Báo cáo: Trung Quốc là một trong những quốc gia ít tự do nhất trên thế giới năm 2022
Theo báo cáo “Tự do trên thế giới” thường niên của Freedom House được công bố hôm 24/02, Trung Quốc hiện được xếp hạng là một trong những quốc gia có mức độ tự do chính trị và tự do ngôn luận thấp nhất trên thế giới.
Trong danh sách 210 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng theo quyền tự do ngôn luận, quyền tham gia chính trị, và quyền bình đẳng trước pháp luật, Trung Quốc chỉ đạt 9 trên 100 điểm, và bị coi là “không tự do”.
Điểm số của Trung Quốc thấp hơn so với Sudan là 10 điểm và với Iran là 14 điểm, và bằng với các quốc gia như Libya, Myanmar, và Azerbaijan. Chỉ hơn một chục quốc gia có điểm số thấp hơn, bao gồm Syria (1), Turkmenistan (2), Bắc Hàn (3), Eritrea (3), Guinea Xích Đạo (5), Cộng hòa Trung Phi (7) và Ả Rập Xê-út (7).
Lý giải cho thứ hạng này của Trung Quốc, Freedom House tuyên bố sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã ngày càng trở nên hà khắc trong vài năm qua.
Báo cáo nêu rõ, “ĐCSTQ tiếp tục thắt chặt kiểm soát đối với tất cả các khía cạnh của cuộc sống và cai trị, bao gồm bộ máy hành chính nhà nước, truyền thông, các phát ngôn trực tuyến, việc thực hành tôn giáo, các trường đại học, các doanh nghiệp, và các hiệp hội xã hội dân sự, và họ đã phá hoại một loạt các cải cách pháp quyền trước đó.”
Báo cáo đặc biệt chỉ trích về hành vi của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Báo cáo cho biết, “Lãnh đạo ĐCSTQ và chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình, đã củng cố quyền lực cá nhân ở một mức độ chưa từng thấy ở Trung Quốc trong nhiều thập niên. Các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền đang tiếp tục lên tiếng, mặc dù họ phải trả giá rất đắt.”
Những thực tế chính trị
Báo cáo nêu chi tiết rằng công dân Trung Quốc không thể tranh cử hoặc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trực tiếp cho các vị trí lãnh đạo quốc gia. Đại hội Đại biểu Toàn quốc của ĐCSTQ bầu ra người đứng đầu Đảng trong nhiệm kỳ năm năm. Tất cả các chính sách và thực tiễn của chính quyền và ĐCSTQ, đều tuân theo những mệnh lệnh của ông Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo và người đứng đầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên. Không có gì ngạc nhiên khi ông Tập nhận nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai với tư cách là tổng bí thư ĐCSTQ tại đại hội 19 của ĐCSTQ vào tháng 10/2017 và có vẻ sẽ đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc tiếp theo của Đảng vào mùa thu năm 2022.
Như báo cáo đã nêu, ĐCSTQ tận dụng tối đa cơ cấu chuyên quyền từ trên xuống này để “độc quyền hóa” tất cả các hoạt động chính trị, và để triệt tiêu bất kỳ cuộc cạnh tranh thực sự nào. Tám đảng nhỏ phi cộng sản trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan tư vấn chính trị cho ĐCSTQ, phải cúi đầu trước lệnh của ĐCSTQ, nếu họ muốn tiếp tục tồn tại.
“Những công dân tìm cách thành lập các đảng phái chính trị thực sự độc lập hoặc ủng hộ dân chủ, hầu như đều phải ngồi tù, bị quản thúc, hoặc lưu vong,” báo cáo nêu rõ, lưu ý rằng các quan chức ĐCSTQ trong năm 2021 đã giam giữ các luật sư và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Báo cáo lưu ý ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), người sáng lập Phong trào Công Dân Mới, đã bị bắt giam kể từ tháng 02/2020, theo một bản cáo trạng chính thức về tội “lật đổ”.
Trong phân tích của báo cáo, việc không có bất kỳ loại cơ chế nào cho phe đối lập chính trị có tổ chức ở Trung Quốc, đã cho ĐCSTQ cơ hội cai trị không bị gián đoạn kể từ khi đánh bại những người theo chủ nghĩa dân tộc Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc trong năm 1949.
Quyền lực chuyên chế của ĐCSTQ đã cho phép họ thực hiện các chính sách ở miền tây Trung Quốc với mục tiêu mà báo cáo đã đặc biệt chỉ ra là nhằm giảm dân số các dân tộc thiểu số. Các ví dụ bao gồm việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại giam giữ và lao động cưỡng bức. Báo cáo cũng trích dẫn những báo cáo chồng chất về việc tra tấn, lạm dụng tình dục, và cưỡng bức triệt sản mà người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng bên trong và bên ngoài các trại.
Tự do ngôn luận
Phù hợp với đặc điểm chuyên quyền và đàn áp được nêu chi tiết ở trên, Trung Quốc có thứ mà báo cáo gọi là một trong những lĩnh vực truyền thông bị hạn chế nhất trên hành tinh.
ĐCSTQ cũng duy trì một hệ thống rất tinh vi để kiểm duyệt và đàn áp việc đưa tin. Các công cụ của họ để duy trì hệ thống này, bao gồm giám sát việc chứng nhận cho các ký giả, quyền sở hữu trực tiếp của các tổ chức truyền thông, và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai dám chỉ trích ĐCSTQ hoặc các quan chức của họ. ĐCSTQ cũng ban hành chỉ thị cho các ấn phẩm và trang web về cách đưa tin tức thời sự mới nhất.
Hơn nữa, báo cáo nêu rõ việc ĐCSTQ quản lý cơ sở hạ tầng viễn thông, tạo điều kiện cho việc ngăn chặn các trang web, thu giữ các ứng dụng điện thoại thông minh khỏi thị trường, và xóa các bài đăng trên mạng xã hội và tài khoản người dùng. Nạn nhân của việc chặn trực tuyến trong những năm gần đây bao gồm YouTube, Twitter, Facebook, New York Times, và BBC.
Báo cáo trích dẫn số liệu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho thấy có 50 ký giả đã bị giam ở Trung Quốc tính đến tháng 12/2021, nhưng nhanh chóng nói thêm rằng số người thực tế bị giam giữ vì chia sẻ thông tin trái với mong muốn của chế độ, là cao hơn rất nhiều.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: