Chuyên gia: ĐCSTQ ‘đã làm tiêu tan tương lai của chính mình’ khi ngăn cản 400 triệu ca sinh bằng ‘chính sách một con’
Chuyên gia về Trung Quốc Steven Mosher cho rằng “chính sách một con” hà khắc của Bắc Kinh đã dẫn tới “sự tàn phá nguồn nhân lực lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến.”
Theo ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “hủy hoại nguồn nhân lực” trong nhiều thập niên qua, không chỉ gây nguy hiểm cho tham vọng của họ mà còn “làm tiêu tan tương lai” của chính họ.
Vào những năm 1980, ĐCSTQ khai triển “chính sách một con”, hạn chế nghiêm ngặt các cặp vợ chồng, chỉ cho phép họ có một con. Những người không tuân theo chính sách này phải đối mặt với sự trừng phạt, bao gồm phạt tiền nặng, đuổi việc, và cưỡng ép phá thai. Các quan chức lập luận rằng quy định này là cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế và phát triển lâu dài của đất nước.
Tuy nhiên, để ứng phó với lượng nhân công ngày càng thu hẹp và dân số già đi nhanh chóng, chính quyền này đang thực hiện các biện pháp để tăng tỷ lệ sinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV phát sóng ngày 26/10, ông Mosher nêu rõ: “Họ bắt đầu nhận ra rằng trên thực tế, họ đã dập tắt giấc mơ thống trị thế giới của Trung Quốc từ bước đi chập chững đầu tiên.”
“Với nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, dân số Trung Quốc già đi và tử vong nhanh hơn bất kỳ dân số nào khác trong lịch sử hành tinh, thế kỷ 21 sẽ không thuộc về Trung Quốc, một phần là do sự cai quản sai lầm liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng phần lớn là do một nửa các thế hệ gần đây đã bị sát hại.”
Là một trong những nhà khoa học xã hội đầu tiên của Hoa Kỳ sinh sống và làm việc với những người dân làng Trung Quốc vào cuối những năm 1970, ông Mosher cho rằng “chính sách một con” đã dẫn đến “sự tàn phá nguồn nhân lực lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến.” Ông lưu ý, các quan chức tại Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình của Trung Quốc đã tán dương rằng chính sách này đã ngăn ngừa “400 triệu” ca sinh, và khẳng định quy định này làm giảm áp lực lên tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, ông Mosher cho rằng sự tổn thất 400 triệu ca sinh theo thời gian chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này. “Đó là những gì đã xảy ra,” ông nói thêm.
Trung Quốc đang chật vật với thách thức kinh tế ngày càng tăng khi lĩnh vực địa ốc — ngành đóng góp chủ yếu vào GDP của đất nước, như ông Mosher đã lưu ý — đang gặp khủng hoảng.
“Khi sát hại một nửa của hai thế hệ vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đúng là đã làm tiêu tan tương lai của chính mình. … Tương lai duy nhất mà một quốc gia có được, nằm ở các gia đình và con em của họ.”
‘Bẫy dân số học’ vô lối thoát
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tăng tỷ lệ sinh trên toàn quốc — chẳng hạn như các biện pháp khuyến khích, như giảm thuế và trợ cấp nhà ở cho cha mẹ — đã không thể đảo ngược xu hướng giảm sút dân số. Thế hệ trẻ hơn không muốn lập gia đình và sinh con.
Năm 2015, Bắc Kinh đã cho phép các gia đình có hai con. Tuy nhiên, sau khi cuộc điều tra dân số năm 2021 cho thấy “chính sách hai con” không giải quyết hiệu quả tình trạng tỷ lệ sinh giảm, giới hạn này đã được nâng lên thành ba con.
Năm 2022, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) báo cáo có 9.56 triệu ca sinh, mức thấp nhất kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 1949, năm đầu tiên mà cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu.
Theo một nghiên cứu hồi tháng Tám của các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Dân số và Phát triển Trung Quốc (CPDS), một tổ chức trực thuộc NHC, tổng tỷ suất sinh (TFR) — đại diện cho số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ có trong độ tuổi sinh sản —- đã giảm xuống còn 1.09 trong năm 2022, giảm đi so với mức 1.30 được ghi nhận trong năm 2020. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức sinh thay thế* là 2.1, ngưỡng để duy trì dân số ổn định ở một quốc gia.
(*Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con gái để sau này thay thế họ sinh ra một thế hệ khác).
Theo ông Mosher, dữ liệu chính thức cho thấy thực tế còn tệ hơn nữa.
“Việc họ thừa nhận con số đó… có nghĩa là con số thực có thể thấp hơn,” ông nói. “Số liệu thống kê của Đảng Cộng sản Trung Quốc, luôn bị bóp méo cho mục đích tuyên truyền.”
Theo ông Mosher, các quan chức địa phương có “động cơ” để phóng đại số liệu về dân số “một chút.”
“Các quan chức ở tất cả các cấp nhận được trợ cấp từ chính quyền trung ương dựa trên số lượng người dân mà họ kiểm soát. Trường học nhận được trợ cấp dựa trên số lượng học sinh họ có, bệnh viện nhận được trợ cấp dựa trên số lượng bệnh nhân họ có, v.v. trong toàn bộ chính quyền,” ông Mosher nhận định và nói thêm rằng ông cũng hoài nghi về con số chính thức của dân số Trung Quốc, hiện ở mức 1.4 tỷ người.
Ông Mosher cho rằng ngay cả khi tỷ lệ sinh duy trì ở mức khoảng một con trên một phụ nữ, Trung Quốc vẫn đang trên đà đánh mất vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, với việc dân số Hoa Kỳ dự kiến sẽ vượt qua dân số Trung Quốc, đồng thời ông nói thêm rằng sự thay đổi này có thể xảy ra sớm hơn vào năm 2060, hoặc có thể muộn nhất là vào năm 2070. Ông dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 400 triệu người.
“Đó là hậu quả của việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sát hại phần lớn người dân Trung Quốc theo thời gian,” ông Mosher nhận định.
Vấn đề về dân số của Trung Quốc cũng tương tự như những thách thức mà các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản đang phải đối mặt. Nhưng ông Mosher lưu ý rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia có thu nhập trung bình, với hàng trăm triệu người vẫn còn tương đối nghèo.
“Trung Quốc đang già đi trước khi trở nên giàu có,” ông nói. Trong khi đó, các quốc gia ở phương Tây “trở nên giàu có trước khi già đi, điều đó có nghĩa là họ có đủ nguồn lực để tiếp tục thịnh vượng ngay cả khi dân số già đi và nguồn nhân lực bắt đầu chững lại và thu hẹp lại.”
“Không có cách nào thoát khỏi cái bẫy dân số mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra cho người dân Trung Quốc.”
Cưỡng bức mang thai
Nếu các biện pháp khuyến khích không ngăn được tình trạng suy giảm dân số, ông Mosher cảnh báo rằng các biện pháp cưỡng chế buộc thanh niên Trung Quốc phải kết hôn và có nhiều con có thể sẽ được thực hiện.
Các hướng dẫn cho các cá nhân dưới quyền trực tiếp của ĐCSTQ vốn đã được ban hành. Hôm 07/09, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã ban hành chính sách kế hoạch hóa gia đình với 33 điểm, khuyến khích quân nhân kết hôn và sinh tối đa ba con.
“Họ sử dụng từ ‘khuyến khích’ … nhưng tất nhiên, điều đó có nghĩa trong thực tế là một mệnh lệnh. Khi tổng tư lệnh của quý vị nói, ‘Hãy sinh con nhiều vào, có nhiều con vào,’ thì việc thăng chức của quý vị sẽ bị ràng buộc bởi việc liệu quý vị có tuân theo mệnh lệnh đó hay không,” ông Mosher nêu rõ.
Ông Mosher lưu ý đây không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ muốn các thành viên của mình dẫn đầu. Năm 2016, khi Bắc Kinh bãi bỏ “chính sách một con”, chính quyền Nghi Xương, một thành phố ở tỉnh miền trung Hồ Bắc, đã công bố một tài liệu trên trang web của chính quyền, trong đó kêu gọi các đảng viên và công chức của ĐCSTQ sinh hai con.
“Các đồng chí trẻ nên bắt đầu từ chính mình, còn các đồng chí không còn trẻ nên giáo dục và giám sát con em mình,” các quan chức cho biết trong bản ghi nhớ hiện đã bị xóa, theo những ảnh chụp màn hình được truyền thông nhà nước công bố. Tài liệu này nêu rõ rằng sau gần bốn thập niên thực hiện “chính sách một con”, tỷ lệ sinh của Nghi Xương đã giảm xuống dưới 1.0 vào thời điểm đó.
Một chỉ thị tương tự lại xuất hiện sau khi Bắc Kinh nâng quy định kế hoạch hóa gia đình lên ba con. Trong một bài xã luận trên truyền thông nhà nước hồi tháng 12/2021, các đảng viên ĐCSTQ được yêu cầu phải hoàn thành nghĩa vụ của mình bằng cách có ba con.
“Đảng viên không được viện bất kỳ lý do nào, dù khách quan hay cá nhân, để không kết hôn, không sinh con. Họ cũng không thể viện bất kỳ lý do nào để chỉ có một hoặc hai con,” theo bài xã luận đăng trên China Reports Network. Trong vòng 24 giờ sau khi được đăng trên trang web của hãng thông tấn này, bài báo trên đã biến mất, mặc dù các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục diễn ra trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo.
