ thảo luận tại cuộc họp BRICS, chúng tôi sẽ phải xem xét vì còn nhiều vấn đề khác — nhưng không có ý tưởng nào về một loại tiền tệ của BRICS.”
Ngoài các tuyên bố trái chiều, có bằng chứng cho thấy các quốc gia thành viên đang cân nhắc nghiêm túc về một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng.
Chiếc vé bằng vàng
Năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua vàng với tốc độ kỷ lục, và các nước BRICS nằm trong số những nước mua vàng nhiều nhất. Trong hai tháng đầu năm 2023, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ đều tăng lượng vàng nắm giữ với tốc độ đáng kinh ngạc.
Trung Quốc đứng đầu về các thương vụ mua vàng thỏi với gần 40 tấn, trong khi Nga mua vào 31.1 tấn. Ấn Độ cũng mua 2.8 tấn. Tính đến tháng Bảy năm nay, Trung Quốc đã bổ sung vào lượng vàng dự trữ trong tám tháng liên tiếp.
Suy cho cùng, các quốc gia BRICS có cùng một quan điểm chung cơ bản: mong muốn sâu xa là chuyển hướng khỏi việc sử dụng dollar Mỹ.
Một báo cáo gần đây của nhà đầu tư Hoa Kỳ đã lưu ý: “Lần đầu tiên, tỷ trọng của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua tỷ trọng của các quốc gia G7 … trên cơ sở sức mua tương đương.”
Chuyên gia tài chính Andrew Lokenauth nói với The Epoch Times: “Một đồng tiền được bảo đảm bằng vàng có thể sẽ có tác động đáng kể đến đồng dollar Mỹ vốn là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nếu các nước BRICS bắt đầu sử dụng đồng tiền được bảo đảm bằng vàng để giao dịch, thì điều đó sẽ giúp họ giảm phụ thuộc vào dollar Mỹ.”
Ông Lokenauth đã làm việc cho các công ty hàng đầu ở Wall Street và thành lập TheFinanceNewsletter.com. Ông tin rằng một loại tiền tệ của BRICS có thể dẫn đến sự sụt giảm chung về giá trị đồng dollar Mỹ vì đồng tiền này sẽ không còn được sử dụng rộng rãi.
Ông nói: “Ngoài ra, một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng sẽ ổn định hơn so với đồng dollar Mỹ, vốn hay bị biến động do các yếu tố kinh tế và chính trị. Điều này có thể khiến tiền tệ được bảo đảm bằng vàng trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các quốc gia đang mong muốn nắm giữ một loại tiền tệ an toàn và đáng tin cậy.”
Tuy nói như thế, nhưng ông Lokenauth đã nói thêm về rất nhiều rào cản giữa ý tưởng và việc khai triển thành công một loại tiền tệ chung. Ông Andrew Gosselin, một người trong ngành tài chính và là cộng tác viên cao cấp tại MoneyInc., tán thành ý kiến này.
Ông Gosselin nói với The Epoch Times, “Ý tưởng về một đồng tiền chung rất hấp dẫn, nhưng đừng quên kinh nghiệm của Liên minh Âu Châu. Bản thân đồng Euro cũng gặp những thách thức riêng. Với BRICS, quý vị đang đương đầu với các quốc gia đa dạng về văn hóa, chính trị, và kinh tế.”
Ông nói rằng, ngoài những thách thức to lớn về tiếp liệu, còn có những vấn đề cần xét đến như niềm tự hào dân tộc, các quy định kiểm soát, và các ưu tiên cá nhân.
“Ví dụ ngành nông nghiệp của Brazil hay ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ; hai ngành này có những nhu cầu khác nhau. Một cách tiếp cận chung phù hợp cho tất cả à? Không chắc đâu.”
Tuy nhiên, ông Gosselin thừa nhận rằng ngay cả những lời xì xào bàn tán về một đồng tiền BRICS được bảo đảm bằng vàng cũng sẽ gây ra những gợn sóng trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là đối với Hoa Kỳ.
