Nội hàm của vũ đạo
Khi nhân loại chưa phát minh ra chữ viết, vũ đạo đã có những hình thức ban sơ. Thời thượng cổ, các chữ giáp cốt “vu (thầy mo), vũ (võ thuật), vũ (vũ điệu)” là cùng chung một chữ. “Vu” (巫 – thầy mo) là người “cách vu Thiên nhân”, tức là người truyền lời của Thiên Thượng đến nhân gian. Người này tất nhiên phải yêu cầu có phẩm đức cao thượng, đồng thời cũng là một vũ đạo gia có nội công và kỹ thuật cao siêu. Trước khi múa, người này thường sẽ có những màn biểu diễn khí công đặc dị, khiến cho người xem kinh ngạc và kính phục.
Vũ đạo thời cổ đại được chia thành múa văn và múa võ. Vạn vũ thời cổ bao gồm cả múa văn, múa võ. “Vạn” là tên riêng của một loại hình múa, đầu tiên là múa võ, người biểu diễn vũ đạo cầm binh khí múa; tiếp sau đó là múa văn, người biểu diễn vũ đạo cầm lông chim và nhạc cụ múa. Vì vậy, nếu vũ công [người biểu diễn] múa văn thì đó chính là ‘vũ đạo’ (舞蹈), nếu vũ đạo dùng võ thì đó chính là ‘vũ công’ (武功).
Vũ đạo nguyên thủy phần lớn được cử hành long trọng trong tế lễ và các hoạt động trọng đại. Thông qua vũ đạo, nghệ sỹ thành kính thực hiện vũ điệu kính Trời, tôn Thần, để ca tụng sự vĩ đại và trí tuệ của chư Thần, từ đó cầu nguyện chư Thần che chở, bảo hộ.
Quá trình vũ đạo là bài ca hữu hình, bức họa lưu động. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà lý luận vũ đạo cho rằng, vũ đạo là nghệ thuật gốc hình thành nên nhiều loại hình nghệ thuật khác. Trong “Lịch sử vũ đạo thế giới” đã miêu tả vũ đạo nguyên thủy như thế này: Trong vũ đạo, con người vượt qua khoảng cách giữa thế giới hiện thực và thế giới khác, tiến vào thế giới của tinh linh và chư Thần.
Một nghệ sỹ nổi tiếng về nghệ thuật múa của dân tộc Bạch ở Đại Lý, Vân Nam, đã từng nói: “Khi tôi còn nhỏ, bà nội của tôi nói với tôi rằng, múa là để đối thoại với Thần. Rất nhiều năm về sau, tôi mới hiểu lời bà. Mỗi khi tôi vươn hai cánh tay ra múa, trong thế giới tâm linh của tôi, Thần sẽ nắm tay tôi. Tôi có thể cảm nhận được linh hồn của mình từ trong cơ thể nhẹ nhàng bay lên. Cảm giác tuyệt vời này khiến tâm hồn tôi có được sự bình yên, thanh tĩnh nhất.”
Những vũ đạo gia nổi tiếng thời cổ thường là những người có tố chất tu luyện. Trong “Lịch sử vũ đạo Trung Quốc” có ghi: “Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế yêu thích vũ đạo, hơn nữa còn rất am hiểu khí thuật.” Am hiểu khí thuật chính là giỏi về khinh công, là khả năng linh hoạt và nhẹ nhàng trong di chuyển.
Các nữ vu Chương Đan, Trần Châu thời Tấn được xưng tụng là người biểu diễn vũ đạo Trung Quốc cổ điển xuất sắc. Tương truyền, họ có dung mạo xinh đẹp, mỗi bước nhảy múa nhẹ nhàng uyển chuyển, có thể trò chuyện với ma quỷ, hơn nữa còn có khả năng ẩn hình giấu bóng.
Vũ đạo gia Dương Ngọc Hoàn thời nhà Đường, từng xuất gia làm Đạo sĩ. Tài nghệ múa và đánh đàn tỳ bà cao siêu của nàng được ghi chép trong nhiều tư liệu. Vũ đạo phương Đông lưu truyền ở Ai Cập, trên thực tế cũng là một loại khí công. Trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt, cơ bụng của nghệ sỹ múa có lực phi thường. Có một số nghệ sỹ múa, khi họ co cơ bụng đến hết mức, có thể đổ một bát nước vào vùng bụng mà nước không chảy tràn ra ngoài.
Về phương diện nào đó, có thể nói vũ đạo và khí công là “dị khúc đồng công chi diệu” (thể loại khác nhau nhưng kết quả lại giống nhau đến kỳ diệu). Thông qua động tác, tư thế, ý niệm và hô hấp của cơ thể, đạt đến sự hài hòa giữa thân và tâm, từ đó kích thích khởi phát tiềm năng của cơ thể con người.
Trong Thái Cực Đồ, âm – dương được phân chia thành đen – trắng, giống như đầu và đuôi của hai con cá truy đuổi nhau. Đường phân chia đen – trắng là một đường chữ S lượn vòng uyển chuyển khéo léo. Hai con cá âm – dương dựa vào đường phân chia chữ S đối lập mà phối hợp chặt chẽ, tương hòa và chuyển hóa rất rõ ràng. Trong bức bích họa ở Đôn Hoàng, hình thức vận luật “Phi thiên” cùng với “khúc tuyến” của âm nhạc và vũ điệu Hoa Hạ cổ đại chính là bắt nguồn từ Thái Cực Đồ. Hơn nữa, triết lý mà Thái Cực Đồ biểu hiện cũng chính là nội hàm tinh hoa trong “Chu Dịch.”
Các động tác của hí khúc trong múa cổ điển và vũ đạo truyền thống Trung Quốc đều phù hợp với tinh thần triết lý này. Chúng thể hiện đan điền là trung tâm ý niệm của chuyển động, dẫn dắt “gốc” cơ thể, phần eo di chuyển tuần tự xoay vòng theo đường hình số 8 với ba chiều dọc, chiều ngang, và chiều sâu. Khi gốc vừa chuyển động, ngọn sẽ chuyển theo, tay, mắt, thân, thân, pháp, bước chân, toàn thân được phối hợp hài hòa. Toàn bộ từ đầu đến cuối luôn có chuyển động theo hình số 8 liên kết ở giữa. Hình số 8 cũng là hai hình chữ S đối nhau kết hợp thành.
Nghĩa là có sự phối hợp đối lập nhịp nhàng “dục tiền tiên hậu” (muốn tiến thì trước tiên phải lùi), “dục tả tiên hữu” (muốn sang trái thì trước tiên sang phải), hàm súc ổn định, quy chuẩn thống nhất, thần hình vẹn toàn, thần khí hiển hiện, có thể vừa làm động tác, vừa ca hát.
Vì vậy, phần đông các nghệ sỹ biểu diễn vũ đạo cổ điển Trung Quốc và nghệ thuật hí khúc có nền tảng kỹ thuật vững chắc sẽ có chỗ đứng trên sân khấu lâu hơn. Điều này phù hợp với quy luật cuộc sống, trong khi rèn luyện kỹ năng nghệ thuật thì đồng thời cũng có tác dụng tu dưỡng rèn luyện sức khỏe.
Việc xây dựng hệ thống vũ đạo truyền thống Trung Quốc được kế thừa từ các nền văn hóa Thần truyền Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo bác đại tinh thâm. Văn hóa truyền thống Trung Quốc nhắm trực tiếp vào cơ thể con người, sinh mệnh và vũ trụ, lấy việc đề cao đạo đức để từ đó thúc đẩy, khai phát công năng của cơ thể con người. Hơn nữa, tiến tới đề cao kỹ nghệ cá nhân, qua đó thúc đẩy sự phát triển tích cực của toàn xã hội.
Lấy thư pháp làm ví dụ, mọi người đều biết đến câu nói: “Nhân phẩm bất cao, dụng mặc vô pháp” (Tạm dịch: Nhân phẩm không cao thì không thể dùng mực). Người luyện võ thuật cũng hiểu được rằng nếu người luyện võ không coi trọng việc tu luyện võ đức, thì công phu võ thuật cao thâm sẽ khiến họ bị tẩu hỏa nhập ma. Đạo lý này cũng có thể được mở rộng đến mọi mặt, ở mọi lĩnh vực trong xã hội, như “Nhân phẩm không cao thì không thể diễn tấu nhạc”, “Nhân phẩm không cao thì không thể múa”, v.v…
Đối với vũ đạo, độ mềm dẻo và chuyển động của cơ thể nghệ sỹ múa có thích hợp hay không, mới chỉ là cách đánh giá xem họ đã nắm vững những yêu cầu cơ bản của vũ đạo hay chưa mà thôi. Nhưng chỉ cần những điều này thôi thì chưa đủ. Bản thân vũ đạo sẽ mang đến kinh nghiệm về khí vận, nội hàm, nhân sinh và thể ngộ về sinh mệnh cho nghệ sỹ biểu diễn.
Nếu một nghệ sỹ múa có thể thực hiện các động tác đạt tiêu chuẩn, nhưng nhân phẩm không cao, thì vũ đạo biểu diễn ra cũng sẽ mang theo dục vọng và tâm truy cầu danh lợi của người múa. Loại vũ đạo như vậy không những không mang lại cảm thụ tốt đẹp và sự khích lệ cho khán giả, mà trái lại, nó khiến khán giả có cảm thụ theo hướng tiêu cực.
Vũ đạo có sự ảnh hưởng như thế, âm nhạc cũng giống như vậy. Khoa học hiện đại đã phát hiện âm nhạc mang phong cách hiện đại (như nhạc Heavy metal – nhạc Rock nặng) mang ma tính rất nặng, có thể gây hại cho sức khỏe và tính mệnh. Vì vậy, việc phát triển nghệ thuật, kỹ nghệ, phải lấy việc đề cao đạo đức làm ưu tiên hàng đầu.
Vũ đạo đẹp, thuần chân, thuần thiện sẽ mang lại cho khán giả cảm nhận tinh thần đẹp đẽ và ấn tượng sâu sắc về hình ảnh. Điều đó sẽ khai mở thiện lương và thiện niệm trong bản tính con người, có tác dụng thiện hóa nhân tâm. Tương tự như vậy, người nghệ sỹ thể hiện vũ đạo tốt cũng tất nhiên là người có tố chất tu luyện. Khi người dân tộc Bạch ở Đại Lý, Vân Nam biểu diễn múa, những người già thường sẽ vẽ lên tay của người biểu diễn vũ điệu một con mắt, mang ý nghĩa nhắc nhở người biểu diễn phải luôn dùng tâm, dùng một con mắt khác để nhìn mọi sự vật xung quanh.
Các nghệ thuật gia Trung Hoa thường nhấn mạnh việc “nội dưỡng.” Cảnh giới tối cao của nội dưỡng chính là “ngộ Đạo”, nghĩa là dùng tâm linh để nhận thức quy luật của vũ trụ, thuận theo đặc tính của vũ trụ. Từ đó, các nghệ thuật gia không ngừng đề cao đạo đức, và nhờ đó có thể đạt đến chí thiện chí mỹ trong kỹ nghệ.