Trung Quốc ghi nhận chưa tới 10 triệu ca sinh vào năm 2022: Thấp nhất kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền
Số ca sinh ở Trung Quốc đã giảm năm thứ sáu liên tiếp vào năm ngoái và hiện là mức thấp nhất kể từ năm 1949, thời điểm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền ở Trung Quốc — mặc dù họ đã bãi bỏ chính sách một con khét tiếng vào năm 2016.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã công bố vào ngày 12/10 rằng năm ngoái (2022) cả nước ghi nhận 9.56 triệu ca sinh. Con số này chỉ bằng hơn một nửa so với con số 17.58 triệu ca sinh được ghi nhận gần đây vào năm 2017.
Theo dữ liệu chính thức, 46.1% trẻ em sinh ra ở Trung Quốc vào năm ngoái là con đầu lòng, 38.9% số ca sinh là con thứ hai, và 15% là con thứ ba trở lên.
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhằm kiềm chế xu hướng giảm dân số. Sau khi dỡ bỏ chính sách một con vào năm 2016, Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng các chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm 2021 để khuyến khích người dân sinh thêm con.
Chính sách một con của Trung Quốc được thực hiện từ năm 1979 đến năm 2016. Nhà cầm quyền cộng sản tuyên bố chính sách này đã ngăn chặn khoảng 400 triệu ca sinh xảy ra từ năm 1979 đến năm 2011, bao gồm hàng triệu ca bị ngăn chặn bằng cách cưỡng bức triệt sản và cưỡng bức phá thai.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yicai, một hãng truyền thông của nhà nước Trung Quốc, ông Khương Toàn Bảo (Jiang Quanbao), một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển của Đại học Giao thông Tây An, hai lý do chính khiến tỷ lệ sinh giảm là do người Trung Quốc ngày càng có xu hướng kết hôn muộn hơn, đồng thời tỷ lệ người muốn sống độc thân và không sinh con ngày càng tăng.
Trái ngược với tỷ lệ sinh giảm mạnh, số người về hưu ở Trung Quốc đang tăng vọt.
Người Trung Quốc trên 65 tuổi — được truyền thông Trung Quốc gọi là “thủy triều xám” — chiếm 14.9% dân số vào năm 2022, khiến nước này trở thành một xã hội đang già đi nhanh chóng.
Hồi năm ngoái, một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng “thủy triều xám lớn nhất từ trước đến nay” sẽ xảy ra trong thập niên tới. Những người Trung Quốc sinh vào những năm 1960 bắt đầu về hưu vào năm 2022, với con số trung bình dự kiến là 20 triệu người trong độ tuổi này hiện đang về hưu hàng năm.
Người trẻ sợ có con
Theo các bản tin của truyền thông Trung Quốc, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy khả năng sinh sản của các công dân nữ đủ điều kiện và thúc đẩy việc sinh nở, bao gồm cả việc bổ sung acid folic cho các bé gái từ 15 tuổi và cho phụ nữ ở độ tuổi tối đa là 49 với sự giúp sức từ các đội y tế chuyên về sinh sản ở địa phương.
Sau công bố dữ liệu dân số gần đây của Bắc Kinh, nhiều cư dân mạng Trung Quốc trên nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng Trung Quốc Weibo tỏ ra dè dặt trong việc có con, trong đó nhiều người e sợ rằng họ không có đủ tài chính để nuôi con.
Một cư dân mạng có tên “Love China E5” viết: “Những người trẻ muốn có con nên suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định: Trong điều kiện hiện nay ở Trung Quốc, chúng ta có thể cho con mình những gì — hạnh phúc hay đau khổ?”
Một cư dân mạng khác có tên “Good Fortune” bày tỏ sự tiếc nuối khi sinh con thứ hai. “Tôi đang trầy trật kiếm sống từng ngày; Lẽ ra tôi không nên mang con đến thế giới này để tiếp tục chịu đựng đau khổ [như tôi]! Tôi rất hối hận khi sinh đứa con thứ hai. Vợ tôi mất việc sau khi sinh đứa con thứ hai. Chi phí cuộc sống không ngừng tăng mỗi năm, nhưng thu nhập của chúng tôi vẫn dậm chân tại chỗ! Cuộc sống này thật quá khắc nghiệt!”
Một người dùng mạng xã hội khác bày tỏ sự thất vọng trước triển vọng kinh tế trong tương lai ở Trung Quốc: “Những người bình thường chúng ta có thể làm gì cơ chứ? Nền kinh tế ngày càng suy thoái, còn chúng ta thì ngày càng nghèo hơn. Chúng ta không có cơ hội để kiếm sống và chúng ta không đủ khả năng để nuôi một đứa trẻ.”
Ngay từ năm 2021, một blogger có tên “Les Misérables” đã đăng một bài báo trên Zhihu, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc, đề cập đến một “cuộc khủng hoảng dân số” mới nổi ở Trung Quốc.
“Bề ngoài dường như là [người trẻ] không muốn có con, nhưng thực chất vấn đề là họ không dám. Họ không dám, đó là lý do tại sao họ không muốn,” Les Misérables kết luận trong bài đăng của mình. Blogger này để lại một câu hỏi ở cuối bài mà không đưa ra câu trả lời: “Vấn đề cốt lõi là tại sao người ta không dám sinh con?”
Ngoài vấn đề dân số già ở Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc còn công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục là 21.3% trong tháng Sáu. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc (CMF), cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở thanh niên đang diễn ra có thể kéo dài trong 10 năm tới và “tồi tệ hơn trong ngắn hạn.”
Các biện pháp zero-COVID hà khắc của chế độ cộng sản đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người trẻ tuổi về việc sinh con và nuôi dạy con trong một xã hội toàn trị như vậy.
Bản tin có sự đóng góp của Hạ Tùng và Mary Hong
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times