Nhìn chung, các nhà phân tích tài chính, kinh tế, và chính trị đều đồng tình rằng nỗ lực lưu hành một loại tiền tệ chung giữa các quốc gia BRICS có thể đe dọa đồng dollar Mỹ — có thể — nhưng tác động này có thể sẽ là một tác động phụ trong dài hạn. Không thể một sớm một chiều.
Các tổ chức tư vấn Tây phương cũng đã xem tiềm năng về một đồng tiền BRICS là bước đệm quan trọng cho kế hoạch “khử đồng dollar hóa” của Trung Quốc nhằm xóa bỏ quyền bá chủ kinh tế và địa chính trị của Hoa Kỳ.
Việc công bố một loại tiền tệ chung cho khối thương mại này còn một chặng đường dài phía trước, nhưng những làn sóng kinh tế và thị trường ngắn hạn vẫn có thể xảy ra.
Ông Barton nói: “Hồi tôi còn tập trung hết sức vào công việc của mình tại Cargill Investor Services, nhịp đập của các biến động tiền tệ đã thu hút sự chú ý của tôi. Chính tại đây, tôi đã nhận ra sự mong manh thực sự của tài chính và làm thế nào mà một gợi ý thay đổi đơn thuần có thể khuấy động vùng nước tĩnh lặng của nền kinh tế toàn cầu.”
Ông Lokenauth, ông Gosselin, và ông Barton đều đồng tình rằng chỉ cần đề cập đến một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng thôi cũng sẽ có thể khiến giá của kim loại này tăng bất ngờ.
Ông Lokenauth nói: “Điều này là do các nhà đầu tư sẽ xem vàng là một khoản đầu tư hấp dẫn hơn, vì vàng sẽ được bảo đảm bằng một nhóm tiền tệ từ các nền kinh tế lớn.”
Và mặc dù đồng dollar Mỹ đã không gắn bó với kim loại quý này kể từ năm 1971, nhưng một loại tiền tệ BRICS sẽ đưa kim loại này trở lại phạm vi liên quan đối với đồng bạc xanh của Mỹ. Đồng thời, trong năm nay, Trung Quốc đã tiếp tục gây áp lực cho các đối tác thương mại của mình để khiến họ ngừng dự trữ và giao dịch bằng dollar Mỹ.
Các vấn đề về mở rộng khối BRICS
Một loại tiền tệ mà BRICS hướng đến không có gì mới. Nhưng năm nay, trong bối cảnh Nga đang không có cách nào để thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và một loạt các nước khác nộp đơn xin gia nhập khối, thì khái niệm này đã đạt được động lực mới.
Dù vậy, không phải tất cả các thành viên của khối thương mại này đều hào hứng với việc mở rộng. Bởi vì càng có nhiều quốc gia thì càng có nhiều cuộc tranh đấu quyền lực.
Cho đến thời điểm này, Nga và Trung Quốc đang lèo lái con thuyền BRICS này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng việc có thêm các thành viên từ các chế độ độc tài khác — như Iran hay Saudi Arabia — sẽ đòi hỏi quyền lực và tầm ảnh hưởng phải được phân bố rộng hơn.
Và trong lịch sử, chia sẻ quyền lực là điều mà Nga hay Trung Quốc đã làm không mấy tốt lắm.
Đã có sự phản đối mạnh mẽ trong khối hiện tại đối với việc mở rộng khối này. Brazil và Ấn Độ đã lên tiếng thể hiện không sẵn lòng tăng thêm số lượng thành viên BRICS.
Một số người cho rằng điều này là do lo sợ mất ảnh hưởng trong khối và nguy cơ tranh đấu nội bộ cao hơn giữa các nước tham gia.
Và điều đó thực sự bộc lộ bản chất của bất kỳ cuộc thảo luận về đồng tiền chung dành cho các nước BRICS. Ngoài mong muốn chung là thay thế đồng dollar Mỹ và trở thành “bá chủ” kinh tế, các quốc gia thành viên có rất ít điểm chung.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo Hoa Kỳ không nên từ bỏ khái niệm cạnh tranh một cách dễ dàng như vậy.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times