Ngoài các chỉ thị của chính quyền, ông Mosher còn đề cập rằng nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã khuyến khích nam thanh niên, đặc biệt là sinh viên đại học, hiến tinh trùng vào đầu năm nay. Có 29 tổ chức được phép thành lập ngân hàng tinh trùng, như được liệt kê trên trang web của NHC. Tuy nhiên, Trung Quốc không có ngân hàng trứng nào cả.
“Có lẽ điều đó sắp xảy ra, nơi những phụ nữ trẻ sẽ được yêu cầu hiến trứng để thụ tinh trong ống nghiệm và nuôi những đứa trẻ trong ống nghiệm,” ông Mosher nói. “Nhưng tôi e ngại rằng điều họ sẽ làm, là một giải pháp đơn giản hơn về mặt công nghệ.”
“Tôi nghĩ rằng phụ nữ trẻ sẽ không bị yêu cầu hiến trứng của mình; họ sẽ được yêu cầu hiến tử cung và hiến chính bản thân. Họ sẽ được thông báo rằng, vì lợi ích của đất nước, vì sự thịnh vượng của Trung Quốc, [và] vì tương lai của Trung Quốc, họ phải đồng ý sinh con, và sẽ có chỉ tiêu được công bố. Và sẽ có hình phạt nếu không tuân theo.”
Theo ông Mosher, ĐCSTQ đã áp đặt các biện pháp ép buộc kế hoạch hóa gia đình như vậy đối với phụ nữ Trung Quốc trong nhiều thập niên. Trong thời kỳ “chính sách một con”, phụ nữ mang thai có thể bị ép phá thai vì nhiều lý do, từ dưới 21 tuổi cho đến những người không được chính quyền cho phép.
“Theo kiểu từ trên xuống, Trung Quốc đã kiểm soát khả năng sinh sản của đất nước trong nhiều thập niên để giảm mức sinh. Điều gì sẽ ngăn cản Đảng Cộng sản Trung Quốc làm điều ngược lại, là sử dụng phụ nữ trẻ làm lực lượng sinh sản bị ép buộc để phục hồi dân số của đất nước, trong bối cảnh họ thực sự rơi vào một vòng xoáy đi xuống về mặt dân số?” ông Mosher hỏi. “Tôi không thể thấy bất kỳ lý do đạo đức hay luân lý nào khiến Đảng Cộng sản chần chừ một phút trước khi làm điều đó.”
Ông Mosher cảnh báo rằng việc cưỡng ép mang thai có thể xảy ra ngay từ thập niên này.
‘Kiểm soát toàn diện’
Đó không chỉ là về kiểm soát dân số. Như ông Mosher đã chỉ ra, ĐCSTQ đã nỗ lực giành “quyền kiểm soát toàn diện” đất nước kể từ khi đảng này được thành lập vào năm 1921, và tham vọng này được thể hiện rõ trong chính sách zero COVID của nhà cầm quyền này.
“Các chính sách zero COVID ở Trung Quốc — một lần nữa được minh họa vào năm ngoái tại Thượng Hải, khi chính quyền nhốt 20 triệu người dân ở Thượng Hải trong căn hộ của họ — đó thực sự là một biểu hiện của kiểu kiểm soát toàn diện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đang cố gắng thực hiện, thực sự là kể từ khi họ được thành lập vào năm 1921,” ông nói. “Và tôi nghĩ việc này đã được thể hiện đầy đủ nhất ở chính sách zero-COVID.”
Ông Mosher cho rằng cách Bắc Kinh quản lý đại dịch COVID-19 báo hiệu rằng nhà cầm quyền này đang chuẩn bị cho chiến tranh.
“Bởi vì tôi nghĩ trong một kịch bản thời chiến, người ta muốn có khả năng nhốt mọi người dân ở nơi làm việc, để buộc họ tiếp tục sản xuất vũ khí hoặc thực phẩm quan trọng hoặc nhốt mọi người trong căn hộ của họ, để ngăn cản họ tham gia vào các cuộc biểu tình của người dân, các bạo loạn hoặc bất ổn,” ông Mosher nhận xét.
Tuy nhiên, do ĐCSTQ đã che đậy số liệu thống kê và thao túng dữ liệu về COVID-19, các nước phương Tây đã mong đợi Trung Quốc tìm ra giải pháp ngăn chặn virus corona, và đã thử thực hiện các biện pháp kiểm soát xã hội tương tự như phong tỏa.
Ông Mosher cảnh báo không nên lấy Trung Quốc cộng sản làm ví dụ hay hình mẫu.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times