Triết lý về luân hồi: Huệ nhãn biết chân tướng
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Triết lý về luân hồi”.
Lời tựa: Bài viết này kể về câu chuyện của một người không bị mê hoặc bởi những giả tượng ở trước mắt, mà qua đó anh còn nhận ra được ý nghĩa chân chính của sinh mệnh.
Câu chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ 17 ở thành phố Turin, Ý. Hai cha con Adin sống nương tựa vào nhau ở thành phố này. Một ngày nọ, cha Adin qua đời vì bệnh tật. Sự ra đi của cha khiến Adin vô cùng đau buồn. Lúc này, căn nhà trơ trọi xơ xác, ngoài nước uống và tấm chăn rách nát trên giường ra thì chẳng có gì cả. Một vài người bạn cũng đến an ủi cậu, nhưng chỉ được một lúc thì họ đều rời đi, để lại một cậu nhóc mười lăm tuổi không biết phải đi về đâu? Đúng lúc này, có một người đàn ông trên người đầy những vết lở loét nghiêm trọng từ ngoài cửa bước vào. Toàn thân ông đều là những vết thương lở loét, máu mủ chảy ra bên ngoài, khắp người bốc mùi hôi thối, bộ y phục mặc trên người cũng rách nát không còn hình dạng.
Ông bước vào nhà rồi nói với Adin: “Tôi đến đây muốn xin chút nước uống.” Adin đưa cho ông ấy một chén nước. Sau khi uống xong, thấy trời đã tối sầm, ông ấy nói: “Tối nay tôi sẽ ở lại đây một đêm.” Adin thấy ông như vậy cũng không nói gì thêm, cậu đến trước linh cữu cha đặt ở bên ngoài tiếp tục khóc than giữ đạo hiếu. Người đàn ông kia cũng thoải mái bước vào nhà, lấy tấm chăn duy nhất trong nhà đắp lên người rồi ngủ thiếp đi.
Sáng sớm hôm sau, người đàn ông ấy nằm trên giường và nói: “Tôi cũng không ổn rồi! Cậu hãy nhập liệm tôi luôn nhé. Tôi không có gì để đền đáp cậu cả. Bộ y phục này trên người tôi, cậu hãy mang nó đến nông trại bên sườn núi Apennine, đưa nó cho chủ trang trại nhé.” Nói xong, ông trút hơi thở cuối cùng. Ông ấy ở trong nhà một đêm, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi. Có nhiều người vốn đến để chia buồn cùng Adin, nhưng vì ngửi thấy mùi hôi khi đang hành lễ trước linh cữu, họ liền che mũi và vội vàng rời đi.
Bởi vì Adin không có tiền, cậu đành tháo dỡ căn nhà tồi tàn của mình, lấy mấy miếng gỗ làm thành một cái quan tài đơn sơ cho người đàn ông kia. Sau đó, Adin làm một thứ giống như xe trượt tuyết, đặt linh cữu của cha và ông lão lên xe rồi đẩy đến nơi hoang vu, đào hố và chôn cất hai người họ.
Sau khi mai táng ổn thỏa, cậu cầm bộ y phục dính đầy máu mủ của người đàn ông nọ chạy về phía nông trại. Nông trại rất xa, cậu phải vừa đi vừa xin ăn tận ba ngày ba đêm liền. Khi đưa được bộ y phục cho người chủ trang trại, thì Adin cũng ngất đi vì kiệt sức.
Đợi đến khi tỉnh lại, phát hiện bản thân dường như đang ở trong một cung điện vô cùng to lớn. Bên trong cung điện quả thật nguy nga lộng lẫy, vô cùng xinh đẹp. Cha cậu và ông lão kia đang cùng nhau uống rượu. Adin dụi mắt và không dám tin. Thấy cậu đang ngơ ngác, sững sờ ở đó, cha Adin kéo tay cậu lại và nói: “Tất cả là nhờ người chú này của con, không thì hai cha con chúng ta làm sao có ngày gặp lại nhau đây.”
Trong lúc đang trò chuyện, người chủ trang trại bước tới và kể lại ngọn nguồn câu chuyện: Cha của Adin khi còn trẻ từng gặp một người có năng lực phi phàm. Ông ấy có thể khiến bản thân hoặc người khác biến hóa thành bất cứ hình dạng nào mà ông ấy muốn. Tất nhiên vài ngày sau, ông lại có thể biến hóa trở về diện mạo ban đầu. Mối quan hệ giữa cha cậu và người đàn ông phi phàm ấy rất tốt. Cha cậu muốn cùng ông ấy chu du khắp mọi miền. Nhưng người đàn ông ấy không đồng ý, chỉ nói ‘đợi đến khi ông bị bệnh rồi mất đi, chúng ta mới có thể gặp lại nhau.’ Nhiều năm trôi qua, cha Adin thật sự bị bệnh rồi qua đời. Và người đàn ông phi phàm đó đã biến hóa thành người mang trên thân những vết lở loét kia, vì ông muốn giúp hai cha con Adin. Tuy Adin không biết rõ sự tình, nhưng cậu không vì những vết thương lở loét trên người ông lão mà tỏ ra ghét bỏ hay lạnh nhạt. Cậu cho ông tá túc một đêm, lại còn an táng cho ông và giúp ông chuyển lại bộ y phục. Cuối cùng, người đàn ông thi triển Thần lực, cứu sống người cha của Adin từ trong quan tài, giúp hai cha con họ gặp lại nhau, và an bài phần đời còn lại của họ ở cung điện nguy nga này. Nếu Adin muốn tu hành, cũng có thể cùng người đàn ông có Thần lực ấy tu hành.
Sau khi nghe xong những lời này, Adin lại càng sửng sốt. Cuối cùng cậu nói: “Chẳng lẽ không ai đến nông trại này sao?” Người chủ nông trại mỉm cười: “Đây không phải là nơi mà người phàm có thể đến được. Người có duyên mới có thể đến được.” Nói xong ông mỉm cười một cách thần bí rồi rời đi.
Nghe vậy, Adin cũng không hỏi gì thêm. Cậu tiếp tục sống ở đây, mỗi ngày cùng các vị Thần Tiên trải qua những ngày tháng vui vẻ …
Kiếp này, Adin chuyển sinh đến Trung Quốc. Trong tính cách của anh cũng có những đặc điểm như gánh chịu khổ nạn và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Lời kết
Bài viết này chính là muốn nói rõ một đạo lý rằng: Đừng nên bị những giả tướng nhất thời che lấp. Bất cứ lúc nào cũng nên dùng một trái tim lương thiện để đối đãi với tất cả sự việc. Như vậy, cho dù kết cục như thế nào thì cũng đều là điều tốt nhất, đều là điều thích hợp nhất đối với sinh mệnh của bản thân.
Thật đúng là:
Huệ nhãn nhận chân, phá giả tướng,
Khổ sướng hồng trần vốn vô thường.
Thiện tâm thiện hành lưu lối thoát,
Đời người vô hối gió lành giương.