Số phận các tỷ phú hàng đầu Trung Quốc: Tài sản sụt giảm, phá sản, hoặc bị bắt giữ
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, nhiều tỷ phú hàng đầu của Trung Quốc chứng kiến tài sản của mình sụt giảm mạnh, nhiều công ty phải phá sản, và một số họ đã bị bắt hoặc bỏ trốn khỏi quốc gia này.
Tỷ phú mất tích, số dư công ty chỉ còn 51.25 USD
Hôm 03/04, theo hãng thông tấn Trung Quốc National Business Daily, tòa án ở Bắc Kinh tuyên bố công ty Yinji Entertainment & Media, còn được gọi là DMG Media, phá sản.
DMG Media, từng là một đại công ty giải trí ở Trung Quốc, đã chính thức tuyên bố phá sản, trong khi chủ tịch Tiêu Văn Các (Peter Xiao Wenge), cũng là tỷ phú hàng đầu tỉnh Tứ Xuyên, đã biến mất sau khi rút ra hơn 600 triệu USD.
Hãng thông tấn này đưa tin, DMG Media được thành lập vào năm 2008. Năm 2015, công ty này đã hoàn tất việc niêm yết cửa sau và chính thức ra mắt trên thị trường chứng khoán A-share.
Vào khoảng năm 2015, ông Tiêu nắm giữ số cổ phiếu trị giá hơn 4 tỷ USD ở mức giá cổ phiếu cao nhất là 6.16 USD và giá trị vốn hóa thị trường là gần 6.91 tỷ USD.
Tuy nhiên, công ty này bất ngờ rơi vào tình trạng khủng hoảng bắt đầu từ năm 2018, khiến hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng.
Theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper, trên thực tế, ông Tiêu đã giảm tỷ lệ nắm giữ tại DMG Media hai lần, rút ra tổng cộng khoảng 330 triệu USD trong thời gian hoạt động kinh doanh của công ty này trên đà sụp đổ vào năm 2018.
Theo một bản tin của hãng truyền thông Trung Quốc The Cover, ông Tiêu đã rút tổng cộng khoảng 610 triệu USD từ công ty được niêm yết này.
National Business Daily đưa tin, trong số ba thành viên sáng lập có ông Dan Mintz, một nhà làm phim người Mỹ, đã mất tích từ lâu; ông Tiêu thì từ chức chủ tịch năm 2015; và ông Ngô Băng (Wu Bing), người phụ trách quản lý, đã chuyển đến Hoa Kỳ với tư cách là công dân Hoa Kỳ.
Cổ phiếu giảm mạnh hàng tỷ USD chỉ trong một ngày
Hôm 09/04, cổ phiếu của Tập đoàn Xi măng Thiên Thụy Trung Quốc (China Tianrui Group Cement) đã giảm giá 99% một cách bí ẩn, giảm vốn hóa thị trường từ 14 tỷ dollar Hồng Kông (1.7 tỷ USD) xuống chỉ còn 141 triệu dollar Hồng Kông (18 triệu USD).
Theo trang web chính thức của họ, công ty này là nhà sản xuất xi măng clinker hàng đầu ở tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh, với công suất sản xuất hàng năm khoảng 35 triệu tấn clinker và 58 triệu tấn xi măng, đồng thời cũng là một trong 12 doanh nghiệp xi măng quy mô lớn trên toàn quốc được hậu thuẫn bởi chế độ cầm quyền nước này.
Ông Lý Lưu Pháp (Li Liufa), ông chủ của Xi măng Thiên Thụy, đã hai lần được tạp chí New Fortune vinh danh là người giàu nhất tỉnh Hà Nam trong Danh sách Người giàu New Fortune 500 vào năm 2011 và 2012.
Theo một bản tin trên China Times, sau khi giá cổ phiếu của Xi măng Thiên Thụy đột ngột giảm mạnh, có tin tức cho thấy rằng dây chuyền sản xuất Xi măng Thiên Thủy tại thành phố Trịnh Châu đã ngừng sản xuất. Phúc đáp lại thông tin này, Xi măng Thiên Thụy cho biết: “Việc tạm dừng hoạt động của từng nhà máy là để thuận theo nhu cầu sản xuất ngoài mùa cao điểm chứ không phải do các vấn đề vận hành.”
Trong những năm gần đây, việc chuyển dịch sản xuất vào mùa cao điểm đã trở thành chiến thuật của ngành xi măng Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề dư thừa công suất.
Bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái chung của ngành xi măng Trung Quốc, vào năm 2023, thu nhập của Xi măng Thiên Thụy đã giảm gần 30% so với cùng thời kỳ năm trước, với khoản lỗ ròng 634 triệu nhân dân tệ (87.58 triệu USD).
Người từng giàu nhất Trung Quốc bị điều tra
Ống Lý Hà Quân (Li Hejun), người sáng lập đại công ty quang năng Hanergy, đã bị công an bắt giữ vào ngày 17/12/2022 tại tỉnh Liêu Ninh, miền đông bắc Trung Quốc. Ông Lý Hà Quân từng đứng đầu Danh sách Người giàu Toàn cầu Hồ Nhuận (Hurun Global Rich List) năm 2015, trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng việc ông bị giam giữ có thể liên quan đến việc Ngân hàng Cẩm Châu gặp rắc rối, mà ngân hàng này đã tài trợ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2015 của công ty này tại Hồng Kông với gần 10 tỷ nhân dân tệ (1.5 tỷ USD).
Danh sách thảm sát
Vào tháng 12/2015, trang Hurun Report đã công bố một báo cáo đặc biệt về Danh sách Người giàu Trung Quốc cho thấy trong 17 năm kể từ khi Danh sách Người giàu Trung Quốc này được công bố, 35 người trong số họ đã bị bỏ tù, bị buộc tội, hoặc thậm chí bị xử tử chủ yếu vì vi phạm nghiêm trọng luật pháp vì lý do kinh tế.
Kể từ khi ra mắt vào năm 1999, Hurun Report đã được truyền thông địa phương mệnh danh là “danh sách thảm sát” vì nhiều doanh nhân trong danh sách này đã gặp rắc rối với pháp luật.
Theo báo cáo này, ông Hoàng Quang Dụ (Huang Guanyu), người sáng lập GOME Electrical Appliances, là người giàu nhất trong số 18 tỷ phú Trung Quốc đang bị cầm tù.
Năm 2015, ông Hoàng vẫn đứng thứ 87 với tài sản ròng là 22 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD). Ông bị bắt giữ vào năm 2008, và đến năm 2010, ông đã bị kết án 14 năm tù cũng như bị phạt 600 triệu nhân dân tệ (82.89 triệu USD) vì “hoạt động kinh doanh phi pháp, giao dịch nội gián, và đưa hối lộ.” Số tài sản trị giá khoảng 27.63 triệu USD của ông đã bị tịch thu.
Năm 2016, khi Hurun Report công bố một Danh sách Người giàu Hồ Nhuận khác, nhiều hãng thông tấn Trung Quốc cũng đưa tin về 12 tỷ phú Trung Quốc đang gặp rắc rối. Ngoài ông Hoàng, lúc đó đang ở trong tù, còn có hai cá nhân đang chờ tuyên án, bảy người đang bị điều tra, một người đang bị giám sát tại nơi cư trú, và một người đã biến mất hoặc có thể đã di cư ra nước ngoài.
Theo Danh sách Người giàu Trung Quốc Hồ Nhuận năm 2017, ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), người sáng lập Tập đoàn Evergrande, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá 43 tỷ USD. Evergrande từng là công ty địa ốc Trung Quốc duy nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500 trong vòng 20 năm.
Evergrande vỡ nợ vào năm 2021, với tình trạng hoạt động liên tục suy thoái. Năm đó, Evergrande nợ các nhà cung cấp, chủ cho vay, và nhà đầu tư một khoản tổng cộng là 1.96 ngàn tỷ nhân dân tệ (270 tỷ USD).