Sổ tay du hành thời không: Mãn Châu Cách Cách
Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người con dân tộc Hoa Hạ đều ẩn chứa những ký ức xa xưa. Những ký ức này đến từ các thời đại Tần, Hán, Tam Quốc, Đường, Tống, Minh, Thanh. Trong suốt năm nghìn năm, mỗi triều đại đều lưu lại nền văn hóa phong phú, khắc sâu vào gene di truyền của dân tộc Hoa Hạ. Có thể bạn đã từng muốn vượt thời không trở về quá khứ, để xem các triều đại trong lịch sử từng có bóng dáng tiền thân của mình ở đó hay không. Vậy thì trước đó, bạn nên tích lũy cho mình một lượng kiến thức vừa đủ, để tránh việc vô ý mạo phạm quân tử, đường đột với giai nhân trong xã hội cổ đại.
Nếu kiếp trước bạn đã từng sống ở cung điện nhà Thanh, sẽ nhìn thấy trăm hoa đua nở đẹp tựa gấm lụa trong Tử Cấm Thành. Vậy thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy quen thuộc đối với các điệu múa dân tộc người Mãn được Shen Yun biểu diễn. Trên sân khấu, Cách Cách Đại Thanh vừa đoan trang vừa tao nhã đang biểu diễn những động tác nhảy múa uyển chuyển, tuyệt đẹp trên đôi hài bồn hoa, những tua rua trên đầu rủ xuống lắc lư theo gió. Lúc này bạn có thể sẽ thắc mắc tại sao trên đầu họ lại đội Đại lạp sí, chân mang giày bồn hoa? Đời sống của họ còn có những điều gì thú vị? Bây giờ chúng ta hãy cùng lật giở lại tập ảnh lịch sử, từ vùng đất giá lạnh non cao nước bạc đến Tử Cấm Thành nơi cửa khuyết Cửu Trùng, để quan sát những khía cạnh khác nhau trong đời sống của các nữ tử Mãn Thanh.
Nhất nhĩ tam kiềm (Một tai ba lỗ)
Sau khi dân tộc người Mãn đến Trung nguyên, họ kế thừa phương thức thống trị của dân tộc người Hán, đẩy mạnh đề xướng giáo dục Nho giáo, nhưng trước sau vẫn duy trì truyền thống của tổ tiên mình. Các nữ tử Mãn tộc khi vừa sinh ra sẽ được bấm ba lỗ tai. Đây là biểu tượng huyết thống của dân tộc Mãn. Trong hoàng tộc nhà Thanh và con cháu Bát Kỳ có một quy định bất thành văn là “Mãn Hán bất thông hôn” (người Hán và người Mãn không được kết hôn với nhau). Do đó, ‘nhất nhĩ tam kiềm’ (một tai ba lỗ) thường được xem như một phương thức phân biệt nữ tử Hán tộc với nữ tử Mãn tộc trong kỳ tuyển tú.
Nếu bạn gặp một nữ tử mà mỗi bên tai của họ đeo ba chiếc khuyên, thì bạn phải đối đãi với họ theo lễ nghi của dân tộc Mãn. Nếu nữ tử mà bạn gặp đeo khuyên tai có sáu hạt “đông châu,” vậy thì bạn đối với nàng càng nên cung kính, bởi nàng ấy có thể là công chúa, hậu phi, thậm chí là Hoàng hậu. Chỉ những người có thân phận rất tôn quý như thế mới xứng được đeo “đông châu.” “Đông châu” được hoàng tộc triều Thanh xem là “Tổ truyền trân bảo,” chỉ ở lưu vực Tam Giang phía Đông Bắc – cái nôi của dân tộc Mãn mới có.
‘Lưỡng bả đầu’ và ‘Đại lạp sí’
Trong các tác phẩm điện ảnh hoặc nghệ thuật biểu diễn sân khấu, mái tóc búi cao (kỳ đầu) của nữ tử Mãn tộc khiến khán giả có ấn tượng sâu sắc. Thực ra, trong cuộc sống thường nhật thời kỳ đầu triều Thanh, kiểu tóc kỳ đầu “Đại lạp sí” được chải thành hình quạt, cài đủ loại trâm hoa bảo thạch. Hậu phi, Cách cách thường quen với kiểu tóc “lưỡng bả đầu” này.
“Lưỡng bả đầu” là chải toàn bộ tóc trên nửa phần đầu, dùng một cây trâm dài và dẹt cố định tóc trên đỉnh đầu, cuộn tóc sang hai bên theo trâm cài tạo thành búi tóc, phần tóc còn lại được chải thành một búi tóc sau gáy. Như vậy, búi tóc trên đỉnh đầu sẽ giúp thân hình người nữ tử trông cao hơn, búi tóc sau gáy giúp đầu của họ duy trì dáng vẻ đoan trang, không tùy tiện nhìn ngang liếc dọc, cũng không thể lười biếng tùy tiện nằm ngủ.
Vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh, các nữ tử người Mãn bắt đầu sử dụng giá tóc nhiều hơn, tức là đưa giá tóc lồng vào tóc thật, giúp cố định tóc dễ dàng hơn và tóc sẽ trông dày hơn, dễ dàng phối với các loại hoa nhung, châu báu hơn. Loại giá tóc này về sau đã trở thành Đại lạp sí mà chúng ta nhìn thấy trên sân khấu ngày nay. Nghệ sĩ múa đội loại mũ đội đầu này, nếu động tác hơi mạnh một chút, mũ có thể bị rơi hoặc xê dịch. Vì vậy, để hoàn thành tốt vũ đạo chân tay mà vẫn có thể giữ cho đầu được cố định, thì người nghệ sĩ múa nhất định phải giữ cho mình một tâm thái hết sức bình ổn.
Bước qua chậu than và bắn ba mũi tên
Bạn đã bao giờ trông thấy chú rể hướng mũi tên bắn về phía cô dâu trong ngày cưới chưa? Trong hôn lễ thời nhà Thanh, khi kiệu hoa của tân nương chuẩn bị vào nhà, tân lang nghênh thân sẽ bắn vào kiệu hoa ba mũi tên, với mục đích xua đuổi hung thần mà mắt thường không nhìn thấy. Vì để tránh các loại tai họa, yêu ma và hung thần theo tân nương vào nhà chồng, tân nương trước khi xuống kiệu phải bước qua một chậu than. Bởi vì âm linh không thích ánh sáng và hơi ấm, lửa than sẽ xua đuổi các loại yêu ma quỷ quái theo chân tân nương.
Người xưa tin rằng các loại tai họa và mâu thuẫn bất đồng trong cuộc sống hôn nhân, ngoại trừ nguyên nhân đến từ ác nghiệp mà hai vợ chồng đã gieo từ kiếp trước hoặc kiếp này không tu thiện tích đức, nhiều khi là do tà linh, oan hồn ẩn nấp trong nhà gây nên. Do đó, để có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài, cổ nhân từ xa xưa đã bắt đầu định ra các nghi lễ tránh tà trừ ma.
Hài bồn hoa
Ngoại trừ Đại lạp sí, hài bồn hoa gót cao cũng là một biểu tượng quan trọng khác của nữ tử cung đình Mãn tộc. Hài bồn hoa là một loại kỳ hài, đế làm bằng gỗ, cao năm tấc (còn gọi là thốn, khoảng 3.33cm), trên rộng dưới hẹp, hình dáng tựa bồn hoa. Nữ tử khi mang loại giày đặc biệt này thì dáng đi cũng thướt tha uyển chuyển, chậm rãi khoan thai, toát lên một loại khí chất quý tộc đoan trang tao nhã.
