Trung Quốc: Thủy quân mạng tấn công Blogger phơi bày vấn đề an toàn thực phẩm
Gần đây, một blogger Trung Quốc đã phải gỡ những đoạn video mà anh đăng trên mạng về các vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc đại lục dưới áp lực của những lời phàn nàn được cho là đến từ người dùng mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho là chính quyền đã sử dụng đội quân quấy rối trực tuyến (còn gọi là thủy quân mạng) để tấn công nhân vật nổi tiếng mạng xã hội này vì loạt video của anh đã phơi bày sự mục nát trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Hồi tháng Sáu, anh Tân Cát Phi (Xing Jifei) bắt đầu sản xuất một loạt video trực tuyến có tên “Tech and Daring” trên Douyin, phiên bản TikTok Trung Quốc, giới thiệu cho người xem cách thức phụ gia thực phẩm được sử dụng trong quá trình sản xuất những loại thực phẩm phổ biến ở Trung Quốc.
Video của anh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng; trong vòng một tháng, trang blog của anh Tân đã thu hút được 6.5 triệu người theo dõi.
Bên cạnh việc cảnh báo cho công chúng về các vấn đề an toàn thực phẩm, các chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho rằng các video của anh Tân đã phơi bày sự mục nát cũng như sự thất bại của chính quyền Trung Quốc trong việc chỉnh đốn ngành công nghiệp thực phẩm.
‘Công nghệ đen’ trong sản xuất thực phẩm
Trong video của mình, anh Tân đã tiết lộ nhiều loại thực phẩm “công nghệ đen” được làm bằng nhiều protein đậu nành và các thành phần nhân tạo, chẳng hạn như “thịt viên” không có thịt, “bò bít tết” không có thịt bò, “cả nước sốt đậu phộng” không có hạt đậu phộng, cũng như mật ong giả.
Điều này đã khiến nhiều người xem cảm thấy bàng hoàng.
Một số bình luận là: “Tôi sẽ không bao giờ đi ăn tối bên ngoài nữa”, “Tôi sẽ không bao giờ dám bước chân vào những quán ăn tối ven đường,” và “Mẹ tôi đã bảo tôi bỏ nghề ‘giao đồ ăn’ trong nhiều năm, nhưng tôi một mực không nghe lời mẹ. Vậy mà chỉ một vài video của anh Tân đã thuyết phục được tôi làm vậy.”
Kiểm duyệt
Các video mà anh Tân đăng lên mạng nhanh chóng trở nên phổ biến đã chiêu mời sự chỉ trích từ Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Trung Quốc, vốn cung cấp hướng dẫn cho người tiêu dùng về các vấn đề an toàn thực phẩm dựa trên “nghiên cứu khoa học”.
Hiệp hội cáo buộc các video của anh Tân đã phóng đại tác hại của phụ gia thực phẩm.
Một số chủ doanh nghiệp cá nhân trong ngành thực phẩm và đồ uống đã phát hành các video trực tuyến, trong đó họ cáo buộc anh Tân đã làm tổn thương doanh nghiệp của họ.
Hồi giữa tháng Chín, anh Tân đã nhận được nhiều cảnh báo từ bộ phận chăm sóc khách hàng của Douyin, cho rằng video của anh ấy đã nhận được nhiều lời phàn nàn.
Theo một blogger, anh Tân đã đăng quyết định xóa tài khoản mạng xã hội của mình hôm 22/09. Trang blog của anh chính thức bị gỡ xuống hôm 28/09.
Bất chấp những lời phàn nàn đồn đại, anh Tân vẫn có nhiều người theo dõi.
Blogger Trung Quốc Mu Chen đã đăng: “Chúng ta được yêu cầu không đi theo con đường cũ của phương Tây: gây ô nhiễm trước, rồi sau mới giải quyết. Vậy tại sao có rất nhiều làng ung thư [ở Trung Quốc]?
“Loạt video ‘Tech and Daring’ là một anh hùng [dám đứng lên] chống lại sự phóng túng buông thả, các tiêu chuẩn lỏng lẻo, và sự coi thường các nguyên tắc đạo đức của nhà cầm quyền.”
Năm 2013, lần đầu tiên Bắc Kinh thừa nhận sự tồn tại của cái gọi là làng ung thư. Truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin rằng có hơn 400 ngôi làng ung thư trên 27 tỉnh vào thời điểm đó. Các nhà hoạt động môi trường Trung Quốc cho rằng có mối tương quan giữa ô nhiễm và tỷ lệ ung thư gia tăng, cũng như chính quyền đã không thực thi các quy định về môi trường và trừng phạt những người vi phạm.
Nhà quan sát Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nói rằng video của anh Tân đã đe dọa lợi ích của các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Trung Quốc cũng như các nhóm khác nhau trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Ông Vương nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 30/09, “Sự giám sát của chính phủ đối với ngành công nghiệp và thương mại không tồn tại ở Trung Quốc, vì chính phủ và doanh nghiệp đều cùng một giuộc với nhau.”
Ông tin rằng trang web của anh Tân đã bị những kẻ quấy rối trên mạng tấn công, điều này cho thấy rằng chính quyền và các doanh nghiệp đang hợp tác với nhau để trấn áp anh chàng blogger kia, người mà họ cũng xem là một người tố cáo.
Nhà cầm quyền giao nhiệm vụ cho đội quân quấy rối trên mạng quảng bá nội dung có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo một bài báo nghiên cứu năm 2017 của Đại học Harvard, Đại học Stanford, và Đại học California San Diego, chính quyền Trung Quốc đã thuê khoảng 2 triệu người hay còn gọi là đội quân quấy rối trên mạng để tung tin bịa đặt và đăng khoảng 448 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm.
Ban giám sát tha hóa
Theo hồ sơ công khai, Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm có trụ sở tại Bắc Kinh, một ban cố vấn của ngành công nghiệp thực phẩm, đã đầu tư vào 12 công ty và 25 dự án trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm sản xuất thực phẩm, phim ảnh, và giải trí, quảng cáo, và bán lẻ.
Nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đã mô tả cơ quan này như một “ông trùm” (tác nhân chính) và một “trọng tài” trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Một blogger Trung Quốc đã chỉ trích cơ quan này, nói: “Cái gọi là cơ quan chỉ đơn giản là một chức danh tự đặt cho mình, giống như hiệp hội ngành sữa đã gây ra vụ sữa bột trẻ em nhiễm melamine, hiệp hội xúc xích lại liên quan đến vụ thịt lợn nhiễm chất tạo nạc clenbuterol. [Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm] bất quá cũng chỉ là một đại diện tiếp thị và bán hàng dưới lớp áo khoa học mà thôi.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học ở Úc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 30/09 rằng các video của anh Tân đã phơi bày các hành vi hủ bại của ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc, chẳng hạn như đạt được sản lượng với chi phí thấp bằng cách sử dụng các chất hóa học độc hại và bất hợp pháp làm nguyên liệu.
Ông nói, “Hầu hết mọi người không nhận thức được sự nguy hiểm của những loại hóa chất này.” Hơn nữa, ông Lý nói thêm rằng nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn của ngành công nghiệp thực phẩm ở Trung Quốc chính là do ĐCSTQ không có đạo đức.
Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe cho người Trung Quốc.
Làng ung thư
Theo GLOBOCAN 2020, một cơ sở dữ liệu trực tuyến cung cấp số liệu thống kê và ước tính về tỷ lệ mắc ung thư và tử vong do ung thư toàn cầu, “Trung Quốc chiếm 24% số ca mới được chẩn đoán và 30% số ca tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới vào năm 2020.”
Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc vào tháng 02/202, Trung Quốc đứng đầu thế giới về cả số ca mới được chẩn đoán và số ca tử vong liên quan đến ung thư.
Năm 2020, ước tính có khoảng 4.57 triệu ca ung thư mới và 3 triệu ca tử vong do ung thư, trong đó ung thư phổi, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày là ba loại ung thư phổ biến nhất. Hắc Long Giang, Quảng Đông, Cát Lâm, Hồ Bắc, Nội Mông là các tỉnh dẫn đầu cả nước về số bệnh nhân ung thư.
Theo Tạp chí Y khoa Trung Quốc, “Ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do ung thư cao, và ung thư đường tiêu hóa chiếm 45% tổng số ca tử vong do ung thư vào năm 2020.”
Hôm 23/09, Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ đã thông qua một “phương pháp quản lý toàn bộ quá trình” để giám sát việc điều trị cho 220,000 bệnh nhi ung thư nhằm “phân bổ nguồn lực y tế tốt hơn”, theo báo cáo của cơ quan ngôn luận nhà nước.
Theo một tài liệu nghiên cứu năm 2015 về ung thư ở trẻ em của Trung Quốc, bệnh bạch cầu, u não, và ung thư hạch là ba bệnh ung thư phổ biến nhất ở trẻ em.
Ông Vương cho biết Trung Quốc là quê hương của một số lượng ngày càng lớn bệnh nhân ung thư, đúng là một nỗi nhục nhã ê chề của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Phương Hiểu
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times