Lý do tại sao cuộc bầu cử ngày 14/05 của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan trọng
Các cuộc bầu cử quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/05/2023 là rất quan trọng, trước hết là đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nền dân chủ của họ đang bị đe dọa.
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Âu Châu cho rằng cuộc bầu cử vào tuần tới là quan trọng nhất trong 100 năm qua. Cuộc bầu cử này, vốn là cuộc đọ sức giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và ông Kemal Kilicdaroglu với xu hướng ôn hòa hơn nhiều, cũng ảnh hưởng đến sự đoàn kết của NATO, sự ổn định chính trị ở Đông Âu, và khả năng của phương Tây trong việc chống lại Iran, Nga, và Trung Quốc tại Trung Đông.
Ông Erdogan, nhà lãnh đạo Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) ủng hộ Hồi giáo và chủ trương ôn hòa, ủng hộ “quyền lực hành pháp của tổng thống” (quyền lực độc đoán và quyền kiểm soát được trao cho tổng thống). Trong khi đó, ông Kilicdaroglu là người đứng đầu Đảng Nhân Dân Cộng Hòa (CHP) và là một ứng cử viên ôn hòa ủng hộ quy trình nghị viện. Ông Kilicdaroglu được hậu thuẫn bởi một liên minh gồm sáu đảng, vốn dĩ cam kết chấm dứt triều đại sai lầm của ông Erdogan về kinh tế, các hành vi đe dọa của cảnh sát, và, nạn tham nhũng tàn khốc sau các trận động đất hồi tháng Hai.
Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, cột mốc 100 năm này thực sự có ý nghĩa. Một thế kỷ trước, vào năm 1923, từ các tàn tích của đế chế Ottoman (còn gọi là đế chế Thổ Nhĩ Kỳ) sau Đệ nhất Thế chiến, Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk đã thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục — một nước cộng hòa phi giáo phái trong một quốc gia mà người theo Hồi giáo chiếm đa số.
Ông Ataturk là một nhà cách mạng chân chính. Bàn về tấm gương lịch sử vĩ đại này, thì ông là người duy nhất thành công trong việc tạo ra một hệ thống chính trị để hiện đại hóa một quốc gia đậm bản sắc Hồi giáo. Ông Ataturk theo đuổi việc hiện đại hóa kinh tế. Ông đã giải phóng phụ nữ và chấm dứt Vương quốc Hồi giáo — cả hai việc này đều là những hành động gây kinh hoàng cho những người Hồi giáo cực đoan lúc bấy giờ và hiện nay. Năm 2001, ông Osama bin Laden vẫn còn lên án ông Ataturk.
Nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ 21 là di sản mà ông Ataturk để lại.
Mang tiếng đố kỵ với ông Ataturk, ông Erdogan cố tình tấn công và làm suy yếu các thể chế dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ năm 2003, khi ông Erdogan trở thành thủ tướng, qua mỗi năm, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đều trở nên ngày càng ít thế tục hơn và độc đoán hơn khi ông Erdogan củng cố nhánh hành pháp đầy quyền lực của mình.
Lịch sử về việc bỏ tù các ký giả và đe dọa đối thủ của ông là sự thật, không phải chỉ là lời nói suông.
Ông cũng là một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn của NATO, cũng có nghĩa ông là một mối đe dọa đối với an ninh của Hoa Kỳ. Khi mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, ông Erdogan đã đẩy ưu thế công nghệ của Tiêm kích cơ Tấn công Liên hợp F-35 vào tình thế rủi ro.
Ông Erdogan xem trọng cam kết của NATO trong việc bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khi mà điều đó có lợi cho ông. Hồi tháng 04/2012, sau các cuộc chạm trán với quân đội Syria, ông gợi ý rằng ông có thể viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu hỏa lực tràn qua biên giới. Tuy nhiên, cách hành xử tinh ranh có chủ ý của ông đã phá hoại liên minh này. Ông tiếp tục phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển. Gần đây nhất hồi tháng 01/2023, có tin đồn rằng các quan chức NATO đương nhiệm cũng như đã về hưu rất lo ngại về sự thiếu tin cậy của ông Erdogan, đến mức NATO phải xem xét việc tước tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Kilicdaroglu cho biết ông sẽ hồi sinh nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu của Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ việc gia nhập của Thụy Điển.
Sự quản lý yếu kém về kinh tế và chính trị của ông Erdogan có thể đưa đến thất bại cho ông.
Hồi năm 2002, ông Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên của mình dựa trên một chiến dịch tranh cử hứa hẹn sẽ chống lạm phát, cải thiện nền kinh tế, và chống tham nhũng. Vào mùa thu năm 2022, lạm phát hàng năm đạt mức 86%, mức cao nhất trong vòng 24 năm.
Các trận động đất hồi tháng Hai là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại của Thổ Nhĩ Kỳ — trận động đất hôm 06/02 có thể là trận động đất lớn nhất trong vòng 2,000 năm qua.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ước tính có khoảng 280,000 tòa nhà đã bị đổ sập hoặc “hư hại về cấu trúc” nên buộc phải bị bỏ hoang. Con số này là một số liệu thực tế, chứ không phải là ước đoán. Trước đó trong tháng Tư, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng số người thiệt mạng lên 50,399. Các tổ chức cứu trợ đã báo cáo rằng khoảng 1.5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống sót sau những trận động đất này vẫn đang phải cư trú trong lều hoặc các cơ sở tạm thời khác.
Phản ứng chậm chạp và kém hiệu quả của ông Erdogan đã khiến những trận động đất này trở thành một vấn đề mà ông không thể thoát khỏi trong cuộc bầu cử.
Phải chăng chủ nghĩa thân hữu đã cản trở việc phục hồi? Chức chủ tịch của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD, cơ quan được giao nhiệm vụ giải quyết thảm họa) là do một người được bổ nhiệm chính trị và ít có kinh nghiệm quản lý trường hợp khẩn cấp đảm nhiệm.
Việc chính phủ không thực thi các tiêu chuẩn xây dựng chắc chắn là một vấn đề. Một số nhà phê bình hoài nghi rằng vấn đề tham nhũng của các quan chức trung ương và địa phương đã góp phần vào thảm họa này. Việc chính phủ “nới lỏng quy định xây dựng” cho phép các công ty xây dựng bỏ qua các quy tắc an toàn ở những khu vực đang tồn tại tình trạng thiếu nhà ở. Năm 2018, ông Erdogan đã cho phép cho hạ thấp một quy định như vậy ở thành phố Kahramanmaras. Vào tháng 03/2019, ông đã công khai quảng bá khu nhà ở mới ở Kahramanmaras như một trong những thành tựu quan trọng mà chính phủ của ông đạt được.
Hồi tháng Hai, các trận động đất đã san bằng thành phố này.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times