Tôn vinh thi ca từ Thiên Đường: “Nàng thơ Urania và Calliope” của họa sĩ Simon Vouet
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim.
Những nàng thơ của Hy Lạp là ai? Vị Thần Zeus nắm giữ sấm sét và là vua của các vị thần, cùng với nữ thần trí nhớ, Mnemosyne, đã có với nhau chín người con gái và họ được ca ngợi là chín nàng thơ. Những nàng thơ được xem là những vị nữ thần mang đến nguồn cảm hứng. Họ truyền cảm hứng để sáng tác âm nhạc, thơ ca, vũ đạo và tri thức.
Điều thú vị đáng chú ý là có sự hợp nhất của thần Zeus, thường là gắn kết với một tia chớp và nữ thần Mnemosyne, người mẹ của trí nhớ để sinh ra chín nàng thơ cũng chính là những nguồn cảm hứng. Thỉnh thoảng chúng ta cũng đề cập đến những khoảnh khắc mà cảm hứng bất chợt đến với chúng ta “như một tia sáng lóe lên.” Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng “Tại sao mình không nghĩ đến điều này sớm hơn?” như thể đó là một điều gì đó mà đã biết từ trước vậy.
Người chị cả trong số chín Nàng thơ là Calliope, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “giọng hát tuyệt vời.” Calliope chính là Nàng thơ của thi ca và sử thi. Còn người em út là Nàng thơ Urania. Trong tiếng Hy Lạp, Urania mang ý nghĩa là “thuộc về thiên đường.” Như cái tên của mình, cô chính là Nàng thơ của thiên văn học và bản thảo thiên văn.
Tác phẩm “Nàng thơ Urania và Calliope” của Họa sĩ Simon Vouet
Một vị họa sĩ người Pháp thuộc thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, ông Simon Vouet đã vẽ một bức tranh đáng yêu để miêu tả về hai Nàng thơ này và gọi tên là “Nàng thơ Urania và Calliope”.
Tại góc xa bên trái của tác phẩm, ông đã khắc họa nàng Urania, khoác trên mình chiếc váy hai màu xanh lam và trắng, đầu đội một chiếc vương miện có gắn các ngôi sao, ngồi tựa lưng vào một quả cầu thiên văn. Cơ thể của Urania hướng về phía nàng Calliope, tuy nhiên khuôn mặt được lý tưởng hóa của nàng lại quay sang một bên vai và nhìn thẳng vào chúng ta, những người thưởng lãm.
Nàng Calliope thì mặc chiếc váy với hai màu vàng và hồng, chăm chú nhìn vào nàng Urania trong khi Urania thì đặt tay mình lên vai của Calliope. Nàng Calliope ôm một quyển sách trong lòng. Một phần ký tự có thể thấy trên quyển sách là “odiss”, từ đó có thể phần nào xác định quyển sách chính là tập thơ sử thi “Odyssey” của Homer, một nhà thơ cổ Hy Lạp nổi tiếng.
Hai Nàng thơ ngồi phía trước một kiến trúc cổ xưa với những cây cột có đường rãnh vươn cao lên phía bên trên đỉnh đầu và vượt ra ngoài phạm vi bức tranh. Phía bên phải của những Nàng thơ là ba tiểu thiên sứ quấn những chiếc khăn màu vàng, hồng và xanh lam. Ba vị tiểu thiên sứ này cầm trên tay vòng nguyệt quế bay hướng về phần bối cảnh mở rộng ở phía bên phải của bố cục.
Một lời kêu gọi ngợi ca Thi ca của Thiên Đường
Chúng ta có thể hiểu được những hàm nghĩa nào từ bức tranh này? Đầu tiên hãy nhìn vào hai nhân vật Calliope và Urania trong bức tranh. Trong tác phẩm “Phaedrus” của mình, triết gia Plato đã mô tả về Calliope và Urania như là những Nàng thơ “những người mà chủ yếu là quan tâm đến thiên đường và tư tưởng, các vị thần cũng như con người, và họ có những lời nói ngọt ngào nhất.”
