Làm thế nào để trở thành người văn minh: Danh sách 8 điều của nhà văn Anton Chekhov
Những ý tưởng của nhà văn Chekhov về việc trở thành một người văn minh cũng có thể đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu cho mỗi chúng ta.
Với tư cách là người em trai thân thiết của anh, em muốn bày tỏ với anh rằng em hoàn toàn thấu hiểu và cảm thông với anh từ tận trái tim mình. Em biết tất cả những tiềm năng của anh rõ như lòng bàn tay của chính mình vậy.”
Năm 1886, Anton Chekhov (1860–1904) đã gởi gắm những dòng chữ này trong bức thư gởi cho người anh trai của ông là Nikolai (1858–1889). Ngày nay, Chekhov được mệnh danh là bậc thầy về sáng tác truyện ngắn và là một nhà viết kịch vĩ đại. Chàng trai trẻ Chekhov đã viết lá thư này vì lo lắng chứng nghiện rượu của anh trai mình, và việc người anh không thể chú tâm phát triển kỹ năng hội họa cũng như văn học nghệ thuật.
Bức thư chứng tỏ khả năng viết lách tài tình của Chekhov. Ông đồng thời có thể biểu hiện sự quyết liệt, chân thành, quan tâm, hài hước, trìu mến và nghiêm nghị. Ví dụ, ông viết như sau:
“Anh thường than phiền với em rằng những người khác ‘không hiểu’ được anh. Nhưng ngay cả vĩ nhân Goethe và Newton cũng không hề phàn nàn vì những điều như vậy. Đúng, Chúa Giê-su đã làm vậy, nhưng Ngài đang thuyết giảng về những giáo lý của mình chứ không phải đề cao bản ngã của Ngài. Mọi người đều hiểu anh quá rõ. Nếu anh không thể hiểu chính mình, thì đó không phải là lỗi của ai khác.”
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã nghe qua một người bạn hoặc thành viên trong gia đình mình phàn nàn về điều gì đó tương tự như vậy,
Trong khi thúc giục người anh trai Nikolai “đập vỡ chai vodka [của anh ấy], ngồi xuống ghế sofa và chọn lấy một cuốn sách” – ông đã đề xuất cuốn sách của tác giả Turgenev. Chekhov cho rằng sự u uất và thiếu thành công của Nikolai xuất phát từ sự “thiếu văn hóa trầm trọng” của người anh. Sau đó, ông tiếp tục miêu tả tám đặc điểm của một cá nhân văn minh, cùng vài dẫn chứng.
8 nền tảng văn minh
Chekhov đề xuất với anh trai Nikolai rằng nếu ông cố gắng trở nên văn minh hơn thì những nỗi sợ hãi và thói quen xấu của ông có thể sẽ biến mất. Phương pháp điều trị nghiện rượu được đề xuất này nghe có vẻ kỳ lạ và có khả năng thất bại vào ngày nay. Nhưng khi chúng ta cân nhắc những quan điểm của Chekhov theo cách ứng xử của những người văn minh, chúng ta sẽ khám phá ra những chân lý. Đây là nguyên văn những câu mở đầu của ông trong định nghĩa tám điểm về con người văn minh, bao gồm cả những con số.
1.Bởi vì họ tôn trọng cá nhân, họ luôn luôn khoan dung, nhã nhặn, lịch sự và chấp thuận.
2.Lòng trắc ẩn của họ không chỉ giới hạn cho những người ăn xin và vật nuôi.
3.Họ coi trọng tài sản của người khác và do đó là họ phải thanh toán các hóa đơn của mình.
4.Họ thẳng thắn, và coi thường việc nói dối như một bệnh dịch.
5.Họ không tự giễu cợt, coi thường bản thân chỉ để khơi dậy sự cảm thông từ người khác.
6.Họ không bận tâm đến sự phù phiếm, viển vông.
7.Nếu họ có tài năng, họ hết mực tôn trọng điều đó.
8.Họ không ngừng trau dồi khả năng cảm thụ nghệ thuật của mình.
