Tiếng chuông công lý vang lên cho tất cả mọi người
Ngày 20/07 hàng năm là một dịp nhắc nhở tất cả chúng ta rằng có một cuộc bức hại vẫn đang diễn ra trên thế giới. Ngày này năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã khởi xướng một chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công cũng như toàn bộ học viên của môn tu luyện này ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa bao gồm các bài tập thiền đơn giản, chuyển động chậm rãi và các bài giảng dựa trên ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Phương tiện truyền thông nhà nước nằm dưới sự kiểm soát của Đảng này đã phô thiên cái địa tuyên truyền chống Pháp Luân Công cho công chúng, trong khi bộ máy an ninh đáng sợ của họ bắt bớ các học viên trên khắp Trung Quốc và giam giữ họ để “chuyển hóa thông qua cải tạo”.
Vào thời điểm đó, trên toàn thế giới đã có rất nhiều người quan tâm đến việc cố gắng tìm hiểu và lý giải những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Tháng 09/1999, Tổng Bí thư Trung Cộng Giang Trạch Dân đã đến thăm Úc, sau đó là New Zealand để tham dự một diễn đàn APEC. Trong khoảng thời gian đó, ông Giang đã phổ biến tuyên truyền của Đảng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.
Đến năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hầu hết các quốc gia phương Tây đều tìm kiếm “củ cà rốt” lợi nhuận từ thương mại với Trung Quốc.
“Cây gậy” của Trung Cộng là giữ im lặng trước những hành vi tàn bạo đối với nhân quyền của mình.
Ngày hôm nay của 23 năm sau, mối bang giao của Trung Quốc với các nền dân chủ phương Tây đã đổi khác — nhưng họ thì vẫn vậy.
Cuộc xâm lược Ukraine đã đem đến một phản ứng rõ nét trong các hành động của chế độ độc tài này. Thế nhưng, cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 23 năm, được Tòa án Luận tội Trung Quốc công nhận là tội ác phản nhân loại, lại không hề nhận được một phản ứng nào ngoài sự im lặng.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu như thế nào?
Một số nhà bình luận Trung Quốc nói rằng Trung Cộng đã thất kinh trước cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04/1999 của hơn 10,000 người Trung Quốc trên các tuyến phố xung quanh Trung Nam Hải, để đấu tranh cho quyền được luyện công và học Pháp của họ. Không, mọi chuyện không phải như vậy.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp các học viên và giúp giải quyết những vấn đề mà họ quan tâm. Khi đó, Chủ tịch Đảng Giang Trạch Dân, người đã phản đối Pháp Luân Công trong vài năm, đã sử dụng cuộc thỉnh nguyện ở Trung Nam Hải như một cái cớ để thuyết phục Đảng ủng hộ chiến dịch [đàn áp] của mình.
Những người khác lặp lại y hệt tuyên truyền của Trung Cộng rằng Pháp Luân Công có những bài giảng nguy hiểm, và pháp môn này đã bị cấm để bảo vệ công chúng. Không, mọi chuyện cũng không phải như thế. Từ khi nào mà Trung Cộng lại đi tập trung vào việc bảo vệ nhân dân Trung Quốc vậy?
Cũng không phải vì Pháp Luân Công làm chính trị. Cái mũ “chính trị” được chụp lên sau khi các học viên kêu gọi cho nhân quyền của họ, điều mà đáng lẽ phải được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Đối với Trung Cộng mà nói, việc kháng nghị cho quyền được luyện công, đả tọa một cách an toàn và không bị tra tấn hoặc sát hại là một hành động chính trị.
Vậy tại sao Trung Cộng lại đàn áp Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp)?
Bởi vì những bài giảng truyền thống của Pháp Luân Đại Pháp có thể khuyến khích mọi người hướng thiện, trở thành người thiện lương và chân thật. Ông Giang sợ rằng một Trung Quốc toàn là những người tốt, thiện lương, và chính trực, sẽ đi theo lương tâm và trí huệ của họ, thay vì mù quáng đi theo tư tưởng vô thần luận của Trung Cộng hay luận điệu giả dối của đảng này.
Điều mà Trung Cộng sợ nhất là những tội ác của đảng này đối với người dân Trung Quốc bị phơi bày, vì một khi hàng trăm triệu người tìm lại được lương tâm của mình và thanh tỉnh ra, họ sẽ không bao giờ dung thứ cho Trung Cộng.
Sự xuất hiện của Pháp Luân Công
Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào năm 1976, trong suốt những năm 1980, người Trung Quốc đã tìm cách kết nối lại với văn hóa truyền thống của mình. Chính quyền cho phép sự xuất hiện công khai của các môn khí công truyền thống, vì các pháp môn này là “của Trung Quốc” chứ không phải của một thế lực ngoại quốc nào đó. Trong bầu không khí ấy, vào tháng 05/1992, ông Lý Hồng Chí đã giới thiệu môn Pháp Luân Công cho công chúng ở Trung Quốc.
Vì những lời truyền miệng về lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công nhanh chóng lan rộng, nên môn tập này đã trở thành môn khí công phổ biến nhất ở Trung Quốc. Đến năm 1999, một cuộc khảo sát của chính quyền cho thấy có khoảng 70 đến 100 triệu người trên khắp Trung Quốc đang tập Pháp Luân Công.
Hơn nữa Pháp Luân Công cũng đại biểu cho sự nhận thức lại mới về nền văn hóa truyền thống Trung Quốc cổ xưa được tìm thấy trong những lời răn dạy bác đại tinh thâm của Phật giáo và Đạo giáo.
Pháp Luân Công dạy chân, thiện, nhẫn (phiên âm từ chữ Hán: Zhen 真, Shan 善, Ren 忍), là đặc tính căn bản của vũ trụ. Là con người, chúng ta không chỉ là một thân thể vật chất độc lập. Cuộc đời con người chính là một cơ hội để đề cao phẩm chất đạo đức, và tìm thấy Phật tính trong tâm, liễu giải được mối liên hệ của chúng ta với thiên thể và vũ trụ.
Ảnh hưởng sâu rộng của cuộc bức hại
Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các quốc gia phương Tây coi đây là một cơ hội lớn. Nhưng cơ hội lớn cũng có thể đi kèm với rủi ro lớn. Đối phó với một Trung Quốc do Trung Cộng kiểm soát cũng giống như đối phó với một tổ chức Mafia.
Vậy những giá trị nào đã bị hủy hoại, và những gì đã bị mất đi trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 23 năm?
Cuộc bức hại này đã đưa ra một lựa chọn rõ ràng — đứng về phía chính nghĩa, duy hộ sự thiện lương, không chỉ cho các học viên ở Trung Quốc mà cho tất cả mọi người trên thế giới. Còn mục tiêu của Trung Cộng là bắt mọi người phải tuân theo thế giới quan của đảng, đặt lợi ích bản thân lên trên luân lý, đạo đức, các giá trị, lương tâm, và tín ngưỡng vào Thần Phật.
Ưu tiên lợi ích hơn là đức hạnh là một sự lựa chọn nguy hiểm. Đây là một nền tảng văn hóa Trung Quốc có từ thời Mạnh Tử và Khổng Tử [giúp người ta] minh bạch ra hậu quả của việc đặt lợi ích lên trên đạo đức là gì.
Cuộc xâm lược Ukraine đã bị cộng đồng quốc tế lên án, ngoại trừ Trung Quốc và các chế độ độc tài cùng một giuộc với Trung Cộng. Thế nhưng, dù cho Tòa án Luận tội Trung Quốc có đưa ra những kết luận với bằng chứng rõ ràng, nhưng thử hỏi liệu được mấy nền dân chủ phương Tây công khai lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ những tù nhân lương tâm như vậy?
Tại sao họ không lên tiếng? Có một nhận thức rõ ràng về những gì sẽ xảy ra sau cuộc xâm lược Ukraine nếu các nền dân chủ phương Tây không lên tiếng và hành động. Thế nhưng, mọi người dường như không hiểu rằng sự im lặng đối với cuộc bức hại Pháp Luân Công chỉ tiếp thêm dũng khí làm loạn cho Trung Cộng mà thôi.
Giờ đây, các chiêu thức mà Trung Cộng phát triển để “chuyển hóa” hoặc tiêu diệt hàng triệu học viên Pháp Luân Công trong nhiều thập niên đã được mở rộng sang việc cưỡng bức đồng hóa và “chuyển hóa” người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả biện pháp thu hoạch nội tạng cưỡng bức tàn bạo.
Sự lựa chọn
Trong 20 năm qua, ĐCSTQ đã đóng góp vào một thế giới chính trị bị chi phối bởi lợi ích kinh tế và lợi ích vật chất, nơi mà tinh thần, luân lý và đạo đức bị coi thường hơn là được duy hộ một cách đúng mực như nền tảng về cuộc sống chân chính của con người.
Phương Tây đã chấp nhận một số ý tưởng, vốn len lỏi vào trong tiềm thức của họ một cách tinh vi, nhưng những ý tưởng này lại bắt nguồn từ tư tưởng cộng sản. Nhiều người có thể gọi đó là văn hóa xóa sổ (chủ nghĩa Marx trong văn hóa), thuyết chủng tộc trọng yếu, hệ tư tưởng thức tỉnh, v.v.
Những người trong cuộc từng thể nghiệm sự tàn bạo và kiểm soát của Trung Cộng có thể nhận ra đây là sự thâm nhập của các phần tử cộng sản nhằm lật đổ nền văn hóa truyền thống và tạo ra một nền văn hóa hiện đại lệch lạc cắt đứt mối liên hệ của con người với Đấng Tạo Hóa nhân từ.
Được coi là bóng ma của chủ nghĩa cộng sản, những phần tử cộng sản này đã tìm cách làm băng hoại phương Đông bằng cách tàn sát người dân một cách không thương tiếc và buộc họ phải tiếp thụ chủ nghĩa vô thần đồng thời tàn phá phương Tây bằng cách ngấm ngầm thâm nhập vào xã hội và buộc người dân ở đó từ bỏ đức tin và các giá trị đạo đức truyền thống của họ.
Ngày nay, nhà cầm quyền Trung Quốc mong đợi các nước khác áp dụng nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”, hay nói cách khác, nếu họ muốn thu lợi từ thương mại với Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục im lặng trước những hành vi tàn bạo đối với nhân quyền của Trung Cộng.
Người dân trên thế giới đang đứng trước hai sự lựa chọn: một là, tinh thần thiện lương phổ quát; hai là, tà ác toàn diện của chủ nghĩa cộng sản.
Cuối cùng thì tiếng chuông công lý đã vang lên cho tất cả mọi người.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John A. Deller là ủy viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc.