Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm từ bỏ mối quan hệ với NATO, ngoại trừ những lợi ích từ tổ chức
Hôm 03/08, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sự chối bỏ mạnh mẽ nhất đối với các mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Reçep Tayyip Erdoğan, người tuyên thệ nhậm chức một lần nữa hôm 02/06, đã tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo Lực lượng Vũ trang của mình, truất phế tất cả các nhà lãnh đạo từng được bổ nhiệm trong NATO.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng nỗ lực trong việc cân bằng giữa tư cách thành viên NATO của mình và các cam kết với Nga. Trên thực tế, giờ đây họ đã liên kết với các quốc gia Á Âu.
Những cuộc bổ nhiệm mới này diễn ra giữa cuộc khủng hoảng của Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chứng kiến sự suy giảm rõ rệt về tính chuyên nghiệp của các sĩ quan then chốt trong những năm gần đây. Tổng thống Erdoğan chuộng lòng trung thành chính trị đối với ông hơn là kinh nghiệm tác chiến, thường thay thế các nhà lãnh đạo quân sự chuyên nghiệp bằng các tướng lĩnh của lực lượng hiến binh (Jendarma).
Hội đồng Quân sự Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ (Yüksek Askerî Şûra: YAŞ) đã nhóm họp hôm 03/08 tại Phủ Tổng thống dưới sự chủ trì của Tổng thống Erdoğan, với trọng tâm chính là đánh giá thường niên đối với các sĩ quan cao cấp của Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (Türk Silahlı Kuvvetleri: TSK). Trước cuộc họp, và theo nghi thức, tổng thống đã tháp tùng các thành viên của YAŞ viếng lăng vị Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Kemal Atatürk, tại đây ông đặt vòng hoa và ký vào Official Book. Trong đó, sau khi ca ngợi vai trò của Lực lượng Vũ trang, ông đã đề cập đến mục tiêu chiến lược mới của quốc gia là “Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ,” và hứa hẹn “sự gia tăng sức mạnh của quân đội.”
Kế hoạch “Thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ,” vốn bao gồm học thuyết “Quê hương Xanh” (Blue Homeland), đặc biệt nhắm vào lợi ích của Hy Lạp. Các sĩ quan cao cấp được thăng quân hàm là những người được biết đến với quan điểm chống phương Tây và những người có liên quan đến các vụ bê bối thanh trừng được dàn dựng như vụ “Ergenekon” năm 2017 và vụ “Varioupoula” năm 2013.
Một Tổng tham mưu trưởng mới đã được bổ nhiệm, cùng với một Tư lệnh Lực lượng Lục quân (GH) và một Tư lệnh Lực lượng Không quân (THK) mới, trong khi Tư lệnh Lực lượng Hải quân (TDK) vẫn giữ nguyên chức vụ. Tổng tham mưu trưởng mới là cựu Tư lệnh Lục quân số 2, Tướng Metin Gürak, người thay thế Tướng Yasar Güler, vốn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ mới hồi tháng 06/2023.
Phó Tổng tham mưu trưởng, Tướng Selçuk Bayraktaroğlu, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Lục quân. Tư lệnh Lực lượng Không quân và Phòng thủ Hỏa tiễn Phòng không, Tướng Ziya Cemal Kadoığlu được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Không quân (Türk Hava Kuvvetleri: THK). Đô đốc E. Tatlioğlu, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tây Nam, vẫn tại vị.
Trong cuộc họp này, 32 sĩ quan cao cấp được thăng quân hàm và 63 sĩ quan cấp đại tá hoặc tương đương trở thành sĩ quan cao cấp. Số lượng sĩ quan cao cấp được quyết định tăng thêm 20 người, đạt mức 286 người, để lấp đầy các vị trí hành chính, vì nhiều Lữ đoàn mới và đặc biệt là các đơn vị cấp biệt kích đã được thành lập.
Tướng Gürak trở thành Tổng tham mưu trưởng đầu tiên được bổ nhiệm mà không cần giữ vai trò chỉ huy một quân chủng trước đó. Tổng thống Erdoğan đã loại bỏ yêu cầu này để giúp ông linh hoạt hơn trong việc bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí hàng đầu. Không ai trong số các tướng lĩnh mới được bổ nhiệm từng làm việc trong NATO hoặc giữ các chức vụ hoặc thuộc các nhóm của các nước phương Tây khác, mặc dù thực tế là trong TSK, các sĩ quan có kinh nghiệm làm việc trong NATO đã được đánh giá cao.
Tổng tham mưu trưởng, Tướng Gürak, là người có kinh nghiệm tác chiến. Từ thời điểm còn phục vụ tại Lữ đoàn Thiết giáp số 2 của Lục quân 1 (Istanbul) và với tư cách là Tư lệnh Lực lượng Không quân Lục quân và Quân đoàn 4 (Ankara), ông đã quen thuộc với các kế hoạch tác chiến liên quan đến Ægean và Thrace. Ông từng là cố vấn ở Libya khi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập các căn cứ quân sự và trợ giúp các lực lượng Hồi giáo chống lại Tướng Khalifa Haftar do Cairo hậu thuẫn.
Tướng Gürak nói tiếng Ả Rập, điều được xem là then chốt vào thời điểm ông Erdoğan đang tập trung vào mối bang giao với các quốc gia Ả Rập giàu có ở vùng Vịnh. Ông đã đưa ra một lập trường gây tranh cãi vào đêm xảy ra “âm mưu đảo chính” ngày 15/07/2016, với tư cách là chỉ huy của Quân đoàn 4 và Pháo đài Ankara, và được ông Erdoğan đánh giá cao vì đã trợ giúp các đơn vị thuộc Lục quân 2 trong trận động đất hồi tháng 02/2023, vì các khu vực bị ảnh hưởng đều nằm trong khu vực ông chịu trách nhiệm.
Tư lệnh Lực lượng Không quân mới không có kinh nghiệm làm việc trong NATO cũng như bất kỳ kinh nghiệm tác chiến cụ thể nào. Tuy nhiên, ông được xem là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông cũng có liên quan tới đêm diễn ra “âm mưu đảo chính” tại Trung tâm Điều hành Không quân (ở Eskişehir).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times