Sáu quan chức cao cấp của ĐCSTQ từng đàn áp Pháp Luân Công bị điều tra hoặc kết án
Từ cuối tháng 10/2023 đến đầu tháng 01/2024, sáu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở các ủy ban chính trị và pháp luật của các tỉnh và khu tự trị cũng như cơ quan công-kiểm-pháp (công an-tòa án-viện kiểm sát) đã bị điều tra hoặc kết án.
Các quan chức này bao gồm ông Hồ Nghị Phong (Hu Yifeng), Viện trưởng Pháp viện Tối cao Khu tự trị Nội Mông; ông Cam Vinh Khôn(Gan Rongkun), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Nam; ông Lý Bằng Tân (Li Pengxin), nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thanh Hải; ông Hoàng Lê Minh (Huang Liming), Phó kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tỉnh Quảng Đông; ông Tôn Thư Nam (Sun Shunan), cựu lãnh đạo Phòng “610” tỉnh Hải Nam kiêm Phó Giám đốc Sở Tư pháp; ông Trần Húc (Chen Xu), Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Giang Tô.
Trang web Minh Huệ Net (minghui.org) đưa tin cho biết trong nhiệm kỳ của mình, sáu quan chức cao cấp này đã đi theo phe cánh của ông Giang Trạch Dân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công trong các khu vực thuộc quyền quản lý của họ đã bị bắt cóc, đưa đến các trại lao động cưỡng bức, bị kết án phi pháp và bị bức hại đến mức tàn tật hoặc tử vong. Vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những việc làm này. Trên trang web Minh Huệ, có bình luận cho rằng: “Bề ngoài là họ bị điều tra về tội tham nhũng hoặc tự sát, nhưng thực chất đó là kết quả của thiên lý, thiện ác hữu báo.”
Theo thống kê từ trang web Minh Huệ, tính đến năm 2018, có ít nhất 20,000 người tham gia cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã bị điều tra hoặc kết án. Trong số đó, đông đảo nhất là những người làm việc trong hệ thống chính trị và pháp luật, họ thường xuyên bị điều tra và kết án về tội hối lộ, v.v.
Pháp Luân Công hướng dẫn mọi người tu luyện theo nguyên lý “chân, thiện, nhẫn.” Kể từ khi được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã nhận được gần 4,000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, ĐCSTQ đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, thực thi chính sách đàn áp mang tính hủy diệt “bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể, vắt kiệt tài chính.”
Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 (một tổ chức phi pháp chuyên đàn áp Pháp Luân Công) đã thao túng hệ thống công-kiểm-pháp để bắt giữ, cải tạo một cách tùy tiện thông qua lao động, xét xử, kết án và tra tấn các học viên Pháp Luân Công.
Ông Hồ Nghị Phong, Viện trưởng Pháp viện Tối cao Khu tự trị Nội Mông, bị kết án 14 năm tù
Ngày 09/01/2024, ông Hồ Nghị Phong, Viện trưởng Pháp viện Tối cao Khu tự trị Nội Mông, đã bị kết án sơ thẩm 14 năm tù vì tội nhận hối lộ, phạt 3.2 triệu nhân dân tệ, tất cả tài sản hối lộ đều bị tịch thu, v.v.
Ông Hồ sinh vào tháng 05/1954, là người Mông Cổ, từng giữ chức vụ Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông (cấp sở), Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội nhân dân Khu tự trị Nội Mông. Tháng 01/2011, ông giữ chức Bí thư Tổ đảng, Viện trưởng Pháp Viện Tối cao Khu tự trị Nội Mông kiêm Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Tháng 01/2018, ông về hưu, và bị điều tra vào tháng 04/2022.
Theo trang web Minh Huệ, khi ông Hồ Nghị Phong còn là Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông, có ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong; chỉ riêng từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2017 đã có 109 học viên ở Nội Mông bị kết án phi pháp.
Học viên Pháp Luân Công Chu Kim Bằng (Zhou Jinpeng) ở thành phố Thông Liêu, Nội Mông, bị cầm tù oan bảy năm; năm 2014, anh lại bị kết án oan thêm bốn năm rưỡi. Phí chuyển nhượng cho một trong những bằng sáng chế phát minh Trung y của anh dao động từ 670,000 nhân dân tệ đến 3.3 triệu nhân dân tệ. Vì đang ngồi tù nên anh đã bỏ lỡ cơ hội và cuối cùng phải chuyển nhượng với giá thấp nhất. Trong vòng 10 năm, anh đã mất ít nhất 1 triệu nhân dân tệ nguồn tài chính trực tiếp và gián tiếp. Gia đình anh rơi vào cảnh túng quẫn đến nỗi con trai anh không có tiền đóng học phí hay mua đồng phục học sinh.
Ngày 31/05/2007, anh Dương Vũ Tân (Yang Yuxin), một học viên Pháp Luân Công ở Mạc Kỳ, Nội Mông, và người vợ mới cưới Chân Hải Yến (Zhen Haiyan) đã bị “Phòng 610” địa phương bắt giữ phi pháp. Chưa đầy ba tháng sau, vào ngày 27/08, anh Dương đã bị tra tấn đến tử vong ở tuổi 31. Sau đó không lâu, cô Chân Hải Yến lại bị bắt cóc vào ngày 10/09.
Ông Cam Vinh Khôn, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hà Nam, bị kết án tù chung thân
Ngày 27/12/2023, Tòa án Trung cấp thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô đã công khai tuyên án sơ thẩm đối với ông Cam Vinh Khôn, cựu Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ tỉnh Hà Nam, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Ông Khôn bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.
Ông Cam có nhiều năm làm việc tại Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ; tháng 08/2013, ông được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc. Tháng 07/2016, ông giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hắc Long Giang, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Tháng 09/2019, ông giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ được trang web Minh Huệ đưa tin: Trong thời gian ông Cam Vinh Khôn làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Hắc Long Giang và Hà Nam, có ít nhất 3,653 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc và sách nhiễu; 368 người bị kết án phi pháp với mức án tù cao nhất lên tới 15 năm; 32 người bị tra tấn đến tử vong; 368 học viên Pháp Luân Công bị tòa án và cảnh sát tống tiền với tổng số tiền lên tới 2.76 triệu nhân dân tệ.
Khi ông Cam còn là Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Hắc Long Giang, ông đã bắt cóc và bức hại các học viên Pháp Luân Công địa phương trên quy mô lớn. Ví dụ, vào ngày 09/10/2017, Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang và Cục Công an quận Song Thành ở Cáp Nhĩ Tân đã bắt cóc hơn 50 học viên Pháp Luân Công ở Song Thành cùng lúc.
Ngày 09/11/2018, hơn 100 học viên Pháp Luân Công ở nhiều quận và huyện khác nhau tại Thành phố Cáp Nhĩ Tân và Thành phố Đại Khánh đã bị bắt cóc, số người bị bắt cóc ở khu vực Cáp Nhĩ Tân là 87 người. Trong số đó, ông Lữ Quan Như (Lu Guanru), một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh, đã bị kết án phi pháp bảy năm tù và bị tra tấn đến tử vong vào ngày 04/04/2021.
Ông Lý Bằng Tân, Cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thanh Hải đang bị điều tra
Theo tin tức ngày 11/12/2023 ở Hoa lục, ông Lý Bằng Tân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hải, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật, đã bị xem xét và điều tra vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật và pháp luật” nghiêm trọng.
Ông Lý Bằng Tân sinh vào tháng 12/1960, quê ở huyện Thần Trì, tỉnh Sơn Tây, từng giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hải và Bí thư Châu ủy Hải Tây. Từ năm 2007 đến tháng 10/2011, ông giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Từ tháng 10/2011 đến tháng 09/2016, ông giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức Khu tự trị Nội Mông. Từ tháng 09/2016 đến năm 2023, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Khi còn là Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thanh Hải, ông Lý chịu trách nhiệm trực tiếp với cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Hai chân của học viên Pháp Luân Công Vũ Trung Dân (Wu Zhongmin) đã bị tàn tật do bị bức hại, anh không thể tự chăm sóc bản thân. Ngày 09/05/2011, anh bị bắt cóc và đưa đến một lớp tẩy não cưỡng bức do Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ tổ chức tại tỉnh Thanh Hải, tức Trung tâm Đào tạo Cục Thuế Nhà nước tỉnh Thanh Hải ở Cầu Đoàn kết, Thành phố Tây Ninh. Anh Vũ đã qua đời một cách oan uổng vào ngày 20/05/2013 sau nhiều năm chịu đựng sự bức hại tàn bạo.
