Nam Hàn lo ngại về an toàn thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc qua ‘vụ bê bối tiểu tiện’ lên nguyên liệu của bia Thanh Đảo
Bất chấp những lời trấn an rằng loại bia đó không dành cho thị trường xuất cảng, nhưng người tiêu dùng Nam Hàn vẫn hoài nghi.
Một đoạn video Hoa ngữ trên mạng xã hội đã biến thành một chủ đề tranh luận sôi nổi không chỉ của cư dân mạng Trung Quốc mà còn ở Nam Hàn, thổi bùng lên sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận. Nhiều người tiêu dùng Nam Hàn mua loại bia nổi tiếng của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không bao giờ mua loại bia này nữa.
Hôm 19/10, một video xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, trong đó có Douyin (phiên bản Hoa ngữ của TikTok) và Weibo, cho thấy một nhân viên leo qua hàng rào để đột nhập trái phép vào một cơ sở lưu trữ mạch nha tại nhà máy số 3 của Nhà máy bia Thanh Đảo (Tsingtao). Khi vào bên trong, người này liền tiểu tiện vào một trong các bể chứa. Video này nhanh chóng thu hút được sự chú ý và trở thành một trong những chủ đề được lan truyền hàng đầu trên Weibo và được đặt cho cái tên là “Vụ bê bối tiểu tiện bia Thanh Đảo” trên nhiều hãng truyền thông Trung Quốc.
Đáp lại, hôm 20/10, Công ty Bia Thanh Đảo đã đưa ra một tuyên bố chính thức, thừa nhận rằng vụ việc này đã được ghi lại trên video tại cơ sở sản xuất số 3 của họ vào ngày hôm trước. Công ty thông báo rằng vụ việc này đã được trình báo cho cơ quan công an và họ đã bắt đầu điều tra. Trong khi đó, lô mạch nha bị ảnh hưởng trong video đã bị cách ly.
Vụ việc đã làm dấy lên sự hoài nghi lan rộng của những người tiêu dùng Trung Quốc, với nhiều câu hỏi về tính trung thực của Bia Thanh Đảo — một thương hiệu có bề dày 120 năm và giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường bia Trung Quốc. Nhà máy số 3 liên quan đến cuộc tranh cãi này tự hào có công suất sản xuất hàng năm là 1.2 triệu kiloliter (khoảng 317 triệu gallon) và được ca ngợi là “nhà máy thông minh đẳng cấp thế giới lớn nhất và hiệu quả nhất ở châu Á.”
Hiệu ứng lan tỏa của vụ việc này đã lan đến Nam Hàn, một thị trường quan trọng của Bia Thanh Đảo. Bất chấp đại lý nhập cảng bia Thanh Đảo tại Nam Hàn đưa ra lời bảo đảm rằng loại bia đó chỉ dành cho thị trường trong nước còn bia xuất cảng được sản xuất tại các cơ sở khác, nhưng sự hoài nghi của người tiêu dùng vẫn còn đó.
Ông Seo Kyoung-duk, một nhà hoạt động xã hội Nam Hàn kiêm giáo sư tại Đại học Nữ Sungshin, cho biết đây không phải là một vụ rắc rối cá biệt mà là vấn đề lớn hơn liên quan đến an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Ông đề cập đến những vụ việc gây tranh cãi trong quá khứ, chẳng hạn như vụ một người Trung Quốc ngâm bắp cải trong điều kiện mất vệ sinh, từng gây ra làn sóng phẫn nộ tương tự ở Nam Hàn. Giáo sư kêu gọi chính phủ Nam Hàn tăng cường giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập cảng của Trung Quốc, với lý do lo ngại về sức khỏe cộng đồng.
Sự xuống dốc về đạo đức: Các tiền lệ liên quan đến an toàn thực phẩm đáng sửng sốt ở Trung Quốc
Tháng Sáu vừa qua, Trung Quốc lại phải đối mặt với một vụ rùm beng về an toàn thực phẩm khác đã trở thành tai tiếng, đó là vụ bê bối “gọi chuột là vịt.” Một sinh viên tại trường Cao đẳng Công nghệ Dạy nghề Giang Tây ở Nam Xương đã tìm thấy thứ được cho là đầu chuột trong bữa ăn tại căng tin trường. Mặc dù tiệm ăn này một mực khẳng định rằng vật đó chỉ là một chiếc cổ vịt, nhưng một cuộc điều tra cấp tỉnh sau đó đã xác nhận rằng trên thực tế, đó là đầu của một loài gặm nhấm. Vụ việc khiến nhóm từ “gọi chuột là vịt” lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Trước đó hồi tháng Ba, camera ghi lại cảnh các nhân viên tại một cơ sở sản xuất thực phẩm của Trung Quốc dùng chân giẫm lên rau muối và thậm chí vứt đầu thuốc lá vào thức ăn. Điều đáng kinh ngạc là những sản phẩm này không phải chịu bất kỳ hình thức kiểm tra vệ sinh nào khi được các công ty liên kết của Trung Quốc mua lại.
Niềm tin của công chúng đối với sản phẩm thực phẩm nội địa của Trung Quốc liên tục bị xói mòn bởi hàng loạt vụ bê bối đáng báo động kéo dài nhiều năm qua. Năm 2008, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh bị nhiễm hóa chất độc hại melamine đã khiến nhiều trẻ sơ sinh tử vong và khiến 300,000 trẻ khác gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như chứng đầu to và sỏi thận. Vụ bê bối này đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào sữa bột do nội địa sản xuất.
Năm 2007, trứng giả được làm bằng phương pháp hóa học từ các chất như natri alginate, phèn, và gelatin đã được bán trên thị trường. Sử dụng những chất này trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm và mất trí nhớ. Các mặt hàng thực phẩm giả độc hại như gạo, nước tương, giăm bông, đậu hũ, tôm, và trà xanh, thường xuyên được tuồn vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là cựu giáo sư về Giáo dục Lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 23/10 rằng “vụ tiểu tiện” ở Thanh Đảo có vẻ như xảy ra ngẫu nhiên nhưng đã làm nổi bật rằng các biện pháp an toàn thực phẩm trong dây chuyền sản xuất có những lỗ hổng nghiêm trọng. Ông đặt ra câu hỏi: “Lập luận rằng vụ bê bối chỉ liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng trong nước thì thật tức cười. Chúng ta có nên suy luận rằng những hành vi như vậy được xem là có thể chấp nhận được đối với thị trường nội địa không?”