Dựa vào ý nghĩa trong những cái tên của họ, khi họ được khắc họa cùng nhau, thì đó chính là “giọng hát tuyệt vời thuộc về thiên thượng,” là người đã truyền cảm hứng cho âm nhạc, thơ ca, vũ đạo và tri thức về thiên đường.
Nàng Urania ngồi trên một quả cầu thiên văn, điều đó cũng nói lên rằng thiên đường trợ giúp cho nàng. Nàng quay đầu nhìn qua vai hướng về phía chúng ta, biểu hiện này cho thấy rằng nàng đang yên tĩnh chờ đợi chúng ta. Nàng có thể chờ đợi chúng ta để làm việc gì?
Trước khi chúng ta trả lời những câu hỏi, hãy xem qua nàng Calliope. Nàng đang chăm chú nhìn vào Urania, và Urania đặt tay mình lên vai Calliope như để làm nàng trấn tĩnh lại. Tuy nhiên, có lẽ có rất nhiều điều để cân nhắc về bàn tay của những nhân vật trong tác phẩm này.
Có phải nàng Urania chạm vào Calliope theo cái cách để chia sẻ niềm hạnh phúc thần thánh với cô? Và có phải Calliope xoay người hướng về Urania để chấp nhận điều đó? Có thể là Urania cũng giống như một đường dẫn đến những hạnh phúc thiêng liêng, và thiên đường di chuyển từ quả cầu mà nàng ngồi để đến với Calliope, thông qua cái chạm tay này.
Và nàng Calliope tiếp tục sự truyền tải thiêng liêng này. Calliope đã chạm vào cái gì? Nàng đã chia sẻ điều thần thánh này với cái gì? Nàng đang ôm trong lòng quyển sách “Odyssey” của nhà thơ Homer, điều này gợi ý rằng bài thơ sử thi này, văn chương, là phương tiện truyền tải thi ca của thiên đường. Như vậy, Urania chia sẽ thiên đường với Calliope, và Calliope chia sẻ thiên đường thông qua thi thơ.
Vậy còn về phía ba vị tiểu thiên sứ thì sao? Họ có thể đại diện cho điều gì? Mặc dù những tiêu thiên sứ được khắc họa phía sau nàng Calliope, theo bố cục, thì họ bay ra từ khu vực mà nàng ôm giữ tập thơ. Như vậy rất có thể là họ đại diện cho nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những bài sử thi, những ngôn từ tuyệt vời, và những lời nói ngọt ngào.
Họ đang nắm giữ vòng nguyệt quế, biểu tượng của chiến thắng– bay xa ra khỏi hai Nàng thơ. Đó là những vật mà hai nàng chạm vào. Như vậy, chúng ta có thể hình dung rằng hai nàng thơ họ chia sẽ niềm hạnh phúc thần thánh qua những thứ họ chạm vào. Vậy những tiểu thiên sứ cũng là như vậy có phải không? Tôi cho rằng đúng.
Và họ mang chúng bay đến đâu? Họ mang chúng đến với thế giới của chúng ta để trao vương miện cho những người chiến thắng. Và ai là người được họ đội cho chiếc vương miện vinh quang này? Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể xứng đáng được truyền cảm hứng để tôn vinh thi ca của thiên đường. Người mà những tiểu thiên sứ trao vương miện sẽ là người được những Nàng thơ truyền cảm hứng.
Quay trở lại với câu hỏi bên trên của chúng ta, tôi nghĩ rằng đây là lý do vì sao Urania nhìn về phía chúng ta: là để kêu gọi chúng ta trở nên đủ xứng đáng để có thể đón nhận nguồn cảm hứng của những Nàng thơ. Và những điều gì là xứng đáng để được truyền cảm hứng? Là để lên tiếng thay cho những điều chân thật về thiên đường bằng thi ca và bằng cái đẹp. Ánh nhìn của nàng như hỏi rằng: “Ai trong số các bạn sẽ được chúng tôi truyền cảm hứng đây?”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times