Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên; TT Putin ca ngợi ‘quan hệ đối tác nhiều mặt’
Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga tài trợ. Rosatom, một công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Nga, đã xây dựng nhà máy này.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân – mặc dù sau 60 năm trì hoãn,” Tổng thống (TT) Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết tại một buổi lễ khánh thành hôm 27/04, mà ông đã nói chuyện qua liên kết video.
Các bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng như người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng đã có mặt tại buổi lễ đánh dấu lô nhiên liệu hạt nhân đầu tiên đến lò phản ứng này.
Theo các nhà lãnh đạo dự án, dự án năng lượng hạt nhân Akkuyu trị giá 20 tỷ USD này, nằm ở tỉnh Mersin phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có thể đáp ứng khoảng 10% tổng nhu cầu điện của đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn luôn phụ thuộc vào năng lượng, hiện đang dựa vào năng lượng nhập cảng cho khoảng 90% mức tiêu thụ điện quốc gia.
Lò phản ứng này là một phần trong một kế hoạch rộng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ-Nga nhằm xây dựng tổng cộng bốn nhà máy điện hạt nhân. Việc xây dựng các nhà máy này đã bắt đầu vào năm 2018 gần thị trấn Akkuyu ở Địa Trung Hải.
Bốn nhà máy điện đó sẽ có khả năng sản xuất tổng cộng 4,800 megawatt điện sau khi đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2028.
“Năng lượng hạt nhân không còn là một mục tiêu xa vời đối với Thổ Nhĩ Kỳ,” Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fathi Donmez nói chuyện tại buổi lễ. “Năm tới, chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân.”
TT Putin ca ngợi dự án ‘hàng đầu’
TT Nga Vladimir Putin cũng có một bài diễn văn qua liên kết video, mô tả dự án hạt nhân Akkuyu là một nỗ lực “hàng đầu” trong mối bang giao Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói, dự án này “giúp tăng cường mối quan hệ đối tác nhiều mặt giữa hai quốc gia chúng ta, dựa trên các nguyên tắc láng giềng tốt, tôn trọng lẫn nhau, và cân nhắc lợi ích của nhau.”
Ông Putin đã viện dẫn mối bang giao kinh tế chặt chẽ giữa hai nước, nhấn mạnh Nga tiếp tục sẵn sàng giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Ông nói thêm rằng “mối quan hệ đối tác chặt chẽ” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là “đôi bên cùng có lợi” và phục vụ “những lợi ích cốt lõi của người dân và chính phủ hai nước.”
Ngay trước lễ nhậm chức, ông Erdogan và ông Putin đã trao đổi quan điểm trực tiếp qua điện thoại.
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nhà lãnh đạo này đã thảo luận về mối bang giao song phương, sự phát triển trong khu vực, và một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian giữa Nga và Ukraine cho phép nước này xuất cảng ngũ cốc qua Hắc Hải.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên lâu đời của NATO, nhưng nước này vẫn duy trì các mối liên hệ tốt đẹp với Nga, quốc gia có chung mối bang giao thương mại và năng lượng sâu rộng cũng như một đường biên giới biển dài.
Mặc dù hồi đầu năm ngoái (2022) Ankara đã nhanh chóng lên án cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, nhưng cho đến nay, nước này vẫn chưa ủng hộ các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga.
Đầu tháng này (04/2023), Hoa Thịnh Đốn đã công bố một nhóm các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với các công ty có liên kết với Nga, bao gồm 5 tổ chức có liên hệ mật thiết với Rosatom.
Hoa Kỳ cáo buộc Rosatom sử dụng việc xuất cảng năng lượng để gây áp lực chính trị đối với những người mua ngoại quốc — một tuyên bố mà công ty này bác bỏ.
Vào thời điểm đó, ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, đã mô tả các lệnh trừng phạt đối với các công ty có liên kết với Rosatom như là “một nỗ lực khác” của Hoa Thịnh Đốn nhằm “lách các quy tắc cạnh tranh công bằng.”
Mối lo ngại về sức khỏe trước cuộc bầu cử
Lễ khánh thành lò phản ứng diễn ra chỉ hai tuần trước khi ông Erdogan và Đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) cầm quyền của ông đối mặt với các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đầy tranh cãi dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14/05.
Với sự ủng hộ sâu rộng ở các vùng nông thôn, có tư tưởng bảo tồn truyền thống hơn của đất nước này, ông Erdogan và đảng AKP nghiêng về Hồi giáo của ông vẫn nắm quyền vững chắc kể từ năm 2002.
Thế nhưng họ đã chứng kiến mức độ tín nhiệm của mình giảm đi trong những năm gần đây, chủ yếu là do chi phí sinh hoạt tăng vọt và giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm.
Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy AKP — và lãnh đạo của đảng này — có thể thua cuộc bầu cử trước một liên minh sáu đảng do Đảng Nhân Dân Cộng Hòa theo định hướng thế tục lãnh đạo.
Hôm 25/04, ông Erdogan đã đột ngột kết thúc một cuộc phỏng vấn trên truyền hình trực tiếp vì đau dạ dày. Ngày hôm sau, ông đã hủy bỏ một số lần xuất hiện đã được ấn định tại các cuộc vận động tranh cử.
Việc hủy bỏ này đã nhanh chóng làm dấy lên đồn đoán trên mạng rằng nhà lãnh đạo 69 tuổi này đang bị bệnh; một số tuyên bố còn cho rằng ông đã phải nhập viện.
Tuy nhiên, hôm 27/04, một phát ngôn viên của tổng thống đã bác bỏ những tuyên bố đó, đồng thời nhấn mạnh rằng ông Erdogan có thể đảm đương chức vụ.
Ông này nói rằng tổng thống “đang làm việc với sự cường tráng, sức khỏe, và sinh lực tuyệt vời.”
Phát ngôn viên đó đã tiếp tục cáo buộc phe đối lập “đang cố gắng đạt được lợi thế chính trị thông qua những thông tin xuyên tạc vô căn cứ về sức khỏe của tổng thống.”
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết họ không biết về những tin đồn nêu trên.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc điện đàm trong ngày hôm nay,” một phát ngôn viên Điện Kremlin nói với các phóng viên ngay trước lễ nhậm chức.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times