Vườn Trung Hoa ở Thư viện Huntington
Một kiệt tác kiến trúc và khu vườn bách thảo đẹp nhất California
“Bước vào như thể trăm mối bận tâm liền tan biến. Cười khi dòng sông bao la đang mở ra.”
Đó là câu đối dọc được khắc trên cửa ra vào phòng trà ở khu Vườn Trung Hoa.
Lưu Phương Viên, hay còn được gọi là Khu vườn của hương thơm, là một khu vườn đẹp tuyệt vời rộng 15 mẫu Anh được thiết kế theo phong cách truyền thống của ký hưng viên thời nhà Minh (1368-1644) ở Tô Châu, Trung Quốc. Khu vườn đặc sắc này là kết quả của gần hai thập niên hợp tác quốc tế, những người thợ có tay nghề vững vàng và sự chú tâm toàn diện đến từng tiểu tiết. Nằm bao quanh hồ nước trung tâm tên Ánh Phương Hồ, khu vườn được thiết kế khéo léo để trông như một “tác phẩm nghệ thuật chuyển động” gồm các công trình kiến trúc, thực vật, cây cối, đá quý, các lối đi và những cây cầu thanh lịch.
Mỗi khu vực của khu vườn đều thể hiện các kiểu bày trí và mang đến trải nghiệm mới mẻ, làm kích thích tâm trí và mê hoặc các giác quan. Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ và cảm quan, các cảnh quan và kiến trúc nơi đây tràn ngập các thông điệp từ những tác phẩm thư pháp Trung Hoa, các loài thực vật phong phú, đá và các đặc điểm kiến trúc được kết hợp khéo léo chứa đựng nội hàm văn hóa thâm sâu. Điều đáng kinh ngạc là, Lưu Phương Viên chỉ là một trong tập hợp 16 khu vườn chủ đề mang nét đẹp phi thường tạo thành vườn bách thảo rộng 130 mẫu tại Thư viện và Vườn thực vật Huntington, Thành phố San Marino, tiểu bang California. Hàng ngàn loài thực vật, các phòng trưng bày nghệ thuật rộng lớn, những bộ sưu tầm sách có giá trị khiến cho Huntington trở thành bảo tàng sống và dinh thự lịch sử có-một-không-hai.
Hồi sinh một khu vườn thời nhà Minh
Các khu vườn Trung Hoa thường khéo léo tận dụng cảnh quan xung quanh bằng cách bố trí các góc nhìn rộng và tạo sự cân bằng giữa quang cảnh bên trong và bên ngoài vườn. Đúng theo nguyên tắc thiết kế cảnh quan Tô Châu, các khu vườn được thiết kế nhằm tôn trọng cảnh quan thiên nhiên. Được đặt giữa những cây sồi và cây thông trưởng thành gần Dãy núi San Marino, diện tích rộng lớn của dinh thự Huntington tạo nên một khu vực mà khiến quý vị tưởng rằng nó tách biệt khỏi Quận Los Angeles.
Một lưu vực tự nhiên nơi ban đầu lưu trữ nước mưa hình thành một cảnh quan chân thực tạo nên hồ nước rộng 1,5 mẫu ở giữa khu vườn. Ánh Phương Hồ là điểm trung tâm của các lối đi và công trình xung quanh. Du khách thanh thản đi dạo theo bờ hồ và phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh do các bậc thầy trong lĩnh vực thiết kế sân vườn chăm chút tỉ mỉ. Các nhà thiết kế đến từ Tô Châu, Trung Quốc đã lên ý tưởng cho khu vườn dựa trên các yếu tố cụ thể từ một số khu vườn cổ điển Trung Hoa trong quá khứ. Họ đã tạo ra một bản giao hưởng hài hòa của dầm gỗ, gạch lát, bậc thang bằng đá granite, đá Thái Hồ và các loại cây có hương thơm dọc theo các lối đi được thiết kế công phu và các gian nhà trong sân.
“Tất cả các cột và dầm trong cấu trúc đều được nối với nhau bằng kỹ thuật ghép gỗ đã được sử dụng trong kiến trúc của các khu vườn cách đây năm trăm năm. Việc khu vườn được xây dựng bởi các nghệ nhân Trung Hoa là điều tối quan trọng. Kỹ nghệ của họ đã được truyền thừa hàng trăm năm. Họ nhận thức được tất cả những chi tiết tinh tế trong việc xây dựng khu vườn theo kiểu truyền thống này,” kiến trúc sư người Mỹ Jim Frye nói. “Đội ngũ xây dựng gồm những người nói ba ngôn ngữ: tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Họ liên tục chuyển đổi các phép đo từ hệ đo lường Anh sang hệ mét rồi quay lại hệ đo lường Anh. Không có chỗ sai sót nào.”
90% những gì khách tham quan nhìn thấy trong kết cấu của khu vườn đều được chế tác tại các xưởng ở Tô Châu. Có thể kể đến những cây cầu được chạm khắc bằng tay từ đá granite, 850 tấn đá Thái Hồ nhập khẩu, các dầm nhà được chạm khắc, cửa sổ được trang trí công phu, mái ngói tinh xảo làm bằng đất sét nung, các tấm gỗ điêu khắc và hơn thế nữa. Phần lớn công việc được làm bằng tay theo phong cách Tô Châu nguyên bản. Tính nghệ thuật thẩm mỹ đẳng cấp và tính chân thực của khu vườn là minh chứng thực sự cho tất cả nỗ lực tận tâm của các kiến trúc sư để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật sống động. Trái ngọt của nhiều năm làm việc tận tụy là giờ đây du khách có thể biết đến và thật sự được đắm mình trong văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Đặc điểm của thiết kế vườn cổ điển Trung Hoa
Các khu vườn cổ điển Trung Hoa có lịch sử từ thế kỷ thứ 11. Nét đặc trưng của các khu vườn này là những món đồ gỗ, cửa sổ, mái ngói, đá và cửa ra vào được chạm khắc bằng tay. Vào thế kỷ 16, các thương nhân giàu có ở Tô Châu đã xây dựng những khu vườn lớn theo phong cách [cổ điển] này trong gia viên của họ. Thư viện Huntington là một ví dụ hiếm hoi thời hiện đại về những khu vườn này với bộ sưu tập lớn các tác phẩm nghệ thuật, sách và hệ thực vật.
Các tảng đá là một trong những điểm độc đáo của các khu vườn Trung Hoa cổ điển. Lưu Phương Viên được trang trí bằng hơn 800 tấn đá Thái Hồ, vốn là loại đá vôi được khai thác bằng phương pháp truyền thống ở vùng Tô Châu. Trải qua ngàn năm, các hòn đá này được hình thành nơi đại dương, tạo thành các hồ nước trước khi được đưa lên bề mặt. Chúng có ý nghĩa về mặt tâm linh và tinh thần bởi hình dạng khác thường và bề mặt lỗ gồ ghề tự nhiên. Hình dáng thanh tao và những lỗ có thể nhìn xuyên qua của đá là biểu tượng của tinh hoa tinh thần trong văn hóa Trung Hoa tiền hiện đại. Đá Thái Hồ biểu trưng cho quá trình biến đổi từ vẻ ngoài thô kệch trở nên mềm mại hơn. Vì thế, đá Thái Hồ độc đáo ở Lưu Phương Viên mang những cái tên đầy mơ mộng như Mây Thêu hoặc Vá Lên Bầu Trời hoặc Bổ Thiên.
