PHÂN TÍCH: Xu hướng lão hóa dân số đặt ra những thách thức chưa từng có cho ĐCSTQ
Dân số lão hóa của Trung Quốc đã trở thành một thách thức lớn về nhóm dân số khi độ tuổi trung bình của lực lượng lao động ở thành thị và nông thôn đang tiến gần đến mốc 40 tuổi. Và các chuyên gia cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.
Hồi năm 2022, Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố một báo cáo, cho biết tỷ lệ dân số Trung Quốc trên 60 tuổi chiếm 19.8% và trên 65 tuổi chiếm 14.9%. Tỷ lệ người phụ thuộc trong nhóm người cao niên từ 65 tuổi trở lên là 21.8%, tăng 1% so với năm 2021 và tăng 9.1 điểm phần trăm so với năm 2012, cho thấy xu hướng này đang liên tục gia tăng.
Những con số này thể hiện tỷ lệ nhân khẩu học của số người trong độ tuổi về hưu so với số người trong độ tuổi lao động. Hệ số này cho biết mỗi 100 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) sẽ phải chăm sóc bao nhiêu người cao niên từ 65 tuổi trở lên. Theo dữ liệu năm 2022, bình quân chưa đến 5 người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ phải chăm sóc cho một người già từ 65 tuổi trở lên.
Điều quan trọng cần lưu ý là dân số cao niên trong dữ liệu của chính quyền không phản ánh con số thực tế. Ở Trung Quốc, tuổi về hưu hiện nay là 60 đối với nam, 55 đối với nữ trong các doanh nghiệp nhà nước và những người làm việc cho nhà nước, và 50 đối với nữ nhân viên cổ cồn xanh (công nhân nữ). Vì vậy, trên thực tế, dân số cao niên của Trung Quốc bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, và báo cáo của ĐCSTQ có thể đã tính toán thấp hơn so với thực tế về số lượng người về hưu ở nước này.
Ảnh hưởng đến lực lượng lao động
Nếu tình trạng già hóa dân số của Trung Quốc tăng lên, thì độ tuổi trung bình của lực lượng lao động cũng tăng lên.
Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương ở Trung Quốc mới đây đã công bố báo cáo “Vốn Nhân lực ở Trung Quốc năm 2023,” trong đó cho biết đến cuối năm 2021, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động Trung Quốc đã gần chạm mốc 40 tuổi, trong đó lao động nam ở khu vực nông thôn đã vượt mốc 40 tuổi.
Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng vốn nhân lực của Trung Quốc đã giảm từ 10.9% xuống 6.7%. Điều này chủ yếu là do tác động của tình hình lão hóa dân số, dẫn đến sự sụt giảm trong việc tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
Đáng chú ý, tại thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ trung bình giữa người lao động và người về hưu là 2 trên 1.
Những con số này cho thấy thị trường lao động của Trung Quốc đang gặp phải những thách thức chưa từng có. Theo thời gian, xu hướng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Quốc gia lão hóa nhanh nhất
Trung Quốc có số lượng người cao niên đông nhất trên thế giới.
Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Nhâm Trạch Bình (Ren Zeping), năm 2001, hơn 7% dân số Trung Quốc là người trên 65 tuổi, đánh dấu sự khởi đầu của một xã hội lão hóa, và phải mất 21 năm để bước vào một xã hội “đang lão hóa sâu sắc,” với hơn 14% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Ông Nhâm dự đoán đến năm 2050, một nửa dân số sẽ rơi vào nhóm người cao niên do sự già đi nhanh chóng của những người sinh vào thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh ở Trung Quốc từ năm 1962 đến năm 1975.
Vào tháng Chín, học giả Trung Quốc Đỗ Bằng (Du Peng) cho biết, do ảnh hưởng của tỷ suất sinh đạt đỉnh điểm vào năm 1963, nên năm nay sẽ chứng kiến mức tăng ròng cao nhất ở nhóm dân số cao tuổi. Từ năm nay trở đi, xu hướng lão hóa dân số của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng đều đặn, đạt khoảng 500 triệu người vào năm 2050, và phải đến sau năm 2052 xu hướng này mới giảm xuống.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12: “Nguyên nhân chính khiến dân số Trung Quốc già đi đáng kể là do chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đã phá vỡ sự tăng trưởng tự nhiên của dân số. Phải mất bốn thập niên kể từ những năm 1970, Trung Quốc mới xuất hiện tình trạng dân số lão hóa, vì vậy sẽ phải mất thêm nhiều thập niên nữa để phục hồi.”
Chính sách một con do ĐCSTQ thực hiện từ năm 1979 đến năm 2015 đã dẫn đến một tình huống điển hình là một cặp vợ chồng phải chăm sóc cha mẹ của cả hai bên nội ngoại.
Tỷ lệ sinh thấp
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm trong sáu năm liên tiếp. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh đạt mức thấp lịch sử là 1.09, trong đó các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải ghi nhận tỷ lệ thấp chỉ từ 0.7–0.9.
Số đôi kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong chín năm liên tiếp và đạt mức thấp kỷ lục 6.83 triệu đôi vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi chính quyền bắt đầu lập hồ sơ dữ liệu vào năm 1986.
Để giải quyết vấn đề lão hóa dân số, ĐCSTQ đã chuyển sang “chính sách hai con” vào năm 2015 và thay đổi thành chính sách ba con vào năm 2021. Tuy nhiên, điều này vẫn không giúp ích được gì để ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm.
Nhiều người Trung Quốc nói rằng họ không muốn nuôi con vì chi phí quá cao.
Không có giải pháp trước mắt
Nhà kinh tế học Lý Tấn Lôi (Li Xunlei) sống tại Thượng Hải bình luận trên truyền thông Trung Quốc rằng, không giống như các nước phát triển “giàu lên trước khi già đi,” Trung Quốc “đang già đi trước khi giàu lên.” Ông nói, khi làn sóng người về hưu xuất hiện, thì vấn đề thiếu hụt lương hưu cũng sẽ sớm xảy ra. Hơn nữa, lão hóa dân số sẽ dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động giảm, chi phí lao động tiếp tục tăng khiến Trung Quốc mất đi lợi thế trong thu hút đầu tư ngoại quốc.
Ông Lý Nguyên Hoa cho rằng mô hình kinh tế của ĐCSTQ từng dựa vào lao động giá rẻ để trở thành “công xưởng của thế giới.” Tuy nhiên, với sự sụt giảm tỷ lệ thanh niên và trung niên trong dân số cộng với chi phí lao động tăng cao, thì mô hình kinh tế trước đây sẽ không còn bền vững nữa, ông nói. Hơn nữa, tình trạng lực lượng lao động góp phần tạo ra của cải ngày càng giảm cộng với số lượng người cao niên ngày càng tăng sẽ dẫn đến chi tiêu cao hơn cho chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội, v.v. Điều này có thể sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.