IPAC kêu gọi lập trường cứng rắn chống lại ‘quy tắc độc tài’ và ‘chính sách áp bức’ của ĐCSTQ
Liên minh Nghị viện Xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc (IPAC) đã đưa ra một tuyên bố hôm 14/10, hai ngày trước đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, kêu gọi các nền dân chủ toàn cầu thực hiện các hành động “bảo vệ nhân quyền, nền dân chủ và trật tự quốc tế.”
Được thành lập vào ngày 04/06/2020, kỷ niệm 31 năm Ngày Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn, IPAC bao gồm hơn 200 nhà lập pháp từ 28 quốc gia đang tìm cách định hình chính sách và thảo luận về mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra.
ĐCSTQ đã triệu tập đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào ngày 16/10 (theo giờ địa phương), một sự kiện chính trị quan trọng ở Trung Quốc quyết định cục diện chính trị trong 5 năm tới. Phiên họp toàn thể này dự kiến sẽ kéo dài một tuần.
IPAC nói rằng việc khai mạc đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ “cho thấy quyết tâm của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ trong việc củng cố quyền cai trị độc tài của mình” đối với Trung Quốc.
Hôm 13/10, ba ngày trước đại hội toàn quốc của ĐCSTQ, một công dân Trung Quốc tên là Bành Lập Phát (Peng Lifa) đã giăng hai biểu ngữ trên một cây cầu ở Bắc Kinh, đòi dân chủ, chấm dứt chính sách zero COVID, và bãi nhiệm ông Tập với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất. Ngay sau đó anh này đã bị cảnh sát bắt giữ. Chính quyền các địa phương ở Bắc Kinh ngay lập tức dán quảng cáo tuyển dụng thêm nhân viên an ninh để canh gác các cây cầu ở Bắc Kinh.
IPAC tin rằng ông Tập, nhà lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ, dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba của mình. Nhiều nhà lập pháp quốc tế lo ngại rằng lần tái đắc cử dự kiến của ông Tập cho thấy “sự tập quyền chưa từng thấy kể từ thời ông Mao” và “là một tín hiệu rõ ràng rằng ĐCSTQ không có ý định làm dịu các chính sách hiếu chiến của mình cả trong hay ngoài nước.”
IPAC tuyên bố, “ĐCSTQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập đã vi phạm nhân quyền trên quy mô công nghiệp ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, vi phạm các thỏa thuận quốc tế về quyền tự trị của Hồng Kông và ngầm hỗ trợ cho cuộc xâm lược tàn bạo của Nga đối với Ukraine đồng thời thúc đẩy các mối đe dọa quân sự chống lại Đài Loan.”
Tuyên bố của IPAC cho biết, “Nếu nhiệm kỳ thứ ba thuộc về ông Tập, thì cũng đồng nghĩa là ĐCSTQ đã cấp cho ông ấy một giấy phép được tiếp tục nghị trình chính trị đàn áp của mình vô thời hạn.”
IPAC kêu gọi hành động từ các quốc gia dân chủ, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc “chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Hồng Kông cũng như những nơi khác trong CHND Trung Hoa (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa),” “xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt,” “tăng cường can dự chính trị và kinh tế với Đài Loan,” và “bãi bỏ các hiệp ước dẫn độ với CHND Trung Hoa và Hồng Kông.”
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Yến
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times