Khu vực mới được mở rộng của Lưu Phương Viên có tên là Verdant Microcosm hoặc Thúy Linh Lung, vừa mới hoàn thành vào năm 2020. Thúy Linh Lung là nơi trưng bày bộ sưu tập hòn non bộ của Huntington. Hòn non bộ là nghệ thuật sắp đặt, thu nhỏ các “phong cảnh” hoặc “cảnh quan” vào một cái “khay,” chúng như là các cây Bonzai của người Trung Quốc. Tinh túy của nghệ thuật hòn non bộ là trồng các cây nhỏ trong hàng chục năm khiến nó trở thành phiên bản thu nhỏ của một cái cây kỳ vĩ hoặc phong cảnh ngoài tự nhiên. Hòn non bộ thường được trưng bày trước các bức tường lớn màu trắng sao cho du khách luôn có thể nhìn thấy bóng cây phản chiếu trên tường. Bức tường trắng như là một tờ giấy và hòn non bộ là một tác phẩm nghệ thuật được vẽ lên đó.
Thực vật trong các khu vườn cổ điển Trung Hoa được tuyển chọn dựa trên ý nghĩa văn hóa. Tre tượng trưng cho sự kiên cường bền bỉ, hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết, và hoa mận (nở vào mùa đông) tượng trưng cho sự bền bỉ vượt qua bao gian khó. Thế giới nợ một lời tri ân sâu sắc đối với nghề làm vườn của Trung Hoa cổ đại vì hầu hết các loài thực vật mà chúng ta biết đến và xem như một lẽ đương nhiên ngày nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giám đốc vườn bách thảo Huntington, ông Jim Folsom đã nêu rõ,
“Các loài cây được trồng phổ biến trong các khu vườn Bắc Mĩ, hoặc ít nhất là các loài cây thường được trồng trong [bất kỳ] khu vườn nào, không phải bắt nguồn từ Bắc Mĩ, càng không phải có nguồn gốc từ Âu Châu. Nguồn gốc thật sự của chúng là từ Á Châu. Vậy nên quý vị hãy nhìn vào cây hoa trà, cây tử đằng, cây liên kiều, tử đinh hương, những cây này đã được trồng từ ngàn năm trước bởi những thợ làm vườn Trung Hoa trước khi người Tây phương biết về sự tồn tại của chúng. Nếu quý vị đến Trung Quốc và ghé thăm những khu vườn, sẽ có rất nhiều loại [cây], rất nhiều hệ thực vật mà quý vị bắt gặp, và cảm thấy thoải mái, dễ chịu với chúng. Không chừng quý vị sẽ nhìn quanh, và tự hỏi, họ (những người Trung Quốc) đang làm gì với các loài thực vật của chúng ta thế nhỉ? Vâng, sự thật là, chúng ta đang làm gì với các loài thực vật của họ đấy?”
Ngôn từ và những áng văn đẹp đẽ cũng có mặt trong các khu vườn cổ điển Trung Hoa dưới hình thức thư pháp, câu đối và nghệ thuật viết chữ Hán. Mỗi một công trình, khoảng sân, gian nhà, hệ thống thủy văn đều được đặt tên theo các ký tự chữ Hán. Các tác phẩm văn học chứa đựng nội hàm văn hóa cổ đại được treo khắp khu vườn. Theo ý nghĩa này, Lưu Phương Viên đúng là một “ký hưng viên” theo truyền thống có nguồn gốc từ Tô Châu. Đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và những suy nghĩ cao thượng. Trong khung cảnh như vậy, năng lực sáng tạo của con người dường như hòa hợp với sức mạnh sáng tạo của thiên nhiên. Nguồn năng lượng hợp nhất của Hiện hữu và Hiện diện như có thể chạm đến được. Đi dạo qua công trình nghệ thuật sống động này, mỗi du khách có cơ hội chiêm ngưỡng bộ sưu tập với những hiểu biết sâu sắc và đầy ý nghĩa. Mặc dù trông như các thế giới riêng biệt, bản giao hưởng thanh bình của khu vườn có khả năng tạo ra tác động lớn hơn vì sự gần gũi của chúng với một trong những thành phố lớn nhất thế giới.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times