Tương truyền, hài bồn hoa ban đầu là một loại có đế dày, cao một tấc, nữ tử người Mãn thường có thói quen mang loại hài này để làm việc. Mùa đông ở vùng Đông Bắc rất lạnh giá, băng tuyết bao phủ. Vì để bàn chân không bị nhiễm lạnh, nữ tử Mãn tộc đã tăng đế hài cao thêm 1-2 tấc, tránh “lạnh bắt đầu từ bàn chân” khiến bách bệnh xâm nhập. Về sau, độ cao của đế hài càng ngày càng tăng, phát triển thành các loại hài ‘nguyên bảo để’ (đế đỉnh vàng), hài ‘bồn hoa để’ (đế bồn hoa) và hài ‘mã đề để’ (đế móng ngựa). Phần trên của hài thêu đủ các loại hình thù đẹp mắt, được các Cách cách, Hậu phi trong các cung điện, lầu các đặc biệt yêu thích.
Lễ ‘thân tàm’
Sau khi nhà Thanh nhập quan, Mãn tộc thống nhất Trung Nguyên, mặc dù vẫn bảo lưu rất nhiều phong tục truyền thống của Mãn tộc, nhưng vẫn không tránh được việc đồng hóa với văn minh lễ nhạc của người Hán. Thậm chí sau khi kế thừa lễ nghi của người Hán, họ còn phát triển một hệ thống quy phạm phức tạp hơn. Nếu bạn quay trở về thời đại nhà Thanh, tuyệt đối không thể bỏ lỡ lễ “thân tàm” do đích thân Hoàng Hậu nương nương chủ trì. Trong điển lễ mang đẳng cấp quốc gia này, tất cả các phi tần, cách cách, phúc tấn, nữ quan đều sẽ tham dự. Họ tiến hành nghi thức hái dâu và lễ bái Tiên Tàm nương nương dưới sự dẫn dắt của Hoàng hậu.
Tiên Tàm nương nương là Luy Tổ, phi tử của Hoàng Đế thời viễn cổ. Tương truyền bà là người đã phát minh ra phương pháp nuôi tằm dệt tơ, từ đó người Trung Quốc mới có y phục tinh xảo làm từ tơ lụa. Văn hóa truyền thống lấy nông tang (trồng dâu nuôi tằm) làm nền tảng của đất nước, vì vậy Hoàng Đế sẽ chủ trì lễ cày ruộng, Hoàng Hậu chủ trì lễ nuôi tằm. Trong lễ nuôi tằm, cùng với bài hát “Thái tang ca” cất lên, Hoàng Hậu sẽ đích thân hái lá dâu, nghi thức này gọi là “cung tang.” Sau khi “cung tang” xong, các phi tần cung nữ sẽ cùng nhau hái lá dâu, thể hiện hàm ý lấy “nam canh nữ chức” (đàn ông cày ruộng, đàn bà dệt vải) làm nền tảng sinh kế cho nhân dân, làm tấm gương cho nữ tử trong thiên hạ.
Cách Cách trong cung nhà Thanh thời hiện đại
Vùng đất Thần Châu là vũ đài lớn diễn dịch 5,000 năm lịch sử. Shen Yun là vũ đài nhỏ tái hiện 5,000 lịch sử ấy. Nếu có được siêu năng lực vượt thời không, bạn có thể một lần du hành thời không quay trở về triều đại nhà Thanh, đừng quên mang theo “Sổ tay du hành thời gian” của chúng ta. Nếu bạn chưa có được siêu năng lực này, vậy thì hãy đến với nhà hát nơi Shen Yun biểu diễn và nền tảng trực tuyến “Shen Yun Zuo Pin” để thưởng thức các tiết mục của chúng tôi. Từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến cuối thời nhà Thanh, thời Dân quốc, từ cao nguyên Thanh Tạng đến vùng sông nước Giang Nam, bạn sẽ không bỏ lỡ bất kỳ một thời không nào!
— Bài viết được đăng lại từ website của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun
(Được website của Shen Yun cấp quyền đăng lại, bản quyền thuộc sở hữu của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun).
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