Diễn đàn Tinh anh: Thu hoạch cay đắng từ chính sách một con của Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề suy giảm dân số ở mức độ nghiêm trọng và không dễ mà có thể đảo ngược được tình trạng này.
Dân số Trung Quốc suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dân số nước này đã giảm khoảng 2.08 triệu, xuống còn 1.4 tỷ người vào năm 2023.
Năm 2022, dân số Trung Quốc giảm 850,000 người. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960, tỷ lệ tử vong vượt quá tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện nay.
Trên toàn cầu, những bước ngoặt về dân số thường trùng khớp với những chuyển biến trong phát triển kinh tế và xã hội, ảnh hưởng đến các yếu tố như lực lượng nhân sự, lương hưu, động lực tăng trưởng kinh tế, và sự phát triển xã hội nói chung. Vì vậy, các chuyên gia dự đoán rằng dân số Trung Quốc giảm mạnh có thể dẫn đến những biến động xã hội to lớn.
Cơ cấu dân số bị phá vỡ do yếu tố nhân tạo
Ông Lý Thiếu Dân (Li Shaomin), giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Old Dominion ở Virginia, tin rằng xu hướng suy giảm dân số của Trung Quốc không thể đảo ngược nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền.
Ông nói trong chương trình Diễn đàn Tinh anh (Pinnacle View) của NTD hôm 28/05: “Trong khi dân số trên toàn thế giới lần đầu tiên trải qua sự suy giảm tỷ lệ tử vong, sau đó là tỷ lệ sinh giảm dần, thì chính quyền Trung Quốc, bất chấp tỷ lệ tử vong, đã tác động để hạ thấp tỷ lệ sinh xuống mức thấp hiện tại.”
Ông Lý đã thảo luận về cấu trúc tháp dân số mà người ta thường nhắc đến, trong đó có nhiều người trẻ tuổi hơn ở dưới đáy kim tự tháp và khi nhóm người này già đi và qua đời, thì càng có ít người ở trên đỉnh kim tự tháp
“Điều này thể hiện một cơ cấu tuổi tác bình thường mà không có yếu tố can thiệp nhân tạo nào,” ông nói. “Khi con người ngừng sinh nở, đáy kim tự tháp dần co lại. Sự thay đổi này có thể diễn ra tương đối từ từ, với tỷ lệ sinh tử thay đổi chậm.”
Tuy nhiên, cơ cấu dân số bình thường có thể bị phá vỡ do xung đột, nạn đói, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến các nhóm tuổi nhất định. Tuy nhiên, sự phá vỡ cơ cấu dân số của Trung Quốc lại khác và quyết liệt hơn.
“Các phong trào chính trị [như Đảng Cộng sản Trung Quốc] có thể ảnh hưởng đến cơ cấu dân số, dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ khiến xã hội khó thích nghi. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu lao động, hôn nhân, việc làm, [và] giáo dục của những người khác, gây ra sự gián đoạn đáng kể cho toàn xã hội.”
Ông Lý lưu ý rằng nhìn chung, việc có con trong xã hội hiện đại đòi hỏi phải có sự đầu tư, góp phần mang lại lợi nhuận kinh tế.
“Các nước phát triển đầu tư rất nhiều vào việc nuôi dạy trẻ em. Trong các xã hội nông nghiệp trước thời kỳ hiện đại hóa, trẻ em được đầu tư rất ít. Trẻ em chủ yếu được coi là người lao động khi chúng có thể đi lại — kiếm củi, thực phẩm, và rau quả. Do đó, chi phí sinh con ở các xã hội nông nghiệp tương đối thấp và giáo dục không phải là yếu tố quan trọng,” ông nói.
“Tuy nhiên, trong xã hội cạnh tranh hiện nay của Trung Quốc, kể từ khi mang thai, các bậc phụ huynh đã bắt đầu cân nhắc đến những trường danh tiếng vì sợ con bị tụt lại phía sau, điều này tạo ra áp lực rất lớn.”
Ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là ở Canada và Úc, việc có con được coi là một niềm vui, họ ít quan tâm đến việc có bao nhiêu con và chi phí nuôi con tương đối thấp, cùng với sự trợ giúp xã hội đáng kể.
Tuy nhiên, ông nói rằng, ở Trung Quốc hiện đại, giới trẻ lại lo sợ về khả năng có con. Dưới chính sách một con, trẻ em trở thành “tiểu hoàng đế,” được nâng niu và chiều chuộng quá mức. Cha mẹ ngày nay đặt kỳ vọng của họ dựa trên mô thức đó, điều này có thể dẫn đến sự lo lắng.
“Mối quan tâm của họ nặng về chi phí hơn là niềm vui trong cuộc sống gia đình. Nhiều người trẻ hiện nay tin rằng việc có con sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Khi nhìn thấy trẻ em, họ nghĩ ngay đến các hoạt động giáo dục ngoại khóa đa dạng như học piano và khiêu vũ, những hoạt động này đã trở thành một phần văn hóa. Tuy không bắt buộc nhưng khi đối mặt với sự cạnh tranh, việc không tham gia có thể mang lại sự ô nhục.”
Theo ông Lý, những khó khăn kinh tế của Trung Quốc trong quá khứ không phải là do dân số quá đông mà là do những chính sách kinh tế sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chẳng hạn như lối sống và tập quán làm việc tập thể đã dẫn đến Nạn đói lớn ở Trung Quốc từ năm 1959 đến năm 1961, khiến 30 triệu người thiệt mạng.
“ĐCSTQ đã đổ nguyên nhân về sự phát triển kinh tế yếu kém là do tình trạng dân số quá đông, phản ánh hệ tư tưởng dân số sơ khai của họ. Sau đó, có một nhóm các nhà khoa học tự nhiên do ông Tống Kiện (Song Jian) đứng đầu, đột nhiên thấy mình nhàn rỗi trong việc phát triển hỏa tiễn và bắt đầu sử dụng lý thuyết kiểm soát để tính toán dân số,” ông nói.
Là một trong những nhà khoa học hàng đầu của quốc gia này sau Cách mạng Văn hóa, ông Tống Kiện cũng là người tiên phong ủng hộ cho chính sách một con của Trung Quốc.
Những người ủng hộ kiểm soát dân số như ông Tống “xác định rằng dân số tối ưu của Trung Quốc là 500 triệu vì một lý do không thể giải thích được. Điều đáng ngạc nhiên là ĐCSTQ đã chấp nhận ý tưởng này, dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ từ chính sách hai con sang chính sách một con vào cuối những năm 1970. Từ những năm 1950 đến đầu những năm 1970, trung bình một phụ nữ Trung Quốc sinh hơn 5 người con. Con số này giảm dần xuống còn hai, sau đó là một con trên một phụ nữ, cho thấy mức sinh giảm mạnh.
“Trong khi các quốc gia khác trải qua sự suy giảm dân số từ từ thì dân số Trung Quốc lại suy giảm nhanh chóng.”
Ông Lý đối chiếu chính sách hà khắc của Trung Quốc với chính sách kiểm soát dân số của Đảng Quốc đại Ấn Độ vào những năm 1970, trừng phạt những người sinh nhiều con.
“Nhưng Ấn Độ là một xã hội dân chủ, và chính sách này đã gây ra sự bất bình và chỉ trích rộng rãi. Trong cuộc bầu cử sau đó, Đảng Quốc Đại dù nắm quyền nhiều năm nhưng vẫn chịu tổn thất đáng kể. Vì vậy, chỉ có chế độ độc tài mới có thể thực thi các chính sách về sinh con; trong khi hệ thống dân chủ thì không thể.”
Trong thời Trung Hoa cổ xưa, con người quan trọng hơn đất đai
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, tuyên bố rằng vào thời xa xưa, đất đai không phải là tài nguyên khan hiếm vì dân số rất ít.
Hơn nữa, “trọng tâm của chiến tranh thời xưa thường không phải là đất đai mà là những người sinh sống ở đó,” bà nói. “Không chiếm được đất đai thì người ta sẽ bắt người. Nếu không bắt được người thì họ sẽ bắt phụ nữ và trẻ em. Biên giới lãnh thổ của các quốc gia thời xưa là tương đối, trong khi quyền sở hữu dân số phải chính xác. Vì vậy, dân số luôn là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển văn minh nhân loại.”
Bà Quách giải thích rằng sự bùng nổ dân số của Trung Hoa xảy ra vào cuối thời nhà Minh và gia tăng đáng kể vào thời nhà Thanh.
“Điều này là do người châu Âu đã phát hiện ra nhiều giống cây trồng mới ở châu Mỹ, gồm khoai tây, khoai lang, và bắp ngô. Những loại cây trồng mới này có nguồn gốc từ châu Mỹ, có yêu cầu thấp về đất đai, lượng mưa, và điều kiện khí hậu nhưng lại cho năng suất cao. Chúng cũng không đòi hỏi phải có các kỹ thuật hoặc công cụ nông nghiệp phức tạp.
