Người dân Trung Quốc chật vật sưởi ấm nhà cửa trong cái lạnh kỷ lục cộng thêm hóa đơn tiền điện đắt đỏ
Người tiêu dùng điện đang phải chật vật với thời tiết lạnh giá, các vấn đề về nguồn cung, và hóa đơn tiền điện tăng cao. Trong khi đó, sự chênh lệch trong số liệu chính thức cho thấy hàng tỷ nhân dân tệ tiền điện đã bị giấu nhẹm.
Khi cái rét cực độ bao trùm cả Trung Quốc, chính quyền đang phải chật vật với tình trạng thiếu điện và hóa đơn tiền điện tăng vọt. Cư dân mạng đang phàn nàn hệ thống sưởi trong nhà không đủ ấm và hóa đơn tiền điện quá cao.
Mùa đông năm nay, nhiệt độ lạnh kỷ lục đã làm tuyết rơi ở ngay cả các tỉnh cận nhiệt đới phía nam Trung Quốc. Vấn đề thiếu nguồn sưởi ấm đang gây khó khăn cho các thành phố đông dân phía bắc và các tỉnh phía tây bắc—các khu vực như Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ, và Tân Cương.
Hôm 24/12, hãng thông tấn Reuters đưa tin Bắc Kinh đã phá mức kỷ lục thời tiết lạnh giá nhất trong bảy thập niên qua.
Hôm 24/12, một cư dân mạng ẩn danh đã đăng một thông báo lên mạng xã hội kêu gọi sự chú ý đến những nỗi khổ do vấn đề nóng lên ở miền bắc Trung Quốc gây ra sau trận tuyết rơi gần đây.
Cư dân mạng này không nói rõ vị trí của mình, cho biết nhiệt độ đã giảm xuống âm 15 độ F, nhưng “nhiệt độ trong nhà của nhiều cư dân là khoảng 10 đến 15 độ.”
“Người già và trẻ em mặc áo khoác bông dày [ở trong nhà] mà vẫn bị cảm lạnh và đổ bệnh,” bài đăng cho biết, và nói thêm rằng người dân đã khiếu nại lên chính quyền mà không được hồi đáp. “Đường dây nóng dịch vụ của chính quyền 12345 chỉ là trò lừa gạt. Cái gọi là dịch vụ chăm sóc khách hàng do công ty sưởi ấm quảng bá cũng vô dụng mà thôi.”
Hôm 23/12, một cư dân mạng khác từ Thiên Tân, một thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc, phàn nàn rằng trong vài ngày đầu tiên của không khí lạnh, nhiệt độ trong nhà của họ là 14 độ F.
Trung Quốc đã trải qua tình trạng thiếu điện đáng chú ý trong những năm gần đây. Vào mùa hè, việc sử dụng điều hòa không khí ở mức tối thiểu, và các nhà máy phải sắp xếp lịch trình hoạt động do các vấn đề về lưới điện. “Không có gì là lạ khi các khu dân cư gặp phải tình trạng mất điện trong cả mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá,” ông Lưu Hâm (Liu Xin, bí danh), một cư dân ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông Lưu chia sẻ rằng nỗi khổ này còn chồng chất thêm khi hóa đơn tiền điện quá đắt đỏ. Mùa đông năm nay, đèn chiếu sáng ở một số tòa nhà thì tối tăm và một số đường phố trong thành phố của ông thì không có đèn.
Đồng hồ điện thông minh của Trung Quốc không chính xác
Những năm gần đây, nhiều khu dân cư ở Trung Quốc đã thay thế đồng hồ điện truyền thống bằng đồng hồ điện thông minh. Sau khi thay đồng hồ điện, nhiều cư dân phàn nàn rằng họ phải trả thêm tiền điện dù không thay đổi mức tiêu thụ điện.
Ông Lưu cho biết: “Kể từ khi chuyển sang dùng đồng hồ điện mới, hóa đơn tiền điện của tôi đã tăng lên nhiều lần.”
Những đồn đoán về hiện tượng gian lận đồng hồ đo điện đã tồn tại trong nhiều thập niên qua cho dù các kênh truyền thông nhà nước đã nhiều lần phủ nhận việc này.
Đầu năm 2018, một bài viết trên ứng dụng blog Jianshu của Trung Quốc tuyên bố rằng “75% đồng hồ điện của Trung Quốc được cố tình làm cho chạy nhanh, với độ sai lệch lớn nhất là nhanh hơn 28%.” Bài viết này cáo buộc rằng đồng hồ điện được tăng tốc vì “một số công ty điện lực đã bí mật yêu cầu các nhà sản xuất tăng tốc độ chạy chỉ số của đồng hồ điện.”
Bài viết được kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc People’s Daily Online đăng lại, đã khiến đồng hồ điện thông minh của Trung Quốc trở thành chủ đề rất được quan tâm trong năm đó.
Hồi tháng 08/2021, một bản phân tích trực tuyến về vấn đề này cho biết rằng đồng hồ thông minh, tự bản thân nó đã tiêu thụ một lượng điện nhất định chỉ để hoạt động, và chi phí này sau đó sẽ được chuyển cho người dùng.
Hàng tỷ nhân dân tệ tiền điện bị che giấu
Hôm 22/12, một bài báo trên cổng thông tin NetEase của Trung Quốc đã đặt nghi vấn rằng: “Liệu rằng bí mật có phải là đồng hồ điện quay nhanh hay không?” Bài báo trích dẫn một ví dụ trong đó một cư dân mạng bị tính phí cho 135 độ điện mà đồng hồ điện của ông ấy hiển thị, mặc dù mức tiêu thụ thực tế trong nhà là 100 độ.
Bài báo ước tính công ty điện lực quốc doanh Trung Quốc đã mua 10 tỷ kWh điện nhưng bán ra 13.5 tỷ kWh.
Bài báo của NetEase cũng so sánh hai bộ dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 15/12 trong 11 tháng đầu năm 2023, một về sản xuất điện và một về tiêu thụ điện. Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy tổng sản lượng điện của cả nước từ tháng Một đến tháng Mười Một là 8,073.2 tỷ kilowatt giờ (kWh), tăng 4.8% so với cùng thời kỳ năm trước. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Trung Quốc cho biết tổng lượng điện tiêu thụ từ tháng Một đến tháng Mười Một là 8.367.8 tỷ kWh, tăng 6.3% so với cùng thời kỳ năm trước.
Đáng chú ý là, các số liệu chính thức cho thấy lượng điện được báo cáo đã sử dụng của Trung Quốc đã vượt quá lượng điện thực sự được tạo ra là 294.6 tỷ kilowatt giờ. Nếu tính ở mức 0.5 nhân dân tệ (khoảng 0.07 USD) một đơn vị, thì con số chênh lệch này sẽ tương đương khoảng 147.3 tỷ nhân dân tệ (20.6 tỷ USD), một khoản phí quá cao đối với hóa đơn điện của Trung Quốc.
Bài báo của NetEase kết luận rằng lời giải thích duy nhất cho hiện tượng phi lý này là đồng hồ điện của nhiều người Trung Quốc – kể cả người dùng công nghiệp – đều bị lỗi. Kết quả là khoản phí quá cao này cũng ngang với mức thuế năng lượng ngầm, tạo gánh nặng cho những người nộp thuế Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn với hàng tỷ nhân dân tệ tiền thuế bổ sung.