TT Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm sau cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng
Hôm 28/05, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thổ Nhĩ Kỳ, đã nắm chắc thêm năm năm tại vị nữa trong một cuộc bầu cử vòng hai sít sao.
Theo ủy ban bầu cử chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã giành được khoảng 52% số phiếu bầu, trong khi ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP), giành được khoảng 48% số phiếu.
Trình bày trước những người ủng hộ ở quận Uskudar của Istanbul, ông Erdogan cảm ơn tất cả những người đã bỏ phiếu và “giao cho chúng tôi một nhiệm vụ cầm quyền thêm 5 năm nữa.”
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 85% trong tổng số 64 triệu cử tri đủ điều kiện của đất nước, trong đó có gần hai triệu kiều bào Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ở hải ngoại.
Khi việc kiểm phiếu sơ bộ có kết quả, những người ủng hộ ông Erdogan đã xuống đường — vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ và hô khẩu hiệu ủng hộ AKP — ở một số thành phố trên khắp đất nước.
Trong khi đó, các tin nhắn chúc mừng từ một số quốc gia như Qatar, Hungary, Iran, Azerbaijan, Pakistan, và Serbia đã bắt đầu đổ về.
Tuy nhiên, đây là thách thức bầu cử khó khăn nhất của ông Erdogan cho đến nay. Trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất hồi năm 2018, ông đã dễ dàng đánh bại đối thủ chính của mình — với cách biệt khoảng mười triệu phiếu bầu — ở vòng đầu tiên.
Cuộc bầu cử vòng hai diễn ra sau cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên hôm 14/05, trong đó ông Erdogan giành được 49.5% — không đủ đa số rõ ràng cần thiết để giành chiến thắng trong vòng đầu tiên.
Ông Kilicdaroglu đã giành được 45% phiếu bầu ở vòng đầu tiên, trong khi ứng cử viên thứ ba, ông Sinan Ogan, giành được khoảng 5%.
Vài ngày sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Ogan — một người theo chủ nghĩa dân tộc — đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ông Erdogan, điều dường như đủ để lật ngược cán cân theo hướng có lợi cho ông Erdogan.
Cuộc bầu cử vòng đầu tiên diễn ra trùng với một cuộc thăm dò lập pháp trong đó một liên minh do AKP lãnh đạo đã cố gắng duy trì thế đa số trong Nghị viện.
Không trừng phạt Nga
Ông Erdogan và đảng AKP thiên về Hồi giáo đã nắm quyền từ năm 2003, giành chiến thắng trong hàng chục cuộc bầu cử trước đó và duy trì quyền kiểm soát Nghị viện. Điều này đa phần là do sự ủng hộ sâu sắc mà họ nhận được từ các vùng nông thôn, theo hướng bảo tồn truyền thống hơn của đất nước.
Trong nhiệm kỳ dài của mình, ông Erdogan, 69 tuổi, đã theo đuổi một chính sách ngoại giao chủ động, vốn thường xung đột với chính sách của các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này bao gồm một chính sách lâu dài nhằm phát triển mối bang giao chặt chẽ với Moscow.
Năm ngoái (2023), Ankara đã nhanh chóng lên án cuộc xâm lược Ukraine của Moscow. Tuy nhiên, ông Erdogan cũng từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt do phương Tây dẫn đầu áp đặt lên Nga, quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ các mối quan hệ thương mại rộng lớn và có chung một đường biên giới dài trên biển.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu tổng thống, các quan chức AKP đã nhiều lần tuyên bố rằng — nếu ông Erdogan tái đắc cử — thì chính sách không trừng phạt của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giữ nguyên.
Tháng trước (04/2023), một phát ngôn viên của ông Erdogan khẳng định, “Chúng tôi đã theo đuổi chính sách cân bằng này cho đến nay và sẽ tiếp tục làm như vậy.”
Hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara đã tìm cách tổ chức “đối thoại bình đẳng” với Moscow và Kyiv với hy vọng sẽ đàm phán được một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 15 tháng.
Hè năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp làm trung gian cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Nga và Ukraine, qua đó cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc qua Hắc Hải.
Trong tuyên ngôn bầu cử của mình, AKP cam kết duy trì “mối quan hệ chính trị và kinh tế với Nga,” bao gồm “hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.”
Đáng chú ý, khí đốt tự nhiên nhập cảng từ Nga đáp ứng gần một nửa nhu cầu năng lượng trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông Erdogan và đảng của ông đã giảm dần trong những năm gần đây. Điều này đa phần là do cuộc khủng hoảng tiền tệ đang diễn ra, vốn dẫn đến lạm phát tràn lan và làm gia tăng sự bất mãn của người dân đối với các chính sách kinh tế của ông Erdogan.
AKP cũng bị nhiều người chỉ trích vì cách giải quyết hai trận động đất kinh hoàng hồi tháng Hai khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả thăm dò sơ bộ, những lời chỉ trích không đủ để ngăn cản ông Erdogan và đảng của ông nắm quyền thêm nửa thập niên nữa.
Tránh được sự chuyển dịch sang chính sách ‘thân phương Tây’
Về phần mình, đảng CHP của ông Kilicdaroglu tán thành các nguyên tắc thế tục và được nhiều người nhìn nhận là có xu hướng thân phương Tây hơn. Thường được mô tả là “trung tả,” đảng này do ông Mustafa Kemal Ataturk thành lập và ông cũng là nhà sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Trong các cuộc tranh cử trước đó với đảng AKP, đảng CHP đã bị đánh bại một cách rõ rệt, thường giành được khoảng 20% phiếu bầu. Tuy nhiên, số phiếu này đã đủ để đảng này trở thành đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với hy vọng lật đổ ông Erdogan trong lần tranh cử này, đảng CHP đã thành lập một liên minh đa dạng gồm sáu bên, trong đó có những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người thuộc phái bảo tồn truyền thống, và một đảng theo chủ nghĩa Hồi giáo.
Liên minh này thực hiện các cam kết kiềm chế lạm phát, khôi phục nỗ lực gia nhập Liên minh Âu Châu đang bị đình trệ của Thổ Nhĩ Kỳ, và đưa đất nước trở lại hệ thống do Nghị viện quản trị (chứ không phải hệ thống tổng thống như hiện tại).
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, đã có nhiều suy đoán rằng một chính phủ do đảng CHP lãnh đạo sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao thân phương Tây hơn — đồng thời dần xa lánh Moscow.
Ông Kilicdaroglu, 74 tuổi, đã nhiều lần tuyên bố mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ được duy trì dưới sự lãnh đạo của ông.
Tuy nhiên, trong những tuyên bố gần đây, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí trong liên minh phương Tây NATO của Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này đã gia nhập hồi năm 1952.
Hôm 09/05, ông Kilicdaroglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, “Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ các quyết định của NATO.”
Các tuyên bố này càng làm dấy lên suy đoán rằng một chính quyền do đảng CHP lãnh đạo sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ xa lánh Nga — và thậm chí có thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu áp đặt lên Moscow.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu vòng đầu tiên, ông Kilicdaroglu đã gây bất ngờ khi cáo buộc Điện Kremlin — mà không đưa ra bằng chứng — can thiệp vào cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi đề cập đến Moscow, ông đã tweet: “Nếu các vị muốn tình bằng hữu của chúng ta tiếp tục sau ngày 15/05 … thì đừng can thiệp vào chuyện của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.”
Về phần mình, Điện Kremlin đã bác bỏ tuyên bố này, đồng thời bày tỏ “sự thất vọng về phe đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ông Erdogan cũng đưa ra bình luận về vụ việc trên, đồng thời cáo buộc ông Kilicdaroglu “nhận các mệnh lệnh từ [Tổng thống Hoa Kỳ Joe] Biden.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times