“Kết quả là sản lượng lương thực toàn cầu tăng lên đáng kể, không chỉ dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về dân số của Trung Hoa mà còn dẫn đến sự bùng nổ dân số trên toàn thế giới. Trước thời Trung Cổ, dân số toàn cầu chủ yếu trong khoảng từ 300 đến 500 triệu người, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 đến 1/3 trong số đó.
“Nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại, như thuốc trừ sâu, phân bón, cải tiến hạt giống, và những tiến bộ trong kỹ thuật canh tác, diện tích đất thích hợp để canh tác trên Trái Đất đã tăng lên đáng kể. Do đó, giới hạn dân số không còn quan trọng nữa. Nếu được sử dụng tối đa, thì về mặt lý thuyết, đất canh tác trên Trái Đất có thể nuôi sống khoảng 15 tỷ người. Vì vậy, những hạn chế về nông nghiệp đối với dân số không còn là vấn đề quan trọng nhất nữa.”
Dân số Trung Quốc suy giảm do thể chế
Nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) đã đề cập đến tình hình ở các quốc gia khác để so sánh.
“Đức là quốc gia phát triển đầu tiên trải qua tình trạng suy giảm dân số. Ngay từ đầu những năm 1970, Đức đã bắt đầu trải qua tình trạng tăng trưởng dân số âm. Hungary theo sau và trải qua mức tăng trưởng âm vào năm 1980,” ông nói trong chương trình Diễn đàn Tinh anh.
“Năm 1999, lần đầu tiên toàn bộ châu Âu có mức tăng trưởng âm. Năm đó, tổng dân số châu Âu giảm hơn 50,000 người so với năm 1998. Năm 2003, với mức giảm 1.88 triệu người, châu Âu trở thành khu vực giảm dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2050, dân số châu Âu dự kiến sẽ giảm xuống còn 630 triệu người, chỉ chiếm 7% tổng dân số thế giới.
“Hàn Quốc cũng trải qua mức tăng trưởng dân số âm vào năm 2021… Một số kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng Hàn Quốc có thể bước vào một xã hội siêu già trong vòng 4 năm tới.”
Dựa theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, khi 14% dân số của một xã hội đạt đến độ tuổi từ 65 trở lên thì đó có thể được gọi là một xã hội già hóa. Khi tỷ lệ phần trăm này vượt quá 20%, thì đó là một xã hội siêu già.
Ông Lý lưu ý rằng quốc gia phát triển cuối cùng có mức tăng trưởng dân số âm có thể là Hoa Kỳ. Theo Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có thể sẽ không có mức tăng trưởng dân số âm cho đến năm 2080.
“Dự đoán này dựa trên chính sách nhập cư hiện tại. Nếu chính sách nhập cư trở nên thoải mái hơn, có thể phải mất thêm một thế kỷ nữa,” ông nói.
“Bên cạnh lý do kinh tế, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh là các giá trị. Khi các giá trị chuyển từ tập trung vào gia đình sang tập trung vào cá nhân, thì tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm mạnh. “Do đó, mặc dù bề ngoài Hoa Kỳ có vẻ ủng hộ các giá trị tự do hiện đại,” nhưng hầu hết người Mỹ vẫn nghiêng về các giá trị truyền thống, ông cho biết.
Sự mất cân bằng nam-nữ ở Trung Quốc
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), người phụ trách chuyên mục và biên tập viên cấp cao của The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất hạn chế sự gia tăng dân số là phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.
“Ngay cả khi quốc gia của quý vị có nhiều đàn ông thì điều đó cũng vô nghĩa. Phụ nữ là rất cần thiết… Bởi vì, trong chiến tranh, đàn ông thường là người thiệt mạng, để lại nhiều phụ nữ và dân số có thể nhanh chóng phục hồi”, ông nói với chương trình.
“Vấn đề của Trung Quốc hiện nay là nam nhiều hơn nữ hàng chục triệu người, nghĩa là dù có nhiều nam giới thì cũng không thể gia tăng dân số.”
Ông Thạch cho rằng sự mất cân bằng nam nữ là do chính sách một con của ĐCSTQ, dẫn đến việc ưa thích con trai hơn con gái.
Ông nói, sự mất cân bằng nam-nữ là một yếu tố nữa làm trầm trọng thêm vấn đề dân số của Trung Quốc.
“Tình hình ở Trung Quốc có thể không giống như ở phần còn lại của thế giới, bởi vì trong khi tỷ lệ tử vong ở người cao niên ở Trung Quốc đang giảm thì tỷ lệ sinh trong giai đoạn lẽ ra không nên giảm lại giảm đáng kể.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times