Phân tích: Các quan chức ĐCSTQ chọn cách ‘thảng bình’ để phản kháng thụ động với ông Tập
Một nhà quan sát chính trị cho biết bởi vì rất khó mà làm hài lòng được nhà độc tài Cộng sản quyền lực nhất, nên các quan chức của ông ấy đã chọn cách “thảng bình” và không làm gì cả
Một bài viết gần đây trên tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dẫn lời nhà lãnh đạo đảng bày tỏ sự không hài lòng trước thái độ thụ động và không làm gì cả của các quan chức. Các nhà phân tích coi đây là dấu hiệu của việc “thảng bình” hay phản kháng thụ động trong nội bộ đảng khi quyền lực ngày càng được tập trung vào tay ông Tập Cận Bình.
Ban đầu, thảng bình là một từ thông dụng trên Internet đề cập đến thái độ thụ động và không làm gì mà giới trẻ Trung Quốc áp dụng để giảm bớt áp lực từ sự cạnh tranh khốc liệt và cuộc sống đầy thử thách. Giờ đây, thảng bình được nhiều người coi là một sự tẩy chay ôn hòa trước những đối thủ không thể vượt qua, đồng thời là để bảo vệ bản thân và giảm thiểu tổn thất.
Trong số mới nhất của kênh truyền thông của đảng hôm 16/03, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) đã đăng một bài viết của nhà lãnh đạo ĐCSTQ tuyên bố rằng “đảng trị nghiêm ngặt” không phải là biến ĐCSTQ thành “vũng nước tù đọng,” ngầm chỉ trích các đảng viên không tích cực thực hiện những quyết định của ông ấy.
Ông Tập cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết “những khó khăn đặc biệt” của đảng bằng một số biện pháp như kích thích “sự nhiệt thành, chủ động và sáng tạo” của các đảng viên và cán bộ bằng “sự kiểm soát chặt chẽ cùng tấm lòng bác ái” cũng như “những khuyến khích và ràng buộc.”
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ, nói rằng “cái gọi là ‘những khó khăn đặc biệt’ mà ông Tập đề cập về cơ bản là vấn đề về tính hợp pháp của sự cai trị của ĐCSTQ. Vấn đề này hiện đã trở nên nổi cộm trong nội bộ đảng, và đã phát triển thành tình thế trong đó các quan chức chống lại sự độc tôn quyền lực của ông Tập bằng cách thảng bình.
Ông Vương nói tiếp: “Mặc dù ông Tập Cận Bình đã hoàn thành việc thâu tóm quyền lực vào tay mình bằng cách dựa vào chiến dịch ‘chống tham nhũng’ nhắm vào các đối thủ chính trị của mình, nhưng ông ấy đã gây thù chuốc oán với hầu hết các nhóm lợi ích của ĐCSTQ, từ trên xuống dưới trong hệ thống phân cấp.”
“Do đó, với việc ngày càng nhiều [quan chức ĐCSTQ] phản đối ông ấy [Tập] trong nội bộ và áp dụng lập trường thụ động trong công việc của chính quyền, ông Tập trở thành một kẻ cô độc.”
Theo ông Vương, một lý do khác khiến các quan chức ĐCSTQ chọn thảng bình là họ sợ bị tóm như những mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập nếu họ công khai nói không với chính quyền trung ương.
Ông Vương dự đoán cuộc tẩy chay này sẽ là khúc dạo đầu cho một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ông Tập và chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập, người thật khó mà làm hài lòng
Trong kỳ họp lưỡng hội kết thúc hồi giữa tháng Ba, người đứng đầu Đảng Cộng sản đã tăng tốc sự tập trung quyền lực cao độ về tay mình. Đầu tiên, ông thông qua một dự luật sửa đổi quy định rằng Quốc vụ viện trực thuộc Đảng, và thứ hai, ông hủy bỏ cuộc họp báo thường lệ sau kỳ họp của thủ tướng. Cả hai hành động này được cho là đã hạ thấp hơn nữa Quốc vụ viện và mở rộng quyền lực cá nhân của các nhà lãnh đạo Đảng.
Trước đó, một cảnh tượng bất thường tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) đã hé lộ “bầu không khí ảm đạm” trong giới quan chức ĐCSTQ và trạng thái hoảng loạn của các quan chức cấp cao đang thuận theo người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc.
Sự việc diễn ra tại cuộc họp của NPC hôm 09/03. Trong một hành động hiếm hoi, ông Tập đã có cuộc trao đổi riêng kéo dài ba phút với các nhân vật cấp cao khác tại bục chỗ ngồi. Ông Tập cầm bản báo cáo lên và nhìn ông Triệu Nhạc Tế, chủ tịch NPC, với vẻ mặt nghiêm nghị. Ông chỉ vào bản báo cáo và thỉnh thoảng gõ nhẹ lên bàn trong khi ông Triệu tiếp tục lắng nghe, giữ một cử chỉ khiêm tốn.
Hàng ngàn người tham dự, bao gồm cả các ký giả đến từ các hãng truyền thông ngoại quốc, đã chứng kiến tình tiết này, và tất cả các quan chức đều tỏ ra căng thẳng, tự hỏi chuyện gì đã xảy ra.
Nhiều hãng truyền thông trích dẫn một bài đăng từ nền tảng mạng xã hội X nói rằng nguyên nhân gây ra bầu không khí căng thẳng tại hội nghị lập pháp bù nhìn này là báo cáo của ông Ứng Dũng (Ying Yong), Kiểm sát trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Báo cáo tuyên bố rằng vào năm 2023, hơn 2.4 triệu người đã bị bắt hoặc bị truy tố vì lý do an ninh quốc gia. Đáng lẽ đây là một “báo cáo làm hài lòng” ông Tập, nhưng nó lại vô tình khiến ông tức giận. Số người bị bắt năm 2023 vượt tổng số người bị bắt trong thập niên diễn ra Cách mạng Văn hóa dưới thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông là 2.3 triệu người.
Hàng triệu vụ bắt giữ đó bao gồm những người bất đồng chính kiến, những người thỉnh nguyện, và cả những quan chức đã bị chính phủ hiện tại thanh trừng.
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà bình luận thời sự ở Hoa Kỳ, tin rằng nhiều chỉ thị trái ngược của ông Tập đã khiến các quan chức bối rối, và việc người lãnh đạo cao nhất nắm quyền lực tuyệt đối đã thúc đẩy sự phản kháng thụ động của những người cấp dưới.
Ông Trương cho biết: “Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông ấy tập trung vào một điều: không ngừng tập trung quyền lực,” đồng thời cho biết thêm rằng ông Tập đã thành lập nhiều nhóm làm việc khác nhau để duy trì quyền thống trị cao nhất trong việc ra quyết định. Điều này khiến các quan chức lo lắng về việc làm trái ý, không làm hài lòng ông Tập, nên thà thảng bình và không làm gì cả.
Mặt khác, ông Tập đang nắm bắt một loạt việc không thể thực hiện được, mang đến đủ loại hỗn loạn cho giới quan chức.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times