Nhà dân số học: ĐCSTQ có thể ép phụ nữ sinh con khi tỷ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục
‘Tất nhiên ĐCSTQ sẽ không bao giờ nói: ‘Chúng tôi đã sai, chúng tôi đã phạm lỗi.’
Theo ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, Trung Quốc có thể bắt đầu chiến dịch ép mang thai, buộc các đôi nam nữ trẻ kết hôn và sinh thêm con nếu những thách thức về dân số học trở nên nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 17/01 cho thấy chỉ có 9.02 triệu trẻ sơ sinh ra đời vào năm ngoái (2023) — con số này đã giảm năm thứ bảy liên tiếp, chạm tới mức thấp nhất kể từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát Trung Quốc từ năm 1949.
Từ năm 2021, ĐCSTQ đã áp dụng chính sách cho phép các gia đình sinh ba con. Chính quyền địa phương trên toàn quốc cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích các đôi vợ chồng sinh con. Các biện pháp khuyến khích được chính phủ đưa ra gồm có giảm thuế, trợ cấp nhà ở cho gia đình nào sinh con thứ ba, cũng như giáo dục miễn phí cho trẻ em tại các trường công lập.
Người ta cho rằng những biện pháp này có tác động hạn chế, theo ông Mosher, một trong những nhà khoa học xã hội Hoa Kỳ đầu tiên làm việc tại Trung Quốc sau khi Hoa Thịnh Đốn bình thường hóa bang giao với Bắc Kinh vào năm 1979. Để có thể ngăn chặn đà suy giảm dân số đang diễn ra, mỗi phụ nữ sẽ phải sinh ba con, vì chính sách một con trong nhiều thập niên và truyền thống ưa thích con trai đã dẫn đến tình trạng hiện nay có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh nở hơn.
Ông Mosher nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times: “Tôi cho rằng không có bất kỳ cách kết hợp giữa khuyến khích hay dụ dỗ nào có thể khiến phụ nữ trong độ tuổi sinh nở kết hôn và sinh con.”
Mặc dù Trung Quốc đã chuyển từ phạt các đôi vợ chồng vì sinh quá nhiều con sang khuyến khích sinh thêm con, nhưng có lẽ không dễ để thay đổi cách nhìn của công chúng về các gia đình đông con sau hàng chục năm tuyên truyền.
Ông Mosher nói, “Trong 30, 40 năm qua, người dân đã được tuyên truyền rằng trẻ em là gánh nặng chứ không phải phước lành; họ đã được tuyên truyền rằng mọi người nên sinh ít con hơn vì lợi ích của đất nước. Rồi đột nhiên, quý vị không thể quay ngược lại và nói rằng, hãy sinh thêm đi nào.”
“‘Tất nhiên ĐCSTQ sẽ không bao giờ nói: ‘Chúng tôi đã sai, chúng tôi đã phạm lỗi,’’’ ông nói thêm.
Dữ liệu chính thức công bố trước đó trong tháng này cho thấy ĐCSTQ đã thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh trên toàn quốc trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên hồi năm ngoái. Theo ông Mosher, nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng có thể cản trở thanh niên Trung Quốc sinh con.
Ông nói: “Thanh niên không có tiền đồ, không có việc làm, không có khả năng khởi nghiệp thì sẽ không kết hôn và sinh con.”
Với số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn trong những thập niên gần đây, thì tốc độ lão hoá dân số của Trung Quốc ngày càng tăng. Dữ liệu chính thức cho thấy vào năm ngoái, cứ năm người ở nước này thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Dân số trong độ tuổi làm việc, những người từ 16 đến 59 tuổi, chỉ chiếm 61% tổng dân số vào năm 2023 — giảm từ mức hơn 70% trong gần một thập niên trước.
Đối mặt với tình trạng dân số lão hóa nhanh chóng và có xu hướng giảm, ông Mosher cho biết ông lo ngại rằng các quan chức của chế độ có thể đẩy nỗ lực kế hoạch hóa gia đình đến những cực đoan ngược lại.
“Tuy nhiên, tôi rất lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ không dừng lại ở các biện pháp khuyến khích; rồi đến một lúc nào đó, nếu tình hình ngày trở nên nghiêm trọng hơn, như tôi nghĩ, ĐCSTQ sẽ nói với những phụ nữ trẻ, ‘Bây giờ chúng tôi ra lệnh cho các cô phải kết hôn và ra lệnh cho các cô phải sinh con. Đây là hạn ngạch sinh ba con của các cô và các cô phải sinh ngần ấy đứa con trong vòng sáu năm tới.’”
Ông nói: “Hiện giờ điều đó nghe có vẻ thái quá, tất nhiên là thái quá” nhưng như thế cũng không cực đoan hơn chính sách một con áp dụng từ những năm 1980 đến năm 2016, đồng thời ông cũng gọi quy định này là “hành vi phạm tội tồi tệ nhất, phản nhân loại ở Trung Quốc”.
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc cấm hầu hết các đôi vợ chồng chỉ được sinh một con. Những đứa trẻ sinh ra ngoài kế hoạch một con sẽ không được ghi danh vào hộ khẩu, không có một giấy ghi danh hộ khẩu để trở thành công dân Trung Quốc thực thụ để đi học, đi làm trong các công ty quốc doanh, kết hôn, hoặc thậm chí mở trương mục ngân hàng. Nhiều phụ nữ vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình đã bị ép phải phá thai hoặc triệt sản.
“Hàng trăm triệu trẻ em chưa chào đời ở Trung Quốc chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời vì mẹ của các em bị ép phá thai khi thai nhi được 4, 6, 8 tháng, thậm chí 9 tháng và đôi khi các em bị sát hại khi vừa mới lọt lòng.”
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times