Phía sau những áng thơ đẹp đẽ của Henry Wadsworth Longfellow là tình yêu và mất mát
Một bài thơ xúc động đã chuyển nỗi đau thành cái đẹp
Sự nổi tiếng của thi sĩ Henry Wadsworth Longfellow trong xã hội Mỹ thời bấy giờ là mơ ước của các thi sĩ đương thời. Là nhân vật có sức ảnh hưởng tầm cỡ quốc tế, ông đã gửi tặng vô số chữ ký sẵn cho những người hâm mộ đến thăm tư gia tại thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, những người mong muốn đến gặp tác giả của các bài thơ “Paul Revere’s Ride” và “The Song of Hiawatha.” Các tác phẩm của ông nổi tiếng bởi sự lạc quan nhẹ nhàng, điều mà những nhà bình phẩm thời nay thường cười nhạo rằng nông cạn. Nhưng nội hàm của nhịp thơ nhanh và hình ảnh diễm lệ là một dòng chảy của nỗi sầu muộn vô cùng sâu sắc. Đời sống tình cảm của ông trở thành nguồn cảm hứng cho các bài thơ, và khi hai cuộc hôn nhân đều kết thúc trong bi kịch, ông đối diện với nỗi tuyệt vọng bằng cách sáng tác ra một số bài thơ được đánh giá là truyền cảm hứng và động lực sống sâu sắc nhất.
Mối tình đầu
Năm 1831, Longfellow khi đó hai mươi bốn tuổi, đã kết hôn với Mary Potter, một cô gái xinh đẹp, con nhà gia giáo của một thẩm phán tại thành phố Boston. Ông bị hấp dẫn bởi “trái tim thuần khiết và chân thành” của cô. Và Mary cũng say mê ông. Longfellow luôn thiết tha với giấc mơ thời thơ bé là trở thành một nhà văn chuyên nghiệp nhưng ông gặp khó khăn để tìm ra phong cách sáng tác của riêng mình. Chính Mary đã tác động để ông quay lại sáng tác thơ, một thói quen thời trẻ đã rơi vào lãng quên từ khi ông trở thành giáo sư tại Trường Bowdoin College.
Hai vợ chồng sống hạnh phúc cùng nhau trong bốn năm. Đến năm 1835, khi đang đi du lịch Âu Châu, Mary bị sẩy thai và qua đời vì nhiễm trùng. Henry đau đớn và tuyệt vọng. Ông có ước muốn lên thiên đường cùng vợ, ông đã viết cho một người bạn rằng khi ông đứng trước mộ của Mary, ông tưởng như nhìn thấy “ngôi mộ của chính mình.” Ông đã dành nhiều năm tiếp theo để hoàn thành một bài thơ diễn tả niềm đau đớn này. Tập thơ “Những dấu chân thiên thần” ra đời, nói về một người kể chuyện cô đơn, đau buồn được những người quen biết đã qua đời đến thăm. Một trong số đó, bài “Being Beauteous” đã xoa dịu tâm hồn ông khi cho ông biết rằng bà đã tìm được nơi an nghỉ cuối cùng:
Với bước chân chậm rãi và yên ắng
Một thiên thần đến đưa tin
Nàng ngồi vào chiếc ghế trống cạnh tôi,
Nàng đặt bàn tay dịu dàng vào tay tôi
Và nàng ngồi đó, nhìn tôi chăm chú
Bằng đôi mắt sâu thẳm và dịu dàng,
Như những vì sao, tĩnh lặng và thánh thiện,
Tỏa sáng xuống nhân gian
Không thể tỏ bày, cũng không hề thấu hiểu,
Là lời nguyện cầu từ tâm hồn lặng thinh,
Lời trách nhẹ nhàng, trong ân điển đã kết thúc
Từ đôi môi nàng thốt ra hư không
Cũng trong giai đoạn này, Longfellow đã viết một chuỗi các bài “thánh ca,” mà ông thường gọi là những bài thơ biểu tượng về nỗi niềm chấp nhận sự qua đời của Mary. Bài thơ đầu tiên, được gọi là “Bản thánh ca của cuộc đời” gồm những dòng thơ mà đã trở thành các cụm từ thông dụng “Life is but an empty dream,” (tạm dịch: Rằng cuộc đời là một giấc mơ suông!), “Let the dead Past bury its dead,” (tạm dịch: Đừng than khóc điều gì trong quá khứ), “Footprints on the sands of time,” (tạm dịch: Dấu chân mình để lại trên cát của thời gian) và “Learn to labor and to wait.” (tạm dịch: Học cách làm việc và học cách đợi chờ). Những bài thơ đã tạo nên giọng thơ riêng của Longfellow và là một thành công tức thì.
Một cơ hội hạnh phúc thứ hai
Chín tháng sau khi Mary đột ngột qua đời, Longfellow đã gặp người phụ nữ có tên là Frances “Fanny” Appleton. Ông đi cùng gia đình nàng qua dãy núi Alps của Thụy Sỹ, họ đã trò chuyện về nghệ thuật và văn học. Henry bị thu hút bởi “người phụ nữ ngọt ngào, hiếm có” và trí tuệ của cô. Dù Fanny ngưỡng mộ học thức uyên bác và rất thích trò chuyện cùng ông, nàng chỉ coi ông là một người bạn. Ông đã rất bền bỉ theo đuổi nàng với nỗi thống khổ ngày càng tăng sau khi họ trở về New England. Bạn bè lo lắng cho sức khỏe của Longfellow, họ bình phẩm về vẻ ngoài nhợt nhạt, ủ rũ của ông. Còn Henry trút những cảm xúc vào một cuốn tiểu thuyết tên là “Hyperion,” viết về một người Mỹ đi du lịch Âu Châu, thất bại trong việc thu hút một phụ nữ duyên dáng với những phẩm chất nổi bật tương tự như Fanny Appleton’s. Fanny không bị ấn tượng khi cô đọc tác phẩm này, mãi cho đến năm 1843 – bảy năm sau khi Longfellow bắt đầu theo đuổi cô – rằng nàng đồng ý kết hôn cùng ông.
