Trung Quốc khủng hoảng dân số: Ông Tập Cận Bình ban lệnh khuyến khích quân nhân sinh ba con
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực thi chính sách ba con, nhiều địa phương đã đưa ra các biện pháp như “thưởng tiền khi sinh con” để thúc đẩy chính sách này. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Để cải thiện tỷ lệ sinh con thấp, chính quyền giao “nhiệm vụ sinh sản” cho quân đội, trước đây là lực lượng thực thi nghiêm ngặt chính sách kế hoạch hóa gia đình. Mới đây, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã ban hành quy định mới khuyến khích quân nhân sinh con, đồng thời khen thưởng cho quân nhân có ba con.
Hôm 07/09, Tân Hoa Xã loan tin, mới đây Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ký lệnh ban hành “Các biện pháp thực thi ‘Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ trong Quân đội.” Lệnh này có hiệu lực từ ngày 10/09/2023.
Trong “Biện pháp thực thi” này có tổng cộng 33 điều khoản, chủ yếu tập trung vào nhu cầu thực tế của các gia đình quân nhân như kết hôn, mang thai, sinh con, chăm sóc trẻ, và giáo dục, … Trong đó chú trọng đến việc giúp đỡ, chuẩn hóa và tăng cường bảo đảm dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, xây dựng hệ thống dịch vụ kỹ thuật toàn diện hỗ trợ sinh sản.
Tân Hoa Xã không đề cập đến biện pháp khen thưởng và quy định chi tiết của “Biện pháp thực thi” này, mà chỉ đề cập đến quy định điều chỉnh kế hoạch sinh sản, khuyến khích và hỗ trợ sinh sản, v.v., thúc đẩy việc kết hôn và sinh con phù hợp với lứa tuổi đối với quân nhân, đồng thời cho phép “một cặp vợ chồng có thể sinh ba con”; bổ sung các ngày nghỉ mới như “nghỉ phép của cha mẹ khi sinh con” và “nghỉ phép của cha mẹ để chăm sóc con” …
Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê chính thức của ĐCSTQ, năm 2022, dân số mới sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới mốc 10 triệu, chỉ còn 9.56 triệu, thiết lập mức thấp mới kể từ khi thành lập ĐCSTQ vào năm 1949. Tháng Tám năm nay, ông Kiều Kiệt (Qiao Jie), một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, dự đoán tại một diễn đàn rằng dân số mới sinh của Trung Quốc vào năm 2023 có thể chỉ vào khoảng 7 triệu đến 8 triệu người.
Kể từ khi chính quyền ĐCSTQ thực hiện “chính sách ba con” vào năm 2021, chính sách “thưởng tiền khi sinh con” đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương.
Mới tháng trước, nhiều người dân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã nhận được “tin nhắn khuyến khích sinh con” từ Ủy ban Y tế thành phố Tây An và Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Tây An. Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Tây An phúc đáp giới truyền thông rằng, lý do họ gửi tin nhắn “Đêm thất tịch khuyến khích sinh sản” là để phát động chính sách dân số và sinh sản hiện tại của đất nước.
Nhiều cư dân mạng mỉa mai: “Cơ quan kiểm soát sinh sản đã lắc mình một cái, biến thành thúc đẩy sinh sản. Lại có việc để làm rồi!”; “Đừng nghe, sinh ra cũng khổ thôi”; “Thứ mình không muốn đừng bắt người khác làm!”
Trong một thông báo của tổ dân phố Liên Đường thuộc quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến, cho biết khu khố này đã mời một đội ngũ chuyên gia y học sinh sản của Bệnh viện Nhân dân quận La Hồ tổ chức hoạt động tuyên truyền. Chủ đề của hoạt động tuyên truyền lần này là chiêu mộ những người dưới 49 tuổi có ý định tiếp tục sinh con.
Ngoài ra, chủ đề “Một địa phương ở Tứ Xuyên thông báo phụ nữ 15 tuổi trong độ tuổi sinh sản có thể được bổ sung folic acid” cũng gây tranh cãi và nằm trong danh sách tìm kiếm nóng trên weibo.
Ngày 25/06, khu phố Dương Bình thuộc quyền quản lý của thành phố Thành Đô thông báo rằng họ sẽ tiến hành thống kê việc mang thai đối với “phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi” trong địa bàn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn sinh con phải gọi điện đến văn phòng chính quyền địa phương để ghi danh, và có thể đến các cơ sở y tế được chỉ định để nhận folic acid miễn phí.
Về vấn đề này, cư dân mạng trên Twitter chế giễu: “Bước tiếp theo là cưỡng bức phụ nữ 12 tuổi bắt đầu mang thai”, “Trong kế hoạch hóa gia đình trước đây, ĐCSTQ có thể làm ra loại việc tàn ác ‘thai nhi 100 ngày chưa có hình hài’ (có thể phá thai). Giờ đây muốn tăng tỷ lệ sinh thì có việc gì mà họ không làm được?”
Sau 30 năm ĐCSTQ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức, các biện pháp khuyến khích sinh con không còn hiệu quả
Năm 2015, chính quyền ĐCSTQ tuyên bố nới lỏng chính sách “hai con,” nhưng số ca sinh vẫn tiếp tục giảm qua từng năm. Đầu năm 2020, dịch bệnh hoành hành ở Vũ Hán, sau đó ĐCSTQ áp đặt chính sách phong tỏa và kiểm soát nghiêm ngặt, dẫn đến dân số mới sinh ở Trung Quốc giảm mạnh. Đến năm 2022, dân số Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng âm.
Kể từ khi chính quyền ĐCSTQ thực hiện chính sách “ba con,” chính sách “thưởng tiền khi sinh con” đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, một bài xã luận trên tờ The Paper cho biết những khó khăn thực tế và thiếu sự trợ giúp khiến nhiều gia đình không muốn sinh con. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.
Chính sách kế hoạch hóa gia đình của ĐCSTQ (còn được gọi là “chính sách một con”) bắt đầu từ những năm 1980. Chính sách này không chỉ làm giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc mà còn dẫn đến các vụ đàn áp biểu tình đẫm máu ở nước này. Trong đó có vụ việc năm 2007 ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, người dân bao vây chính quyền thị trấn vì bất mãn với chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Lý Tịnh thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