Cô June thân mến: Định ra ranh giới một cách khôn ngoan
Cô June thân mến,
Tôi thấy mình không giỏi thiết lập ranh giới cho bản thân. Thiếu vắng ranh giới đã khiến tôi gặp phải nhiều vấn đề như lịch trình quá dày đặc, có quá nhiều mối quan hệ mà tôi không thể chu toàn, hay nhận thêm công việc vượt quá khả năng đảm nhận chỉ vì tôi không biết cách từ chối. Tôi rất thích ý tưởng về việc thiết lập những ranh giới rõ ràng hơn, như vậy thì cả tôi lẫn người xung quanh sẽ tránh được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tôi lại lo ngại rằng khi bắt đầu đặt ra những giới hạn khắt khe hơn [như vậy], người ta sẽ cho là tôi lạnh lùng hoặc vô tâm. Làm thế nào để tôi biết mình đang đặt ra ranh giới vì ích kỷ hay vì tính thực tế và suy nghĩ thấu đáo?
Độc giả Gail K. từ tiểu bang New Jersey
Gail thân mến,
Trước hết, bạn có thể khoan hẵng quyết định cho đến khi có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Điều này có nghĩa là không nhận lời mời hoặc đồng ý đề nghị công việc ngay lập tức, mà thay vào đó, hãy cho người kia biết rằng bạn rất trân trọng lời đề nghị của họ và cần một chút thời gian để cân nhắc. Khi không còn phải đối mặt trực tiếp với người kia nữa, bạn có thể ngay lập tức đưa ra quyết định rõ ràng. Sau đó, bạn có thể tìm cách từ chối một cách lịch sự, tránh tạo cảm giác lạnh lùng.
Nếu chưa thể đưa ra quyết định ngay lúc đó, thì bạn cần suy ngẫm kỹ hơn. Bạn có thể dựa vào trực giác, để tránh đưa ra quyết định ích kỷ, hoặc dựa vào logic, giúp bạn đưa ra quyết định có tính thấu đáo.
Để tiếp cận vấn đề theo trực giác, bạn hãy ngồi yên lặng và lắng nghe tất cả những suy nghĩ và cảm xúc xoay quanh quyết định của bạn. Viết ra những suy nghĩ tuôn trào có thể hữu ích trong trường hợp này. Sau đó, cố gắng phân biệt đâu là những suy nghĩ bề mặt, đâu là những suy nghĩ chín chắn và sâu sắc.
Một số người cảm thấy thoải mái trong các mối quan hệ hời hợt, nhưng với những người khác, chỉ một vài tình bạn thân thiết mới là điều quý giá nhất. Nếu bạn thuộc nhóm người thứ hai, thì hãy lịch sự từ chối những lời mời tham gia các hoạt động xã hội với những người bạn không cảm thấy muốn tìm hiểu sâu hơn. Đây không phải là ích kỷ — mà là tiết kiệm thời gian và năng lượng của bạn cho những người và việc khác quan trọng hơn.
Hoặc bạn có thể tiếp cận dưới góc độ logic hơn bằng cách viết ra các mục tiêu cuộc sống, bao gồm cả mục tiêu nghề nghiệp và mối quan hệ. Định ra thời hạn hoàn thành cho các mục tiêu này, sau đó phân mục tiêu thành các bước nhỏ cần thực hiện, cùng mốc thời gian cho từng bước. Liệt kê ra những mối quan hệ quan trọng nhất và lượng thời gian bạn muốn dành cho họ. Tiếp theo, hãy xây dựng một lịch trình toàn diện bao gồm tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu, bước thực hiện, và các cam kết hiện có trong các mối quan hệ quan trọng. Với lịch trình này, bạn có được cái nhìn rõ ràng hơn về những việc nào khác mà bạn có thể dành thời gian và sức lực cho nó.
Một suy ngẫm cuối cùng: Là con người, tất cả chúng ta đều cần học cách hành động dựa trên sự cân bằng giữa trầm tĩnh, lý trí và trái tim chân thành, ấm áp. Cả hai thái cực đều không tốt. Những người quá thiên về cảm xúc nhưng thiếu đi lý trí thường không đáng tin cậy. Ngược lại, khi logic tách rời khỏi sự đồng cảm, chúng ta dễ rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, theo đuổi sự hoàn hảo, và đưa ra những phán xét khắc nghiệt. Thông thường, những người biết cách dung hòa cả hai yếu tố này sẽ có được sự tin tưởng và ngưỡng mộ từ người xung quanh.
Thân mến, June
======
Cô June thân mến,
Tôi thường gặp khó khăn trong việc tuân thủ theo một lịch trình. Cách tốt nhất để tôi rèn luyện tính kỷ luật trong chuyện này là gì?
Độc giả Tatianna D. từ tiểu bang Virginia
Tatianna thân mến,
Một lịch trình hiệu quả giúp cho mọi thành viên trong gia đình cảm thấy hạnh phúc và có cảm giác thành tựu. Lịch trình này nên giảm bớt căng thẳng cho các thành viên bằng cách [xác định và] tập trung hoàn thành những việc quan trọng nhất, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc đến mức chi phối cuộc sống. Thực tế là, một lịch trình hiệu quả được xây dựng dựa trên những thói quen tốt. Vì vậy, nếu lịch trình hiện tại không giúp ích cho bạn, thì bạn cần xem xét lại các hoạt động hàng ngày của mình và áp dụng những thói quen mới.
Thứ hai, hãy suy ngẫm nguyên nhân khiến bạn khó tuân theo lịch trình đến vậy. Có phải bạn vốn thích [làm việc theo] lịch trình, nhưng [các nguyên nhân khách quan ngoài] cuộc sống luôn cản trở bạn làm vậy? Hay đó là vấn đề về ý chí, khi bạn dễ bị sao nhãng bởi mạng xã hội hoặc những thứ khác? Hay đơn giản là bạn cảm thấy hạnh phúc hơn khi cuộc sống có nhiều yếu tố ngẫu hứng [không bị lịch trình bó buộc]?
Nếu [có nhiều yếu tố khách quan từ] cuộc sống khiến bạn không thể tuân theo lịch trình — có thể là bạn đang làm công việc chăm sóc cho người khác — thì việc đơn giản hóa lịch trình có thể hữu ích. Đặt mục tiêu giải quyết ít việc hơn trong ngày để bạn có thêm thời gian ứng phó với các sự kiện bất ngờ. Bạn cũng có thể lập giải pháp dự phòng cho những lúc lịch trình bị xáo trộn, để mọi việc vẫn đâu ra đó.
Nếu ý chí là yếu tố khiến bạn trì hoãn, thì bạn sẽ cần thực hiện một số biện pháp để cải thiện điều đó. Ví dụ như, bắt đầu ngày bằng việc khó khăn nhất; đặt hẹn giờ và tự buộc bản thân hoàn thành một nhiệm vụ trong thời gian quy định; hoặc đặt ra quy tắc làm-trước-chơi-sau. Ngay cả việc thực hiện cùng một việc vào cùng một thời điểm mỗi ngày (có thể là một việc nhỏ, nhanh chóng) cũng có thể giúp bồi đắp ý chí.
Nếu vấn đề nằm ở chỗ bạn thích tính ngẫu hứng, thì trước tiên hãy chấp nhận rằng đây có lẽ là một phần bản chất của bạn — một số người thích những ngày bất định. Sau đó, hãy tạo ra một lịch trình cho phép bạn hoàn thành các nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng có thời gian tự do [cho riêng mình]. Ví dụ, bạn có thể chuẩn bị sẵn tất cả bữa tối trong tuần để bảo đảm các bữa ăn luôn được thực hiện đúng giờ, và sau đó bạn có những buổi tối rảnh rỗi cho các hoạt động khác.
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times