Cuộc biểu tình hiếm hoi chống ông Tập nổi lên ở Bắc Kinh trước thềm Đại hội Đảng
Các hình ảnh và hình chụp cho thấy một cuộc biểu tình hiếm hoi chống lại lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã diễn ra tại Bắc Kinh hôm 13/10, chỉ vài ngày trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhiều hình ảnh và video lan truyền trên Twitter, vốn bị chặn ở Trung Quốc, cho thấy hai biểu ngữ nền trắng ghi các khẩu hiệu, gồm một lời kêu gọi lật đổ ông Tập và một khẩu hiệu đòi chấm dứt chính sách “zero COVID” hà khắc.
Theo các hình ảnh và video được quay chụp từ nhiều góc độ khác nhau, những biểu ngữ này được giăng trên cây cầu Tứ Thông ở quận Hải Điến, một khu đại học ở phía tây bắc thủ đô.
Theo cảnh quay tại hiện trường, có thể thấy khói bốc lên từ cầu vượt này, và người ta có thể nghe thấy tiếng hô vang khẩu hiệu qua các loa phóng thanh.
Một vụ việc như vậy khiến ông Tập bối rối. Ông được cho rằng sẽ vững chắc với một nhiệm kỳ thứ ba kéo dài năm năm chưa từng có tiền lệ tại đại hội đảng sắp tới. Được tổ chức năm năm một lần, đại hội này dự kiến sẽ khai mạc hôm 16/10 tại Bắc Kinh, tại đó cũng sẽ công bố nhóm lãnh đạo cao nhất nhiệm kỳ tới.
Trước đó, những người bất đồng chính kiến và những người kiến nghị đã nói với The Epoch Times rằng kể từ tháng Chín, cảnh sát đã xuất hiện trên các đường phố địa phương, giám sát nhà của họ cả ngày lẫn đêm.
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra đại hội chính trị then chốt này, do vậy việc các cuộc biểu tình bùng lên trong nước, đặc biệt là ở trung tâm chính trị của Bắc Kinh, nơi hệ thống giám sát hàng loạt toàn thành phố đã được lắp đặt từ năm 2015, là vô cùng bất thường. Theo một trang web an ninh mạng đặt tại Vương quốc Anh có tên Comparitech, có khoảng 7.9 triệu camera giám sát theo dõi thành phố này 24 giờ mỗi ngày.
Photos online purport to show a rare protest in Beijing’s Haidian district just ahead of the 20th Party Congress.
Extraordinary given pre-Congress security + surveillance
Among the slogans: ‘Don’t want PCR tests, want to eat’
‘Don’t want a Cultural revolution, want reforms’ pic.twitter.com/9RwyDb36RM
— Bill Birtles (@billbirtles) October 13, 2022
Một trong hai biểu ngữ viết rằng: “Chúng ta hãy bãi khóa, đình công và loại bỏ kẻ phản bội độc tài Tập Cận Bình.”
Tấm biểu ngữ còn lại viết: “Không xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn ăn. Không phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải tổ. Không có giới lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Chúng tôi không muốn làm nô lệ; chúng tôi muốn làm công dân.”
ĐCSTQ đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách “zero COVID” của mình, mặc cho các đợt phong tỏa thường xuyên và việc xét nghiệm hàng loạt lặp đi lặp lại đã khiến sự bất bình lan rộng tại các thành phố Trung Quốc. Trước đó trong năm nay, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã nổ ra tại Thượng Hải và các thành phố khác ở Trung Quốc.
Theo ước tính của ngân hàng Nhật Bản Nomura, tính đến hôm 10/10, ít nhất 36 thành phố Trung Quốc đã bị áp đặt một số mức độ hạn chế hoặc phong tỏa, ảnh hưởng đến khoảng 196.9 triệu người, tăng so với 179.7 triệu người hồi tuần trước.
Bắc Kinh đang tiến hành xét nghiệm 21 triệu cư dân cứ mỗi ba ngày một lần, và người dân bị yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ để vào bất kỳ địa điểm công cộng nào hoặc lên các phương tiện giao thông công cộng.
Kiểm duyệt
Theo Reuters, tối hôm thứ Năm (13/10), cảnh sát đã hiện diện một cách đáng chú ý trong khu vực này, với một số xe cảnh sát và các sĩ quan đứng canh gác ở đường phố nơi các biểu ngữ đã được giăng. Đài này cho biết thêm không có dấu vết của những biểu ngữ này hoặc của đám cháy.
Một người dân gần đó nói với The Epoch Times rằng anh đã đóng cửa ngay lập tức khi nhìn thấy cuộc biểu tình. Anh từ chối thảo luận chi tiết qua điện thoại và cho biết “những ngày gần đây việc kiểm soát đã được thắt chặt hơn.”
Một số người dân địa phương cho biết họ đã nghe kể về cuộc biểu tình này nhưng không thể chia sẻ trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất nước này.
Một cư dân Bắc Kinh đã thể hiện rằng ông ủng hộ cuộc biểu tình.
“Người dân có quyền bày tỏ quan điểm của mình, quyền này được Hiến Pháp bảo vệ,” ông nói với The Epoch Times hôm thứ Năm. “Tuy nhiên, khi một người thể hiện tư tưởng của mình tại nơi công cộng, bất kể theo cách nào, họ sẽ bị buộc tội ‘gây rối trật tự trị an.’”
“Gây rối trật tự trị an” là lời buộc tội thường xuyên được ĐCSTQ sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích.
Kể từ hôm thứ Năm, các cụm từ tìm kiếm liên quan đến cuộc biểu tình này trên mạng internet, vốn bị kiểm duyệt gắt gao tại Trung Quốc, không cho ra kết quả nào.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters, Hong Ning, và Xia Song
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times