Tại sao giới trẻ Trung Quốc thích ‘văn hóa khen ngợi’ của Mỹ
Mặc dù mối bang giao Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng và ĐCSTQ thường xuyên lợi dụng các “tiểu phấn hồng” để khơi dậy làn sóng bài xích Hoa Kỳ trong nước, nhưng “văn hóa khen ngợi” của người Mỹ lại ngày càng được giới trẻ Trung Quốc yêu thích.
Khen ngợi là một thói quen sống của người Mỹ. Người Mỹ giáo dục con cái chủ yếu bằng cách khuyến khích và khen ngợi để giúp trẻ phát triển sự tự tin. Ngược lại, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường lo lắng con cái sẽ kiêu ngạo nên không muốn khen ngợi chúng.
Hãng thông tấn JSTOR Daily từng đăng một bài thảo luận về văn hóa khen ngợi của người Mỹ. Bài viết này nói rằng trong hầu hết các giao tiếp xã hội, nếu mọi người đều cảm thấy bản thân mình tốt thì mọi chuyện sẽ tiến triển thuận lợi hơn và xung đột cũng giảm bớt. Khen ngợi người khác là một trong những cách rõ ràng để thể hiện sự đoàn kết, hợp tác, hữu nghị, và thiện chí trong tiếng Anh kiểu Mỹ. Trong văn hóa, khi các phẩm chất đặc biệt như chủ nghĩa cá nhân và sự chăm chỉ được coi trọng thì cảm giác bản thân được khen ngợi qua sự chú ý của người khác sẽ tạo ra động lực cá nhân một cách hiệu quả.
Ban đầu người Trung Quốc và Á Đông cảm thấy rất xa lạ với văn hóa khen ngợi, vì ở những nước này, người ta thường né tránh lời khen để thể hiện sự khiêm tốn, vốn được xem là một đức tính tốt đẹp.
Nhưng đối với thế hệ trẻ tại Trung Quốc đang chịu áp lực nặng nề trong cuộc sống thì văn hóa này ngày càng được chú ý. Hiện nay, đã xuất hiện những nhóm người tìm kiếm và cung cấp lời khen, lời động viên, và sự đánh giá cao trên khắp Trung Quốc. Những lời khen ngợi, động viên và đánh giá cao này thường đến từ những người hoàn toàn xa lạ. Hiện tượng này được gọi là ‘văn hóa khen ngợi.’
Theo tin tức của The Washington Post, cô Chloe Sheng, một blogger thời trang và du lịch ở Thượng Hải, cho biết: “Lời khen không nên chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt mà nên trở thành một trải nghiệm hàng ngày.” Cô Sheng được biết đến trên mạng xã hội với tên gọi “Cảm Cô Nương” (Gan Guniang) và có 1.6 triệu người hâm mộ.
Một ngày nọ hồi năm 2016, khi cô Sheng mặc một chiếc áo khoác màu đỏ ra đường ở New York, cô nhận được rất nhiều lời nhận xét tích cực. Điều này khiến cô Sheng vô cùng ngạc nhiên. “Ban đầu tôi cảm thấy không tốt lắm, nhưng sau khi nghe những lời khen đó, tôi nghĩ, trời ơi, mình chẳng phải là rất tuyệt vời ư!”
Vì vậy, “Cảm Cô Nương” đã trở về Trung Quốc với một sứ mệnh: Cô ấy muốn biến cửa hàng và không gian nghệ thuật của mình trở thành một nơi mà mọi người có thể tự cảm nhận được sự tuyệt vời này.
“Thay vì đố kỵ người khác hay bị ám ảnh bởi sự tự ti thì tại sao chúng ta không nói với bản thân và những người xung quanh rằng chúng ta rất tuyệt vời?” cô Sheng nói.
Sau nhiều thập niên xáo trộn xã hội và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, ai nấy đều bận rộn vươn lên và không có thời gian cho những việc tưởng chừng như vô nghĩa này. Nhưng giờ đây, tầng lớp trung lưu, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã dần chuyển từ thái độ từ chối sang chấp nhận những lời khen. Các học giả cho rằng sự thay đổi này là do ảnh hưởng của quá trình ‘Tây hóa,’ đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông đại chúng và giao tiếp với những người nói tiếng mẹ đẻ là Anh ngữ.
Một số video ngắn về ‘văn hóa khen ngợi’ trên Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người dùng. Trong một video rất được yêu thích, một bà mẹ Trung Quốc ở New York trong một cuộc họp của trường đã hỏi làm thế nào để con gái học lớp một của cô ấy có thể học tốt hơn. Kết quả là, hiệu trưởng đã bảo đảm rằng con gái cô ấy là ‘đứa trẻ giỏi nhất thế giới.’
Trên trang Douban, một nhóm tương tác khen ngợi có hơn 170,000 thành viên tích cực tìm kiếm lời khen ngợi cho ‘thành tựu’ của mình, bất luận là làm bánh kem hình thiên nga, hay thắng liên tiếp ba ván cờ.
The Washington Post nói rằng, làn sóng trực tuyến này đã thúc đẩy các buổi gặp gỡ khen ngợi trực tiếp. Ví dụ, một quán cà phê và quán bar ở ngoại ô Trùng Khánh thường hay tổ chức một số hoạt động gặp gỡ để những người xa lạ tụ họp lại và khen ngợi lẫn nhau.