Trung Quốc: Người biểu tình tìm mọi cách tránh kiểm duyệt để bày tỏ sự bất mãn
“Hay hay hay tất nhiên tất nhiên tất nhiên chuẩn chuẩn chuẩn dạ vâng dạ vâng dạ vâng,” một người nào đó đã viết trên Weibo, một nền tảng giống với Twitter của Trung Quốc.
Bài đăng này dường như không giống với tinh thần của một người đang trong tâm trạng tồi tệ, nhưng trên mạng internet bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc, thông điệp có vẻ tích cực này là một trong nhiều cách mà người dân Trung Quốc đang thể hiện sự bất tuân của họ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Người dân Trung Quốc tiếp tục biểu tình trên mạng internet hôm 01/12 khi ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, công an hiện diện với mật độ dày đặc để dập tắt làn sóng phẫn nộ chưa từng có trước đây của người dân đối với chính quyền ĐCSTQ cũng như đối với những biện pháp hạn chế dịch COVID-19 khắc nghiệt của đảng này.
Vào những ngày cuối tuần kết thúc tháng 11 (26-27/11), các cuộc biểu tình đã xảy ra trên khắp đất nước. Từ đô thị sầm uất ở Thượng Hải đến quận Korla xa xôi, người ta có thể nhìn thấy những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu phản đối các biện pháp phòng dịch COVID hà khắc của nhà cầm quyền và yêu cầu quyền tự do. Các cuộc biểu tình quần chúng này được mệnh danh là “Cách mạng Giấy Trắng” bởi vì những tờ giấy trắng A4 là công cụ chủ đạo được nhiều người trẻ tuổi sử dụng trong các cuộc biểu tình này.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã cố gắng vượt qua các cơ quan kiểm duyệt, chạy đua về thời gian để lan truyền trước những nội dung liên quan đến các cuộc biểu tình, vốn là chủ đề mà hầu hết các hãng thông tấn chính thức của đất nước đều làm thinh.
Một số đoạn ghi hình về cuộc tụ tập ở Thượng Hải đã xuất hiện thành công trên WeChat, một nền tảng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc, hôm 26/11. Mặc dù những video như vậy chỉ tồn tại trong vài phút trước khi bị gỡ xuống, nhưng vẫn có rất nhiều người cảm thấy phấn khích khi biết được sự tình.
“Tôi liên tục tải lại trang, và lưu các video về máy, rồi còn chụp ảnh màn hình tất cả những gì có thể trước khi nội dung đó bị kiểm duyệt,” cô Elliot Wang, 26 tuổi ở Bắc Kinh, nói với The Associated Press. “Rất nhiều bạn của tôi đã chia sẻ video về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải. Tôi cũng đã chia sẻ những video đó, nhưng chúng bị gỡ xuống rất nhanh.”
Kiểm duyệt
Chính quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với mạng internet của đất nước thông qua một hoạt động kiểm duyệt phức tạp, nhiều công đoạn nhằm ngăn chặn quyền truy cập vào hầu hết các tin tức và mạng xã hội của ngoại quốc, đồng thời chặn các chủ đề và từ khóa được xem là nhạy cảm về chính trị hoặc gây bất lợi cho sự cai trị của ĐCSTQ. Các video hoặc lời kêu gọi biểu tình thường bị xóa ngay tức khắc.
Việc tìm kiếm trên Weibo hôm 01/12 về cụm từ “Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề”, một tuyến đường nơi nhiều cư dân Thượng Hải biểu tình hôm 26/11, cho ra hầu hết các kết quả hiển thị các bài đăng cũ, trong đó bài mới nhất là từ ngày 02/11.
Để tránh bị kiểm duyệt, người dân Trung Quốc đã nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để bày tỏ sự bất đồng của họ. Ví dụ, một số người đã đăng hình ảnh tờ giấy trắng, hiện là biểu tượng của sự bất bình đối với việc đàn áp ngôn luận của chính quyền.
Nhưng với hiệu suất cao, các nhà kiểm duyệt đã hành động để kiểm soát các bình luận và hình ảnh có chứa giấy trắng.
Theo Free Weibo, một trang web ghi lại các bài đăng bị kiểm duyệt trên nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của đất nước, một số bài đăng có từ “baizhi” (nghĩa là giấy trắng trong tiếng Trung Quốc) thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình đã bị gỡ bỏ.
Các bình luận chứa “giấy trắng” vẫn còn hiển thị trên Weibo hôm 01/12 cho thấy nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đa phần là chỉ trích các cuộc biểu tình. Không có kết quả nào cho các hình ảnh về giấy trắng hoặc những người cầm giấy trắng tại các cuộc biểu tình.
Những người khác đã đăng những thông điệp châm biếm với sự kết hợp của những từ có vẻ tích cực, chẳng hạn như “phải”, “chuẩn” và “đúng”.
“Từ giờ trở đi, tôi sẽ chỉ sử dụng ba cách diễn đạt: đúng đúng đúng đúng đúng đúng chuẩn chuẩn chuẩn chuẩn chuẩn tất nhiên tất nhiên tất nhiên tất nhiên tất nhiên,” một người dùng Weibo viết, kèm theo ảnh chụp màn hình cho thấy tài khoản bị khóa vì vi phạm quy định của Weibo.
Một chiến lược khác là sử dụng lối chơi chữ của các từ đồng âm trong tiếng Trung để gợi lên lời kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ chức, chẳng hạn họ sẽ nói “xiā-tái” (nghĩa là rêu tôm) thay vì nói “xià-tái” (nghĩa là hạ đài hay từ chức), hay từ “Xiāngjiāopí” (nghĩa là vỏ chuối), đọc lộn ngược lại sẽ là Xijiāopíng, có âm đầu giống với tên của ông Tập Cận Bình.
Biểu tình và kiềm chế dịch COVID
Trò chơi mèo vờn chuột giữa hàng triệu người dùng internet Trung Quốc và bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của nước này diễn ra sau làn sóng bất bình và phẫn nộ do một vụ hỏa hoạn tang thương hôm 24/11 gây ra.
Vụ hỏa hoạn khiến ít nhất 10 người thiệt mạng này đã bùng phát tại một tòa chung cư cao tầng ở Ô Lỗ Mộc Tề của Tân Cương, nơi có một số khu vực bị phong tỏa đã hơn ba tháng. Nhiều người cho biết các biện pháp hạn chế đã cản trở khả năng thoát hiểm của người dân khỏi tòa nhà cao tầng đang bốc cháy đó cũng như làm chậm trễ các nỗ lực cứu hộ. Trong khi các quan chức địa phương phủ nhận cáo buộc, các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy vòi nước từ một chiếc xe cứu hỏa từ xa rơi xuống gần đám cháy (tức là không thể tiếp cận tòa nhà này), làm dấy lên sự phẫn nộ trên mạng.
Cảnh tượng này tương đồng với cảnh tượng của hàng triệu người Trung Quốc, những người đã bị phong tỏa trong căn hộ của họ hàng tuần, thậm chí hàng tháng, theo chính sách zero COVID của nhà cầm quyền.
Cư dân tại ít nhất 10 thành phố của Trung Quốc đã xuống đường vào cuối tháng 11, một biểu hiện bất đồng chính kiến công khai hiếm thấy ở quốc gia cộng sản này. Lần cuối cùng Trung Quốc chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn như vậy là vào năm 1989, khi hàng chục ngàn sinh viên đại học tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để kêu gọi dân chủ và cải tổ chính phủ. ĐCSTQ đã phản ứng bằng cách điều động thiết vận xa và quân đội để trấn áp những người biểu tình trẻ tuổi.
Hôm 28/11, an ninh được tăng cường tại các địa điểm biểu tình trước đó ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Giữa các cuộc tuần tra bộ hành và đèn flash nhấp nháy từ dàn xe của công an, các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch ở thủ đô hôm 28/11 đã bị hủy bỏ.
Sau các cuộc biểu tình, hôm 01/12 một số thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế COVID, mặc dù hầu hết các yêu cầu vẫn được giữ nguyên.
Tại Cẩm Châu, một thành phố ở tỉnh Liêu Ninh phía tây bắc, các quan chức cho biết hôm 01/12 rằng họ sẽ không nới lỏng các hạn chế kiểm soát COVID, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp zero COVID.
Chính quyền địa phương đăng một thông báo trên Weibo, viết: “Thật đáng tiếc là chúng tôi đã không dập tắt sự lây nhiễm khi chúng tôi có thể.”
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times