Phía sau vẻ đẹp mỹ lệ trong họa phẩm Mùa Xuân của Lawrence Alma Tadema
Khi những phần đen tối của văn hóa đại chúng dần được đưa ra ánh sáng, chúng ta có thêm cơ hội xem lại nghệ thuật một lần nữa qua đôi mắt thuần chính. Bức tranh “Mùa xuân” chính là một minh chứng sống động cho điều này.
“Lần đầu tiên lướt qua họa phẩm thật chân thật, ấn tượng, chính xác về mặt khảo cổ học, tuyệt đẹp và thuần khiết; nhưng ngắm nhìn “Mùa xuân” kỹ hơn thì lại là ảo ảnh, lịch sử đã nhầm lẫn và suy đồi một cách tinh quái.” – bà Louise Lippincott, nhà sử học, cựu Giám tuyển Mỹ thuật tại Viện Carnegie, tác giả của cuốn sách “Lawrence Alma Tadema: Mùa Xuân” nhận định.
Các tác phẩm nghệ thuật kiệt tác thường được thiết kế đa tầng và phức tạp. Ngay từ cái nhìn đầu tiên có thể thấy những ẩn ý chứa đựng thông điệp sâu xa phía sau các chi tiết có vẻ tinh tế nhưng thường bị bỏ qua. Xuyên suốt lịch sử, các nhóm người thuộc những giai tầng và hoàn cảnh xã hội khác nhau đã tiếp cận tác phẩm với các góc độ khác nhau, thậm chí là đối lập nhau khi đưa ra bình phẩm.
Tác phẩm nghệ thuật mang tính triết học và siêu hình có thể truyền tải ý nghĩa biểu tượng, tầm quan trọng của các nghi lễ và thần thoại cổ đại vào tâm thức và/ hoặc tiềm thức của người thưởng lãm. Khi ngày càng có nhiều người nhận biết các thế lực âm mưu lật đổ nền văn hóa đại chúng, cũng chính là lúc chúng ta thấy được sự quan trọng của việc xem xét mọi loại hình nghệ thuật từ quá khứ đến hiện tại bằng lý trí sáng suốt. Người ta nói rằng, “Ma quỷ ẩn trong từng chi tiết nhỏ.”
Nhìn bề ngoài, thật dễ hiểu tại sao “Mùa xuân” là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất tại Bảo tàng Getty ở Los Angeles. Họa phẩm lừng danh của Lawrence Alma Tadema tái hiện vẻ thuần thiện của những người diễn hành ở một buổi lễ rước rộn ràng chào đón mùa xuân hoa lệ. Công chúng thưởng lãm ở Anh, thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria, hẳn sẽ được chiêm ngưỡng vô số những đóa hoa lộng lẫy, hoành tráng của cuộc diễn hành này qua lăng kính của lễ hội truyền thống “Ngày tháng Năm” (May Day) của riêng họ.
Thoạt nhìn, bức tranh như là một bản giao hưởng đầy tính nghệ thuật khắc họa những khuôn mặt sống động, những bông hoa rực rỡ sắc màu và tòa kiến trúc bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh tế. Danh họa Alma Tadema đã không ít lần miêu tả sự tráng lệ, tinh xảo ở bối cảnh cổ đại, như muốn thể hiện sự hùng tráng và thịnh vượng của đế chế cổ đại vượt xa Đế chế Anh đương thời.
Lawrence Alma Tadema được xem là kiểu người hiếm có trong giới hội họa: một họa sĩ giàu có. Ông đã vinh dự được phong danh hiệu hiệp sĩ “Order of Leopold.” khi còn là một thanh tiên ở Bỉ. Sau khi thành danh tại quê nhà, các tác phẩm nghệ thuật của Alma Tadema đã được đưa đến London, nơi mau chóng mang đến cho ông sự nổi tiếng. Sự thành công này đã giúp ông trở thành thành viên của Học viện Hoàng gia và sau đó được phong tước hiệp sĩ từ Nữ hoàng Victoria. Sự nghiệp họa sĩ thành công rực rỡ đã giúp ông có điều kiện xây dựng một dinh thự mô phỏng thành phố La mã cổ đại Pompeii, ông thường tổ chức các bữa tiệc xa hoa tại đó.
Các tác phẩm nghệ thuật của ông dường như đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lối sống và địa vị xã hội mà ông yêu thích và ngược lại. “Sống trong một thiên đường nhân tạo do chính mình thiết kế, Alma Tadema dành phần lớn sự nghiệp của mình để vẽ tranh cho người khác. Vẻ ngoài các bức tranh khắc họa những khung cảnh trong xã hội La Mã cổ đại, chứa đầy sự thịnh vượng, thoải mái, hòa nhã, quyến rũ và trật tự đặc trưng trong thế giới của riêng ông ấy,” bà Lippincott viết trong cuốn sách “Lawrence Alma Tadema: Mùa xuân,” được trưng bày tại bảo tàng Getty.
Ý nghĩa của bức họa “Mùa xuân”
“Mùa xuân” là kết tinh trong bốn năm làm việc cần mẫn của Alma Tadema bắt đầu vào năm 1894. Bức tranh khắc họa hàng chục người diễn hành về phía ngôi đền để kỷ niệm lễ Cerealia hoặc Floralia hay sự kết hợp của hai lễ hội La Mã. Năm 1879 ông đã vẽ “Trên đường đến đền Ceres: Lễ hội mùa xuân”. Và người ta cho rằng họa phẩm “Mùa xuân,” được vẽ một thập kỷ rưỡi sau đó, miêu tả lễ diễn hành ở đền nữ thần ngũ cốc và sinh sản Ceres hoặc là lễ rước ở ngôi đền nữ thần hoa Flora. Dáng điệu của một số nhân vật trong bức tranh “Mùa xuân,” đang giơ cánh tay lên như để thể hiện sự sùng kính, ngụ ý rằng bối cảnh xa hoa này là nơi tổ chức lễ thờ cúng.
“Ngày hội tháng Năm” (May Day hay còn gọi là lễ hội “Maying”) đã được hồi sinh lại ở Anh thời Victoria, là ngày đón chào mùa xuân và cộng đồng. Công chúng cũng đã quen thuộc và đồng tình với nghi thức do Alma Tadema thể hiện trong bức tranh, mặc dù đó là bối cảnh ở La Mã cổ đại. Hầu hết du khách phổ thông đến Phòng trưng bày Hoàng gia ở London đều yêu thích bức tranh này, đơn giản vì mối liên hệ của họa phẩm với các lễ kỷ niệm tháng Năm và nghệ thuật khắc họa tài tình bậc thầy. Mặt khác, khán giả chính của Alma Tadema- tầng lớp thượng lưu – sẽ có nhận thức cá nhân hơn về bức tranh, muốn được xem mình là phiên bản người Anh của đế chế La Mã. Do địa vị của họ cùng với kiến thức sâu rộng hơn về thần thoại cổ điển họ có thể quan tâm đến sự tồn tại của các nghi lễ thần bí cổ đại.
Alma Tadema đã rất hào phóng rút hầu bao cho điều mà nhiều người trông đợi từ một kiệt tác. Người ta kể rằng ông đã nhập những loại hoa đắt tiền từ nước ngoài và thậm chí còn tự tay thiết kế những chiếc đầm cho các người mẫu mà ông thuê để làm mẫu riêng cho bức tranh. Sự phức tạp quá mức của bố cục và số lượng chủ thể đông đúc khiến bất kỳ người xem nào cũng khó có thể chú ý đến những chi tiết tinh tế hơn bên trong đó. Một bức tranh vẽ mất bốn năm tương xứng cho nỗ lực cống hiến để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Và động cơ cho sự tận tâm đó cùng các chi tiết của bức tranh gây tranh cãi này cần được thảo luận nhiều hơn..
Những ám thị trong bức tranh
Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp, các quan điểm khoa học và xã hội đã được thế tục hóa nhiều hơn. Tuy nhiên, một số nhóm người trong xã hội, đặc biệt là giới chủ lưu và thượng lưu, tiếp tục bảo trì thế giới một cách thần thánh. Như J.P. Morgan đã nói, “Các triệu phú không sử dụng chiêm tinh, các tỷ phú thì có;” kiến thức và thực hành từ các nền văn minh cổ đại đã được lưu truyền và vẫn sử dụng trong các nghi lễ huyền bí. Với suy nghĩ này, chúng ta sẽ xem xét một số yếu tố kỳ lạ được phân tích trong cuốn sách nghiên cứu kỹ lưỡng của Louise Lippincott về họa phẩm “Mùa xuân”.
Từ phía chính diện của lễ diễn hành là hai bức tượng thần núi rừng được điêu khắc bằng bạc với bốn người đàn ông khiêng phía sau. Phía trên đoàn rước là các bé gái và một thiếu nữ, minh họa vị thế quan trọng của họ trong lễ hội. Tượng thần núi rừng này được lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc La Mã về “Thần núi rừng và thần Bacchus.” Thần Bacchus, trên vai của thần núi rừng, là vị thần La Mã biểu tượng cho say xỉn và hưởng thụ. Theo bà Lippincott, “sự xuất hiện của thần núi rừng như có ý rằng sự trong trắng đang bị đe dọa, nếu không muốn nói là đã bị biến mất” và “mô típ các cô gái trẻ khỏa thân kháng cự hoặc trốn chạy các thần núi rừng đa tình là một truyền thống đáng kính” trong quá khứ xa xôi. Tuy nhiên, ở nước Anh thời Victoria thế kỷ 19, chủ đề này đã vấp phải sự coi thường cùng thái độ khinh bỉ, do vậy các họa sĩ đã quyết định khắc họa những hình ảnh này một cách tinh tế hơn.
Lippincott mô tả nhân vật nam chơi sáo là “một thần rừng trong trang phục của người chăn cừu.” Chiếc mũi dài, đôi mắt bí ẩn và mái tóc vuốt lên trên tai như cái sừng nhỏ cùng với cây sáo của anh ta đã tiết lộ nguồn gốc. “Nam nhân xuất hiện lạc lõng giữa những cô gái, họ không để ý đến sự có mặt của anh ta. Hình dáng chiếc mũi dài của anh ta được lặp lại trên hình vẽ điêu khắc ở băng ghế bên phải. Hình vẽ này kỳ lạ bởi nơi bàn chân giống như sư tử nhưng đầu lại là của một con dê. Tác giả Lippincott giải thích rằng “Thần núi rừng là sinh vật nửa người nửa dê, tín đồ của vị thần hoang dã Pan, luôn sống trong trạng thái động tình triền miên. Trong các biên niên sử của thần thoại Hy Lạp, những cuộc tấn công gian xảo của họ đối với nhiều người và các nữ thần khác nhau là minh chứng rõ ràng cho cái danh đó.”
Hình ảnh khiêu dâm của thần núi rừng và những bà tế Thần rượu khỏa thân (những phụ nữ tồn tại dưới sự bảo hộ của thần rượu vang Bacchus) được khắc họa tinh vi trên trống lục lạc của những người phụ nữ trong đoàn diễn hành. Phải chăng sự lặp lại của các thần rừng và bà tế Thần rượu trong bức tranh “Mùa Xuân” biểu thị một ý nghĩa nào đó? Lippincott nhận xét: “Cả hai con quái vật đều đại diện những mối nguy hiểm về tình dục đang ẩn náu trong rừng, có lẽ đang chờ đợi những người tham gia lễ hội tháng Năm hồn nhiên đến hái hoa.- một trong những nghi lễ không thể thiếu đối với người dân thời Victoria trong lễ hội MayDay.
Một trong những ví dụ về ẩn ý tinh quái của Alma Tadema là việc ông đề cập đến tác phẩm điêu khắc ở Đền thờ Apollo, “Trận chiến của người Lapiths và nhân mã”. Trong tác phẩm điêu khắc mà Alma Tadema đã vẽ như một bức phù điêu trang trí ở phía trên bên trái tòa nhà, xuất hiện hình ảnh người phụ nữ đang bị lạm dụng bởi những nhân mã say xỉn. Lippincott kết luận rằng, ngoài việc ám thị về những điều khiếm nhã, bà còn phát hiện ra đặc điểm thường dễ bị bỏ qua là “Alma Tadema đã lén đưa một cảnh cưỡng hiếp thực tế vào bức tranh.” Bà tiếp tục giải thích, “Không có thần núi rừng nào tham gia lễ hội ca ngợi vẻ đẹp hoa cỏ và sự trong trắng của phụ nữ, hay những đồ vật trang trí Thần Bacchic, lại có thể thích hợp trong sự kiện như vậy” và họ “chắc chắn sẽ phá hoại sự thuần khiết của lễ hội tháng Năm trong bức họa của Alma Tadema thời Victoria.
Dòng chữ Latinh trên tấm bảng vàng gần trung tâm của bức họa đã cung cấp thêm một manh mối khác. Nó được dịch ra như sau “Tôi hiến dâng, dâng khu rừng này cho ngài, Priapus, người ngụ tại Lampsacus,” Những lời này bắt nguồn từ một bài thơ của Catullus, một nhà thơ khiêu dâm, người có “tai tiếng” trong thời đại Victoria. Priapus, là một vị thần La Mã của thiên nhiên và quan hệ tình dục. Hình ảnh của vị thần được xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm điêu khắc ithyphallic (sự kích thích quan sinh dục) xuyên suốt thời La Mã cổ đại. Bà Lippincott đề cập rằng sự hiến dâng “Mùa Xuân” cho Priapus đã “biến bức tranh từ một khung cảnh uy nghiêm thành một trò đùa sâu cay. Ngay cả Flora, nữ thần mùa xuân, cũng biến chất khi đùa nghịch cùng thần Priapus. Nữ thần của những đóa hoa, và cũng là bảo trợ tai tiếng cho các kỹ nữ, những người mua vui cho giới đại gia của Floralia. Vì thế, sự thánh thiện của các thiếu nữ rước hoa trong bức tranh ‘Mùa Xuân’ cũng khiến người ta đặt một dấu hỏi lớn.
Mục đích của những ám thị tinh vi này là gì? Sự ngưỡng mộ vô tình của người xem đại chúng có phải là nguồn năng lượng nuôi dưỡng cho những ý đồ ẩn chứa đằng sau bức tranh không? Hầu hết mọi người, cả trong quá khứ và hiện tại, sẽ dễ dàng bỏ qua những ám thị này như là những tiểu tiết không đáng nói đến trong lịch sử. Có thể cho rằng bức tranh “Mùa xuân” sẽ không được trưng bày công khai trong thời đại Victoria nếu công chúng nhìn ra sự sa đọa mà nó biểu thị một cách ngấm ngầm. Điều này cho thấy khả năng đánh lừa của nghệ thuật trong việc kết hợp các biểu tượng điển hình của quá khứ. Công chúng nhìn nhận bức tranh theo một cách, nhưng những người am hiểu các nghi lễ huyền bí có thể vén mở được ý đồ ẩn chứa bên trong đó.
Sự tương phản của lịch sử
Sự kiện “Mùa xuân” của Alma Tadema hoàn toàn trái ngược với những miêu tả của các tác phẩm khác về mùa xuân vào thời điểm đó. Bà Lippincott đã xem xét bối cảnh lịch sử của bức tranh và nói rằng “có hai Ngày tháng Năm ở Anh vào những năm 1890: các lễ hội lịch sử của giới quý tộc được biểu tượng bằng ‘Mùa xuân’ và các cuộc biểu tình của công nhân Hyde Park.” Năm 1889, một phong trào lao động quốc tế đã chỉ định ngày đầu tiên của tháng 5 là “Ngày Quốc tế Lao động,” và những người công nhân biểu tình ôn hòa đã nhờ đến luật pháp nhằm cải cách giảm giờ làm việc trong nhà máy. Vào tháng 5 trong những năm sau đó các cuộc đình công lớn đã bùng nổ và lan rộng khắp châu Âu. Năm 1891, phong trào này đã phải đối mặt với sự kinh hoàng khi quân đội nổ súng vào những người biểu tình bất bạo động, đặc biệt là ở Ý và Pháp. Sự đàn áp này của chính phủ đã chứng tỏ rằng các cuộc biểu tình lớn đã gây ra một mối đe dọa cho chế độ đương thời. Tác phẩm nghệ thuật của Alma Tadema được giới quý tộc khen ngợi, có thể là một phần trong nỗ lực làm sống lại ngày đầu tháng 5 bằng cách lý tưởng hóa hình ảnh của đế chế La Mã trong khi ngầm tôn thờ các thế lực siêu nhiên và huyền bí.
Các họa sĩ khác trong thời kỳ này đã khắc họa tác phẩm của họ hoàn toàn trái ngược các lễ hội và cuộc biểu tình MayDay. Họa sĩ Walter Crane đã sử dụng mô típ Ngày Quốc tế lao động để ủng hộ sự nghiệp của người lao động bằng cách tạo ra các biểu ngữ và áp phích thể hiện lý tưởng của họ. “Sự khải hoàn của tổ chức công nhân” bản in nổi tiếng nhất của ông, có các yếu tố tương tự như bức tranh “Mùa Xuân,” chẳng hạn như đám rước, vòng hoa, người cầm cờ và người chơi trống lục lạc. Tác phẩm của Crane miêu tả công khai hình tượng nữ thần Tự do, và đoàn diễn hành gồm những cá nhân cầm biểu ngữ với các thông điệp như “Lao động là nguồn gốc của sự thịnh vượng” và “Bình đẳng, tự do, tình huynh đệ.” Theo Lippincott, “bởi vì những người lao động dũng cảm chống lại chủ nghĩa đế quốc một cách mạnh mẽ, cảm thấy rằng hàng hóa nhập khẩu rẻ tiền làm giảm giá trị của sức lao động, Crane đã thay thế hình ảnh La Mã cổ đại bằng cách ám chỉ đến vùng nông thôn truyền thống của Anh.”
Khi chủ nghĩa Đế quốc trở nên suy yếu vào thế kỷ 20, tác phẩm của Alma Tadema không còn được ưa chuộng. Bức họa thoạt nhìn có vẻ dễ chịu về mặt hình ảnh, nhưng “Mùa Xuân” lại lừa dối một cách tinh vi và mang ý đồ lịch sử trong đó. Bức tranh được tạo ra để phản ứng lại phong trào của công nhân lao động và thể hiện sự ủng hộ của Alma Tadema đối với lối sống quý tộc, hoàng gia. Đây không phải là lần duy nhất ông thể hiện những dị thường trong tác phẩm của mình. Bức tranh “Hoa hồng của Heliogabalus” có chủ đề đen tối không kém từ thời cổ đại, cũng như những ám chỉ kém tinh tế hơn về sự gian trá, lụn bại của giới quyền lực đối với tất cả các hành vi suy đồi và sát nhân.
Nghệ thuật, dưới mọi hình thức, là nguồn nuôi dưỡng nhận thức của chúng ta, và những gì chúng ta lựa chọn sẽ có tác động đến chính chúng ta. Khi những mặt đen tối của nền văn hóa được đưa ra ánh sáng, chúng ta cần xem xét lại nghệ thuật một lần nữa bằng góc nhìn thận trọng. Khi chúng ta xem phim, nghe nhạc hoặc thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, điều quan trọng phải nhận ra rằng các thế lực lừa đảo có thể ẩn nấp phía sau những điều dị thường, và điều đó sẽ chẳng mang lại chút tốt đẹp cho chúng ta. Ngài Lawrence Alma Tadema cảnh tỉnh chúng ta qua bức tranh “Mùa xuân” rằng điều này đã có trong những câu chuyện cổ xưa (không hề mới).
Jeff Perkin là một nghệ sĩ đồ họa và Huấn luyện viên Sức khỏe Dinh dưỡng Tích hợp tại WholySelf.com.
Bài viết này ban đầu được đăng trên Tạp chí Radiant Life.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times