Những năm tiếp theo là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nhà thơ Longfellow. Cuốn tiểu sử gần đây của Nicholas Basbanes về Longfellow, “Chiếc thánh giá băng tuyết,” bao gồm tuyển chọn các bức thư chưa được xuất bản trước đây kể chi tiết về mối quan hệ thân thiết của cặp đôi. Là con gái của một nhà tư bản giàu có, cuộc hôn nhân của Henry và Fanny đem đến cho ông cả sự thoải mái về vật chất cũng như bạn đồng hành đầy tri thức. Fanny, một nghệ sỹ tài năng và là một nhà văn, đã trợ giúp ông rất nhiều trong các dự án sáng tạo. Trong một bài thơ sonnet, “The Evening Star” (tạm dịch: Ngôi sao buổi tối), ông bày tỏ sự tôn vinh với “người phụ tốt nhất và dịu dàng nhất của tôi.” Cô còn là nguồn cảm hứng đằng sau những chuyện tình trong các bài thơ tự sự Evangeline và “The Courtship of Miles Standish” (tạm dịch: Lời tỏ tình của Miles Standish). Cặp đôi có sáu con và chung sống hạnh phúc trong biệt thự ở phố Brattle trong gần 20 năm.
Rồi bi kịch ập đến. Vào ngày 10/07/1861 Fanny đang ngồi tại bàn bên ánh nến, đóng dấu sáp nóng cho một bức thư thì chiếc đầm bằng vải muslin của cô bị bắt lửa. Những chiếc váy dài thời trang thời đó, thường sử dụng lông đuôi ngựa làm chất làm cứng vải, rất dễ cháy. Cô chạy vào phòng, đánh thức Henry dậy. Ông đã cố gắng ôm lấy cô để dập lửa nhưng không thành công bởi chiếc váy có lót vòng của cô đã hoạt động như một ống dẫn khí. Tay và mặt của Henry bị bỏng nặng. Sau khi dập được lửa với một tấm thảm nhỏ, cô được đưa lên lầu. Bác sĩ đến, dùng ether để làm dịu vết thương. Sáng hôm sau, Fanny đã qua đời.
Con trai của Longfellow hồi tưởng rằng nhiều ngày sau cha ông vẫn nằm liệt giường, “ông giơ đôi tay đầy vết thương của mình và rên rỉ ‘Tại sao tôi không thể cứu cô ấy?’” Dù đã trở một trong những tác giả nổi tiếng nhất thế giới, ông phát hiện rằng giờ đây ông không thể viết được. Khi bắt đầu cầm bút trở lại, ông đã dồn hết sức lực vào công việc phiên dịch tác phẩm Dante’s Divine Comedy (tạm dịch: Thần khúc của Dante). Với bộ râu dài để che đi vết sẹo trên khuôn mặt, ông trông như một nhà tiên tri. Phải mất nhiều năm sau ông mới có thể suy ngẫm về sự kiện này trong một bài thơ sonnet.
“Chiếc thánh giá băng tuyết”
Trong những đêm dài không ngủ,
Một khuôn mặt dịu dàng — khuôn mặt của một người đã tạ thế từ lâu—
Ngoái lại nhìn tôi từ nơi bức tường đó
Ngọn đèn ngủ tỏa ra một vầng sáng nhạt.
Nơi căn phòng này, nàng đã ra đi, và linh hồn trong trắng
Ngọn lửa tử đạo không bao giờ được dẫn dắt qua
Để thay thế; cũng không thể đọc trong sách
Truyền thuyết về một cuộc sống nhiều ân phước hơn.
Có một ngọn núi ở miền Tây xa xôi
Trong các khe núi sâu, bất chấp ánh mặt trời
Là một cây thánh giá băng tuyết trên sườn núi
Là cây thánh giá tôi mang trên ngực
Mười tám năm vật đổi sao dời
Và các mùa, không thay đổi từ khi nàng ra đi.
Bài thơ này ra đời vào ngày 10/07/1979 tròn đúng 18 năm kể từ ngày Fanny qua đời. Cô mất vào 3 ngày trước thời điểm kỷ niệm 18 năm ngày cưới của cặp đôi và dịp đó trở thành đám tang của cô. “Chiếc thánh giá băng tuyết” đề cập đến hai tác phẩm nghệ thuật: trong khổ thơ đầu tiên, bức chân dung Fanny do Samuel Rowse thực hiện, trong khổ thứ hai là tranh phong cảnh của Thomas Moran. Longfellow kết hợp hai hình ảnh lại với nhau một cách sâu sắc. Sau khi viết các bài thơ sonnet, ông đặt nó vào một phong bì và nhét vào trong các giấy tờ cá nhân. Khi ông qua đời ba năm sau đó, em trai của ông, Samuel đã tìm thấy bài thơ và xuất bản trong một cuốn tiểu sử mà ông viết về Henry. “Chiếc thánh giá băng tuyết” đã phủ định lại các lời phê bình về Longfellow như một nhà thơ lạc quan kiểu nông cạn và là bằng chứng cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời có thể sinh ra từ những nỗi bất hạnh đầy khổ não.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times