Hàng tỷ dollar trong giao thương hay nhân quyền?
Thách thức của việc phải phản ứng với tội ác nhân quyền của ĐCSTQ trong khi vẫn phải nỗ lực duy trì quan hệ thương mại không phải là điều mới mẻ.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Bắc Kinh, ông Vương Nghị, đến Úc vào ngày 20-21/03, một lần nữa lại nhấn mạnh về sự giao thoa giữa vấn đề nhân quyền và thương mại.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 nêu rất rõ ràng.
Hai đoạn đầu tiên trong Lời mở đầu như sau, “sự công nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới,” và rằng, “sự coi thường và khinh miệt nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại.”
Nếu chúng ta cho rằng nhận định trên là đúng, thì việc ưu tiên thương mại và coi thường nhân quyền là mối đe dọa đối với tự do, công lý và hòa bình trên thế giới, và có thể dẫn đến những hành động man rợ xúc phạm lương tâm nhân loại.
Sau cuộc gặp gỡ gần đây vào hôm 20/03 với Ngoại trưởng Vương tại Tòa nhà Quốc hội, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã tự mình lên tiếng trong một cuộc họp báo.
Bà xác nhận: “Như quý vị mong đợi, tôi đã nêu lên những lo ngại của Úc về nhân quyền, bao gồm cả ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông.”
Một thiếu sót đáng chú ý là Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc đã phải chịu đựng cuộc đàn áp kéo dài 25 năm và có thể được coi là nhóm người bị đàn áp lớn nhất ở Trung Quốc – từ 70-100 triệu người theo học, đã không được nhắc đến.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, và cuộc đàn áp môn tu luyện này ở Trung Quốc là một khía cạnh quan trọng trong mối bang giao Úc-Trung.
Khi Pháp Luân Công lần đầu tiên được nhà sáng lập, đại sư Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện đã được ĐCSTQ chào đón vì mang lại sự cải thiện sức khỏe cho hàng chục triệu người Trung Quốc. Năm 1995, đại sư Lý cũng được mời dạy Pháp Luân Công tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris.
Pháp Luân Đại Pháp bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.
Chính việc thắp sáng lại nền tảng về đạo đức và tinh thần của Trung Quốc, vốn đã bị dập tắt trong Đại Cách Mạng Văn Hóa, đã khiến lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân nổi giận vào năm 1999, và chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công vẫn tiếp tục đến ngày nay.
Chính phủ Úc không thể nào không thừa nhận có cuộc bức hại. Cuộc bức hại này đã được Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Freedom House và nhiều hãng truyền thông phương Tây đưa tin rộng rãi trong nhiều thập niên qua. Úc cũng đã cung cấp sự bảo vệ người tị nạn cho hàng trăm học viên Pháp Luân Công đào thoát khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 07/1999.
Thách thức của việc phải phản ứng với tội ác nhân quyền của ĐCSTQ trong khi vẫn phải nỗ lực duy trì quan hệ thương mại không phải là điều mới mẻ.
Thách thức này là điều mà các chính phủ của Úc, cả Khối Liên đảng (Coalition) lẫn Đảng Lao động, luôn phải đối mặt trong 25 năm qua.
Thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc trị giá 25 tỷ USD
Ngoại trưởng Wong cũng giải thích tại cuộc họp báo rằng, “Chúng tôi tìm kiếm một mối bang giao ổn định, hiệu quả và chín chắn với Trung Quốc,” và xác nhận rằng, “Úc phản đối án tử hình trong mọi hoàn cảnh đối với tất cả mọi người.”
Nhưng dường như không có cuộc thảo luận nào về những trường hợp tử vong do hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, nơi các tù nhân lương tâm bị sát hại bằng cách mổ lấy nội tạng để bán và cấy ghép, trong khi họ vẫn còn sống. Điều đó cần được nhìn nhận là một tội ác khủng khiếp cần phải điều tra ngay lập tức và cần bị lên án mạnh mẽ nhất có thể.
ĐCSTQ tỏ rõ rằng bất cứ điều gì họ muốn tránh né hoặc che giấu đều là “quan điểm chống Trung Quốc” và không được bàn luận đến. Đó là cách họ muốn thao túng và kiểm soát các quốc gia như Úc.
Nếu cách tiếp cận của chính phủ Úc là để “duy trì” mối bang giao với ĐCSTQ, thì họ cần phải biết ĐCSTQ là gì và có hành động phù hợp. Nếu không, chính phủ của chúng ta sẽ bị Bắc Kinh “thao khống.”
Tháng 03/2002, trong một cuộc họp báo ở Úc, Ngoại trưởng lúc đó của ĐCSTQ là ông Đường Gia Hiên (Tang Jiaxuan), đã nói với chính phủ Úc hãy hạn chế việc ủng hộ các hoạt động của Pháp Luân Công để tránh cho “mối bang giao hữu nghị và hợp tác” với Trung Quốc khỏi bị tổn hại dưới bất kỳ hình thức nào.
Kết quả là, trong chuyến thăm của ông Đường, Ngoại trưởng Úc lúc bấy giờ là ông Alexander Downer đã cấp giấy chứng nhận ngăn cản các học viên Pháp Luân Công giương biểu ngữ đối diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra.