Những giải thích về 8 nền tảng văn minh của Chekhov
Chekhov giải thích cặn kẽ những phát hiện về đặc điểm của sự văn minh này, ngoại trừ điều số 3. Ví dụ, khi ông đề cập đến “cảm thụ nghệ thuật,” ông đã mở rộng định nghĩa của mình ra ngoài nghệ thuật để liên quan các hoạt động hàng ngày. Ông nói về đặc điểm văn minh này, “Họ không thể chịu đựng được việc ngủ quên trong khi đang mặc quần áo đầy đủ, nhìn thấy một vết nứt trên tường đầy bọ, hít thở không khí bẩn thỉu, đi dạo trên sàn nhà đầy nước bọt, hoặc ăn trên bếp lửa. Họ cố gắng hết sức để chế ngự kích thích ham muốn dục vọng của mình… “
Chekhov đề cập đến “những điều viển vông” là tán tỉnh với những nhân vật nổi danh, khoe khoang về những mối quan hệ hào nhoáng, và tỏ ra phô trương lời nói và cách ứng xử. Còn về những cá nhân “coi thường bản thân chỉ để gợi lên sự thương hại,” ông nói với Nikolai rằng việc giật dây trái tim của người khác bằng cách rên rỉ hoặc phàn nàn là điều “thô tục, không trung thực và lạc hậu.”
Trong điều số 4, ông nghiêm khắc chỉ ra sự thật, rằng những người văn minh” luôn biết cách kiểm soát cái miệng của mình, và họ không đưa ra những lời tâm sự nếu chưa được mời bởi bất kỳ ai. Để tôn trọng thính giác của người khác, họ thường im lặng hơn là huyên thuyên nói.”
Đoạn văn của Chekhov viết về lòng trắc ẩn nhắc nhở Nikolai và chúng ta rằng mối quan tâm đến hạnh phúc của người khác nên vượt ra ngoài cảm tính, rằng nó không chỉ đơn giản là một cảm giác nhất thời mà cần mang theo tinh thần trách nhiệm và sự hồi đáp. “Ví dụ, nếu Pyotr nhận ra rằng cha và mẹ của anh đang trở nên phiền muộn và mất ngủ vì nhìn thấy Pyotr của họ quá thường xuyên (và nhìn thấy anh ta say xỉn khi xuất hiện), anh ta nên vội vàng về nhà với họ và gửi vodka của mình cho quỷ dữ.” Chekhov dường như muốn nói rằng lòng trắc ẩn thực sự có nghĩa là chúng ta trút bỏ nỗi ám ảnh về cái tôi và tập trung vào người khác.
Những nguyên lý phổ quát
Nhiều đặc điểm được nêu ra trong danh sách của Chekhov đã tồn tại lâu đời như chính nền văn minh Tây phương. Những cư dân của đất nước Cộng Hòa La Mã hẳn sẽ gật đầu đồng ý với tuyên bố của ông về sự thô tục và khoa trương. Ý tưởng tôn vinh tài năng đã được các hiệp sĩ thời trung cổ nắm bắt rõ ràng, rằng họ “hy sinh sự thoải mái, rượu, phụ nữ và phù phiếm” để trau dồi kỹ năng và theo đuổi lý tưởng đúng đắn của mình.
Những nét văn hóa của các triều thần thời Phục hưng, những tổ phụ sáng lập nước Mỹ, và các quý bà và quý ông thời Victoria rất đa dạng. Nhưng nền tảng cốt lõi của phép lịch sự, văn minh mà những nền văn hóa đó đều có thể được tìm thấy trong các nguyên tắc của Chekhov. Và, giống như những chuẩn mực mà tổ tiên của chúng ta đã tuân thủ, những hiểu biết của Chekhov về những gì tạo nên hành vi văn minh vượt ra ngoài sự miêu tả của những vần điệu thơ ca, hội họa, âm nhạc hay bất kỳ nghi thức lịch sự qua loa nào.
Không – như ông đã nói với người anh trai mình, “Nếu anh muốn trở nên văn minh và không rơi xuống dưới trình độ của nền dân tộc mà anh đang sống, thì việc đọc cuốn sách The Pickwick Papers và ghi nhớ một bài giảng của Faust là chưa đủ. … Anh phải dựa vào đó mà thực hành liên tục, cả ngày lẫn đêm. Anh không bao giờ được ngừng đọc, nghiên cứu sâu, trui rèn ý chí của anh. Mỗi giờ khắc đều là quý giá.”
“Thực hành liên tục, cả ngày lẫn đêm” – nghĩa là sửa lỗi và duy trì một đời sống văn minh. Đó là một sự hiểu biết sâu sắc, một cái nhìn thường bị bỏ qua, không chỉ trong thời đại thay đổi nhanh chóng của chúng ta mà trong suốt chiều dài lịch sử. Ví dụ, người La Mã cổ đại là minh chứng hoàn hảo về một dân tộc có nền tảng cổ xưa, đầy trí huệ để tồn tại và thành công. Chẳng hạn văn hóa gia đình mạnh mẽ, tính nghiêm cẩn và bổn phận công dân đã dần dần bị xói mòn qua thời gian, vì thế Đế chế La Mã đã tan rã và diệt vong.
Gần hơn, Đệ nhất Thế chiến là một thảm họa với những hậu quả để lại vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Một phần của thất bại là vì các nhà lãnh đạo vào thời điểm đó đã không làm việc suốt ngày đêm để duy trì nền văn minh. Thay vì đánh giá những tác động tiềm tàng của một cuộc chiến như vậy đối với văn hóa Âu Châu nói chung, thì các quốc vương và chính trị gia lại chú trọng nhiều đến lợi ích hẹp hơn ở quốc gia của họ. Kết quả là, một cuộc chiến đã xảy ra làm thay đổi mãi mãi Âu Châu và cả thế giới.
Những bài học và những câu hỏi
Thật không may, người anh Nikolai của Chekhov đã bỏ qua những lời cảnh báo và động viên từ bức thư của anh trai mình. Ba năm sau ông đã mất vì bệnh lao và nghiện rượu vodka. Anton Chekhov cũng ra đi vì bệnh lao khi còn rất trẻ, sau khi đã dành tặng cho thế giới một hành trang đầy truyện ngắn, kịch và các tiểu phẩm hài hước.
Khi chúng ta chiêm nghiệm về cuộc sống và sự ra đi của Nikolai – những món quà của ông khi còn là một họa sĩ, cuộc chiến của ông với rượu, những ngày ông lang thang trên đường phố Moscow – chúng ta có thể hiểu rõ hơn trí huệ trong bức thư của Chekhov. Vì chứng nghiện ngập của mình, Nikolai không thể hoặc không muốn chấp nhận lời khuyên của em trai mình, ông đã là một họa sĩ thất bại và qua đời khi tuổi vẫn còn quá trẻ.
Những quan điểm của Chekhov về ý nghĩa của việc trở thành một người văn minh cũng có thể đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu cho chúng ta. Và hình ảnh phản chiếu ấy đã cho chúng ta cơ hội đặt ra một số câu hỏi.
Ví dụ, chúng ta có phải là người nhu thuận, khoan dung và lịch thiệp với người khác không? Lòng trắc ẩn của chúng ta là thật hay giả, hay chúng ta dành nó cho những sự kiện đặc biệt và những người thân quen? Chúng ta có trả hết nợ không? Chúng ta nói thật hay nói dối? Chúng ta có chơi lá bài nạn nhân để níu kéo lòng thương hại của người khác không? Chúng ta có quý trọng kỹ năng của mình bằng cách làm việc chăm chỉ để bảo tồn và phát triển chúng không? Chúng ta có nuôi dưỡng những cảm quan thẩm mỹ trong cách sống của chúng ta không?
Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi tương tự về nền văn minh của chúng ta nói chung? Dựa trên lý niệm của Chekhov, chúng ta có phải là một dân tộc văn minh không? Hay chúng ta sẽ giống như Nikolai đang tự hủy diệt chính mình?
Chú thích của dịch giả:
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times