Tố cảnh sát tham nhũng, ba ngày sau doanh nhân Trung Quốc qua đời
Ông Thái Vân Phong ‘nhảy lầu tự tử’ sau bản tố giác gây chấn động
Một doanh nhân Trung Quốc đã qua đời một cách đáng ngờ hôm 21/09, ngay sau khi công bố một bản tố giác chi tiết về hoạt động tham nhũng của cảnh sát.
Ông Thái Vân Phong (Cai Yunfeng), một doanh nhân 53 tuổi trong ngành khách sạn ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đã qua đời hôm 21/09, trong vòng ba ngày sau khi công bố 30 trang tài liệu vạch trần hàng chục quan chức địa phương tham nhũng.
Mặc dù đã từng có nhiều vụ việc được công khai liên quan đến quân đội Trung Quốc, nhưng vụ việc này là không bình thường vì nó lật tẩy những hành vi sai trái trong hệ thống an ninh công cộng.
Tham nhũng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở cả cấp trung ương và địa phương là một thực tế của cuộc sống. Các nhà phân tích cho rằng mỗi quan chức tham nhũng ở Trung Quốc đều có một hoặc hai doanh nhân hối lộ hậu thuẫn. Và, giống như ông Thái Vân Phong, tất cả những ai có liên quan đều giữ một cuốn “tiểu hắc thư” (sổ đen nhỏ) để lôi những người khác vào chịu trận cùng mình.
‘Thái Vân Phong dùng cả tính mạng để tố giác’
Cuối tháng Bảy, ông Thái đã tạo hashtag trên Weibo, “Thái Vân Phong dùng cả tính mạng để tố giác” và đăng rằng ông sẽ sớm công bố các báo cáo và video về sở cảnh sát địa phương tham nhũng do ông Diêu lãnh đạo.
Ông Thái đã gửi bản tố giác dài 20,000 từ qua thư tới Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc và các cơ quan giám sát chống tham nhũng khác.
Bản tố giác này đã đưa thông tin về cựu Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Cam Túc, ông Diêu Viễn (Yao Yuan), và vợ của ông ta, bà Lâm Minh Ngọc (Lin Mingyu). Cáo buộc rằng cả hai đều có liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng, và kéo theo hàng chục quan chức liên đới với họ.
Ông Thái sau đó đã đưa bản tố giác này lên mạng, cùng với tên, số chứng minh, và số điện thoại của những người liên can. Ông nói rằng ông mới chỉ công bố ít hơn 1/3 số tài liệu mà ông đã biên soạn và sẽ có nhiều thông tin hơn nữa.
Sau khi đăng tài liệu này lên mạng, ông Thái đã công bố một đoạn video xác nhận rằng ông thực sự là nguồn của bản tố giác này.
‘Tôi đã sống thêm một đêm nữa’
Hôm 18/09, ông Thái đã công khai bản tố giác; ngày hôm sau, ông viết, “Tôi đã sống thêm một đêm nữa.”
Đáng chú ý, bản tố giác này đã tồn tại hai ngày trên mạng trước khi bị xóa. Tuy nhiên, đến tối hôm 20/09, các bài đăng đã bị xóa và ông Thái đã mất tích.
Vài giờ trước khi ông Thái qua đời, cuộc phỏng vấn trực tuyến của ông với một số phóng viên đã bị gián đoạn vì “cảnh sát đến,” theo một báo cáo.
Các cơ quan an ninh công cộng địa phương vẫn im lặng khi cư dân mạng Trung Quốc và các phương tiện truyền thông ngoại quốc chất vấn về nơi ở của ông Thái.
Mãi đến hôm 14/10, truyền thông Trung Quốc mới đưa tin xác nhận về sự tử vong của ông. Tờ Tài Tân (Caixin) đưa tin, “Ông ấy đã nhảy lầu tự tử từ tòa nhà chung cư của mình ở Lan Châu vào khoảng 4 giờ sáng ngày 21/09.”
Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin rằng ông Thái đã nói rõ trên mạng xã hội là ông sẽ không tự sát, và nếu ông có mệnh hệ gì thì đó là do ông đã bị sát hại.
Chi tiết cung cấp độ tin cậy cho bản tố giác
Ông Thái đã từng phụng sự như một “găng tay trắng”, hoặc trung gian cho ông Diêu trong suốt sự nghiệp làm cảnh sát của vị quan chức này, từ những năm 1990 cho đến khi ông Diêu qua đời vào năm 2013.
Bản tố giác này đã mô tả cách mà ông Diêu, vợ ông ta, và các cảnh sát khác dính líu tới việc mua chức quyền và nhận hối lộ để được bố trí việc làm, các dự án địa phương, và các hoạt động khác. Trong đó còn có chi tiết về ít nhất 12 bất động sản được mua cho cặp vợ chồng này dưới dạng hối lộ.
Thêm vào độ tin cậy của bản tố giác là những câu chuyện nội bộ chẳng hạn như cách mà vợ của ông Diêu, bà Lâm, đã hối lộ vợ của cựu Thứ trưởng Bộ Công an Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), để thu xếp công việc cho con rể của cặp vợ chồng này.
Trong một bữa tiệc, vợ của ông Phó đã khen vòng ngọc đeo tay của bà Lâm. Ngay sau đó, bà Lâm đã tặng vợ của ông Phó một hộp trang sức chứa ba chiếc vòng tay ngọc bích có giá trị, trong đó có chiếc vòng mà bà rất ái mộ.
Hôm 23/09, ông Phó đã bị kết án tù chung thân vì tội danh tham nhũng. Ông ta thừa nhận đã nhận hối lộ hơn 117 triệu nhân dân tệ (16.25 triệu USD).
Tiểu hắc thư
Việc thăng quan tiến chức dưới sự cai trị của ĐCSTQ luôn đi kèm với một “cái giá”, theo nhà sử học Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh hiện sống ở Úc.
“Trả tiền để được thăng chức … Đó là quy tắc chung trong toàn bộ chính thể quan liêu và hệ thống của ĐCSTQ,” ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông Lý nói hôm 16/10, “Cho dù đó là một mối quan hệ đối tác, đôi bên cùng có lợi hay … trục lợi từ mối quan hệ đó, thì trên thực tế, tất cả mọi người tham gia đều giữ một cuốn sổ của riêng mình. Tất cả họ đều đang thủ sẵn cuốn sổ ấy chỉ để đề phòng trong trường hợp có xảy ra vấn đề gì thì nó sẽ giúp họ giải quyết. Không một ai trong chốn quan trường của ĐCSTQ là đáng tin cậy cả.”
Ông Lý nói rằng bản tố giác của ông Thái đã thu hút sự chú ý của những người nắm quyền có liên hệ mật thiết với thế giới ngầm ở địa phương. Chính quyền mafia của ĐCSTQ có thể định đoạt sinh tử theo ý muốn. “Không có gì ngạc nhiên nếu ông Thái [bị] sát hại,” ông nói.
Với tư cách là “một nhân chứng và một cộng tác viên”, ông Thái nói rằng ông không hề ngây thơ. Ông hoàn toàn nhận thức được mối nguy hiểm liên quan nhưng cảm thấy thời điểm đã chín muồi, theo bài báo của Tài Tân.
Một tia sáng hiếm hoi phơi bày nạn tham nhũng trong giới cảnh sát
Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), một nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc sống ở Hà Lan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng vụ việc này đang ngày càng được chú ý. Mặc dù việc tiết lộ tham nhũng trong giới quân đội không phải là chuyện khác thường, nhưng ông Sinh Lượng tin rằng đây có thể là lần đầu tiên công khai tình trạng tham nhũng tràn lan trong hệ thống an ninh công cộng.
“Trước đây, chúng ta chỉ chứng kiến [điều này] trong quân đội. Những vụ án lớn và quan trọng rõ ràng đều phải trả giá, chẳng hạn như vụ án Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và vụ Từ Tài Hậu (Xu Caihou). Những vụ án tham nhũng quy mô lớn như vậy trong hệ thống công an có lẽ là lần đầu tiên bị phanh phui.”
Ông Vương Chí An (Wang Zhian), một cựu ký giả điều tra, đã phân tích vụ việc này trên kênh YouTube của mình có tên là Wang Sir’s News Talk. Ông Vương nói rằng tất cả các quan chức thành công của ĐCSTQ đều có một hoặc hai doanh nhân đứng sau chống lưng.
Những nhà kinh doanh này, mặc dù ở ngay cạnh nòng cốt quyền lực và đóng vai trò như chiếc dù chắn cho họ, nhưng lại được đặt ở vị trí mạt hạng trong mạng lưới quyền lực này. Ông Vương nói: “Trên thực tế, họ thực sự không có chút giá trị gì.”
Bởi vì ông Thái “không có giá trị”, nên ông không thể mong đợi bản tố giác của mình nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan giám sát chống tham nhũng của ĐCSTQ. Điều này có thể đã thúc đẩy ông chia sẻ thông tin chi tiết công khai trên mạng xã hội.
Các bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc về vụ việc này đã bị xóa, bao gồm cả bài báo hôm 14/10 của Caixin tiết lộ về sự qua đời của ông Thái.
Bản tin có sự đóng góp của Tiêu Luật Sinh và Lạc Á
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times