Đến tháng 08/2002, một tập đoàn có trụ sở tại Úc đã có hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Trung Quốc trị giá lên tới 25 tỷ dollar Úc (15.65 tỷ USD).
Giấy chứng nhận do ông Downer cấp vẫn có hiệu lực cho đến tháng 12/2006, sau khi các học viên Pháp Luân Công đã thành công trong một vụ kiện pháp lý tại Tòa án Tối cao ACT.
Thời điểm chúng ta thực sự hiểu được mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản
Chủ nghĩa cộng sản của ĐCSTQ là một hệ thống theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Một hệ thống Marxist tập trung vào các kết quả kinh tế với quyền sở hữu tài sản công và về mặt lý thuyết là dựa trên sự phân phối tài sản một cách bình đẳng. Chủ nghĩa Lenin là một học thuyết chính trị thực thi quyền kiểm soát mọi thứ.
ĐCSTQ đã chuyển sang một chế độ theo chủ nghĩa Marx-Lenin kết hợp với các khía cạnh của chủ nghĩa tư bản mà đã tạo ra sự giàu có cho nhóm lãnh đạo đặc quyền, đồng thời thực thi quyền kiểm soát tuyệt đối với người dân để duy trì sự cai trị của đảng và phủ nhận sự tồn tại của Chúa hoặc ý nghĩa tôn giáo trong cuộc sống.
Cựu Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William P. Barr đã cảnh báo về sự hiểu lầm đối với ĐCSTQ trong bài diễn văn về Chính sách Trung Quốc tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford vào ngày 17/07/2020.
Ông nói: “Chiến dịch của ĐCSTQ nhằm buộc phải tuân thủ hệ tư tưởng của họ không chỉ dừng lại ở biên giới Trung Quốc.”
“Tham vọng cuối cùng của những người cầm quyền Trung Quốc không phải là giao thương với Hoa Kỳ. Mà là để tấn công Hoa Kỳ.”
“ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch mà họ dàn dựng, vươn tất cả các xúc tu của họ vào trong chính phủ và xã hội Trung Quốc, để lợi dụng sự cởi mở trong các thể chế của chúng ta nhằm tiêu diệt những thể chế đó.”
Những điều trên cũng đúng với Úc. Chúng ta có thể cần một chính khách như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, người không chỉ hiểu chủ nghĩa cộng sản mà ông còn được dẫn đường bởi đức tin vào Chúa và vào ý nghĩa cuộc sống cao hơn chủ nghĩa duy vật.
Ông Reagan hết sức phản đối chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô vì nó bắt buộc mọi người phải theo chủ nghĩa vô thần và từ đó tham gia vào cuộc đàn áp tàn khốc đối với những người theo đạo Cơ Đốc và những người có đức tin khác.
Ông coi chủ nghĩa cộng sản là một ý tưởng tệ hại cần bị đánh bại, chứ không phải là một đối thủ địa chính trị cần được khống chế hoặc ngăn chặn. Trong cuộc chiến tư tưởng này, ông cũng gọi Liên Xô là một “đế chế tà ác.”
ĐCSTQ ngày nay cũng như thế.
ĐCSTQ đàn áp những người có đức tin, nuôi dưỡng các nước chư hầu, bành trướng và chiếm đóng các lãnh thổ khác, ủng hộ các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx ở các nước đang phát triển, sử dụng “Vành đai và Con đường” để gài bẫy các quốc gia, và thâm nhập vào các nền dân chủ phương Tây với hệ tư tưởng cộng sản vốn phá hoại gia đình, phá hoại đạo đức và đức hạnh vốn được tạo lập dựa trên niềm tin Do Thái-Kitô giáo.
Nhân quyền là nền tảng của thương mại
Tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công đi kèm với cuộc đàn áp ở Trung Quốc đã được lan rộng ra khắp thế giới. ĐCSTQ đã vô cùng hiệu quả trong việc liên kết sự im lặng trước những hành động tàn bạo về nhân quyền với mối quan hệ thương mại của một quốc gia.
Đã nhiều lần Úc thỏa hiệp các giá trị thiết yếu của mình và trở nên quỳ phục trước những hành động của một chế độ độc tài vi phạm nhân quyền, một chế độ tha hóa và nguy hiểm vốn thù địch với pháp quyền.
Nhưng thương mại và nhân quyền không phải loại trừ lẫn nhau hoặc nhất thiết phải đối lập nhau.
Trên thực tế, văn hóa truyền thống của Trung Quốc đã nói lên tầm quan trọng của việc hành động dựa trên các nguyên tắc như công lý và lẽ phải, và một khi thực hiện được điều đó, thì sẽ mang lại các mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Nếu chúng ta chấp nhận rằng việc ưu tiên thương mại hơn nhân quyền là điều có thể chấp nhận được để phục vụ lợi ích quốc gia trong ngắn hạn, thì chúng ta đang đe dọa quyền tự do của chính mình.
Nếu chúng ta chấp nhận rằng việc giữ im lặng trước những hành động man rợ như sát hại người vô tội bằng cách cưỡng bức thu hoạch nội tạng là được thôi, thì chúng ta đang đe dọa chính đồng loại của mình.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times