Trung Quốc thực hiện chương trình tách rời riêng ‘Delete A’
Bắc Kinh dường như đã quyết định tách rời là một ý tưởng hay và đã có hành động để loại bỏ công nghệ Mỹ ở Trung Quốc.
Bắc Kinh dường như đồng ý với Hoa Thịnh Đốn rằng việc tách rời kinh tế Mỹ khỏi kinh tế Trung Quốc là một ý tưởng hay.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden không chỉ giữ nguyên các mức thuế quan ban đầu của cựu Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc mà còn cấm việc bán vi mạch bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc và cấm Mỹ đầu tư vào công nghệ Trung Quốc.
Từ phía Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã bắt đầu một chiến dịch thay thế bất kỳ công nghệ ngoại quốc nào — chủ yếu là của Mỹ — trên đất Trung Quốc bằng công nghệ thay thế trong nước. Tốc độ tách rời dường như được thiết lập để tăng tốc. Nếu không có sự tương tác, rất có thể thế giới — bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc — sẽ mất đi những tiến bộ mà lẽ ra đã có thể đạt được. Trung Quốc có thể sẽ thua nhiều hơn Hoa Kỳ trong cuộc mặc cả này.
Chính quyền Trung Quốc đã luôn ưu tiên công nghệ cây nhà lá vườn được một thời gian, nhưng gần đây, họ đã đẩy nhanh quá trình này bằng một chương trình mang tên “Delete A” (Xoá Mỹ). Cùng với những chính sách khác, họ yêu cầu các công ty nhà nước — chiếm ưu thế trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, và nhiều lĩnh vực quan trọng khác — phải thay thế phần mềm của ngoại quốc trong hệ thống công nghệ thông tin của họ và hoàn tất quá trình chuyển đổi vào năm 2027. Đây là một phần trong mục tiêu mà ông Tập Cận Bình đã nêu nhằm đưa Trung Quốc thoát khỏi bất kỳ sự phụ thuộc nào vào thực phẩm, công nghệ, năng lượng, tài chính, và nguyên liệu thô của phương Tây; nói cách khác, làm cho Trung Quốc có thể tự cung tự cấp mọi thứ từ máy điện toán đến sản xuất lúa mì. Để trợ giúp quá trình chuyển đổi công nghệ, Bắc Kinh đã tăng chi tiêu cho khoa học và công nghệ khoảng 10% trong năm nay lên tương đương 51 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với mức tăng 2% của năm ngoái.
Các doanh nghiệp Mỹ có thể nhìn thấy xu hướng này. Mặc dù “Xóa Mỹ” là một thuật ngữ mới, nhưng người Mỹ nhận thấy rằng quá trình này đã diễn ra được một thời gian. Mới cách đây sáu năm, các sản phẩm Mỹ đã giành phần thắng trong hầu hết các cuộc đấu thầu của Bắc Kinh và các công ty nhà nước. Giờ đây tình hình đã hoàn toàn đổi khác.
Phần lớn các thiết bị của các nhà sản xuất phần cứng như Dell, IBM, và Cisco Systems đã bị thay thế bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Cisco báo cáo rằng các số đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2019. Thị phần của Dell tại thị trường Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ năm 2015. Nhiều năm trước, Hewlett Packard Enterprise đã nhận được tới 14% doanh thu từ doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Theo thống kê mới nhất, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4%. Adobe, Citrix, và Salesforce đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc hoặc đang cắt giảm quy mô đáng kể. Hewlett Packard gần đây đã tuyên bố đang bán gần 50% cổ phần của mình trong một liên doanh với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã xác định được ba công ty để lấp đầy khoảng trống mà các công ty Mỹ sắp bị trục xuất để lại. Đó là Tongfang, Alibaba, và Huawei. Lệnh từ trên đã được ban xuống rằng trong mọi hoạt động của chính phủ, thiết bị của Tongfang sẽ thay thế tất cả các máy điện toán do ngoại quốc sản xuất. Các nhà chức trách đã phải đối diện với một số trở ngại vì phần mềm và máy móc nội địa của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn như các sản phẩm của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu lịch sử là bất kỳ chỉ dẫn nào, thì ĐCSTQ sẽ dễ dàng vượt qua sự phản kháng đó. Có lẽ Trung Quốc cuối cùng sẽ vượt qua khó khăn và rốt cuộc sẽ cung cấp được những sản phẩm tốt như các sản phẩm của Microsoft, Oracle, và những hãng khác khác giống các công ty này. Tuy nhiên, trong thời gian tạm thời, Trung Quốc sẽ phải chịu đựng sự chậm trễ và kém hiệu quả mà lẽ ra nước này không phải đối mặt.
Vì thái độ của Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, cả hai nền kinh tế sẽ mất đi cơ hội. Tuy nhiên, về lâu dài, ĐCSTQ sẽ gây tổn hại lớn hơn cho nền kinh tế của họ. Vì lý do an ninh, Hoa Kỳ muốn hạn chế quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh chỉ nội trong các lĩnh vực cụ thể. Họ sẽ mất đi một chút năng suất và cơ hội vì mục đích an ninh đó. Nếu không phải là vì như vậy, thì Hoa Kỳ vẫn sẽ mở cửa với thế giới. Nhưng ông Tập muốn tự cung tự cấp về mọi mặt; hay nói cách khác, hoàn toàn đoạn tuyệt với phương Tây và có lẽ là cả Nhật Bản nữa.
Không có nền kinh tế nào, dù năng động đến đâu, có thể làm mọi việc tốt hơn mọi nền kinh tế khác. Nếu tham vọng của Trung Quốc mang lại an ninh, thì Trung Quốc sẽ phải trả giá bằng tình trạng kém hiệu quả đang diễn ra liên tục và sự suy giảm tính năng động kinh tế. Tình huống như vậy gần như chắc chắn bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ tụt hậu so với các nền kinh tế khác, bao gồm cả Hoa Kỳ. Một câu hỏi mở là liệu ông Tập và các đồng sự của ông ở Trung Nam Hải có nhận ra thực tế cuộc sống này hay không.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times