Dân số Trung Quốc giảm năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ sinh thấp kỷ lục
Các chuyên gia dự kiến tình trạng suy giảm dân số sẽ tiếp diễn trong nhiều thập niên.
Dân số chính thức của Trung Quốc đã giảm trong hai năm liên tiếp tính đến năm 2023, do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và làn sóng tử vong do COVID-19 và trong bối cảnh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ. Tình trạng này sẽ càng thúc đẩy sự suy thoái mà sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc lâu dài đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Hôm 17/01, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, số ca sinh đã giảm từ 9.56 triệu vào năm 2022 xuống còn 9.02 triệu vào năm ngoái (2023), đây là mức thấp nhất kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền kiểm soát quốc gia này vào năm 1949. Tỷ lệ sinh đã chạm mức thấp kỷ lục với 6.39 ca sinh trên 1,000 người, giảm so với tỷ lệ 6.77 hồi năm 2022. Với 11.1 triệu người tử vong, tổng dân số ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 1.409 tỷ người, theo số liệu chính thức.
Tỷ lệ sinh ở nước này đã giảm mạnh trong nhiều thập niên do chính sách một con được thực hiện từ năm 1980 đến năm 2015 và quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong thời kỳ đó. Giống như những đợt bùng nổ kinh tế trước đây ở Nhật Bản và Nam Hàn, một lượng lớn dân số đã di chuyển từ các trang trại nông thôn của Trung Quốc đến các thành phố, nơi việc nuôi con trở nên tốn kém hơn. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 6.3 trên 1,000 người vào năm 2022, trong khi tỷ lệ sinh của Nam Hàn là 4.9.
Nhà dân số học Châu Vận (Zhou Yun) của Đại học Michigan cho biết: “Như chúng tôi đã quan sát nhiều lần từ các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác, sự suy giảm sinh nở thường rất khó đảo ngược.”
Những yếu tố càng làm giảm nhu cầu sinh con ở Trung Quốc vào năm 2023 là tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong giới trẻ, tiền lương giảm đối với nhiều nhân viên văn phòng, và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc — nơi cất giữ hơn ⅔ tài sản gia đình — ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Dữ liệu mới này làm tăng thêm mối lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới đang giảm sút do có ít người lao động và người tiêu dùng hơn, trong khi chi phí chăm sóc người cao niên và phúc lợi hưu trí ngày càng tăng gây căng thẳng hơn cho các chính quyền địa phương còn đang mắc nợ.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm ngoái, làm dấy lên nhiều tranh luận hơn về lợi ích của việc chuyển một số chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc sang các thị trường khác, đặc biệt là khi căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.
Dân số giảm dần
Tổng số ca tử vong năm ngoái đã tăng 6.6% lên 11.1 triệu người, với tỷ lệ tử vong đạt mức cao nhất kể từ năm 1974 vào thời Cách mạng Văn hóa.
Trung Quốc đã trải qua một đợt bùng phát COVID mạnh mẽ trên toàn quốc vào đầu năm ngoái sau ba năm phong tỏa nghiêm ngặt cũng như các các biện pháp kiểm soát đi lại làm suy yếu khả năng miễn dịch của người dân. Không rõ đã có bao nhiêu người tử vong vì COVID-19 do Trung Quốc đột ngột chấm dứt các lệnh hạn chế “zero COVID” vào tháng 12/2022. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Kinh đã bị chỉ trích rộng rãi vì che đậy thông tin liên quan đến COVID nhằm mục đích giảm nhẹ bớt những tin tức mà họ cho là có hại cho hình ảnh của chế độ.
Chính quyền này đã báo cáo khoảng 80,000 ca tử vong liên quan đến COVID từ đầu tháng Mười Hai đến giữa tháng Hai, nhưng các chuyên gia tin rằng con số này còn cao hơn nhiều. Một số người ước tính số ca tử vong có thể lên tới 6 triệu.
Các chuyên gia dự đoán tình trạng sụt giảm dân số này sẽ tiếp diễn trong nhiều thập niên, bất chấp ảnh hưởng đang suy yếu dần của dịch COVID.
Về lâu dài, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc nhận thấy dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó của họ vào năm 2019.
Dân số trong độ tuổi lao động, được xác định là những người từ 16 đến 59 tuổi, đã giảm xuống còn 61% tổng dân số và tiếp tục xu hướng giảm dần. Tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên lên tới 21%.
Dân số trong độ tuổi hưu trí của đất nước này, từ 60 tuổi trở lên, dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu người vào năm 2035 — nhiều hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ — từ khoảng 280 triệu người hiện nay.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do nhà nước điều hành nhận thấy hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035.
Ông Zhu Guoping, một nông dân 57 tuổi ở tỉnh Cam Túc, thuộc tây bắc Trung Quốc, cho biết thu nhập hàng năm khoảng 20,000 nhân dân tệ (2,779.59 USD) của ông khiến gia đình ông chỉ có khoản tiết kiệm ít ỏi.
Ông sẽ nhận được khoản lương hưu hàng tháng là 160 nhân dân tệ khi bước sang tuổi 60, tương đương với 22 USD.
“Số tiền này chắc chắn là không đủ,” ông Zhu bày tỏ. “Có lẽ con của chúng tôi có thể phải nuôi chúng tôi trong tương lai.”
Tỷ lệ sinh ít hơn
Chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em đắt đỏ khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc ngại sinh con, trong khi sự bất ổn trên thị trường việc làm khiến phụ nữ không muốn tạm dừng sự nghiệp.
Các nhà dân số học cho biết, sự phân biệt giới tính và những kỳ vọng truyền thống rằng phụ nữ phải đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình đã làm vấn đề này càng thêm bế tắc.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã nói hồi năm ngoái rằng phụ nữ nên nói lên “những câu chuyện truyền thống tốt đẹp của gia đình,” đồng thời nói thêm rằng cần phải “tích cực nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con,” vốn là điều mà ông gắn liền với sự phát triển của đất nước.
Chính quyền địa phương đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích sinh con, bao gồm khấu trừ thuế, thời gian nghỉ thai sản dài hơn, và trợ cấp nhà ở.
Tuy nhiên, nhiều chính sách đã không được thực hiện do không đủ kinh phí và thiếu động lực từ chính quyền địa phương, một viện chính sách ở Bắc Kinh cho biết, đồng thời thúc giục một chương trình trợ cấp thống nhất trên toàn quốc cho các gia đình.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times