Khải Hoàn Môn, công trình điêu khắc vĩ đại của chủ nghĩa ái quốc
Năm 1805, Hoàng đế Napoleon Bonaparte đã hứa xây dựng “Khải hoàn môn” để vinh danh đội quân của ông sau chiến thắng lẫy lừng của trận Tam Hoàng (trận Austerlitz).
Cổng vòm đầu tiên mà Hoàng đế Napoleon xây dựng chính là Khải Hoàn Môn ở Paris, công trình được khởi công vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 37 của ông,15/8/1806.
Là một người rất ngưỡng mộ nghệ thuật cổ đại, Hoàng đế Napoleon ra lệnh cho kiến trúc sư Jean-François-Thérèse Chalgrin lấy cảm hứng từ các công trình cổ đại. Kiến trúc sư Chalgrin đã tìm đến công trình Cổng vòm Titus (được xây dựng năm 81 sau Công Nguyên) ở Rome để lên ý tưởng thiết kế, mặc dù thiết kế của Khải Hoàn Môn không có các cột trụ.
Với chiều cao 50m, công trình cổng vòm tân cổ điển khắc họa các trận chiến nổi tiếng và cuộc sống của triều đại thời ấy, điểm khác biệt so với các cổng vòm truyền thống cổ điển là nó chỉ mô tả những chiến thắng quân sự.
Gần đỉnh là một bức phù bao quanh cổng vòm: Vách phía đông đối diện với đại lộ Champs-Elysees, vào thời của hoàng đế Bonaparte, nó đối diện với cung điện Tuileries của hoàng gia. (Cung điện đã bị phá hủy vào năm 1871 trong Công xã Paris). Bức phù điêu phía đông khắc họa hình ảnh quân đội Pháp xuất quân trong một trận chiến mới, và ở phía tây là cảnh đoàn quân trở về.
Dưới chân của bốn cột trụ là các bức điêu khắc, mỗi mặt của công trình đều được khắc họa các khung cảnh lịch sử. Nổi tiếng nhất là tác phẩm “Xuất quân của các chiến sĩ tình nguyện năm 1792” của nhà điêu khắc François Rude, thường được biết đến với cái tên “Xuất Quân” (“La Marseillaise”), cũng là tên của quốc ca Pháp.
Tác phẩm “Xuất quân” (“La Marseillaise”) tượng trưng cho sự ra đi của 200,000 người lính Pháp trong việc bảo vệ nền cộng hòa. Các chiến sĩ tình nguyện, và những người dân thường được miêu tả trong bức phù điêu đang ở trần hay mặc trang phục truyền thống, thanh niên trai tráng hay cao niên, sẵn sàng chiến đấu vì đất nước. Phía trên là hình ảnh Nữ Thần Tự Do với đôi cánh thiên thần, nàng đang thúc giục những người đàn ông lên đường chiến đấu.
Tác phẩm “Chiến thắng của Napoleon” của Jean-Pierre Cortot kỷ niệm Hiệp ước hòa bình Vienna năm 1810. Trong tác phẩm điêu khắc này, hoàng đế Napoleon khoác áo choàng và đứng giữa một cách kiêu hãnh, Nữ thần Chiến thắng Victoria đội vương miện nguyệt quế trên đầu; tay cầm nhành cọ. Phía trên cùng là Nữ Thần Danh Vọng (Genius of Fame), vị thần này thổi kèn báo tin chiến thắng của hoàng đế, mô típ này không có trong thời cổ đại nhưng khá phổ biến trong thời kỳ Phục hưng. Nữ Thần Danh Vọng tay cầm chiếc gậy với phần đầu được trang trí bằng một con đại bàng của hoàng gia, thứ mà đội quân của hoàng đế Napoleon có thể mang theo cùng các trận chiến.
Vòng tròn điêu khắc kết thúc tại mặt tiền phía tây với các tác phẩm của Antoine Etex có tên “Kháng chiến 1814” và “Hòa bình 1815”.
Sự sụp đổ của Đệ nhất đế chế khiến việc thi công Khải Hoàn Môn bị đình lại. Tới năm 1825, công trình mới được tiếp tục và năm 1836 được vua Louis-Philippe khánh thành, nhà vua đã dành riêng cổng vòm để vinh danh đội quân bảo vệ nền Cộng Hòa và Đế Chế.
Lorraine Ferrier
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: