Cựu đại sứ tự do tôn giáo kêu gọi các biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ
‘Hãy nghĩ về những gì chúng ta đang thảo luận ở đây—nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Quý vị đang lấy nội tạng của ai đó và rất có thể đã sát hại họ.”
Hoa Thịnh Đốn—Theo một chuyên gia về tự do tôn giáo và đồng thời là cựu quan chức chính phủ, chính phủ Hoa Kỳ cần áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Trung Quốc vì tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức [đang diễn ra] ở Trung Quốc.
Hoa Kỳ phải “thúc đẩy hơn nữa và quyết tâm đẩy lùi cũng như trừng phạt Trung Quốc vì thực hiện hành vi này”, ông Sam Brownback, cựu đại sứ lưu động về tự do tôn giáo dưới thời Tổng thống Donald Trump, nói với The Epoch Times bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế hôm 30/01.
“Hãy nghĩ về điều chúng ta đang nói ở đây—thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Quý vị đang lấy nội tạng của ai đó và rất có thể là sát hại họ. Như [tội ác] thời trung cổ vậy”
Việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công một cách có hệ thống trong cuộc đàn áp tàn bạo của mình đã biến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho du lịch ghép tạng quốc tế. Các bệnh viện Trung Quốc thường cung cấp dịch vụ ghép tạng có thời gian chờ đợi ngắn – đôi khi chỉ vài ngày hoặc vài tuần—nhanh hơn rất nhiều thời gian chờ ở các nước phát triển có hệ thống hiến tạng lâu đời.
Quốc hội đã đưa ra vấn đề này trong những năm gần đây. Năm 2016, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết bày tỏ lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, và vào tháng 3 năm ngoái (2023), Hạ viện đã thông qua Đạo luật Chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức với tỷ lệ phiếu thuận so với phiếu chống là 413–2. Phiên bản Dự luật Hạ viện (S.761) này hiện vẫn chưa có tiến triển sau khi được đưa lên Thượng viện.
Hiện tại, chưa có thông tin gì về [dự luật] nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ được chuyển tới bàn tổng thống.
“Tôi nghĩ chúng ta chưa thực sự sử dụng các biện pháp trừng phạt, các biện pháp trừng phạt kinh tế mang tính thực tế đối với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thiếu sót trong việc nêu đích danh [các cá nhân] để thu hút mọi người vào quá trình ra quyết định và trừng phạt họ theo kiểu trừng phạt từng cá nhân giống như [đạo luật Magnitsky],” ông Brownback nói.
Cựu đại sứ cho biết Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, trở thành luật vào tháng 12/2021, nên đóng vai trò như là khuôn mẫu cho các đạo luật trong tương lai liên quan đến hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng Đạo luật Lao động Cưỡng bức đã thành công đáng kể. Và tôi nghĩ cách thiết lập đạo luật này sẽ dạy cho chúng ta điều gì đó về các luật khác, rất có mục tiêu, rất cụ thể, lên án rất mạnh mẽ những gì đang diễn ra ở khu vực cụ thể này,” ông nói.
“Và chúng ta cần phải làm điều tương tự với nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, chỉ cần nhắm đúng mục tiêu, rất cụ thể, và lên án hành vi này.”
Tội ác tàn bạo
Mặc dù các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động đã nêu lên mối lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh trong nhiều năm, nhưng các chuyên gia nhận thấy việc ngăn chặn [tội ác] này vẫn rất hạn chế.
Ông Frederick Davie, phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), nói với The Epoch Times tại hội nghị thượng đỉnh rằng ông nghĩ “có lẽ có một nhóm người kiểm soát các cuộc thảo luận về vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.”
“Thu hoạch nội tạng là tội ác tàn bạo; đó là điều sai trái. Hành vi này không bao giờ nên được dung thứ ở bất kỳ xã hội nào, chứ đừng nói đến một xã hội văn minh,” ông Davie nói.
“Hành vi khủng khiếp đó không thể được chấp nhận. Và hành vi đó phải bị lên án mạnh mẽ bất kỳ khi nào và ở đâu nó xảy ra.”
Nói về dự luật thu hoạch nội tạng đã được Hạ viện thông qua, ông Davie nói rằng ông không hiểu “tại sao một dự luật như vậy lại bị đình trệ” tại Thượng viện.
“Những gì chúng tôi sẽ làm với tư cách là một tổ chức là tự tiến hành cuộc điều tra của riêng mình để cố gắng hiểu về dự luật này, để hiểu liệu USCIRF có thể làm gì để giúp mọi người hiểu về đạo luật cụ thể đó, và nếu cần chúng tôi sẽ làm như vậy,” ông Davie nói.
“Nếu có cách nào để chúng tôi có thể nỗ lực nâng cao và giúp mọi người hiểu về vấn đề này, thì chúng tôi sẽ làm.”
Theo ông Davie, người Mỹ và mọi người dân trên thế giới nên cảm thấy lo ngại về tội ác của Trung Cộng.
“Thế giới văn minh đang bị đe dọa khi hành vi ngược đãi như vậy xảy ra,” ông cho biết. “Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới cam kết tạo ra một thế giới nơi mà mọi người không phải sống trong lo sợ cho tính mạng của mình và không phải chịu những hành vi tàn bạo khủng khiếp như thế này.”
Ông trích dẫn một câu nói của nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr.: “Sự bất công ở bất cứ đâu đều là mối đe dọa cho công lý ở mọi nơi.”
Ông Davie nói: “Loại tội ác khủng khiếp đó chính là mối đe dọa đối với xã hội văn minh”.
Hôm 18/01, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Nghị quyết cũng kêu gọi Liên minh Âu Châu và các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm gây ra tội ác.
Ông David Curry, ủy viên USCIRF, nói với The Epoch Times tại hội nghị thượng đỉnh rằng ông ủng hộ các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào những cá nhân điều hành “các hoạt động tàn ác” này.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times