Úc-Trung Quốc ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trong chuyến công du của lãnh đạo ĐCSTQ
Sau một buổi sáng hội đàm tại Tòa nhà Nghị viện, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng ĐCSTQ Lý Cường (Li Qiang) đã xuất hiện tại nơi được mô tả là một cuộc họp báo — nhưng trên thực tế, lại là hai bài diễn văn không được phép đặt câu hỏi — và cung cấp rất ít thông tin chi tiết về những gì có thể đã được thảo luận đằng sau cánh cửa đóng kín.
Các nguồn tin của chính phủ thông báo ngắn gọn với giới truyền thông rằng thủ tướng sẽ nêu ra các vấn đề an ninh và thương mại với những người ngồi đối diện ông.
Tuy nhiên, bài diễn văn ngắn gọn của ông Albanese đã ám chỉ một cách không thể nào mơ hồ hơn về vấn đề an ninh, và gần như chỉ chú trọng vào vấn đề thương mại.
Ông nói rằng Úc xem Trung Quốc là một “cường quốc khu vực và toàn cầu”, vốn có “vai trò quan trọng trong việc giữ cho khu vực của chúng ta cởi mở, ổn định và thịnh vượng,” đồng thời liên tục nhấn mạnh rằng việc đối thoại giữa hai nước là rất quan trọng để hướng đến mục tiêu đó.
Thủ tướng Albanese chỉ đề cập một cách úp mở đến mối lo ngại về các hành động gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Ông nói, “Úc ủng hộ việc tất cả chúng ta nên phối hợp với nhau, ở nơi mà không quốc gia nào thống trị và không quốc gia nào bị thống trị, một khu vực mà các quốc gia, dù lớn dù nhỏ, đều hoạt động theo cùng những quy tắc mà tất cả chúng ta đều góp phần định hướng.”
“Tôi đã nói rõ … rằng chúng tôi sẽ hợp tác ở những điểm mà chúng tôi có thể và không đồng tình khi cần thiết, và tham gia vì lợi ích quốc gia.”
Ông Lý cho biết ông và người đồng cấp Úc đã “thẳng thắn” trong lúc hội đàm và đạt được “rất nhiều sự đồng thuận.”
Cả hai nước đã tái cam kết về Liên kết Đối tác Chiến lược Toàn diện, “tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đồng thời nhìn nhận và giám sát khu vực này [bằng] một thái độ tích cực.”
Trong một tuyên bố chung về kết quả chung của cuộc họp, cả hai nhà lãnh đạo này cho biết hai nước sẽ “tiếp tục giải quyết những khác biệt một cách khôn ngoan.”
Biên bản ghi nhớ về thương mại, khí hậu, và giáo dục
Tại buổi lễ chính thức, hai nhà lãnh đạo này cũng đã ký năm bản ghi nhớ.
Những biên bản ghi nhớ đó gồm có các thỏa thuận về giáo dục và nghiên cứu, biến đổi khí hậu, và Đối thoại Kinh tế Chiến lược Úc-Trung Quốc. Hai biên bản ghi nhớ khác là thúc đẩy Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Úc, và Chương trình Thực hiện Trao đổi Văn hóa lần thứ 15 trong giai đoạn 2024-2027.
Cả hai nước sẽ cấp cho công dân của nhau thị thực nhập cảnh nhiều lần để kinh doanh, du lịch, và thăm thân nhân, bên cạnh đó Bắc Kinh sẽ bổ sung Úc vào chương trình miễn thị thực của nước này. Hành động thiện chí tương tự cũng được trao cho New Zealand trong chuyến công du của ông Lý hồi tuần trước.
Đối thoại Kinh tế Chiến lược Úc-Trung Quốc nhằm mục đích thúc đẩy các cuộc thảo luận về những vấn đề chính sách kinh tế và hợp tác kinh tế song phương. Các buổi thảo luận sẽ có sự tập trung đặc biệt vào khoa học và công nghệ, thể thao, học viện, hàng không, y tế, và du lịch.
Một biên bản ghi nhớ khác bảo đảm cả hai nước sẽ nối lại các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Úc sẽ tổ chức Đối thoại Bộ trưởng Úc-Trung Quốc về Biến đổi Khí hậu tiếp theo vào cuối năm nay.
Về giáo dục và nghiên cứu, biên bản ghi nhớ sẽ đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực như bảo đảm chất lượng, giáo dục trực tuyến, và công nhận bằng cấp.
Giáo dục vẫn là ngành xuất cảng dịch vụ lớn nhất của Úc sang Trung Quốc, quốc gia cung cấp số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất kể từ năm 2002.
Cả hai quốc gia cam kết tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa theo một Hiệp định năm 1981 về Hợp tác Văn hóa. Chương trình mới nhất này sẽ khuyến khích sự hợp tác, các chuyến thăm quan và trao đổi kỹ năng giữa các chuyên gia và tổ chức sáng tạo văn hóa.
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết hợp tác tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, G20, APEC, và Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Họ cũng nhắc lại tầm quan trọng của Thông cáo chung năm 1972 về Thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước và cam kết duy trì các điều khoản của thông cáo, trong đó có việc Úc tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” — nghĩa là Úc không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, nhưng vẫn tiếp tục duy trì mối liên hệ sâu sắc về văn hóa và kinh tế [với hòn đảo này].
Trong một tuyên bố đưa ra sau sự kiện này, ông Albanese cho biết Úc đã áp dụng “cách tiếp cận ổn định và thận trọng” cho mối bang giao của nước này với ĐCSTQ.
Ông một lần nữa nhấn mạnh rằng thương mại song phương rất quan trọng vì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và sự hợp tác này đã giúp duy trì ¼ việc làm tại địa phương.
Trước khi bước vào Tòa nhà Nghị viện, ông Lý được tiếp đãi bằng một đội danh dự và màn bắn đại bác chào mừng.
Có thể nghe thấy tiếng la hét yếu ớt, nhưng hầu như không thể xác định là từ đội quân những người ủng hộ do các quan chức ĐCSTQ địa phương tuyển dụng, đưa đón, cung cấp ăn ở, hay là từ nhiều người biểu tình đã ở đó để phản đối những hành động của Bắc Kinh ở Tây Tạng, các hành động nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, và nhắm vào nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công.
Cả hai nhóm này đều bị quây lại phía sau hàng rào lưới thép cao nằm ngoài tầm mắt của thủ tướng.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times