Bảo vật Tân cổ điển: Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland ở New Zealand
Ngày 25 tháng 4 năm 1915, Quân đoàn Úc và New Zealand (ANZAC) đã đổ bộ lên bán đảo Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ của họ là đánh chiếm Dardanelles, một eo biển ở phía tây bắc của đất nước, từ những người Ottoman là đồng minh của Đức.
Trong hơn tám tháng, binh lính của cả hai bên đã phải chịu nhiều tổn thất: 87,000 người Ottoman Turk {những người Ottoman nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ} và 44,000 lực lượng Đồng minh, bao gồm 8,500 người Úc và 2,779 người New Zealand, đã thiệt mạng. Một trong sáu người New Zealand được cử đến chiến đấu ở Gallipoli đã tử vong trong trận chiến.
Ngày nay, 25/4 là Ngày ANZAC, ngày người dân Úc và New Zealand tụ họp và tổ chức lễ tưởng niệm những người đồng hương đã hy sinh để bảo vệ hòa bình cho thế hệ tương lai. Ở New Zealand, một trong những cách để tôn vinh những anh hùng trong chiến tranh là mọi người cùng tham dự nghi lễ lúc bình minh, thời điểm quân ANZAC đổ bộ vào Gallipoli. Các buổi lễ trên khắp đất nước cũng được tổ chức theo nghi thức lễ tang quân đội truyền thống. Ở trung tâm Auckland, mọi người tụ tập bên ngoài Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland (Auckland War Memorial Museum) trên khu đất thánh hiến của Tòa Án Danh Dự (Court of Honor), giống như một nghĩa trang dành cho tất cả những người đã ngã xuống, và Cenotaph, là một ngôi mộ trống.
Ban đầu, Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland được thành lập vào năm 1929 để tôn vinh những người đã hy sinh trong Thế Chiến Thứ Nhất, nhưng giờ đây nó là một đài tưởng niệm cho tất cả những người New Zealand đã mất mạng trong các cuộc xung đột.
Đài tưởng niệm nhân dân
Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland được xây dựng cho người dân bởi chính người dân. Quỹ xây dựng do những người Auckland quyên góp sau Thế Chiến Thứ Nhất để tưởng nhớ những người đã khuất.
Năm 1922, Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh tổ chức một cuộc thi thiết kế tòa nhà; và hãng Grierson, Aimer, and Draffin của Auckland đã giành chiến thắng. Bản thiết kế đoạt giải theo phong cách tân cổ điển, mang âm hưởng của một ngôi đền Hy Lạp hoặc La Mã. Hàng cột hiên của tòa nhà gần như là một bản sao của đền Parthenon ở Hy Lạp.
Tòa nhà gốc đã được mở rộng thêm hai lần, lần đầu tiên vào những năm 1950 và lần gần đây hơn cách đây hơn hai thập kỷ.
Các chi tiết thiết kế gợi lên sự cảm phục với lòng dũng cảm yêu nước. Trên mặt tiền của tòa nhà gốc, một bức phù điêu thể hiện các cảnh tượng trong Thế Chiến Thứ Nhất. Trên mỗi ô cửa sổ là hình điêu khắc những trận chiến mà người New Zealand đã từng tham chiến.
Phía trên các đầu cột của mặt tiền phía bắc có khắc một đoạn trích đầy ý nghĩa trong bài văn tế của chính khách Hy Lạp cổ đại Pericles, là một phần của lễ tang công cộng hàng năm dành cho những người đã hy sinh trong Chiến tranh Peloponnisos. Đoạn trích như sau:
“Toàn bộ trái đất là nơi chôn cất những người lừng danh. Họ không chỉ được tưởng nhớ qua những hàng cột uy nghiêm và những dòng chữ khắc trên bia mộ nơi tổ quốc thân yêu. Mà cả ở những vùng đất xa xôi cũng tưởng nhớ đến họ không phải trên bia đá mà là trên trái tim của con người”.
Epoch Times Staff
Phương Du biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: