Chính quyền Trung Quốc đáp trả các cuộc biểu tình chống COVID bằng ổn định xã hội
Nhà cầm quyền Trung Quốc gần đây đã ra lệnh tiến hành một cuộc đàn áp có chủ đích nhằm vào các cuộc biểu tình của quần chúng nổ ra trên khắp Trung Quốc phản đối các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của đảng cộng sản. Mặc dù vài ngày sau đó, nhiều thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế kiểm soát đại dịch, nhưng các nhà lãnh đạo đảng cộng sản địa phương ở một số tỉnh đã bắt đầu khai triển hoạt động trấn áp.
Các nhà phân tích tin rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều động quân đội và thiết vận xa để dập tắt các cuộc biểu tình có khả năng sẽ không xảy ra.
Ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, đã tuyên bố tại một cuộc họp hôm 28/11 rằng cần phải “chống lại sự xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch” và “duy trì sự ổn định chung của xã hội.”
Tất cả các quan chức chủ chốt trong hệ thống tư pháp của ĐCSTQ — ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), Bộ trưởng Bộ công an; ông Chu Cường (Zhou Qiang), Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; và ông Trương Quân (Zhang Jun), Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao — đã tham dự cuộc họp này. Tuyên bố của ông Trần đang được các nhà quan sát nhận định là một lời khẳng định về lập trường của ĐCSTQ đối với “Cuộc Cách mạng Giấy trắng.”
Giấy trắng
Bắt đầu từ ngày 26/11, người dân ở nhiều nơi của Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở [thành phố] Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), và biến việc thương tiếc này thành các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp “zero-Covid” nhằm xóa sổ virus của ĐCSTQ. Những người biểu tình đã cầm những tấm giấy trắng khổ A4, lên án việc ĐCSTQ đàn áp quyền tự do ngôn luận.
Những người biểu tình ở Hồng Kông là những người đầu tiên giơ cao tờ giấy trắng thách thức luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ, theo đó việc bày tỏ các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ có thể bị chế độ xem là một hành vi xúi giục nổi loạn, một tội danh hình sự.
Một nhà hoạt động kiêm blogger người Nga tên là Aslan Sagutdinov, là người đầu tiên áp dụng chiến thuật này ở Kazakhstan trong các cuộc biểu tình của họ vào năm 2019. Anh đã dự đoán chính xác rằng mình sẽ bị bắt vì cầm một tờ giấy trắng.
Anh nói vào thời điểm đó, “Tôi muốn chứng tỏ rằng sự ngu ngốc ở đất nước chúng ta đã trở nên rõ rệt đến mức cảnh sát sẽ bắt giữ tôi ngay bây giờ mặc dù không có dòng chữ nào, không có khẩu hiệu nào, không cần tôi hô vang hay nói bất cứ điều gì.”
ĐCSTQ muốn ổn định xã hội
Để đối phó với các cuộc biểu tình quần chúng, những người đứng đầu ĐCSTQ ở các khu vực khác nhau đã triệu tập các cuộc họp để tăng cường hoạt động “ổn định xã hội” của mình.
Ngày 29/11, bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er) đã tuyên bố tại một cuộc họp đặc biệt cấp thành phố về phòng chống dịch bệnh rằng ông muốn duy trì “sự ổn định chung của xã hội” và cái gọi là trật tự phòng chống dịch bệnh bình thường.
Cùng ngày, ông Hứa Cần (Xu Qin), bí thư tỉnh Hắc Long Giang, đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cũng như công tác “ổn định” liên quan đến việc kiến nghị của người dân.
Ông Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương, đã tổ chức các cuộc họp trong ba ngày liên tiếp, từ ngày 26 đến 28/11, để yêu cầu các quan chức địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật “nghiêm khắc chiến đấu chống lại sự phản kháng bạo lực đối với các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh” và tăng cường kiểm soát thông tin trên Internet. Thành phố thủ phủ của Tân Cương, Ô Lỗ Mộc Tề, là nơi nổ ra vụ hỏa hoạn tang thương và kích khởi các cuộc biểu tình chống COVID trên toàn đất nước Trung Quốc, hay còn gọi là “Cuộc Cách mạng Giấy trắng.”
Ngày 28/11, ông Vương Quân Chính (Wang Junzheng), Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng, cũng tuyên bố tại một cuộc họp rằng “duy trì sự ổn định” phải là nhiệm vụ số một.
Một số lượng lớn công an đã được điều động đến các địa điểm biểu tình. Ở nhiều khu vực, những người biểu tình đã bị bắt và bị xe cảnh sát đưa đi. Ngay cả sau khi đám đông giải tán, chính quyền vẫn tiếp tục siết chặt kiểm soát, tăng cường kiểm duyệt Internet, kiểm tra điện thoại di động của người dân trên tàu điện ngầm và trên đường phố để tìm thông tin liên quan đến biểu tình, đồng thời kiểm tra phần mềm VPN cho phép người dân Trung Quốc vượt qua ‘Vạn Lý Tường Lửa’ của ĐCSTQ.
Các trường đại học Trung Quốc cho sinh viên về nhà sớm hơn bình thường trong kỳ nghỉ đông, mà các nhà quan sát cho rằng có thể là một biện pháp để ngăn họ tụ tập biểu tình.
ĐCSTQ sẽ phản ứng thế nào?
Hôm 30/11, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times, “Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng dữ liệu lớn để theo dõi và kiểm soát mọi thứ.”
Ông Đường cho rằng hành động đàn áp các cuộc biểu tình chống COVID của ĐCSTQ lần này, có một đặc điểm nổi bật.
Ông Đường nhận định, “Nó kết hợp việc ‘duy trì sự ổn định’ thông thường của đảng với việc kiểm soát dịch bệnh hiện tại. Vì vậy theo tôi, lần này, ‘duy trì ổn định’ và ‘kiểm soát dịch bệnh được kết hợp với nhau, trong đó kiểm soát dịch bệnh đã trở thành một công cụ để duy trì sự ổn định và ngược lại, ‘duy trì ổn định’ là một cách tiếp cận chính để thực hiện chính sách zero COVID — không ngừng tăng cường mức độ phong tỏa.”
Ngày 30/11, Quận Hoàng Phố của Thượng Hải đã yêu cầu người dân chuẩn bị thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đủ dùng trong ít nhất 60 ngày, để chuẩn bị cho đợt phong tỏa do COVID-19 có thể xảy ra. Ông Đường cho rằng điều này có nghĩa là ĐCSTQ sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khắc nghiệt như một hình thức để trừng phạt các cuộc biểu tình.
Ông cho hay, “Thực ra, họ muốn trấn áp dư luận theo cách này, không chỉ trấn áp những người trực tiếp chống lại, mà còn trấn áp ý kiến và quan điểm của quần chúng. Vì theo quan điểm của [ĐCSTQ], những người đứng lên chống lại đảng này, chỉ là những người đại diện, vì hầu hết mọi người đều muốn chấm dứt chính sách zero-COVID.”
Phong trào tự phát
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập của tờ ‘Mùa xuân Bắc Kinh’, một tạp chí hàng tháng quan tâm đến phong trào dân chủ của Trung Quốc, cũng bày tỏ quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 30/11.
Ông Trần nhận xét, “Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có một cuộc đàn áp, nhưng vẫn khó đoán được ĐCSTQ sẽ thực hiện những biện pháp gì. Không có khả năng là đảng này sẽ điều động quân dã chiến và thiết vận xa ồ ạt như đã tiến hành vào ngày 04/06/1989, tại Quảng trường Thiên An Môn [để đàn áp phong trào sinh viên]. Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền chưa có lực lượng cảnh sát vũ trang, và hệ thống an ninh công cộng cũng chưa được trang bị tốt.”
Ông Trần nói, giờ đây, ĐCSTQ có bộ phận an ninh của mình, hệ thống công an, và hệ thống cảnh sát vũ trang được trang bị công nghệ giám sát điện tử, và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Họ có thể áp dụng các phương pháp đàn áp khác nhau.
Ông Trần nhận định, “Có nhiều khả năng mô hình Hồng Kông sẽ được sử dụng để tiến hành giám sát và theo dõi toàn diện, sau đó bắt giữ từng người biểu tình một. Một điểm khác biệt chính giữa bây giờ và trước đó là Phong trào Thiên An Môn có một yêu cầu chính trị rất mạnh mẽ về dân chủ hóa và, thẳng thắn mà nói, mưu cầu này không khác nào đang đề nghị chấm dứt chế độ độc tài độc đảng. Do đó, ĐCSTQ đã áp dụng một cách tiếp cận rất bạo lực, trực tiếp triển khai quân đội để bắn vào những người biểu tình.”
“Nhưng mục tiêu của Phong trào Giấy trắng này lúc đầu chỉ là một nhu cầu mưu sinh đơn giản, đòi hỏi nhiều quyền tự do cá nhân hơn. Hành động và mục tiêu chính của những người biểu tình chỉ xoay quanh việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa,” ông Trần tiếp tục. “Do đó, nói đúng ra, Phong trào Giấy trắng hoàn toàn là tự phát, cũng như không có tổ chức có trật tự nào đứng đằng sau, vì vậy phong trào này khác với Phong trào Quảng trường Thiên An Môn.”
Ông Đường cũng tin rằng trong hoàn cảnh hiện tại, và với quy mô của Phong trào Giấy trắng ở giai đoạn này, khả năng ĐCSTQ huy động quân đội để đàn áp là không cao.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times