Chuyên gia: Kỳ vọng thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược qua chuyến thăm Úc của ông Lý Cường rất khó thực hiện
Khoảng hơn 4 giờ chiều ngày 16/06, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã đến Canberra, điểm dừng thứ hai trong chuyến thăm Úc, để chuẩn bị cho cuộc gặp với Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào hôm thứ Hai (17/06). Ở trạm dừng đầu tiên tại Adelaide, Nam Úc, ông Lý Cường tuyên bố rằng mối quan hệ Trung-Úc đang trở lại quỹ đạo và kỳ vọng về một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, các chuyên gia về an ninh chiến lược cho rằng, do uy tín của ĐCSTQ giảm xuống nên việc muốn dùng lợi ích kinh tế và phương thức thống nhất để lôi kéo Úc, nhằm phân hóa các nước dân chủ phương Tây không phải là điều dễ dàng.
Ông Lý Cường tuyên bố mối quan hệ Trung Quốc-Úc đã khôi phục, khiến các chuyên gia nghi ngờ
Ông Lý Cường từ New Zealand đến Adelaide, Nam Úc vào hôm thứ Bảy, và bắt đầu chuyến thăm Úc trong bốn ngày. Đại sứ quán ĐCSTQ tại Canberra cho biết, ông Lý Cường tuyên bố rằng mối quan hệ giữa hai nước đã trở lại đúng quỹ đạo sau những biến cố, và bày tỏ kỳ vọng phát triển “một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Úc trưởng thành, ổn định, và phong phú hơn.”
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Lâm Kiện (Lin Jian) cũng cho biết, ông Lý Cường và Thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ thảo luận về tình trạng mối quan hệ song phương, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà “cả hai cùng quan tâm.” Ông Lâm nói rằng chuyến thăm lần này là cơ hội để tăng cường giao lưu ở mức độ cao hơn, đồng thời đề cập đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Úc.
Thủ tướng Úc cũng đăng bài trên tờ The Australian và nhấn mạnh rằng dưới tác động của chính phủ, mối quan hệ thương mại giữa hai nước đã được cứu vãn. Lệnh cấm thương mại trị giá 20 tỷ AUD của Trung Quốc đối với hàng loạt các mặt hàng xuất cảng của Úc đã được gỡ bỏ. Thủ tướng Úc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, và tài nguyên của Úc đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế và tăng trưởng khu vực của Trung Quốc.
Chuyên gia tài chính Ngô Gia Long (Wu Jialong) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trước đây khi Úc yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, ĐCSTQ đã tức giận và muốn kiểm soát chi tiêu ngoại hối, nên lấy lý do này để không mua tôm hùm, rượu vang, thịt bò, và than đá của Úc. Sau đó Trung Quốc phải mua những mặt hàng này với giá cao hơn từ những nước đã mua lại các sản phẩm này của Úc, khiến ĐCSTQ phải gánh chịu hậu quả do mình gây ra.
Ông Ngô lấy ví dụ về loại than đá chất lượng cao dùng cho công nghiệp phát điện của Úc. ĐCSTQ không mua từ Úc, mà mua của Malaysia, Singapore, nhưng những nước này lại mua than từ Úc và bán lại cho Trung Quốc để kiếm khoản tiền chênh lệch giá, khiến kinh tế Trung Quốc lâm vào tình trạng khó khăn.
Ông Ngô nhấn mạnh rằng hiện tại ĐCSTQ không có uy tín và không đáng tin cậy nên việc khôi phục mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc là rất khó khăn.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Tài nguyên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan Tô Tử Vân (Su Ziyun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, lý do [ĐCSTQ muối khôi phục bang giao với Úc] có liên quan đến kinh tế. Họ muốn sử dụng kinh tế và thị trường làm vũ khí để chia rẽ sự đoàn kết của các nước dân chủ phương Tây. “ĐCSTQ hiện đang tìm cách coi Úc là điểm đột phá, nhưng Úc cũng từng bị ĐCSTQ áp đặt cấm vận kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh. Vì vậy, tôi nghĩ việc chính phủ Úc sẽ thực sự hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược với ĐCSTQ là rất hạn chế.”
Ông Tô phân tích, hiện nay ngay cả châu Âu cũng đang tăng thuế đối với một số sản phẩm của ĐCSTQ. Nếu Úc thực sự bị Bắc Kinh thuyết phục trở thành đối tác, “dù có thể không có ý nghĩa thực chất, nhưng tôi nghĩ cơ hội này rất thấp. Bởi vì các nước Âu Châu bao gồm Litva và Italy vốn có thái độ hợp tác kinh tế với ĐCSTQ trước khi ĐCSTQ áp dụng sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng hiện nay họ đều đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, tôi nghĩ cơ hội Úc thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với ĐCSTQ sẽ được xem xét cẩn trọng.”
Trợ lý nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan Chung Chí Đông (Zhong Zhidong) cho rằng, việc ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh cấm đối với nông sản của Úc và các mặt hàng khác chính là bình thường hóa thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng các vấn đề thương mại và an ninh phải được xem xét riêng rẽ vì bản chất của các vấn đề này không giống nhau.
Chuyên gia: Đảng phái tại Úc đã đạt được đồng thuận, mối quan hệ cạnh tranh chiến lược với ĐCSTQ không thay đổi
Ông Chung Chí Đông cho rằng, ĐCSTQ có mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia. ĐCSTQ hy vọng thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược này để tăng cường các vấn đề an ninh với những quốc gia liên quan. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ rằng về các vấn đề an ninh, ngay cả Thủ tướng Úc Anthony Albanese thuộc Đảng Lao Động dù có thái độ ôn hòa hơn so với các thủ tướng trước đó, nhưng sau khi đắc cử, ông không thay đổi đường lối cạnh tranh chiến lược với ĐCSTQ.
“Ông Anthony Albanese tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đồng minh phương Tây để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hành động cụ thể nhất rõ ràng là việc ông ấy muốn tiếp tục dự án AUKUS, không muốn thay đổi kế hoạch phối hợp xây dựng tàu ngầm hạt nhân với Hoa Kỳ và Anh.”
Ông Albanese nhấn mạnh rằng việc Úc xây dựng tàu ngầm hạt nhân chủ yếu là để tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, nhằm đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong các cuộc họp của Bộ tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ), Úc tích cực hợp tác với Hoa Kỳ để thúc đẩy Đối thoại An ninh Tứ giác, hy vọng tạo thành một hệ thống đối thoại an ninh khu vực nhằm phản ứng lại những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh khu vực.
Ông Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho rằng, “Hiện tại Úc cũng muốn can thiệp vào Biển Đông, muốn nhập cảng tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ. Về mặt quân sự, Úc gia nhập liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, còn về mặt kinh tế, Úc dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc nhận thấy được điều này và quay đầu để khắc phục, nhưng không dễ dàng như vậy đâu.”
Chuyên gia: ĐCSTQ mượn tình hữu nghị Trung Quốc-Úc để phá vỡ vòng vây của Hoa Kỳ, nhưng không có tác dụng
Ông Chung Chí Đông cho rằng, ĐCSTQ đang cố gắng tạo ra hình ảnh rằng “dưới sự trừng phạt kinh tế của các nước phương Tây như Hoa Kỳ và châu Âu, thì mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa họ với Úc có thể trở lại bình thường. Họ hy vọng và thể hiện đây là một trong những chiến lược phá vỡ vòng vây thương mại của Hoa Kỳ và châu Âu.” Hai bên hy vọng có thể cải thiện mối quan hệ kinh tế và thương mại trong tình trạng tách biệt chính trị và kinh tế.
Ông Tô Tử Vân cũng cho rằng “ĐCSTQ luôn muốn sử dụng phương pháp mặt trận văn hóa thống nhất để chia rẽ các nước dân chủ phương Tây. Điều này tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ nhắc nhở Úc.”
Ông Tô cho rằng, về mặt khách quan, nền kinh tế của ĐCSTQ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. “Thứ nhất là ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thứ hai là lợi thế về dân số của ĐCSTQ đã kết thúc. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy dân số trên 65 tuổi của ĐCSTQ đã đạt 14.9%, dân số trên 60 tuổi có thể đạt 19.8%. Vì vậy, ĐCSTQ đang đối mặt với những ảnh hưởng này. Triển vọng phát triển kinh tế trong tương lai của họ rất hạn chế.”
Ông Ngô Gia Long cho rằng trong lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, cho dù có nhân tài cũng không thể phát huy hết khả năng vì bị ĐCSTQ can thiệp chính trị. “Hiện tại ông Lý Cường cũng chỉ là thực hiện nhiệm vụ, phô bày tư thái và hành động lấy lệ, hoàn toàn không có hiệu quả.”
Ông Ngô Gia Long cho rằng ngoài yếu tố địa chính trị, việc ĐCSTQ không muốn chịu trách nhiệm cho việc khiến các quốc gia kết giao với họ phải chịu thiệt. Chẳng hạn như ngành công nghiệp xe hơi quan trọng của Đức. “Đức muốn bán xe vào thị trường Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ lại đem xe hơi điện bán sang châu Âu, gây ảnh hưởng đến ngành xe hơi của Đức. Bây giờ mọi người đều hiểu rõ, làm ăn với ĐCSTQ là phải chịu thiệt.”
Ông Ngô hình dung ĐCSTQ như một “cậu bé mắc hội chứng thai to” (macrosomia), “khi cần chịu trách nhiệm thì nói mình là trẻ con, nhưng lúc ra ngoài thì tỏ ra mình là người lớn. Họ nói mình là nền kinh tế lớn thứ hai, muốn điều này, điều kia, nhưng khi người khác muốn họ chịu trách nhiệm quốc tế, thì họ lại nói mình là trẻ con. Họ chơi trò chơi như thế.”
Vào tháng Tư năm nay, báo cáo “Giải mã đầu tư của Trung Quốc vào Úc” (Demystifying Chinese Investment in Australia) do KPMG (Klynveld Peat Marwick Goerdeler) và Đại học Sydney công bố cho thấy, vào năm 2023, đầu tư của ĐCSTQ vào Úc giảm 37%, chỉ còn 892 triệu USD (1.36 tỷ AUD). Ngoài giai đoạn đặc biệt của đại dịch năm 2021, đây là mức đầu tư thấp nhất kể từ năm 2006.