Triết lý về luân hồi: Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác
Lời tựa: Bài viết này kể câu chuyện về một người vô ý sát hại người khác, cuối cùng nhận được sự khoan dung.
Vào cuối triều đại Tây Tấn, có hai chàng trai trẻ cùng nhau luyện tập bắn cung ở gần núi Vũ Di. Thỉnh thoảng, họ cùng nhau săn bắt thú rừng, và cùng nhau tranh tài xem ai là người bắn cung chuẩn xác nhất. Trong hai người họ, một người vẫn còn cha mẹ, người còn lại mồ côi, chỉ sống một mình.
Một ngày nọ, hai chàng trai trẻ cùng nhau vào núi săn bắn thú hoang. Không may chàng trai có đầy đủ cả cha lẫn mẹ kia bị vấp vào tảng đá, trượt chân ngã. Ngay lúc đó, đúng lúc có hai con gà rừng đuổi nhau nhảy ra. Chàng trai đi phía trước không quan sát kỹ, quay đầu vội bắn ngay một mũi tên. Kết quả, mũi tên bắn trúng yết hầu của chàng trai bị trượt chân ngã dưới đất, khiến chàng tử vong tại chỗ.
Thấy bản thân đã gây ra họa lớn, chàng trai mồ côi cha mẹ kia liều mình tháo chạy. Sau đó, anh chuyển đến Giang Tô, tìm đến nhà một người họ hàng xa để ẩn náu. Về phần chàng trai kia, cha mẹ anh thấy trời đã tối mà vẫn chưa thấy bóng dáng con trai mình quay trở về, liền phái người tìm kiếm khắp xung quanh. Kết quả, họ tìm thấy con trai ở trong núi. Nhìn thấy con trai bị mũi tên bắn trúng mất mạng, khi rút mũi tên ra, họ thấy trên đó còn khắc tên của cậu thiếu niên mồ côi cha mẹ kia. Họ gào khóc nức nở, cảm thấy ông trời đối xử với mình thật quá bất công. Chẳng bao lâu sau, đôi mắt của hai ông bà lão đều bị mù. Về chuyện này, chúng tôi sẽ không đề cập nhiều thêm nữa.
Lại nói đến chàng trai chạy trốn kia, anh ta vì muốn tránh phạm phải sai lầm tương tự, nên kể từ đó không bao giờ động tới cung tên hay bất kỳ loại vũ khí nào khác. Anh cũng không thể hiện võ nghệ của mình với bất kỳ ai. Cũng vì lý do này, anh luôn bị người khác ức hiếp ở nơi đất khách quê người. Sau đó, anh gặp được tiểu thư của một gia đình giàu có. Khi đi ra ngoài, nàng mang theo rất nhiều hành lý, những tùy tùng bên cạnh không hiểu vì sao lại đột nhiên ngã bệnh. Vì vậy, giờ dù chỉ mang theo một chút vật phẩm thì cũng lực bất tòng tâm. Nàng cảm thấy rất lo lắng. Lúc này, chàng trai đi ngang qua. Sau khi hỏi thăm biết rõ tình hình, anh bèn đi tìm vài người bạn thân thiết, giúp đỡ những người tùy tùng và vị tiểu thư mang hành trang quay trở về phủ.
Không ngờ gia đình của vị tiểu thư kia lại là một thương gia nổi tiếng ở địa phương, gia cảnh vô cùng giàu có. Khi cha của vị tiểu thư nhìn thấy chàng trai thì cảm thấy rất quý mến anh. Ông giữ anh ở lại phủ và truyền dạy những kỹ năng trong việc buôn bán. Theo thời gian, chàng trai đã có thể tự mình kinh doanh buôn bán. Lúc này, vị tiểu thư cũng đã phát sinh lòng hảo cảm đối với anh. Cha nàng đã đích thân làm mai mối và gả con gái mình cho chàng trai.
Sau khi họ thành hôn, ngày tháng trôi qua vô cùng tươi đẹp và hạnh phúc.
* * *
Thời gian trôi qua khoảng một năm rưỡi, bỗng một ngày nọ, nhạc phụ của anh đột nhiên kêu lên vì cơn đau tim. Ông đau đến mức muốn chết đi sống lại. Qua vài ngày, cơn đau biến mất, nhưng vài ngày sau đó thì cơn đau lại xuất hiện. Điều này khiến anh và vợ vô cùng lo lắng. Danh y được mời đến không ít, những bài thuốc nổi tiếng uống cũng rất nhiều, nhưng kết quả không hề chuyển biến tốt lên.
Một lần nọ, bệnh của nhạc phụ anh lại tái phát. Anh nhanh chóng đến trước giường ông hỏi thăm tình hình. Lúc này, trong cơn đau dữ dội, ông mới nói một câu: “Cha mẹ tôi thật sự rất đau lòng. Thật sự rất đau lòng!”
Nghe thấy những lời này, trong lòng anh có chút lay động, cảm thấy dường như trong chuyện này nhất định có nguyên nhân. Sau khi nói vài câu an ủi nhạc phụ, anh liền rời đi. Trên đường quay trở về nhà, anh gặp một lão hòa thượng. Lão hòa thượng thấy anh mặt mày ủ dột liền lên tiếng hỏi thăm xem anh có nỗi khổ tâm nào không. Anh liền đem chuyện bệnh tình của nhạc phụ và những lời khó hiểu mà ông ấy vừa nói, kể rõ đầu đuôi ngọn nguồn cho lão hòa thượng nghe. Lão hòa thượng mỉm cười nói: “Tâm bệnh thì cần phải có thuốc chữa tâm. Chắc chắn anh đã làm một việc gì đó bất hảo, bây giờ muốn cứu vãn thì vẫn còn kịp.” Nói xong, lão hòa thượng bèn rời đi.
Khi nghe thấy những lời này của lão hòa thượng, anh lập tức nhận ra: điều mà lão hòa thượng muốn nói, nhất định là chỉ việc anh đã bắn chết người bạn năm xưa.
Khi trở về nhà, anh kể cho vợ mình về cuộc gặp gỡ với lão hòa thượng và sai lầm của bản thân lúc trước dẫn đến ngộ sát người bạn của mình. Vợ anh là một người lương thiện, lại là người hiểu lý lẽ. Cô khuyên anh đón cha mẹ của người bạn bị ngộ sát kia về đây, cầu xin họ tha thứ, và cùng nhau thực hiện nghĩa vụ báo hiếu thay cho người bạn đã mất kia.
Sau khi bàn bạc xong, cả hai vợ chồng anh cùng đi đến thưa chuyện với cha mình. Sau khi nói ra sự tình, kỳ lạ thay, lòng ngực ông không còn đau như trước nữa, ít nhất ông vẫn có thể chịu đựng được. Sau khi hai vợ chồng chàng trai nói xong, ông cũng nhanh chóng nói: “Hai con hãy đi nhanh đi.”
Suốt cả chặng đường, họ không nói một lời nào. Khi họ cùng nhau quay trở lại núi Vũ Di để tìm cha mẹ của chàng trai đã mất, thì phát hiện chỉ còn người mẹ. Cha của chàng trai kia vì quá nhớ nhung con nên đã sớm qua đời. Khi họ vừa nói ra mục đích của cuộc viếng thăm này, lúc đầu, người mẹ tỏ ra vô cùng phẫn uất. Bà không ngừng chửi mắng anh. Đợi đến lúc những tổn thương trong lòng nguôi đi, bà cũng đồng ý theo họ đến Giang Tô. Trước khi rời khỏi nơi này, họ cẩn thận sửa sang lại phần mộ cho người cha đã khuất. Hai vợ chồng anh đối đãi với người cha đã khuất này hệt như cha ruột của mình. Sau khi bái tế người cha, họ mới lên đường rời đi.
Khi trở về nhà, hai vợ chồng anh thu xếp ổn thỏa mọi thứ cho người mẹ già. Sau đó, họ đi thăm hỏi nhạc phụ. Lúc này, bệnh tình của ông đã hoàn toàn bình phục.
Họ phụng dưỡng bà lão giống như mẹ ruột của mình trong suốt mười lăm năm. Sau đó, bà lão qua đời. Thế nhưng trong suốt mười lăm năm đó, bệnh đau tim của nhạc phụ anh không phát tác thêm một lần nào nữa.
Thời gian trôi qua, có một ngày, lão hòa thượng lại đến thăm. Anh mời lão hòa thượng ngồi xuống và kính cẩn hỏi: “Phải chăng cơn đau tim của nhạc phụ tôi là do nỗi đau nhớ nhung người con trai của hai ông bà lão sinh ra? Nếu như vậy, tại sao lại không để tôi chịu đựng cơn đau đó?”
Lão hòa thượng nghe xong, mỉm cười đáp: “Anh phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác!”
Sau đó, lão hòa thượng lại ngâm một bài kệ:
Hồng trần duyên phận vạn thiên,
Thiện ác nhân quả hỗn liên.
Ngu giả khổng khích thiển kiến,
Duy hữu thiện niệm vận chuyển.
Tạm dịch:
Duyên phận hồng trần muôn nẻo,
Nhân quả thiện ác đan xen.
Kẻ ngu nông cạn oán hận,
Chỉ ai thiện niệm mới chuyển vần.
Anh nghe không hiểu những lời của lão hòa thượng, nhưng không tiện hỏi gì thêm. Họ trò chuyện với nhau một lúc về những chuyện khác, sau đó lão hòa thượng cáo biệt rời đi.
Lại trôi qua khoảng ba năm, anh có một giấc mộng, mộng thấy chàng trai đã bị anh ngộ sát. Trong mộng, chàng trai ấy cười nói rằng, “Vì kiếp này anh đã bắn chết tôi, nên kiếp sau hãy giúp tôi chăm sóc con trai của tôi nhé. Vợ của anh, khi đến đúng thời điểm thì cũng sẽ quay trở về bên tôi. Hãy nhớ, ai đã cho anh có được một cuộc sống hạnh phúc như bây giờ!”
Khi tỉnh dậy, anh kể giấc mộng này cho vợ mình nghe. Vợ anh chỉ cười rồi nói: “Nếu thật sự như vậy, chàng chỉ có thể chấp nhận số mệnh mà thôi. Ai bảo chàng đã mắc nợ người khác kia chứ!”
Vài tháng sau, hai vợ chồng họ lần lượt qua đời. Họ đã trải qua duyên phận một kiếp như thế …
Lời kết
Trong kiếp này, hai chàng trai chuyển sinh thành anh em ruột. Chàng trai lỡ tay ngộ sát bạn mình chuyển sinh thành người anh cả. Từ lúc anh sinh ra cho đến lúc mất đi, gia cảnh vô cùng nghèo khó. Không những thế, lúc còn trẻ, anh bị bệnh đau dạ dày rất thống khổ. Còn chàng trai bị ngộ sát chuyển sinh thành người em. Khi còn trẻ, gia đình anh cũng rất khó khăn. Sau này, người em cưới vợ sinh con. Bởi vì người anh cả không có vợ, nên anh thường xuyên chăm sóc người con của em trai như con ruột của mình. Sau này, người anh qua đời vì bệnh tật. Không lâu sau đó, người em làm ăn buôn bán kiếm được rất nhiều tiền, cuộc sống cũng trở nên giàu có, sung túc. Có thể thấy rằng, mọi chuyện không có gì là ngẫu nhiên, tất cả đều có yếu tố nhân quả ở trong đó.
Thật đúng là:
Thế sự hồng trần xoay vần mãi,
Luân hồi nhân quả thắng nào ai?
Lấy tâm sánh tâm, luôn suy xét,
Tẩy thoát nhân gian, thân nhẹ bay.