Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bầu cử lại sau các cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại
Cuộc bầu cử tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang hướng tới vòng bầu cử bổ sung sau khi cả hai ứng cử viên hàng đầu đều không giành được đa số rõ ràng trong cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi hôm 14/05.
Theo ủy ban bầu cử chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển (AKP), đã giành được khoảng 49% số phiếu bầu.
Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập, nhận được khoảng 45% phiếu bầu, và ứng cử viên thứ ba, ông Sinan Ogan, giành được khoảng 5%.
Ông Erdogan, người nắm quyền từ năm 2003, đã bắt đầu cuộc đua này với vị trí dẫn đầu khá thoải mái. Nhưng vị thế đó giảm dần trong suốt cả ngày hôm đó, cuối cùng đã khiến ông mất đi chiến thắng ở vòng đầu tiên.
Ông Erdogan và ông Kilicdaroglu sẽ đối đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 28/05.
Các cử tri cũng bỏ phiếu cho toàn bộ 600 ghế trong nghị viện của nước này trong các cuộc thăm dò.
Theo kiểm đếm chính thức, một khối quốc hội do AKP lãnh đạo đã giành được gần một nửa số ghế trong quốc hội, và một liên minh do CHP lãnh đạo đã giành được khoảng 35%.
Theo ủy ban bầu cử, tổng số cử tri đi bỏ phiếu chiếm hơn 88% trong tổng số khoảng 64 triệu cử tri hợp lệ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tầm nhìn xung đột
Ông Erdogan và đảng AKP nghiêng về Hồi giáo của ông đã nắm quyền từ năm 2003, giành chiến thắng trong một vài cuộc bầu cử trước đó và thường duy trì quyền kiểm soát nghị viện. Điều đó phần lớn là do sự ủng hộ mà họ nhận được ở các khu vực nông thôn và kém phát triển hơn của đất nước.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Erdogan, 69 tuổi, đã theo đuổi một chính sách ngoại giao tích cực, thường mâu thuẫn với chính sách của các đồng minh NATO của nước ông. Ông cũng đã xây dựng mối bang giao mật thiết với Moscow, bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine hồi đầu năm 2022.
Nhưng trong những năm gần đây, ông Erdogan và đảng của ông đã chứng kiến sự nổi tiếng của họ giảm dần. Điều này đã được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ đang diễn ra dẫn đến lạm phát tràn lan và sự bất mãn ngày càng dâng cao với các chính sách kinh tế không chính thống của ông Erdogan.
Khi cuộc tranh cử tổng thống hôm 14/05 có thể sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử lần hai trở nên rõ ràng, thì đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã trượt xuống mức thấp nhất trong hai tháng.
Đảng AKP cũng bị chỉ trích nặng nề vì cách ứng phó với hai trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trái ngược với AKP, đảng CHP tán thành các nguyên tắc vô thần và được biết là có quan điểm thân phương Tây hơn. Thường được mô tả là “trung tả”, đảng này được ông Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, thành lập.
Trong các cuộc tranh cử trước đó với AKP, đảng CHP đã bị đánh bại hoàn toàn, giành được khoảng 20 phần trăm phiếu bầu. Tuy nhiên, điều đó là đủ để biến đảng này thành lực lượng đối lập hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với hy vọng truất phế ông Erdogan trong khoảng thời gian này, CHP đã dẫn đầu một liên minh sáu bên đa dạng về hệ tư tưởng, vốn bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người bảo tồn truyền thống, và một đảng theo chủ nghĩa Hồi giáo.
Nếu lên nắm quyền, phe đối lập này tuyên bố sẽ hồi sinh nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu đã bị đình trệ của Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh đường lối thân phương Tây của nước này. Họ cũng cam kết đảo ngược các chính sách tiền tệ với mục đích kiềm chế lạm phát của ông Erdogan.
Ý nghĩa địa chính trị
Những ngày gần đây xuất hiện những đồn đoán sôi nổi về việc liệu một chính phủ do đảng CHP lãnh đạo có thiết lập chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng thân phương Tây hơn hay không — với cái giá phải trả là Moscow.
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được sự cân bằng mong manh giữa Nga và phương Tây. Mặc dù Ankara lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng họ cũng từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khiến các đồng minh NATO khó chịu.
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì hợp tác thương mại sâu rộng với Nga, quốc gia cũng có đường biên giới dài ở Hắc Hải. Gần một nửa nhu cầu năng lượng trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ được đáp ứng bằng khí đốt tự nhiên nhập cảng từ quốc gia lân bang rộng lớn ở phía bắc của họ.
Hơn nữa, ông Erdogan đã duy trì tình hữu nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này đã cho phép Ankara đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa Moscow và Kyiv, trong khi ít quốc gia khác có thể làm được.
Ông Kilicdaroglu đã nhiều lần tuyên bố rằng bang giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ được duy trì dưới sự lãnh đạo của ông. Tháng trước, ông nói với một nhóm học giả Nga rằng mối bang giao “tốt đẹp” với Moscow là “vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Wall Street Journal, ông Kilicdaroglu nhấn mạnh tư cách thành viên NATO lâu đời của Thổ Nhĩ Kỳ — và các nghĩa vụ dường như là đi kèm với điều đó.
“Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các quyết định mà NATO đưa ra,” ông nói, làm dấy lên suy đoán rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực thi các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây dẫn đầu.
Cáo buộc về sự can thiệp của Nga
Tuần trước, đối thủ ứng cử viên tổng thống Muharrem Ince đột ngột tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử sau khi xuất hiện đoạn video dường như ám chỉ ông đang có một mối quan hệ ngoài hôn nhân.
Nhắc lại những tuyên bố được đưa ra trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, Ông Kilicdaroglu cho biết đoạn phim này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông viết trên Twitter: “Những người bạn Nga thân mến, quý vị đứng đằng sau việc dựng phim, âm mưu, những cuộn băng và nội dung giả mạo (deep fake) đã bị phanh phui ở đất nước này ngày hôm qua.”
“Nếu quý vị muốn tình bằng hữu của chúng ta tiếp tục sau ngày 15/05, thì hãy ngừng nhúng tay vào nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói thêm.
Moscow nhanh chóng bác bỏ cáo buộc đó.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng trước tuyên bố này của phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ông Erdogan cũng chỉ trích gay gắt tuyên bố này, cáo buộc ông Kilicdaroglu tuân theo chỉ thị từ chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ông cũng cáo buộc ông Kilicdaroglu đang trù tính áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, nếu như ông ta đảm đương chức vụ tổng thống.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times