Phòng Thương mại Hoa Kỳ thúc đẩy chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế
Phòng Thương mại đang thúc giục các nhà lập pháp đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 3%.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã công bố sáng kiến giúp các nhà lập pháp ưu tiên tăng trưởng kinh tế của đất nước hơn là ganh đua chính trị, đồng thời cảnh báo rằng các thế hệ tương lai có thể mất đi cuộc sống thịnh vượng do tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Theo thông cáo báo chí ngày 04/07, Phòng Thương mại đã đề ra chính sách “Yêu cầu Cấp thiết về Tăng trưởng và Cơ hội,” kêu gọi “các ứng cử viên và quan chức dân cử ủng hộ các chính sách có thể đạt được ít nhất 3% tăng trưởng kinh tế thực hàng năm trong thập niên tới — tăng 50% so với dự báo hiện tại.”
Phòng Thương mại cho biết, từ năm 1950 đến năm 2010, Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng kinh tế thực trung bình hàng năm là 3.4%, ngay cả sau khi đã tính đến các cuộc suy thoái. Kể từ năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đã giảm xuống còn 2.2%, với tỷ lệ dự kiến sẽ giảm thêm xuống còn 1.8% trong thập niên tới.
Sự khác biệt giữa mức tăng trưởng 3% và 2% là rất lớn, báo cáo lưu ý. Trong một nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2% mỗi năm, một đứa trẻ sinh ra ngày nay chỉ có thể tăng gấp đôi mức sống khi đạt đến độ tuổi giữa 30. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng 3% sẽ giúp tăng gấp đôi mức sống của đứa trẻ khi bước sang độ tuổi đầu 20.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ Suzanne P. Clark cho biết, “Nhiều người Mỹ cảm thấy nền kinh tế hiện tại không mang lại lợi ích cho họ. Để tạo ra tương lai mà chúng ta mong muốn và thế hệ tiếp theo xứng đáng có được, chúng ta cần phải quay trở lại với tăng trưởng.”
“Chúng ta cần các viên chức được bầu của mình nhìn xa hơn cuộc bầu cử tiếp theo và đặt ra các ưu tiên mục tiêu cho tương lai chung của chúng ta. Tăng trưởng kinh tế không phải là một vấn đề màu đỏ hay vấn đề màu xanh(*). Đó là một mệnh lệnh bắt buộc phải thực hiện có cả màu đỏ, trắng, và xanh(**).”
Ghi chú của người dịch:
(*) Ý nói không phải là một vấn đề của riêng đảng phái nào, vì Đảng Cộng Hòa thường được ví với màu đỏ và Đảng Dân Chủ màu xanh.
(**) Ý nói đó là nhiệm vụ của đất nước, vì ba màu này là ba màu cờ của Mỹ.
Phòng Thương mại cho biết mục tiêu tăng trưởng 3% sẽ đóng vai trò là “phép thử” khi các nhà lập pháp đánh giá các biện pháp chính sách để thực hiện.
Hiệp hội này đã xác định các lĩnh vực chính có thể giúp đất nước đạt được tăng trưởng mạnh mẽ, chẳng hạn như thương mại, nhà ở, nhập cư, và việc làm. Hiệp hội đã ủng hộ việc áp dụng các chính sách trợ giúp và phát triển tổng lực lượng lao động đông đảo hơn có tay nghề cao và khuyến khích đầu tư vào công nghệ tân tiến.
Phòng Thương mại cho biết họ có ý định hợp tác với các nhà hoạch định chính sách từ cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ để thúc đẩy nghị trình tăng trưởng.
Vị thế kinh tế của Hoa Kỳ
Các dự đoán về vị thế kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ trong những thập niên tới khá đa dạng, khi một số người cho rằng quốc gia này sẽ tụt hạng trong khi những người khác lại tin rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ thống trị.
Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) hồi tháng 03/2024 ước tính tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình trong ba thập niên tới là 1.7% mỗi năm.
Hãng kiểm toán chuyên nghiệp PricewaterhouseCoopers dự đoán Hoa Kỳ sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2050, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tỷ trọng của Hoa Kỳ trong GDP toàn cầu ước tính sẽ giảm từ 16 xuống 12% trong giai đoạn 2016-2050. Trong thời gian này, tỷ trọng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 18 lên 20% trong khi tỷ trọng của Ấn Độ ước tính sẽ tăng từ 7 lên 15%.
Tuy nhiên, Capital Economics lại có dự đoán khác. “Chúng tôi không kỳ vọng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới” vào năm 2040, họ nói trong một bài đăng trên blog hôm 26/02.
Cuộc đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ “sẽ trở nên gay cấn nhất vào cuối thập niên này nhưng sau đó sẽ dần lắng xuống khi các vấn đề về cấu trúc tiếp tục trở nên nghiêm trọng và cuộc cách mạng AI thúc đẩy tăng trưởng của Hoa Kỳ.”
Một báo cáo tháng 07/2023 từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cũng cung cấp những lập luận tương tự.
Báo cáo dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1.4 tỷ xuống còn 590 triệu người vào năm 2100. Ngược lại, dân số Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng từ 334 lên 433 triệu người, trong khi dân số Ấn Độ dự kiến sẽ ở vào khoảng 1.5 tỷ người.
CEBR dự kiến Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn nhất vào năm 2100, với GDP lớn hơn 90% so với Trung Quốc và lớn hơn 30% so với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ dự kiến sẽ đứng ở vị trí thứ hai với nền kinh tế lớn hơn 45% so với Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times