Ngày 08/09/2009, học viên Pháp Luân Công Đường Phát Bang (Tang Fagang) ở Thanh Hải đã bị các đặc vụ mặc thường phục của Đội An ninh Quốc gia Thành phố Tây Ninh bắt cóc và đưa đến một trại tạm giam. Năm 2010, anh bị giam ở Nhà tù Môn Nguyên ở Thanh Hải. Anh đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và bị bức thực một cách tàn bạo, cuối cùng anh bị suy nội tạng và qua đời oan uổng sau khi quá trình cấp cứu không thành công.
Ông Hoàng Lê Minh, Phó kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tỉnh Quảng Đông bị điều tra
Ngày 24/11/2023, ông Hoàng Lê Minh, Phó kiểm sát trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Đông đã bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm kỷ luật và pháp luật” nghiêm trọng.
Ông Hoàng Lê Minh sinh tháng 05/1966, quê ở Long Xuyên, Quảng Đông, từng giữ chức vụ Bí thư tổ đảng, Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát Trạm Giang, Bí thư tổ đảng, Kiểm sát trưởng Viện kiểm sát thành phố Phật Sơn, v.v. Tháng 09/2021, ông giữ chức Phó kiểm sát trưởng, Ủy viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát tỉnh Quảng Đông.
Ông Hoàng Lê Minh khi còn là Phó kiểm sát trưởng Viện kiểm sát tỉnh đã đi theo ĐCSTQ trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công, chịu trách nhiệm về việc truy tố và kết án phi pháp các học viên Pháp Luân Công. Năm 2022, có 72 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông đã bị kết án phi pháp.
Ngày 10/09/2021, ông Vương Gia Phương (Wang Jiafang), Cựu phó giáo sư tại Đại học Quảng Châu, đã bị cảnh sát từ Cục Công an quận Bạch Vân bắt cóc và mưu hại. Tháng 07/2022, ông bị Tòa án quận Lệ Loan kết án phi pháp 04 năm tù. Sau khi ông Vương kháng cáo, vào ngày 26/12 cùng năm, Tòa án Trung cấp thành phố Quảng Châu đã giữ nguyên bản án một cách phi pháp.
Các học viên Pháp Luân Công Triệu Thiên Hoa (Zhao Tianhua), Trần Hoa Lương (Chen Hualiang) và Luyện Nhật Quang (Lian Riguang) ở huyện Bác La, thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt cóc vào ngày 11/05/2021. Sau đó, họ bị bắt giữ và mưu hại, bị Tòa án quận Huệ Thành ở thành phố Huệ Châu kết án phi pháp vào ngày 27/10/2022. Học viên Triệu Thiên Hoa bị kết án phi pháp 7 năm tù và bị tống tiền 500,000 nhân dân tệ; hai học viên Trần Hoa Lương và Luyện Nhật Quang đều bị kết án phi pháp 04 năm và bị tống tiền 20,000 nhân dân tệ.
Ông Tôn Thư Nam, Cựu lãnh đạo “Phòng 610” tỉnh Hải Nam kiêm Phó Giám đốc Sở Tư pháp bị điều tra
Theo tin tức ngày 10/11/2023, ông Tôn Thư Nam, nguyên Ủy viên chuyên trách Thường vụ Quốc hội tỉnh Hải Nam, đang bị xem xét và giám sát điều tra.
Ông Tôn Thư Nam sinh vào tháng 07/1959, quê ở huyện Định An, tỉnh Hải Nam, từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Cán bộ Chính trị và Pháp luật tỉnh Hải Nam. Tháng 08/2000, ông giữ chức Phó Bí thư trưởng Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Hải Nam, Giám đốc Văn phòng Quản lý toàn diện tỉnh (“Phòng 610”); từ năm 2005 đến 2018, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Nam.
Sau đây là ví dụ về các trường hợp học viên Pháp Luân Công ở địa phương bị bức hại trong thời gian ông Tôn nắm quyền.
Đầu tháng 10/2000, học viên Pháp Luân Công Tiêu Khải Hàng (Xiao Qihang) vì muốn đến Bắc Kinh thỉnh nguyện nên đã bị Đồn cảnh sát Tú Anh thuộc Cục Công an Tú Anh, Sở Công an thành phố Hải Khẩu giam giữ phi pháp. Sau đó, ông Tiêu bị kết án phi pháp một năm lao động cưỡng bức.
Bắt đầu từ tháng 09/2008, “phòng 610” tỉnh Hải Nam đã tổ chức một đợt tẩy não cưỡng bức mới. Chỉ riêng ở khu vực Tam Á đã có hàng chục học viên Pháp Luân Công bị vu khống, bắt cóc và đưa đến các trung tâm tẩy não, nơi họ bị cưỡng bức tẩy não và bức hại.
Vào khoảng tháng 12/2012, anh Lý Đằng Đằng (Li Tengteng), một học viên Pháp Luân Công và là sinh viên tại Đại học Sư phạm Hải Nam, đã bị bắt cóc và đưa đến lớp tẩy não.
Ông Trần Húc, Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Giang Tô bị điều tra
Theo tin tức ngày 28/10/2023, ông Trần Húc, Ủy viên Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Giang Tô, đã bị điều tra vì nghi ngờ “vi phạm pháp luật và kỷ luật” nghiêm trọng.
Ông Trần Húc sinh tháng 02/1965, quê ở huyện Xạ Dương, tỉnh Giang Tô, từng giữ chức vụ Phó Giám đốc, Giám Đốc Sở Tuyên truyền Bộ Chính trị Công an tỉnh Giang Tô, Giám đốc Sở Công an thành phố Nam Thông, Giám đốc Sở Công an thành phố Nam Thông, Bí thư Đảng ủy, Phó Thị trưởng. Từ tháng 11/2019 đến năm 2023, ông Trần giữ chức vụ Ủy viên Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Giang Tô.
Trong nhiệm kỳ của ông Trần Húc, các học viên Pháp Luân Công dưới đây đã bị bức hại:
Học viên Pháp Luân Công Hoàng Như Anh (Huang Ruying) ở quận Sùng Xuyên, thành phố Nam Thông, gần 80 tuổi, đã bị Tòa án quận Sùng Xuyên xét xử phi pháp hồi đầu tháng 04/2018. Ngày 07/07, bà bị Cục Giám sát quận Sùng Xuyên triệu tập, sau đó bà bị kết án phi pháp nửa năm và bị đưa đến Nhà tù nữ Nam Thông. Năm 2004, cô Hoàng Diễm Lệ (Huang Yanli), con gái của bà cũng bị tra tấn đến tử vong.
Kể từ tháng 07/2015, sau khi học viên Pháp Luân Công Khương Siêu (Jiang Chao) ở thành phố Nam Thông bị cảnh sát địa phương bắt cóc và đưa đến trung tâm tẩy não trong một tháng thì biến mất, đến nay chưa rõ tung tích.
Ngày 09/11/2020, hai mẹ con học viên Pháp Luân Công Trần Hạnh Trân (Chen Xingzhen) và Đàm Hiểu Đông (Tan Xiaodong) ở thị trấn Lạc Dương, quận Vũ Tiến, thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã bị Tòa án quận Vũ Tiến ở thành phố Thường Châu kết án phi pháp. Bà Trần Hạnh Trân bị kết án 4 năm tù, anh Đàm Hiểu Đông bị kết án 8 năm tù.
Hôm 18/01/2024, Nghị viện Âu Châu đã thông qua nghị quyết 2024/2504 (RSP), lên án cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), một học viên Pháp Luân Công bị kết án phi pháp ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, cùng tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù.
Nghị quyết cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt ở cấp quốc gia và EU đối với tất cả những cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ đã chế tài ba quan chức ĐCSTQ sau đây liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, hạn chế họ và thân nhân nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Ngày 10/12/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã chế tài ông Hoàng Nguyên (Huang Yuan), Giám sát Sở cảnh sát Ngô Thôn thuộc Chi nhánh Tư Minh của Cục Công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Ngày 21/05/2021, chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục chế tài ông Dư Huy (Yu Hui), Cựu giám đốc “phòng 610” ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Ngày 09/12/2022, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp chế tài đối với ông Đường Dũng (Tang Yong), cựu Phó cục trưởng Nhà tù khu vực Trùng Khánh, vì tội bắt giữ tùy tiện các học viên Pháp Luân Công, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo .